Về khái niệm quyền con người là phạm trù rộng, có nhiều định nghĩa khác nhau và gắn liền với các yếu tố lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, nội hàm của khái niệm này ở các quốc gia khác nhau không khác nhau, cốt lõi của nó vẫn là: nhân quyền là các quyền mà mỗi con người đều có đơn giản là vì họ là con người. Nhân quyền là của mọi người và bình đẳng cho mọi người. Nhân quyền cũng là những quyền bất khả xâm phạm. Các quyền này có thể bị trì hoãn - một cách chính đáng hay sai trái, ở nhiều nơi nhiều lúc - song ý tưởng
về các quyền cố hữu không thể bị phủ nhận. Nếu mất đi những quyền này, con người sẽ không còn là con người nữa. Theo tài liệu Hỏi Đáp về Nhân quyền của Liên hợp quốc (United Nations: Human rights: Questions and Answers) thì có đến gần 50 định nghĩa về quyền con người được công bố. Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc, quyền con người là
những bảo đảm pháp lý phổ quát (universal legal guarantees) có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động (actions) hoặc sự bỏ mặc (omissions) mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép (entitlements) và tự do cơ bản (fundamental freedoms) của con người [9].
Trong thực tế ở Việt Nam, bên cạnh thuật ngữ “quyền con người”, có một thuật ngữ khác cũng được sử dụng, đó là “nhân quyền”. Cả hai thuật ngữ này đều bắt nguồn từ thuật ngữ human rights. Từ human rights trong tiếng Anh có thể được dịch là quyền con người (thuần Việt) hoặc nhân quyền (Hán- Việt). Theo Đại Từ điển Tiếng Việt, “nhân quyền” chính là “quyền con người” [36, tr.1239]. Như vậy, xét về mặt ngôn ngữ học, quyền con người và
nhân quyền là hai từ đồng nghĩa, do đó, hoàn toàn có thể sử dụng cả hai từ này trong nghiên cứu, giảng dạy và hoạt động thực tiễn về nhân quyền [9].
Ở Việt Nam chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào đưa ra định nghĩa về quyền con người. Tuy nhiên, nội hàm của khái niệm quyền con người đã được thể hiện trong nhiều văn bản qua các thời kỳ lịch sử. Chẳng hạn, Nghị quyết về giành chính quyền được thông qua tại Đại hội Đại biểu Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập khai mạc tại đình làng Tân Trào ngày 16/8/1945 đã tuyên bố:
Ban bố những quyền của dân cho dân: a) Nhân quyền,
b) Tài sản (quyền sở hữu),
(tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền (Quốc hội Việt Nam với việc bảo đảm quyền con người, sđd, tr.99).
Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001) quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật” [25, Điều 50] thì Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi, bổ sung:
Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng [28, Điều 14].
Trên phương diện nghiên cứu khoa học pháp lý, theo Giáo trình Lý luận và pháp luật về Quyền con người của Khoa Luật Đại Học Quốc gia Hà Nội, NXB. Chính trị Quốc gia Hà Nội, 1999, thì quyền con người là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế.
Quy định về quyền con người có thể khác nhau qua các thời kỳ lịch sử do tác động của các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội, nhưng khái niệm quyền con người vẫn được hiểu thống nhất với các đặc trưng cơ bản sau đây:
Tính phổ biến: Thể hiện ở chỗ quyền con người là những gì bẩm sinh, vốn có của con người và được áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi thành viên trong gia đình nhân loại, không có sự phân biệt đối xử vì bất cứ lý do
gì. Tuy nhiên, cần chú ý là sự bình đẳng không có nghĩa là cào bằng mức độ hưởng thụ, mà là bình đẳng về tư cách chủ thể và cơ hội thụ hưởng các quyền con người.
Tính không thể chuyển nhượng: Thể hiện ở chỗ các quyền con người không thể bị tước bỏ hay hạn chế một cách tùy tiện bởi bất cứ chủ thể nào, kể cả bởi nhà nước. Mọi giới hạn, hạn chế hay tước bỏ quyền của một cá nhân đều phải do pháp luật quy định và chỉ nhằm để bảo vệ lợi ích chính đáng, tương xứng của cộng đồng hay của cá nhân khác.
Tính không thể phân chia: Thể hiện ở chỗ các quyền con người đều có tầm quan trọng như nhau, về nguyên tắc không có quyền nào được coi là có giá trị cao hơn quyền nào, bởi lẽ việc tước bỏ hay hạn chế bất kỳ quyền nào đều tác động tiêu cực đến nhân phẩm, giá trị và sự phát triển của con người. Có thể ưu tiên thực hiện một số quyền con người nhất định (ví dụ, khi có dịch bệnh đe dọa, quyền được ưu tiên thực hiện là quyền được chăm sóc y tế, hoặc cần có những quyền đặc biệt cho do phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số... do đây là những nhóm yếu thế). Điều này không có nghĩa là bởi các quyền được ưu tiên thực hiện có giá trị cao hơn, mà bởi vì các quyền đó trong thực tế có nguy cơ bị đe dọa hoặc bị vi phạm nhiều hơn so với các quyền khác.
Tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau: Thể hiện ở chỗ việc bảo đảm các quyền con người, toàn bộ hoặc một phần, nằm trong mối liên hệ phụ thuộc và tác động lẫn nhau. Sự vi phạm một quyền sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm các quyền khác, và ngược lại, tiến bộ trong việc bảo đảm một quyền sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tác động tích cực đến việc bảo đảm các quyền khác.
Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (UDHR) đã được Liên hiệp quốc thông qua vào năm 1948, nêu rõ: “Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và
bình đẳng về phẩm giá và các quyền. Họ… cần đối xử với nhau trong tình bác ái” (Điều 1). Quy định này đã đề cập đến các trụ cột chính của hệ thống quyền con người, ví dụ: tự do, bình đẳng và đoàn kết. Tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo cũng như tự do quan điểm và tự do biểu đạt đều được quyền con người bảo vệ. Tương tự như vậy, quyền con người cũng bảo đảm sự bình đẳng, chẳng hạn như bảo vệ quyền bình đẳng chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử trong hưởng thụ tất cả các quyền con người, bao gồm quyền bình đẳng đầy đủ giữa nam và nữ. Sự đoàn kết thể hiện trong các quyền kinh tế và xã hội, như quyền được hưởng an ninh xã hội, được trả công, và có một mức sống đủ, quyền về sức khoẻ và tiếp cận giáo dục là một phần không thể thiếu trong khuôn khổ quyền con người.
Như vậy, quyền con người là những quyền bẩm sinh, vốn có của mỗi con người, chúng cần thiết phải được đảm bảo và thực hiện một các đầy đủ đối với tất cả mọi người. Các Mác cho rằng: “nhà nước chỉ tuyên bố nhân quyền để thừa nhận, chứ không sáng tạo ra nó”.