Trước tiên cần phải nhắc lại rằng khó có thể tách bạch được người song tính với người đồng tính. Chính vì vậy khó có thể đánh giá riêng người đồng tính với người song tính. Trong xã hội ít người có thể phân biệt được người đồng tính và người song tính nếu người đó không công khai, bởi lẽ nếu người song tính thiên về đồng tính thì sẽ bị coi là người đồng tính, nếu thiên về dị tính sẽ bị coi là người dị tính. Vì vậy, ở đây tác giả xin đề cập đến “phần đồng tính” của những người song tính.
Hiện nay chưa có cuộc điều tra nào về số lượng người đồng tính ở Việt Nam. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu khác nhau nhưng cho kết quả với
các tỷ lệ khác nhau từ 1% đến 9% người ở độ tuổi sinh hoạt tình dục tự nhận mình là người đồng tính và song tính. Điều tra quốc gia về phát triển gia đình ở Hoa Kỳ năm 2002 cho kết quả 4,1% nam giới và 4,1 % nữ giới tự nhận mình là đồng tính và song tính. Ở Canada, theo kết quả điều tra tháng 6 năm 2012, thì có 5% dân số tự nhận mình là người đồng tính, song tính và chuyển giới. Điều tra quốc gia ở Pháp năm 1991 cho kết quả 10,7% nam giới và 3,3 % phụ nữ có hành vi tình dục đồng giới và 8,5% nam với và 11,7% phụ nữ thừa nhận có hấp dẫn tình dục đồng giới nhưng không có hành vi quan hệ tình dục đồng giới. Tại Việt Nam chưa có con số xác định cụ thể, nếu lấy tỷ lệ trung bình “an toàn” mà nhiều nhà khoa học thừa nhận là 3% thì số người đồng tính tạm tính ở Việt Nam vào khoảng 2,66 triệu người (tính theo dân số Việt Nam năm 2012 có 88,78 triệu người) [30].
Hiện nay ở nước ta vấn đề người đồng tính, song tính và chuyển giới đang là một chủ đề nhạy cảm, mới nổi lên và thu hút sự chú ý của dư luận. Trước đấy, do nhiều nguyên nhân khác nhau từ tình hình chính trị, chế độ xã hội hay những quan điểm, quan niệm khắt khe về chế độ, chuẩn mực... mà các vấn đề về quyền cá nhân bị lu mờ trước những vấn đề của xã hội. Những năm gần đây trong xu thế hội nhập quốc tế các vấn đề về quyền cá nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn trong đó có việc công khai thiên hướng tính dục và sống theo thiên hướng tính dục của mình. Hiện nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet, nhiều website dành riêng cho cộng đồng người LGBT được thành lập. Đó là diễn đàn để họ tâm sự, chia sẻ, trao đổi thông tin và cất lên tiếng nói bảo vệ mình. Bên cạnh đó, các tổ chức ủng hộ người LGBT cũng ra đời và phát triển mạnh mẽ với việc tổ chức các phong trào nhằm tuyên truyền, kêu gọi sự ủng hộ của xã hội đối với người LGBT. Từ đó dễ hiểu vì sao số lượng người công khai thiên hướng tính dục của mình ngày càng tăng.
Hiện nay việc công khai thiên hướng tính dục của người LGBT vẫn còn gặp phải rất nhiều những khó khăn, do đó số lượng người công khai thiên hướng tính dục của mình trong xã hội còn ít. Theo kết quả điều tra của ISEE năm 2009 với người đồng tính nam, chỉ có 2,5% số người được hỏi là công khai hoàn toàn về thiên hướng tính dục của mình và 5% gần như là công khai. Trong khi đó 32,5% đang hoàn toàn bí mật về thiên hướng tính dục của mình và 35% gần như hoàn toàn bí mật. Số 25% còn lại “lúc thì bí mật lúc thì công khai” tùy thuộc vào môi trường. Theo kết quả điều tra, việc giữ bí mật thiên hướng tính dục chủ yếu do sợ bị xã hội kỳ thị (41%), sợ gia đình không chấp nhận (39%), sợ bị trêu chọc, bắt nạt (29%) hoặc mất việc (10). Bên cạnh đó cũng có 23% số người được hỏi cho rằng họ không công khai thiên hướng tính dục đơn giản vì cho rằng không cần thiết phải công khai. Đặc biệt khi được hỏi trong điều kiện nào họ có thể sống thật với thiên hướng tính dục của mình thì, 44% đồng tính nam cho rằng khi xã hội bớt kỳ thị, 44% nói khi cha mẹ thực sự hiểu và chia sẻ về thiên hướng tính dục của con cái và 44% khẳng định khi họ độc lập về kinh tế và tự lo cho cuộc sống của mình. Điều đặc biệt việc tìm một người bạn đời để gắn bó, chia sẻ và cam kết lâu dài là điều kiện cao nhất để người đồng tính, song tính sống thật (50%). Kết quả điều tra cho thấy cần phải giảm định kiến kỳ thị trong xã hội và nâng cao nhận thức của cha mẹ về thiên hướng tính dục. Hơn nữa, việc thừa nhận quan hệ đồng giới để người đồng tính gắn bó với người mình yêu, nghiêm túc trong quan hệ lâu dài là điều quan trọng cần thực hiện.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy thực trạng của người đồng tính tại Việt Nam hiện nay còn là vấn đề khó khăn trong việc bảo vệ quyền của người đồng tính, cụ thể như sau [33]:
Định kiến và kỳ thị xã hội
Ở Việt Nam nước ta quan hệ đồng giới không bị tội phạm hóa như nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc kỳ thị người đồng giới còn phổ biến đặc biệt
là qua lời nói. Theo nghiên cứu của iSEE thì 95% người đồng tính nam được hỏi, đã từng nghe người khác nói đồng tính là không bình thường. Bên cạnh đó, khi bị phát hiện là người đồng tính 20% mất bạn, 15% bị gia đình chửi mắng, đánh đập. Nghiêm trọng hơn 4,5% đã từng bị tấn công, 1,5% nói bị đuổi học, 4,1% đã từng bị đuổi ra khỏi chỗ ở và 6,5% bị mất việc vì là người đồng tính. Có lẽ có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là hiểu biết về thiên hướng tính dục đồng tính ở Việt Nam còn hạn chế, thậm chí là sai lệch. Theo kết quả nghiêm cứu của ISEE năm 2011 về hiểu biết của xã hội về đồng tính ở Hà Nội, Hà Nam, thành phố Hồ Chí Minh và An Giang thì một phần lớn người dân đang có kiến thức sai về đồng tính hoặc có thái độ tiêu cực về đồng tính, cụ thể như bảng dưới đây:
Bảng 2.3: Quan điểm của xã hội về đồng tính
STT Quan điểm về đồng tính Đồng ý (%)
1. Đồng tính có thể chữa được 48 2. Đồng tính là trào lưu xã hội 57 3. Người đồng tính không thể sinh con 62 4. Thất vọng nếu con là đồng tính 77 5. Ngăn cản con chơi với người đồng tính 58
(Nguồn: http://isee.org.vn)
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh vào năm 1990. Đã không phải là bệnh thì không phải chữa và không thể chữa. Thiên hướng tính dục là tự nhiên, không thể học đòi hoặc thay đổi nên một người là dị tính thì không thể học đòi là người đồng tính và ngược lại. Người đồng tính hoàn toàn là nam giới hoặc nữ giới như những người dị tính, khác biệt duy nhất là thiên hướng tính dục của họ- thay vì yêu người khác giới thì họ yêu người cùng giới. Chính vì, vậy khả năng sinh con của họ là hoàn toàn bình thường như những người dị tính.
Theo kết quả khảo sát của Viện chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế), “Nghiên cứu về quan hệ cùng giới ở Việt Nam”. Nghiên cứu thực hiện trong năm 2012 với sự tham gia của gần 2.500 người đồng giới. Có 63% cho biết họ đã từng bị kỳ thị bởi một trong các hình thức: chửi mắng, đánh đập bởi gia đình và người ngoài; bị dè bỉu. Ước tính có khoảng 1,6 triệu người đồng giới tại Việt Nam. Nghiên cứu cũng cho biết, 61% người đồng tính trong độ tuổi kết hôn mong muốn có con. Tuy nhiên, việc này đang bị cản trở do định kiến của xã hội, pháp luật chưa thừa nhận kết hôn đồng giới, không hỗ trợ các cặp đồng tính sinh con và nhận nuôi con nuôi. Quy định về thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo cho phép được xin tinh trùng, xin noãn (trứng), xin phôi mở ra cơ hội cho người đồng giới được sinh con. Tuy nhiên, con của họ về tương lai sẽ khó được bình đẳng vì bố mẹ chưa được kết hôn đồng giới [39]. Đồng thời sự kỳ thị của xã hội sẽ làm cho những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi những người đồng giới phải gánh chịu những thiệt thòi.
Từ đó cho thấy cần phải có nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức của xã hội về cộng đồng người LGBT, làm giảm định kiến và kỳ thị tiến tới bảo vệ quyền bình đằng cho cộng đồng người LGBT.
Bạo lực gia đình và sức khỏe tinh thần
Theo nghiên cứu của iSEE và trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP), vấn đề bạo lực gia đình với người đồng tính là khá phổ biến. Khi phát hiện con là đồng tính cha mẹ thường sốc, thậm chí là hoảng loạn. Vì không có kiến thức về đồng tính và thậm chí kỳ thị, cho rằng đó là một căn bệnh, một trào lưu đua đòi hoặc lo lắng con mình không có tương lai nên cha mẹ thường có những hành vi không kiểm soát dẫn đến đánh đập, xích, nhốt, sử dụng các biện pháp chữa trị hoặc cấm đoán khác. Nhiều bậc cha mẹ đưa con đi tư vấn tâm lý hoặc thậm chí "chữa trị" vì nghĩ con có vấn đề về tâm thần. Ở nước ta không thiếu những trường hợp cha mẹ thuê thầy cúng hoặc
các biện pháp khác nhằm ngăn cách con cái với xã hội, với người đồng tính nhằm chữa trị “bệnh đồng tính” cho con cái họ.
Những hành vi đó đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về tâm lý cho những người đồng tính, đặc biệt là đối với trẻ em, như trầm cảm, lo sợ thậm chí là có ý định tự tử hoặc hành vi tự tử. Bên cạnh đó, nhiều em bỏ nhà đi lang thang vì không khí gia đình ngột ngạt hoặc do cha mẹ không chấp nhận, bị rơi vào môi trường đường phố, công viên với nhiều cạm bẫy như sử dụng chất gây nghiệm, mại dâm, trộm cắp, nguy cơ nhiễm HIV và bệnh lây qua đường tình dục.
Che dấu, tạo bình phong và hậu quả xã hội
Nhiều người đồng tính chia cuộc sống của mình thành hai thế giới riêng biệt, với cộng đồng của mình họ sống thật, có người yêu hoặc bạn tình cùng giới. Với gia đình, đồng nghiệp và bạn bè họ lại hoàn toàn bí mật, sống với vỏ bọc của một người dị tính. Trong nghiên cứu: "Câu chuyện của bốn mươi người nữ yêu nữ" của iSEE năm 2010 thì một trong những chiến lược phổ biến được sử dụng bởi người đồng tính nữ, đặc biệt khi bị nghi ngờ hoặc ép lấy chồng và yêu một người nam giới. Nhiều người đồng tính đã và muốn lập gia đình với người khác giới để thoát khỏi những sức ép và tạo vỏ bọc dị tính cho mình. Theo kết quả nghiên cứu về nam đồng tính, 19% người được hỏi dự định lập gia đình với người khác giới, 40% không muốn và 41% chưa có ý định rõ ràng. Lý do muốn lập gia đình là người đồng tính muốn có con (66%), vì sức ép gia đình (50%), vì muốn có ai đó để nương tựa (44%) và vì áp lực của xã hội (40%). Nhiều người trong số họ sau khi lập gia đình vẫn duy trì mối quan hệ đồng tính ở nhiều mức độ khác nhau như người yêu, bạn tình hoặc bạn bè. Điều này gây ra nhiều sức ép về tâm lý, lo lắng và có thể dẫn đến những đổ vỡ gia đình khi bị phát hiện. Bên cạnh đó, còn gây ra những tổn thương cho những người mà họ chọn để kết hôn hoặc thậm chí là những đứa con của họ trong cuộc hôn nhân đó.
Tương lai quan hệ bất định của người đồng tính
Sức ép từ gia đình, định kiến xã hội và sự cấm đoán kết hôn của pháp luật hiện tại làm cho nhiều người trong cộng đồng người đồng tính không dám tin vào quan hệ lâu dài do không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, hiện nay cùng với sự phát triển của xã hội cộng đồng người đồng tính sống công khai, có quan hệ tình cảm với nhau ngày càng tăng. Theo kết quả nghiên cứu đồng tính nữ năm 2012 của iSEE thì tại thời điểm hỏi đang có 62% đang có người yêu là nữ và 87% đang hoặc đã từng có người yêu. Khi các cặp đôi đồng tính sống chung có nhiều vấn đề nảy sinh trong cuộc sống của như sở hữu tài sản, đầu tư chung hoặc sinh con và nuôi con nên nhu cầu mong được pháp luật bảo vệ ngày càng tăng. Chính vì vậy, ngày càng nhiều người đồng tính có nhu cầu sống chung và muốn được pháp luật bảo vệ.
Theo kết quả của "Nghiên cứu mối quan hệ đồng giới" năm 2013 nói trên của iSEE thì người đồng tính ở lứa tuổi kết hôn trung bình hiện nay, phần lớn số người được hỏi xác định lý do, mục tiêu của cuộc sống chung rất cụ thể. 87% người được khảo sát cho rằng sống chung để hỗ trợ lẫn nhau về tình cảm, tạo cảm giác cuộc sống an toàn, thể hiện tình yêu và sự cam kết chung thủy với nhau trong cuộc sống. Những người quyết định sống chung đều có quan niệm rất rõ ràng về sự gắn bó lâu dài và thể hiện mong muốn gìn giữ mối quan hệ này. Việc đi đến cuộc sống chung của mỗi cặp đôi đều không phải là một quyết định chóng vánh mà dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng. Giống như các cặp đôi dị tính, người đồng tính (và cả người song tính, chuyển giới) bắt đầu cuộc sống chung với cam kết chung thủy, hỗ trợ lẫn nhau và ước vọng hạnh phúc lâu dài. Họ duy trì cuộc sống chung bằng cách chia sẻ gánh nặng kinh tế trách nhiệm với gia đình hai bên và điều chỉnh bản thân để đạt được sự hòa hợp. Những người trong cộng đồng người LGBT trong nghiên cứu đều cho rằng sống chung là chia sẻ, nhường nhịn và tự thay đổi để bản thân hòa
hợp với cuộc sống chung. Đặc biệt khi họ nhận thấy rằng mối quan hệ đồng giới khó tìm và khó bền vững. Cuộc sống chung của những người đồng giới hiện nay đang tồn tại và phổ biến trong tất cả các nhóm đồng tính. Hầu hết họ tự sắp xếp cuộc sống chung về tài chính, nhà cửa, sinh hoạt hàng ngày... Tuy nhiên, khi sống chung, người đồng tính vẫn phải trải nghiệm nhiều khó khăn trong cuộc sống chung và tình yêu.
Trong cuộc điều tra về đồng tính nữ của iSEE năm 2012 có 92% người được hỏi (mẫu nghiên cứu trên 2.401 người) muốn pháp luật cho phép kết hôn đồng giới. Trong điều tra tương tự năm 2012 do trung tâm ICS thực hiện với hơn hai nghìn người đồng tính nam và đồng tính nữ tham gia thì 71% mong muốn được pháp luật cho phép kết hôn cùng giới, 25% muốn được sống chung có đăng ký và 4% muốn được sống chung không đăng ký. Trong nghiên cứu đồng tính nữ, nếu pháp luật cho phép, 77% cho rằng họ muốn kết hôn, 3% không muốn, 16% cho rằng kết hôn hay không không quan trọng và số còn lại không rõ mong muốn của mình. Về nhu cầu sinh con, 70% người đồng tính nữ muốn có con, 13% không muốn và 17 % không rõ.
Như vậy, người đồng tính ở Việt Nam rất đa dạng như một xã hội thu nhỏ. Họ đang công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, họ cũng là con em, họ hàng, bạn bè hay đồng nghiệp. Điều khác biệt duy nhất là thiên hướng tính dục đồng giới, thay vì yêu người khác giới người đồng tính yêu người cùng giới. Tuy nhiên, do còn nhiều định kiến và kỳ thị nên người đồng tính đang gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, quyền con người của họ còn bị vi phạm. Do chưa được pháp luật cho phép nên quan hệ đồng giới còn nhiều khó khăn và trên thực tế đang có nhiều hậu quả pháp lý cần phải giải quyết.