7. Cấu trúc của luận văn
3.2.2. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật
Trong truyện ngắn của mình, Trần Thuỳ Mai luôn dành một sự quan tâm đặc biệt cho những người phụ nữ. Khảo sát tác phẩm của nhà văn, chúng tôi nhận ra nhân vật nữ chiếm số lượng rất lớn và trở thành hình tượng trung tâm, xuyên suốt trong hầu khắp các truyện ngắn của chị. Nhân vật nữ của Trần Thuỳ Mai rất đa dạng, nếu xét về nghề nghiệp thì có đầy đủ các thành phần: từ người lao động bình thường đến người nghệ sĩ, từ người trí thức đến gái bán hoa; nếu xét về độ tuổi thì có tuổi trẻ, có trung niên và cả tuổi xế bóng; nếu xét về địa lí thì có cả người miền xuôi lẫn người miền ngược, người trong nước đến người nước ngoài. Những người phụ nữ trong truyện của Thuỳ Mai luôn gắn với tình yêu, sống chân thật với bản ngã của mình, chấp nhận trả giá cho những gì mình lựa chọn. Mỗi tác phẩm là một số phận, là một tình huống, một cảnh đời không hề lặp lại, thể hiện cảm nhận sâu sắc về con người và cuộc đời của nhà văn.
Người phụ nữ trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai không chỉ có ngoại hình đẹp mà còn có nội tâm phong phú. Họ là những Trúc (Chị Hai ơi) với cái nhìn xoáy buốt; là Lan (Thương nhớ Hoàng Lan) nhỏ nhắn, tinh nghịch, xinh xắn và rất đáng yêu; là Aphin (Nước Thề), H’Thuyền (Thuyền trên núi), những cô gái miền núi xinh đẹp, khoẻ mạnh, hồn nhiên, yêu tin bằng tất cả tấm lòng trong sáng, thánh thiện của mình; Là Chăn Tha (Chăn Tha) với vẻ đẹp của những đường cong mềm mại và đôi mắt chứa đựng sự hoang dã, u uẩn của núi rừng Campuchia; họ Là Quyên, là Ni, là Na, là Vân, là Naoko, Akiko, Thể Tú, Quỳnh Thơ,... Tất cả đều đẹp, bản lĩnh, đều có trái tim đa cảm và khát vọng được yêu, được sống hạnh phúc với tình yêu của mình nhưng thường rơi vào bi kịch với những đau khổ, giằng xé của nội tâm trên con đường kiếm tìm sự bình yên và hạnh phúc.
Trong truyện ngắn Gió thiên đường, sự giằng xé trong tâm lí của Mi trước tình yêu với Hiếu đem đến cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc. Bằng ngòi bút tinh tế của mình, Trần Thùy Mai đã miêu tả rất kĩ những diễn biến trong tâm hồn nhân vật Mi. Ban đầu là tình yêu đắm say, là những cảm xúc bỡ ngỡ khi bước chân vào đường tình yêu, đến những cảm xúc giận dỗi trong tình yêu cũng được Trần
97
Thùy Mai miêu tả rất tự nhiên: “Tôi nhìn y, lòng muốn lao vào vòng tay y mà cấu, mà xé, " Ðồ mắc dịch, đồ chết toi, đồ đùa dai, đồ mất dạy, làm người ta muốn chết đi được". Nhưng lẽ nào con gái mà lại tuôn ra những lời rủa xã như thế? Cho nên tôi đành lặng im, nhìn Hiếu như thể một người con gái dịu hiền và ít lời nhất trên đời này” (Gió thiên đường). Trần Thùy Mai đã nhìn thấy những rung động tinh tế nhất trong tâm hồn người con gái khi yêu: “vừa lo sợ vừa cảm thấy thích thích, hồi hộp, như thế đi vào một cuộc phiêu lưu, một thế giới khác”. Tình yêu đã giúp tâm hồn Mi trở nên mạnh mẽ trước cuộc đời: “trong suốt mùa đông tôi đã không còn cảm thấy lạnh, không còn thấy những giờ dạy khiêu vũ là mệt mỏi, không thấy những buổi học luyện thi là chán chường, không thấy nỗi lo, nỗi căng thẳng khi mẹ tôi nói hết tiền, em cần mua sách vở, ba cần thuốc uống... Cả cuộc sống đang khó nhọc trở nên thật nhẹ nhàng” (Gió thiên đường). Nhưng chìm đắm trong tình yêu đầu đời thì Mi cũng đau khổ biết bao khi phát hiện ra sự thật: Mi chỉ là người thứ hai của Hiếu, Hiếu đã có một tình yêu ba năm bền vững. Mi đã trải qua những cảm xúc đau đớn nhất khi biết người con trai mình yêu lừa dối: “Người ta bưng cho tôi cà phê sữa như mọi lần. Sữa ngọt không làm giảm nổi vị đắng.” (…) “Tôi nghẹn như nuốt phải mật đắng. Dã Thảo ơi, ta sẽ không bao giờ còn đến đây. Từ biệt khung cửa sổ mênh mông, và gió. Và những bản nhạc mà Hiếu thích. Giờ đây tôi hiểu vì sao Hiếu không thích nghe những bản nhạc tiền chiến. Trong đó không có cách yêu, cách nghĩ của Hiếu. Thôi đừng nghĩ tới Hiếu, đừng nghĩ nữa...” Vẫn biết dặn lòng thôi thương, thôi nhớ nhưng Mi vẫn dằn vặt, đau khổ khi nghĩ đến Hiếu, vẫn không nguôi nhớ về Hiếu, về những kỉ niệm tình yêu, và dù bên ngoài có lạnh lùng không nói với Hiếu câu nào nhưng tự trong thâm tâm Mi vẫn âm ỉ khát khao mãnh liệt được chắp cánh tình yêu cùng Hiếu: “Tôi lặng im, không nói. Nước mắt thập thò trên mi. Thèm đi một bản Blue Christmas trong tay Hiếu. Thèm ngồi cạnh Hiếu sau khung cửa mênh mông của cà phê Dã Thảo, chia sẽ với Hiếu một cơn gió. Thèm cùng đi một xe với Hiếu trên con đường dài, Hiếu thỉnh thoảng vừa cười vừa ngã đầu ra sau khiến những sợi tóc cứng đâm vào má tôi...” Những chuyển biến tâm lí trong tình yêu của nhân vật Mi đã được Trần Thùy Mai miêu tả bằng ngòi bút sắc
98
sảo và tinh tế. Không chỉ có nhân vật Mi, những nhân vật phụ nữ khác như Na, như Lan, Như, H’Thuyền, Quyên hay cô giáo Hạnh đều phải trải qua những đau đớn, giằng xé tâm lí trong tình yêu, hạnh phúc của đời mình. Hạnh (Trăng nơi đáy giếng) trả giá cả cuộc đời mình cho một tình yêu trọn vẹn bằng cách nhận lấy đau khổ, thiệt thòi về phần mình, hy sinh để chồng được sống hạnh phúc: “Khi người ta thực lòng thương yêu nhau, có điều gì mà không thể hy sinh?”. Đổi lại sự đau đớn, giằng xé tâm can của Hạnh là tiếng cười “khanh khách” của Thắm, là sự đạo mạo dối trá của ông Phương. Thất vọng vì người chồng bội bạc, Hạnh hoảng loạn trốn vào thế giới hư ảo, ôm nỗi đau trong lòng đến nỗi sáng mai ra “tóc rụng nửa đầu”. Người đọc rùng mình trước nỗi đau âm thầm mà “rứt da, rứt thịt” của nhân vật Hạnh. Nhân vật Quyên trong truyện ngắn Cánh cửa thứ chín vì không chịu nổi sự tẻ nhạt của cuộc sống gia đình, đã khát khao mở “cánh cửa thứ chín” của đời mình, dù biết sau “cánh cửa” ấy là một thế giới khác mà bước chân vào có thể “bị cháy”, “bị bỏng”. Quyên khao khát đến được thế giới ấy, “sẽ chịu cháy”, “chịu bỏng” để được đau đớn, được yêu thương. Xây dựng nhân vật Quyên, nhà văn đã tạo điều kiện cho người phụ nữ truyền thống vượt qua những rào cản của chuẩn mực đạo đức, dám bứt phá khỏi vòng cương toả đã làm cơ thể họ “lạnh giá”. Thế nhưng, dẫu cảm nhận được thứ tình cảm trong mình là “tình yêu đang mỗi lúc một lớn lên”, và dẫu đã gặp được “người trong mộng”, đã vượt qua giới hạn cho phép của người phụ nữ đã có gia đình, Quyên vẫn hốt hoảng quay về. Có thể nói, Trần Thuỳ Mai đã dựng lên một “câu chuyện ngoại tình êm ái” tưởng như là vô lí, nhưng lại rất hợp lí khi đặt nó trong quy luật tâm hồn con người. Song, cuối cùng nhà văn cũng chấp nhận đứng nhìn nhân vật của mình với cánh cửa thứ chín không được mở cùng với bức thông điệp bỏ ngỏ đầy tính nhân bản của bi kịch khát khao tình yêu mà không dám yêu của người phụ nữ hiện đại. Nhân vật Quyên cảm thấy mình “đã tự chôn mình” cùng với thế giới sau “cánh cửa thứ chín” và “tôi đang khóc tôi”, khóc cho những khát khao mà chính mình phải vùi lấp.
Trần Thuỳ Mai đã đi sâu vào nội tâm nhân vật để miêu tả thành công những cung bậc tình cảm hạnh phúc, vui vẻ, đau đớn, chua chát, bất hạnh… của họ, đặc
99
biệt là những mâu thuẫn trong nội tâm người phụ nữ. Họ là những người phụ nữ sống thiên về tình cảm, khó có thể chịu nổi cuộc sống tẻ nhạt thiếu tình yêu trong hôn nhân. Thế nhưng, khi gặp được tình yêu ngoài hôn nhân, họ lại rơi vào những mâu thuẫn, giằng xé giữa tình yêu của mình với đạo đức, danh dự và bổn phận, trách nhiệm. Nhân vật phụ nữ của Trần Thuỳ Mai không có những con người ích kỉ, tàn nhẫn, sẵn sàng dẫm đạp lên cuộc sống của người khác, thậm chí là người thân của mình để tìm hạnh phúc cho riêng mình như trong các truyện ngắn Thiếu phụ chưa chồng của Nguyễn Thị Thu Huệ hay Hạnh của Nguyễn Minh Dậu. Người phụ nữ trong tác phẩm của Trần Thuỳ Mai với khát vọng hiện sinh cháy bỏng nhưng vẫn rất nhân hậu, vị tha, giàu đức hi sinh; dẫu rằng trong cuộc sống hiện đại, người phụ nữ luôn bất ổn về mặt nội tâm, vướng vào nhiều hệ lụy của cuộc đời.