Quan điểm sáng tác của Trần Thùy Mai

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trần thùy mai từ góc nhìn văn hóa (Trang 37 - 40)

7. Cấu trúc của luận văn

1.4.2Quan điểm sáng tác của Trần Thùy Mai

Hoàn cảnh lịch sử của đất nước cùng đặc điểm về tính cách, tâm hồn con người Việt Nam đã nảy sinh ra nhiều nhà thơ, nhà văn, nhiều thế hệ viết truyện ngắn gắn liền với những chặng đường biến thiên của dân tộc. Trần Thùy Mai thuộc thế hệ nhà văn sau chiến tranh của nền truyện ngắn hiện đại (cùng với những tên tuổi như Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Lý Lan, Minh Ngọc,…). Mặc dù những sáng tác của Trần Thùy Mai chưa đạt đến tầm cỡ như sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, hay do đức tính ý nhị, kín đáo của con người Huế mà những truyện ngắn mang phong cách của chị cũng chưa trở thành “hiện tượng” như sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, cũng không gây ồn ào, nóng bỏng như sáng tác của một số cây bút trẻ gần đây (Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu,…) song những sáng tác của nhà văn Trần Thùy Mai vẫn lặng lẽ, sâu sắc, thấm nhuần vào lòng người đọc bởi một lối viết riêng, bởi những đóng góp về mặt đề tài, cảm hứng sáng tác, giọng điệu, ngôn ngữ,… cho nền truyện ngắn Việt Nam hiện đại. Sống trong hoàn cảnh đất nước hòa bình, những quan điểm về văn chương của Trần Thùy Mai cũng như các nhà văn cùng thời có những điều khác biệt so với thế hệ trước.

Chị không coi văn chương là một cuộc chơi, là nghề tay trái mà với chị, văn chương là một công việc nghiêm túc, vất vả thậm chí cực nhọc nhưng không mệt mỏi, vì đó là niềm yêu thích của chị. Trần Thùy Mai từng tâm sự: "Với tôi, viết là một nghề. Nó giống như mọi nghề khác ở chỗ phải có kỹ năng và lương tâm. Vì thế, trong cuộc đời tôi đã có nhiều lúc buồn nản nhưng chưa bao giờ thấy chán viết, chưa bao giờ muốn bỏ bút" [80; 2]. “Văn chương đã cho chị được là chính mình, được có thêm nhiều bạn bè, nhất là những người bạn gái, họ đến và kể cho chị nghe những tâm tình của họ” [35; 14]. Nhà văn từng tâm sự trên báo Tiền phong:

33

"Thế hệ của mình đã mất nhiều thời gian trong con đường sáng tác. Đến năm 22 tuổi mình vẫn chỉ nghĩ đến việc được đăng là vui. Tiếp đó, trong khoảng 10 năm sau chiến tranh, văn chương phải viết quanh mấy đề tài: lao động, sản xuất, chiến đấu. Toàn những món mình không sở trường. Mình quay sang "lách" vào đề tài chuyện đời thường, nhưng cũng đã có lần gặp phiền hà: Sau khi đăng truyện "Một chút màu xanh" trên tạp chí Sông Hương số 1, mình bị ông giám đốc sở nọ lên án vì "viết bôi bác, dám nói có hai vợ chồng nhà nọ nghèo đến nỗi không sắm được chiếc quạt máy". Đó là chuyện của "thời xa vắng", bây giờ nhắc lại cho vui mà thôi” [55; 1]. Theo như nhà văn thì: Hồi đó mình viết về cái nghèo và nỗ lực của con người để thương yêu nhau trong cảnh nghèo [55; 3].

Hai mươi năm sau, Trần Thùy Mai chọn viết về khát vọng sống của con người vượt qua những thành kiến xã hội. Viết về cái gì thì bắt đầu cũng là từ thương yêu, và kết thúc là thương yêu, cả đời mình viết nhiều đề tài, cách viết theo thời gian có thể khác đi, nhưng xu hướng đó thì không thay đổi [55; 4]. Trần Thùy Mai cho rằng, nhờ có nghề viết mà chị đã “vượt qua giới hạn chật hẹp của chính mình”. Với số lượng truyện ngắn, số tác phẩm đã xuất bản và số giải thưởng văn học cùng với những quan điểm về nghề văn, có thể kết luận rằng: Trần Thùy Mai thực sự là một ngòi bút đam mê và nghiêm túc với văn chương. Trần Thùy Mai đã từng khẳng định: Viết văn với tôi là một cách thương yêu với chính mình và những người xung quanh... Tôi chỉ muốn nói với các bạn viết trẻ rằng, văn học không bao giờ dễ dãi [74; 1].

Nói về những nhân vật trong trang viết của mình, Trần Thùy Mai nhận định: “Tôi không so sánh nhân vật của tôi với những người khác. Tôi quan niệm tác phẩm văn học bắt đầu từ mâu thuẫn, xung đột trong cuộc đời. Đau khổ có đầy trong cõi sống này. Viết, cảm nhận nỗi buồn của người bên cạnh về gian khó của đời mình để tạo ra mối đồng cảm chung là đường hướng theo đuổi của tôi [74; 2].

- Trước mỗi trang truyện ngắn tôi thấy mình giống như một người nặn tượng. Lấy hết khả năng để làm ra một tác phẩm đẹp, có ích. Nhờ viết, cuộc đời tôi được mở rộng. Tôi vượt qua giới hạn chật hẹp của chính mình. Khi tác phẩm đến được

34

với độc giả, nỗi cô đơn trong tôi nguôi ngoai. Chính vì thế tôi ít chú ý đến dung lượng của thực tế hay hư cấu. Thực ra tôi thuộc típ người rất kiên nhẫn lắng nghe những tâm sự chung quanh [74; 2].

Trần Thùy Mai so sánh mình như một mảnh nam châm hút về mình những đau khổ. Với chị, việc kết hợp nhiều ý tưởng của mình để thành những truyện ngắn là hoàn toàn tự nhiên (hay như chị nói là “tùy cơ duyên”). “Văn của chị không ồn ào nhưng lại có sức lan tỏa. Không thu hút người đọc bằng những cốt truyện lạ, không chạy theo thị hiếu, không những pha rượt đuổi gay cấn, truyện của chị đầy ắp những chi tiết giản dị, cốt truyện đơn giản. Chị tập trung khai thác, thể hiện thế giới nội tâm nhân vật. Đề tài quen thuộc trong truyện của chị là tình yêu và lịch sử (…) Mỗi câu chuyện như một lời kể nhẹ nhàng, chậm rãi, đầy tình cảm cứ chuyên chở vào hồn người những trăn trở, nghĩ suy và day dứt” [58; 3].

Trần Thùy Mai cũng quan niệm rất rõ ràng với việc hư cấu trong tác phẩm của mình:

“Nếu chỉ là chuyện thật đưa lên giấy thì chẳng có gì cho độc giả đâu. Hư cấu tạo cho câu chuyện những tầng nghĩa mới, những bề sâu, để câu chuyện vượt qua sự tầm thường. Với chị, nếu hư cấu mà khiến cho truyện tạo được bề sâu, vươn lên tầm cao văn hóa và giá trị, thì việc hư cấu là rất quan trọng và hiển nhiên, chị khẳng định: Viết phải có lợi cho nhân loại, tôi viết với phương châm đó [74; 4].

G. Marquez từng nói: Tôi viết là vì tôi muốn được người ta yêu thương tôi. Là một nhà văn, lại là nữ, Trần Thùy Mai tâm sự “rất cần được yêu thương để chống lại mặc cảm bị bỏ rơi” [74; 3]. Theo cách nhìn của Trần Thùy Mai thì: “phần lớn người làm nghệ thuật bị trời cho số khổ. Họ lại là người có cá tính nên thường sống cực đoan, sống trong cuộc đời với tâm trạng dị dạng. Khi viết, họ được thừa nhận, được hiểu, đó là hạnh phúc” [74; 4].

Bày tỏ quan điểm về việc đổi mới trong viết văn, Trần Thùy Mai cũng rất thẳng thắn: “Tôi không dị ứng với cái mới. Tôi chỉ dị ứng với cái mới mà không nhân văn (…) Tạo cho người ta chú ý bằng những thứ tưởng là mới thì dễ. Nhưng

35

để người ta nhớ tác phẩm thì khó khăn hơn nhiều” [74; 4]. Bản lĩnh vững vàng trong nghiệp viết là cơ sở tạo nên dấu ấn phong cách truyện ngắn của Trần Thùy Mai.

Là một nhà văn bút lực dồi dào, sống và sáng tác có trách nhiệm với văn nghiệp của mình, Trần Thùy Mai đã coi văn chương như máu thịt, như một cách để thương yêu chính mình. Chính sự nghiêm túc trong việc viết văn và sự rõ ràng trong quan điểm sáng tác đã đem đến cho truyện ngắn của Trần Thùy Mai nhiều thành công với nhiều tác phẩm có giá trị về văn hóa, nghệ thuật. Lời nhắn nhủ của Trần Thùy Mai đến thế hệ viết trẻ đáng để chúng ta suy ngẫm: Tôi chỉ muốn nói với các bạn viết trẻ rằng, văn học không bao giờ dễ dãi.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trần thùy mai từ góc nhìn văn hóa (Trang 37 - 40)