Giọng điệu trữ tình, nhẹ nhàng rất Huế

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trần thùy mai từ góc nhìn văn hóa (Trang 107 - 124)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.2. Giọng điệu trữ tình, nhẹ nhàng rất Huế

Nếu ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất, nhân vật là yếu tố trung tâm thì giọng điệu là linh hồn của tác phẩm văn học, truyền tải giá trị văn hóa. Giọng điệu là yếu tố cấu thành đặc trưng lời văn nghệ thuật, khu biệt các khuynh hướng sáng tác. Hơn thế, nó được xem như là một phạm trù thẩm mĩ “có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc”. Giọng điệu là yếu tố trừu tượng, siêu ngôn ngữ, có quan hệ mật thiết với cái nhìn về con người thông qua cách lựa chọn, xây dựng nhân vật, bối cảnh, văn phong... Trong tác phẩm văn học, bao giờ giọng điệu cũng thể hiện rõ tình cảm của nhà văn đối với con người và cuộc đời. Giọng điệu chính là gương mặt tâm hồn của nhà văn phát lộ trong tác phẩm.

103

Trong thời kì chuyển động mãnh liệt của văn xuôi sau 1975, đặc biệt là sau 1986, giọng điệu lại trở thành yếu tố thẩm mĩ nổi bật. Tuy nhiên, bên cạnh lối văn táo bạo đầy góc cạnh, mang nhãn quan hiện thực đời thường, tăng cường tính tốc độ, thông tin của rất nhiều cây bút, Trần Thuỳ Mai vẫn lặng lẽ và kiên trì một lối đi riêng. Bắt nguồn từ cảm hứng thế sự với việc lấy hình tượng trung tâm là người phụ nữ và việc biểu đạt cái tôi bề sâu của phái mình, truyện ngắn Trần Thuỳ Mai có chất giọng nhẹ nhàng, đặc trưng đầy nữ tính. Tuyệt nhiên không tìm thấy trong truyện ngắn của chị giọng mỉa mai, giễu cợt hay chua chát. Tập trung nhất trong tác phẩm của Thuỳ Mai là hai kiểu giọng điệu chủ yếu: giọng trữ tình tha thiết và giọng triết lí suy ngẫm, trong đó đặc trưng giọng điệu trữ tình tha thiết đã góp phần thể hiện rõ nét văn hóa trong sáng tác của Trần Thùy Mai. Ở luận văn này, soi chiếu từ góc độ văn hóa, chúng tôi sẽ đi sâu vào tìm hiểu, phân tích giọng trữ tình tha thiết để thấy được nét riêng về văn hóa trong sáng tác của nhà văn.

Trữ tình là sự bộc lộ trực tiếp suy nghĩ, thái độ, tình cảm... của chủ thể với thế giới. Trong tác phẩm văn chương, trữ tình là sự tràn đầy của xúc cảm, sự nồng nàn của cảm hứng, sự rộn rã của giai điệu tâm hồn phả ra từ trang viết. Thiên tính nữ là người bạn tri kỉ của giọng điệu trữ tình. Dưới cái nhìn dịu dàng của phái nữ, giọng điệu trữ tình tha thiết bộc lộ qua nhiều vấn đề, đặc biệt là cảm xúc về thế sự đạo đức. Thông qua kiểu giọng này nhân vật trực tiếp bộc lộ thế giới nội tâm, tính cách khi nhìn nhận về con người, tình yêu, thiên nhiên, quá khứ, kỉ niệm...

Giọng trữ tình được sử dụng khá phổ biến trong truyện ngắn nữ thời kì đổi mới. Trần Thuỳ Mai được coi là cây bút giàu nữ tính bậc nhất trong làng văn hiện nay. Trữ tình là thế mạnh của chị. Chị luôn giữ cho truyện ngắn của mình một giọng ấm áp, giàu xúc cảm và mang nét duyên dáng quyến rũ, thủ thỉ tâm tình rất Huế. Không đặc sắc về cốt truyện và tình tiết, không ham chi tiết giật gân gây sốt như truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, song truyện ngắn của Trần Thuỳ Mai lại có khả năng lắng đọng nhờ chất trữ tình ngọt ngào. Khảo sát giọng điệu trong mối tương quan thống nhất của lời văn miêu tả, lời kể chuyện, lời đối

104

thoại và độc thoại có thể hình dung rõ nét về chất giọng ấy trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai.

Với khuynh hướng trữ tình hoá, giọng điệu tác phẩm của Trần Thuỳ Mai nghiêng về chất thơ, chất huyền thoại. Cùng với không gian và thời gian mang sắc màu huyền thoại, những chi tiết vừa thực vừa ảo, với giọng trữ tình tha thiết, tác giả đã xây dựng thành công những nhân vật gắn với những cuộc tình mong manh, những khát vọng chân thành. Ngay cái nhan đề của tác phẩm cũng đã phần nào gợi lên chất giọng êm đềm, dịu ngọt, thiết tha, đậm đà nữ tính: Bài thơ về biển khơi, Bài hát đêm cuối năm, Thương nhớ hoàng lan, Thuyền trên núi, Nàng công chúa lạc loài, Huyền thoại về chim Phượng...

Chất giọng trữ tình trong văn Trần Thuỳ Mai nằm ngay trong cách xưng hô rất nhẹ nhàng, tình cảm như: “chàng”, “nàng”, “cô bé”, “cô gái nhỏ”, “người đàn bà”, “chị”... Tuyệt nhiên không thấy trong truyện ngắn của chị cách xưng hô kiểu móc máy, gay gắt như: “hắn”, “y”, “gã”, “thị”... Trần Thuỳ Mai kể về cuộc đời, số phận của những người phụ nữ xinh đẹp, tốt bụng, đa cảm với giọng trữ tình đằm thắm: “Người đàn bà mỉm cười. Bỗng nhiên nàng thấy như tâm hồn yếu đuối của mình đang tựa hẳn vào niềm hi vọng của đứa trẻ...Con thuyền chở ngọn lửa của trái tim non dại khơi từ giấc mơ tro vùi của mẹ...” (Thập tự hoa). Hay cả khi nói về “nhân vật có phần phản diện” xuất thân là một cô gái bao Tuyết N., Trần Thùy Mai vẫn dùng những lời lẽ lịch sự và trân trọng: “Tuyết N. cũng hiểu rõ rất nhiều ánh mắt đang nhìn về phía mình, vì vậy, nàng đốc thúc đàn em phải tổ chức lễ khai trương thực chu đáo, không được để xảy ra một sơ xuất nhỏ nào. Nàng muốn ngày mai, mọi chi tiết của buổi lễ sẽ được trầm trồ trên cửa miệng của mọi người dân thành phố, tạo thành một thanh thế vô giá cho nàng” (Người bán linh hồn).

Quan tâm đến những góc khuất trong tâm hồn con người, nhà văn đã sử dụng thích hợp lối độc thoại nội tâm với giọng điệu trữ tình tha thiết. Truyện ngắn của chị là những câu chuyện tình yêu đẹp như ảo ảnh, mà ở đó, các nhân vật thường sống trong những hoài niệm đẹp như trong cổ tích về những phút giây hạnh phúc trong tình yêu. Họ luôn hồi tưởng lại quá khứ, ngưỡng vọng về quá khứ trong cảm xúc

105

lâng lâng, như ảo, như thực. Bởi vậy mà nỗi đau, những mất mát, chịu đựng, hi sinh của nhân vật cũng dễ dàng được bộc lộ: “Dù em dã ra đi với lời vĩnh biệt, nhưng biết đâu ít nhất một lần nữa trong đời, em sẽ đến và chỉ trong khoảnh khắc, tôi sẽ sống lại cùng em những gam màu huyền thoại. Là màu hồng phơn phớt ở đầu những nụ hồng trắng. Là màu xanh biếc trong mắt của những người đang hôn nhau. Là màu tím than huyền hoặc trên cao những đêm hạnh phúc. Niềm mong mỏi ấy âm ỉ mãi trong tôi như cái tàn thuốc dẫu bị gạt lìa ra nhưng vẫn cố cháy nốt cho đến lúc bạc trắng thành tro” (Thuốc ba màu).

Giọng trữ tình trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai còn được thể hiện trong việc miêu tả thiên nhiên. Trong truyện ngắn của chị, thiên nhiên được miêu tả là những cảnh sắc phong phú, gần gũi với con người. Đó là thiên nhiên bảng lảng sương trời xứ Huế hay cảnh vật của nhiều miền đất xa xôi như Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp..., là khung cảnh rừng Biển Hồ khi anh bộ đội Việt Nam bị thương được cô gái Campuchia che chở, là vẻ đẹp đặc trưng của mùa đông xứ Hàn trong truyện

Phật ở Kyongju: “Tuyết rơi lấm chấm những hạt nhỏ trong không trung; những cây phong lá đỏ, những cây ngân hàn lá vàng vào mùa thu giờ đây cũng đã rụng hết lá, phơi những cành trơ trên mưa bụi tuyết” (Phật ở Kyong- Ju)... Thiên nhiên trong truyện của Trần Thùy Mai luôn gắn với những biến thái tâm trạng và cảm xúc của nhân vật, khiến cho những câu chuyện kể mang dáng dấp của những bài thơ văn xuôi, đậm chất trữ tình...

Chất trữ tình thấm sâu trong sáng tác của Trần Thuỳ Mai bởi những câu văn dài hơi, tiết điệu chậm rãi, nhẹ nhàng với nhiều thanh bằng, nhiều định ngữ, giàu hình ảnh... Tất cả tạo nên một chất giọng êm ái và trầm lắng, dễ đi vào lòng người:

“...Tuổi thơ hầu như không mẹ, không cha, chúng tôi lớn lên bên bà nội. Cho mãi đến ngày lớn khôn, tôi còn nhớ như in cái tiếng ru trầm trầm, khàn khàn của người, hoà trong tiếng lá tre xào xạc, tiếng những thân tre nghiêng ngả cọ vào nhau và tiếng võng đưa kẽo kẹt...” (Chuyện cũ ở quê nhà).

106

Giọng tâm tình thủ thỉ, duyên dáng mà “dữ dội ngầm” rất ấn tượng, lôi cuốn chính là nét riêng và là thế mạnh của Trần Thùy Mai, giọng nhẹ nhàng thiết tha cũng là đặc trưng của giọng điệu xứ Huế.

Triết lí suy ngẫm cũng là một đặc trưng của giọng điệu truyện ngắn Trần Thuỳ Mai. Như nhiều nhà văn nữ khác, triết lí trong truyện của chị là những chiêm nghiệm khơi nguồn từ những mất mát, khổ đau trong cuộc đời. Giọng trết lí trong sáng tác của chị không chua chát, mệt mỏi, bất lực, chán chường mà chủ yếu là những suy ngẫm, chiêm nghiệm nhẹ nhàng nhưng thấm thía về mọi vấn đề của đời thường, về hôn nhân, về tình yêu, về hạnh phúc...

Triết lí về lẽ sống chết ở đời, Trần Thuỳ Mai đặt vào suy nghĩ của nhân vật Niết: "Người ta chỉ có mặt trên đời này như những ảo ảnh, những ảo ảnh hiện ra, di động, gặp nhau rồi dang xa. Rồi tan biến như bọt đầu sóng nước” (Lửa của khoảnh khắc). Tác giả đã nhìn thấy nỗi bất an của con người trong đời sống, sự nhỏ bé và hữu hạn của kiếp người, tiếng nói suy ngẫm của chị như một châm ngôn: “Chính mặt trời cũng không vĩnh cửu” (Thị trấn hoa quỳ vàng).

Có khi, bằng giọng triết lí, Trần Thuỳ Mai như muốn chuyển tải những chân lí vĩnh cửu của cuộc sống: “Sông trôi về biển là sông mất. Nhưng sông không chảy thì còn gì là sông” (Khói trên sông Hương); “Khi người ta hạnh phúc, người ta không cảm thấy mình đang trên đường đi đến cõi chết” (Giông mùa xuân); “Cuộc đời như một dòng sông, không ai nói trước được nó sẽ đi qua những ghềnh thác nào... Lẽ nào vì sợ thác ghềnh mà sông không dám chảy?” (Gió thiên đường);.

Sông vẫn phải chảy dẫu qua lắm thác ghềnh. Con người vẫn phải sống và hướng về phía trước, cho dẫu cuộc sống hôm nay còn nhiều cay đắng, và hạnh phúc thường mong manh. Có lẽ một phần nhờ những chân lí ấy mà nhân vật của Thuỳ Mai dù không hạnh phúc trong tình yêu, kém may mắn trong cuộc sống, nhưng họ vẫn cố gắng vươn lên sống đẹp, sống vị tha.

Bằng giọng điệu suy ngẫm, Trần Thuỳ Mai trăn trở về hạnh phúc gia đình khi dẫn người đọc đến với bi kịch của những cuộc hôn nhân. Có cuộc hôn nhân chỉ

107

có tình yêu từ một phía như cuộc hôn nhân của Út và Phan trong Nước vĩnh cửu, có cuộc hôn nhân không tình yêu của Niết và Thầy Thông trongLửa của khoảnh khắc

Giọng điệu triết lí trong văn Trần Thuỳ Mai không hề gượng ép hay giả tạo. Trái lại, rất chân thành, bởi đó chính là những đau đắng và hạnh phúc trong đời mà chị đã quan sát, thể nghiệm và trải qua. Bằng sự đồng cảm với số phận và khao khát hiện sinh của nhân vật, tác giả đã gợi trong lòng người đọc những trăn trở và suy ngẫm. Suy cho cùng, triết lí rút ra từ truyện ngắn Trần Thuỳ Mai cũng là: làm thế nào để có được tình yêu và hạnh phúc thật sự trên cõi đời. Điều đáng chú ý là: dẫu cay đắng, đau khổ thì giọng triết lí của chị cũng không cay độc, gai góc mà nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Những lời triết lí ấy bật ra tự nhiên từ trái tim nhạy cảm và sự trải nghiệm cuộc sống vốn đa chiều và phức tạp. Dường như mỗi truyện ngắn của chị đều vươn tới sự khái quát đời sống. Bởi vậy, sử dụng giọng điệu triết lí là cần thiết để có được sự cô đọng, súc tích của tác phẩm trong hình thức thể loại tự sự ngắn. Cùng với giọng trữ tình tha thiết, thủ thỉ tâm tình, giọng triết lí suy ngẫm đã làm nên đặc sắc riêng về giọng điệu cho truyện ngắn Trần Thuỳ Mai, góp phần làm nên và khẳng định phong cách truyện ngắn của tác giả này trên văn đàn đương đại.

3.4 Tiểu kết

Truyện ngắn Trần Thùy Mai không chỉ sâu sắc ở những giá trị nội dung mà còn đẹp dưới góc nhìn nghệ thuật. Trần Thùy Mai đã thể hiện một ngòi bút tài hoa, tinh tế trong những trang viết của mình. Nổi bật trong đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn Trần Thùy Mai là những biểu tượng văn hóa được kết tinh qua hình ảnh của gió, trăng, lửa, biển, khói,.... Những biểu tượng xuất hiện trong những ám ảnh của nhân vật gắn liền với các biến cố cuộc đời. Ở đây, do sự giới hạn về tư liệu và thời gian, luận văn chỉ chọn phân tích ba biểu tượng tiêu biểu nhất trong truyện của Trần Thùy Mai là gió, trăng và lửa. Qua đó thấy được những tầng sâu ý nghĩa biểu đạt trong truyện cũng như những cung bậc cảm xúc, những nghĩ suy trong tâm hồn nhân vật. Bên cạnh đó, nghệ thuật miêu tả nhân vật độc đáo với cách khắc họa chân dung nhân vật bằng điểm xuyết, tạo nên thần thái của nhân vật, cách miêu tả tâm lí sinh động với ngôn ngữ đối thoại và độc thoại nội tâm, sử dụng thành thạo lớp từ

108

ngữ địa phương mang đậm màu sắc văn hóa Huế kết hợp với những từ ngữ dân tộc, giọng điệu vừa triết lí suy ngẫm vừa trữ tình, nhẹ nhàng, sâu sắc. Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn Trần Thùy Mai từ góc nhìn văn hóa học đi sâu vào những giá trị văn hóa mà nghệ thuật mang lại, hi vọng sẽ gợi ra nhiều hướng nghiên cứu tiếp theo.

109

KẾT LUẬN

Tổ chức Giáo dục và Khoa học của Liên Hiệp Quốc UNESCO đã khẳng định: Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc kia. Đã có hàng trăm định nghĩa khác nhau về văn hóa, tuy khác nhau nhưng các định nghĩa đều thống nhất ở một điểm, coi văn hóa là cái do con người sáng tạo ra, cái đặc hữu của con người. Mọi thứ văn hóa đều là văn hóa thuộc về con người, các thứ tự nhiên không thuộc về khái niệm văn hóa. Văn hóa là đặc trưng căn bản, phân biệt con người với động vật, cũng là tiêu chí căn bản để phân biệt sản phẩm nhân tạo và sản phẩm tự nhiên. Giữa văn hóa và văn học có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời, văn học là hiện thân của sản phẩm văn hóa, kết tinh những giá trị văn hóa, phương pháp tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hóa giúp cho người nghiên cứu đi sâu vào những điều bình thường, giản dị, quen thuộc nhất nhưng cũng sâu sắc nhất của tác phẩm văn học.

Nghiên cứu truyện ngắn Trần Thùy Mai từ góc nhìn văn hóa đem đến một cách tiếp cận thú vị. Trần Thùy Mai đã đưa những giá trị văn hóa vào trong tác phẩm của mình một cách tự nhiên, không cầu kì hoa lệ mà vẫn nổi bật với những đặc trưng riêng. Đó là giá trị về không gian xứ Huế mộng mơ với đặc trưng nhà – vườn xanh mát, nơi khởi nguồn cho những cảnh đời khác nhau, là không gian ngập tràn âm nhạc và màu sắc, là thời gian mang nhịp sống xứ Huế, không quá ồn ã, vội vàng. Không gian thiên nhiên xứ Huế đã trở thành môi trường văn hóa để những nhân vật trong truyện ngắn Trần Thùy Mai bộc lộ tính cách, tâm trạng và số phận của mình. Bên cạnh thiên nhiên văn hóa là con người văn hóa với những giá trị của văn hóa ẩm thực (phong cách chuẩn bị bữa ăn cẩn thận, cầu kì dù là món ăn đơn giản nhất của người Huế), giá trị của văn hóa tâm linh được phản ánh trong truyện Trần Thùy Mai qua những cuộc đời, tính cách, tâm trạng của nhân vật (đó có thể là sự lựa chọn giằng xé giữa đạo và đời, sự tìm đến với cõi Phật như một chốn bình tâm, cứu rỗi những tâm hồn đang tổn thương, những cuộc đời bất hạnh), và đặc biệt là giá trị của văn hóa ứng xử trong cuộc sống hàng ngày, trong tình yêu hạnh phúc,

110

trong cả những khổ đau bất hạnh của kiếp người. Trần Thùy Mai đã đi sâu vào khắc

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trần thùy mai từ góc nhìn văn hóa (Trang 107 - 124)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)