Nghệ thuật miêu tả chân dung nhân vật

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trần thùy mai từ góc nhìn văn hóa (Trang 97 - 101)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.1 Nghệ thuật miêu tả chân dung nhân vật

Trần Thùy Mai xây dựng truyện ngắn của mình thiên về kiểu truyện tâm lý, vì thế mà những miêu tả chân dung nhân vật không chiếm dung lượng nhiều trên

93

trang viết của chị. Cũng như những miêu tả điểm xuyết về khung cảnh thiên nhiên văn hóa, nhân vật trong truyện ngắn Trần Thùy Mai cũng chỉ được điểm xuyết một số đặc điểm tiêu biểu nhất về ngoại hình. Tuy nhiên, không vì thế mà độc giả không hình dung được chân dung nhân vật. Những nhân vật của Trần Thùy Mai thường sáng lên vẻ đẹp trong trẻo, thánh thiện phản ánh tâm hồn đẹp và giàu lòng nhân ái.

Đó là nét đẹp của cô tiểu thư khuê các Thể Cúc trong truyện ngắn cùng tên. Khi Thể Cúc ngồi, “Ánh nắng ban mai xuyên qua những đường chạm trổ dưới mái hiên, vẽ thành những chấm sáng trong trẻo trên tóc, trên má nàng. Những chấm nắng trong ngời ấy khi đậu vào má Thể Cúc cứ làm rực lên một mầu hồng tươi tắn từ dưới làn da mỏng và trắng như lụa”. Đôi má hồng và trắng như lụa là đặc trưng của những cô gái đang tuổi xuân thì, với vẻ đẹp rực rỡ tựa bông hoa mới nở. Cả câu truyện, Trần Thùy Mai chỉ dành mấy dòng đầu tiên, vẻn vẹn trong hai câu để miêu tả vẻ đẹp ngoại hình của nhân vật Thể Cúc, nhưng người đọc vẫn cảm nhận được nét đẹp trong sáng, tinh khôi, thánh thiện nơi người con gái ấy. Đó còn là nét đẹp của Lan qua cảm nhận của Đăng Minh trong Thương nhớ hoàng lan: “Lan ngước nhìn tôi, lần đầu tiên tôi nhận ra trong hai cái giếng êm như nhung của mắt cô bé những tia sáng ương ngạnh lạ lùng (…) Bàn tay nhỏ nắm lấy tay tôi, ngón thon vuôn vuốt như cánh hoa ngậm sữa. Vẻ đẹp này có phải phù du? Vẻ đẹp này là sắc hay không?”, vẻ đẹp trong sáng của Lan đã khiến Đăng Minh đặt cho Lan cái tên Tinh Khôi, chú tiểu Đăng Minh cũng có lần choáng ngợp và rung động trước vẻ đẹp của người con gái tuổi mới lớn. Vẻ đẹp của Ái Duy trong Nàng công chúa lạc loài

cũng là một nét đẹp mới lớn sáng trong, thánh thiện như một nàng công chúa với “vóc người tròn trĩnh với chiếc áo gió mầu mận chín”, với “đôi mắt màu hạt dẻ”, “hàng mi cong dày”. Hay vẻ đẹp khi đứng dưới ánh đèn sân khấu của Bim (Biển đời người): “Một chút ngập ngừng làm tăng vẻ quyến rũ thơ ngây trong dáng đi uyển chuyển. Chiếc soiree màu lam bạc ôm khít lấy tấm thân mảnh mai nẩy nở, lớp váy trong rất ngắn cho thấy đôi chân dài thẳng băng, trắng muốt. Lớp váy ngoài xẻ bốn đường rất cao, ôm rất khéo, làm dáng người đài các, thướt tha. Bim đang cười... đôi môi tô son màu hồng, sống mũi cao mềm mại thanh tú, đường nét nào cũng sắc

94

sảo, rực rỡ hơn hẳn thường ngày. Chỉ có đôi mắt là vẫn mở to, ngơ ngơ dưới cặp lông mày cong như trăng hạ huyền.” Trần Thùy Mai không nhiều lời để miêu tả vẻ đẹp thiếu nữ, nhưng những gì tinh khiết, đẹp đẽ nhất của người con gái mới lớn vẫn hiện lên rực rỡ trong mắt người đọc.

Không chỉ với vẻ đẹp thiếu nữ, khi miêu tả về vẻ đẹp của những người con gái trưởng thành hoặc những thiếu phụ, Trần Thùy Mai cũng dùng lối điểm xuyết để miêu tả ngoại hình: Vẻ đẹp gợi cảm của nàng Uyên Sồ - thứ thiếp của Tùng Thiện Công (cha Thể Cúc trong truyện ngắn cùng tên) được khắc họa: “nàng có vóc người óng ả, lúc nào cũng chỉ mặc đơn sơ chiếc áo tơ tằm mầu nguyệt bạch, khuôn mặt không phấn son, chỉ vẽ qua nét mày thanh tú”. Vẻ đẹp của thiếu phụ Huế trong một buổi chiều nơi có những khóm Mimosa: “Tóc nàng dài, phủ kín hai vai. Lần đầu nàng ngước lên nhìn ông, trong đôi mắt nâu hiện ra một vầng sáng dịu” (Trò chơi cấm). Đó còn là nét thanh xuân của Trúc - người thiếu phụ một con dưới đôi mắt si tình của Hiệp: “Cái nhìn xoáy buốt làm tôi nhận ra chị thật đẹp, khuôn mặt trái xoan, nước da rời rợi trắng” (Chị Hai ơi). Trần Thùy Mai thường chú ý đến những đặc điểm nhỏ nhưng lại gây ấn tượng mạnh về vẻ đẹp của người phụ nữ, như cách chị miêu tả đôi gót chân ngọc ngà của Tuyết N. (Người bán linh hồn): “Bàn chân nàng trắng, nhỏ và nuột nà, làn da ở gót mỏng và ửng hồng, nằm ngay ngắn như một bảo vật trên tấm nệm nhung”. Những nét đẹp của nhân vật nữ được Trần Thùy Mai mô tả đều nhẹ nhàng, dịu dàng, kín đáo, không quá rực rỡ phô trương mà vẫn thu hút, đó là nét đặc trưng trong vẻ đẹp của người phụ nữ Huế.

Có một điều dễ nhận thấy rằng, Trần Thùy Mai không miêu tả ngoại hình nhân vật bằng những yếu tố gợi cảm có vẻ trần trụi như một số nhà văn từng làm. Trần Thùy Mai thường miêu tả vẻ đẹp đến từ gương mặt, đặc biệt là đôi mắt, làn da của người phụ nữ. Vẻ đẹp trong sáng, mang đến nét gợi cảm nhưng không hề dung tục. Khi miêu tả vẻ đẹp gợi nhục cảm trong bức tranh bán khỏa thân của Na dưới ngòi bút thiên tài của Tuấn: “Vẫn mái tóc ấy, đôi mắt ấy, vẫn thân thể mỏng manh ấy nhưng dường như là một Na khác: bất cứ ai đứng trước bức tranh cũng bồi hồi xúc động mà không hiểu vì sao. Họ không biết đã có một ngọn lửa cháy rực từ nỗi

95

say đắm của người họa sĩ, ngọn lửa thần ấy chiếu lên thân thể người đàn bà để soi sáng cho người ta thấy phần linh hồn ẩn sâu đằng sau da thịt. Cả bờ vai mỏng và đôi vú nhỏ - mà những gã đàn ông dung tục vẫn đánh giá như thứ hàng chất lượng kém - ở đây cũng hiện nguyên hình với vẻ đẹp khắc kỷ xót xa mà người ta thường gặp ở những tranh thánh thời Trung Cổ.” (Người bán linh hồn).

Ngòi bút miêu tả nhân vật của Trần Thùy Mai không dừng lại lâu trước bất cứ một chân dung nhân vật nào, tất cả nét đẹp được chị khắc họa đều bằng sự chấm phá, điểm xuyết. Chị chọn lấy những gì đặc trưng, khác biệt nhất ở ngoại hình nhân vật để miêu tả. Đặc điểm ngoại hình nhân vật vẫn hiện lên ấn tượng và thu hút. Khảo sát qua những truyện ngắn Trần Thùy Mai, chúng tôi nhận thấy, tác giả rất ít khi miêu tả những ngoại hình nhân vật gớm ghiếc (khi miêu tả ngoại hình nửa người nửa thú của thằng Cọt trong Lửa của khoảnh khắc, chị cũng chỉ tập trung vào đôi mắt ẩn chứa khoảnh khắc của nhân vật), bởi có lẽ chị thiên về những nhân vật mang tâm hồn thánh thiện, những người phụ nữ đại diện cho vẻ đẹp của nét Huế nói riêng và vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam nói chung. Ngay cả vẻ đẹp của Nguyệt (Quỷ trong trăng) dù là vẻ đẹp khuyết thiếu nhưng vẫn là một vẻ đẹp tròn đầy, lương thiện: “Nguyệt không đẹp. Mọi nét trên khuôn mặt đều tầm thường, nhưng cả người cô từ đầu đến chân toát lên một vẻ trắng trẻo, mềm mại. (…) Nguyệt xem chừng không có vóc dáng mảnh mai của người đàn tranh, cô có thân hình hơi mập, dáng tròn trĩnh, ức nở. Mỗi khi nhìn Nguyệt tôi thường nghĩ đến những bức tranh thời Phục hưng. Những người đàn bà trong tranh đều có tí khuyết điểm trên thân thể, không hoàn toàn chuẩn về ni tấc, chính vì vậy mà rất gần gũi với cuộc đời. Nguyệt cũng thế, cô có vòng mông hơi lớn, trông nặng nề. Chân cô lại có tật hơi cà nhắc, bước đi khập khiễng lại làm tăng thêm nhược điểm. Vậy mà không hiểu sao, trong mơ tôi thường thấy cô hiện ra từ cái phía khiếm khuyết đáng yêu ấy.” Vẻ đẹp thân thiện và gần gũi khiến nhân vật của Trần Thùy Mai từ truyện bước ra cuộc đời một cách chân thực hơn.

96

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trần thùy mai từ góc nhìn văn hóa (Trang 97 - 101)