Khái niệm về biểu tượng văn hóa

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trần thùy mai từ góc nhìn văn hóa (Trang 84 - 87)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.1 Khái niệm về biểu tượng văn hóa

Biểu tượng là kết tinh của những giá trị văn hóa. Biểu tượng luôn ở vị trí trung tâm và được coi như tế bào của đời sống văn hóa. Biểu tượng có ảnh hưởng rộng lớn trên mọi mặt đời sống của con người, từ lĩnh vực khoa học - sản xuất cho đến lĩnh vực nghệ thuật, từ đời sống tâm linh đến ngôn ngữ và các quan hệ giao tiếp hàng ngày, con người đều cần đến các biểu tượng để đúc kết các kinh nghiệm, giá trị và truyền tải đến người tiếp nhận.

Biểu tượng hay còn gọi là “symbol” trong tiếng Anh là một thuật ngữ có nguồn gốc từ Hy Lạp. “Symbolon” có nghĩa là kí hiệu (sign), dấu hiệu, tín hiệu, lời nói, triệu chứng, hợp đồng,… hay một cách hiểu khác “symballo” có nghĩa là “ném vào một vị trí”, “liên kết” hay “thỏa thuận”, “ước hẹn” (theo [6; 70]).

Trong tiếng Hán, “biểu” có nghĩa là “bày ra”, “trình bày”, “dấu hiệu” để con người nhận biết một điều gì đó. “Tượng” có nghĩa là “hình tượng”, thứ có trong trí tưởng tượng của mỗi con người. Biểu tượng là một hình tượng nào đó được phô bày ra trở thành một dấu hiệu nhận biết, một biểu trưng nổi bật, dễ nhận thấy, nhằm diễn đạt về một ý nghĩa mang tính trừu tượng.

Các nhà nghiên cứu trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng rất quan tâm tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa, tính chất của biểu tượng và đã cố gắng đưa ra những khái niệm về biểu tượng.

Theo quan niệm của nhà triết học Freud: “Biểu tượng diễn đạt một cách gián tiếp, bóng gió và ít nhiều khó nhận ra niềm ham muốn hay các xưng đột. Biểu tượng là mối liên kết thống nhất nội dung rõ rệt của một hành vi, một tư tưởng, mọi lời nói với ý nghĩa tiềm ẩn của chúng” (dẫn theo Nguyễn Thị Hải Hà [8; 71]).

80

Jean Chevalier và Alain Gheerbrant cho rằng: “Tự bản chất của biểu tượng, nó phá vỡ các khuôn khổ định sẵn và tập hợp các thái cực lại trong cùng một ý niệm. Nó giống như một mũi tên bay mà không bay đứng im mà biến ảo, hiển nhiên mà không nắm bắt được. Ta sẽ cần phải dùng các từ để gợi ra một hay nhiều ý nghĩa của một biểu tượng” (dẫn theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới [23; 27]).

Từ điển Larousse cho rằng: “Biểu tượng là một dấu hiệu hình ảnh, con vật sống động, hay đồ vật, biểu hiện một điều trừu tượng, nó là hình ảnh cụ thể của một sự vật hay một điều gì đó” (dẫn theo Đặng Thị Tuyết [46; 4]).

Ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm hiểu và đưa ra được những khái niệm chung nhất về biểu tượng, tiêu biểu như:

GS. Hoàng Phê đưa ra khái niệm về biểu tượng trong Từ điển Tiếng Việt

(GS. Hoàng Phê chủ biên): “Biểu tượng là hình ảnh tượng trưng, là hình ảnh của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc khi tác dụng của sự vật vào giác quan đã chấm dứt” [33; 9].

Theo GS. Vũ Dũng, "Biểu tượng là hình ảnh các vật thể, cảnh tượng và sự kiện xuất hiện trên cơ sở nhớ lại hay tưởng tượng. Khác với tri giác, biểu tượng có thể mang tính khái quát. Nếu tri giác chỉ liên quan đến hiện tại, thì biểu tượng liên quan đến quá khứ và tương lai." (dẫn theo Đặng Thị Tuyết [46; 4]).

Theo Từ điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (chủ biên) thì: “Biểu tượng là khái niệm chỉ một giai đoạn, một hình thức của nhận thức cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt” [13; 6].

Vì thuộc về cái trừu tượng, khó nắm bắt nên bản chất của biểu tượng cũng rất khó xác định. Sự hiểu biết về biểu tượng còn phụ thuộc vào sự từng trải và kinh nghiệm sống, học tập, trình độ nhận thức của mỗi cá nhân. Việc giải mã, tìm ra ý nghĩa của biểu tượng cũng liên quan đến việc hiểu các thói quen sinh hoạt, phong tục tập quán của các nền văn hóa trong từng cộng đồng dân tộc khác nhau. Những biểu tượng luôn có tính bí ẩn, mơ hồ về mặt ý nghĩa, thôi thúc con người tò mò

81

khám phá, tìm hiểu. “Một biểu tượng thường có nhiều ý nghĩa hoặc ngược lại một ý nghĩa lại có nhiều biểu tượng cùng biểu thị” [10; 71].

Biểu tượng “dùng để chỉ một thực thể bao gồm hai mặt: mặt tồn tại cảm tính trong hiện thực khách quan hoặc trong trí tưởng tượng của con người (còn gọi là cái biểu trưng, biểu đạt) và mặt ý nghĩa có mối quan hệ nội tại, tất yếu với mặt tồn tại cảm tính đó nhưng không bị rút gọn trong những đặc điểm bản thể của sự tồn tại tại này (cái được biểu đạt)” [10; 72].

Qua những khái niệm về biểu tượng, có thể hiểu “biểu tượng là những hình ảnh của những sự vật, hiện tượng của thế giới xung quanh, được hình thành trên cơ sở những cảm giác và tri giác đã xảy ra trước đó, được lưu giữ lại trong ý thức hay là những hình ảnh mới được hình thành trên cơ sở những hình ảnh đã có từ trước” [46; 5]. Biểu tượng không phải hoàn toàn là thực tế, bởi vì nó là sự xây dựng lại thực tế sau khi đã được tri giác. Tuy nhiên, những hình ảnh đó cũng không hoàn toàn là kết quả chủ quan xuất phát từ những hoạt động tâm trí của chủ thể.

Từ khái niệm biểu tượng có thể rút ra kết luận, biểu tượng văn hóa “là những thực thể vật chất hoặc tinh thần (sự vật, hành động, ý niệm…) có khả năng biểu hiện những ý nghĩa rộng hơn hình thức cảm tính của nó, tồn tại trong một tập hợp hệ thống đặc trưng cho những nền văn hóa nhất định: nghi lễ, hành vi kiêng kị, thần linh,… Biểu tượng văn hóa là sự tồn tại ở bình diện phổ quát các biểu tượng phi trực quan” [10; 72].

Biểu tượng văn hóa luôn có mối quan hệ mật thiết với biểu tượng ngôn từ. Bởi ngôn ngữ là một phần không thể thiếu trong văn hóa mỗi một dân tộc. Do đó, biểu tượng ngôn ngữ/ ngôn từ là một phần của biểu tượng văn hóa. Biểu tượng ngôn từ là các biểu tượng nghệ thuật (biến thể của loại hình biểu tượng văn hóa) cấu tạo lại thông qua tín hiệu ngôn ngữ trong văn học.

Mối quan hệ giữa biểu tượng văn hóa và biểu tượng ngôn từ là mối quan hệ cấp bậc trong quá trình biểu tượng văn hóa đi sâu vào các lĩnh vực nghệ thuật, lưu giữ và phát triển những biểu tượng nghệ thuật. Hiện tượng có sự biến đổi ý nghĩa của biểu tượng thường xảy ra trong nghệ thuật bởi dù có nguồn gốc từ các biểu

82

tượng văn hóa, khi thực hiện chức năng thẩm mĩ trong một tác phẩm văn học, biểu tượng ngôn từ được cấu tạo lại, tổ chức lại trong mối quan hệ với các nhân tố của quá trình giao tiếp đặc biệt như một hoạt động sáng tạo. Các nhà văn, nhà thơ dựa trên những mối quan hệ hoặc bổ sung, hoặc tương phản, hoặc đẳng cấp để tổ chức các tín hiệu thẩm mĩ hướng tới việc khắc họa nổi bật hình tượng nghệ thuật, cũng từ đó mà thể hiện một lối tư duy nghệ thuật riêng, một phong cách sáng tạo riêng.

Truyện ngắn của Trần Thùy Mai là những trăn trở, suy tư của một người phụ nữ về cuộc đời, số phận, đặc biệt là số phận những người phụ nữ. Trần Thùy Mai đã gửi gắm trong trang viết của mình nhiều thông điệp về cuộc sống. Những thông điệp ẩn dấu sau những miêu tả về tâm tư, tình cảm của con người nói chung và người phụ nữ nói riêng và đặc biệt có những thông điệp đã được nâng lên thành tính biểu tượng. Những biểu tượng văn hóa trong truyện ngắn Trần Thùy Mai là những ám ảnh của nhân vật về một hình ảnh, một chi tiết nào đó xuất hiện liên tục gắn liền với các biến cố cuộc đời. Những hình ảnh có tần suất xuất hiện nhiều lần trong truyện ngắn, được Trần Thùy Mai miêu tả lặp đi, lặp lại với các sắc thái khác nhau, mang những ý nghĩa biểu trưng nhất định, từ đó mà nâng lên thành tính biểu tượng. Đó có thể là hình ảnh của lửa (Lửa của khoảnh khắc, Lửa hoàng cung, Mắt nhân sư,…), là hình ảnh của gió (Gió thiên đường, Nơi gió phải đến, Gió nghịch mùa, Thị trấn hoa quỳ vàng, Suối bạc, Thập tự hoa,…), là hình ảnh của trăng (Trăng nơi đáy giếng, Thương nhớ hoàng lan, Hoa sứ trắng, Khói trên sông Hương, Biển đời người,…), hình ảnh của biển (Biển đời người, Thập tự hoa, Thị trấn hoa quỳ vàng,…)… Những biểu tượng đan cài vào các tình tiết tạo nên sức ám ảnh riêng cho câu truyện. Ở đây chúng tôi sẽ lựa chọn phân tích ba biểu tượng văn hóa tiêu biểu nhất trong truyện ngắn Trần Thùy Mai là gió, trăng và lửa.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trần thùy mai từ góc nhìn văn hóa (Trang 84 - 87)