Các hình thức sinh sản dinh dưỡng tự nhiên

Một phần của tài liệu Bài giảng sinh học đại cương (Trang 55 - 56)

V ở cây Măng tây (Asparagus) Theo Nguyễn Bá

a. Các hình thức sinh sản dinh dưỡng tự nhiên

Sinh sản dinh dưỡng hay là quá trình tái sinh là hiện tượng phổ biến ở thực vật, đặc biệt là ở những cây hoang dại. Ở giới động vật, khả năng sinh sản này chỉ gặp ở những đại diện thấp trong thang tiến hóa mà thôi.

Sự sinh sản bằng cách phân chia tế bào ở những cơ thể đơn bào cũng có thể xem là hình thức sinh sản dinh dưỡng.

Từ lâu người ta đã biết áp dụng rộng rãi cách sinh sản dinh dưỡng của thực vật trong trồng trọt cây ăn quả, trong nghề trồng rau, trồng hoa cũng như trong trồng rừng v.v...

Phương thức sinh sản dinh dưỡng ở thực vật có hoa rất đa dạng, có thể nẩy mầm thành cây mới từ rễ, rễ củ, thân rễ, hành, thân, lá các phần của hoa và quả. Ngoài ra một số cây lại có sinh sản bằng cách đứt đoạn, mỗi đoạn lại có khả năng hình thành nên một cơ thể mới (ví dụ ở nấm men, nấm đảm và một số thực vật bậc cao).

Hình thức sinh sản dinh dưỡng trong trường hợp đơn giản nhất là tách chồi ra khỏi cây mẹ để phát triển thành cây mới. Ở trạng thái tự nhiên các cành của những cây gỗ, cây bụi hoặc cỏ nằm sát mặt đất, thân ngầm, hành, chồi phụ đều có sinh rễ đâm chồi trong sinh sản dinh dưỡng.

Sinh sản bằng thân bò: là hình thức sinh sản dinh dưỡng thường gặp ở những cây có thân bò trên mặt đất. Tại các mấu thân hình thành nên rễ phụ và ở nách lá phát triển chồi thẳng đứng lên như ở cây rau má, cây dâu đất, dâu tây...

Sinh sản bằng thân rễ. Sinh sản dinh dưỡng bằng thân rễ thường gặp ở các loại cỏ dại nhiều năm. Thân rễ mang các lá hình vẩy và tại các mấu có các mầm chồi, tại đấy chồi cùng rễ phát triển để hình thành cây con mới, ví dụ ở cỏ tranh, cỏ gà, các cây họ Củ dong ...

Sinh sản bằng thân hành là hình thức sinh sản dinh dưỡng ở các loại cỏ, chủ yếu là cỏ một năm như ở các họ Hành tỏi, họ Thủy tiên. Trong hình thức sinh sản này ở kẽ các vẩy mọng nước của thân hành hình thành nên những hành con. Ví dụ ở hành ta, tỏi, giò Thủy tiên ...

Sinh sản bằng thân củ và củ. Thân củ và củ có nguồn gốc rễ đều có khả năng sinh sản dinh dưỡng. Trong hình thức sinh sản này trên thân củ hoặc củ hình thành nên các chồi phụ từ các chồi đó hình thành nên những cây con.

Khoai tây có thể sinh sản bằng thân củ cắt nhỏ ra từng phần, nhưng mỗi phần đó phải có một mắt (chồi mầm). Các loại củ cải, củ từ cũng có thể sinh sản dinh dưỡng bằng củ v.v...

Sinh sản bằng chồi rễ và chồi thân là hình thức phát triển những cơ thể mới từ những chồi phụ trên rễ hoặc ở gốc thân. Ví dụ sau khi người ta thu hoạch mía bằng cách chặt tận gốc thì ngay sau đó ít ngày các cây con sẽ mọc lên từ gốc để cho những cây mía của mùa sau. Kiểu sinh sản như thế thường thấy ở những cây Một lá mầm cũng như ở cây Hai lá mầm.

Một phần của tài liệu Bài giảng sinh học đại cương (Trang 55 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(81 trang)
w