Theo qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương năm 2010- 2020 thì mỗi năm tỉnh có thể giải quyết cho khoảng 30.000 đến 40.000 lao động. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là nguồn lao động ở Bình Dương có chất lượng thấp, số lao động qua đào tạo còn dưới 40% số người trong độ tuổi lao động. Vì vậy đòi hỏi chính quyền của tỉnh cần có những biện pháp tích cực để nâng cao chất lượng nguồn lao động trong tương lai.
Xây dựng chính sách giáo dục- đào tạo hợp lý.
Phát triển giáo dục- đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Một trong những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay của LLLĐ tỉnh Bình Dương là chất lượng nguồn LĐ thấp, thực sự thiếu và hiếm nguồn LĐ đã qua đào tạo và có tay nghề phù hợp. Nguyên nhân là do sự yếu kém trong vấn đề giáo dục – đào tạo trong một vài thập kỷ qua. Chính vì vậy, phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí nói chung và trình độ người LĐ nói riêng phải được coi là giải pháp cơ bản và lâu dài.
Trong quá trình tạo và giải quyết việc làm cho người lao động hiện nay, đào tạo kiến thức về quản trị kinh doanh, về kinh tế thị trường cho các chủ doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng và là một trong những giải pháp có tính chất cấp bách có ý nghĩa chiến lược lâu dài.
Chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp cần hỗ trợ tích cực và mở rộng hơn nữa việc đào tạo những kiến thức về kinh tế thị trường, về quản trị kinh doanh một cách thiết thực cho các chủ doanh nghiệp nhỏ và những người muốn trở thành chủ doanh nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp và giúp đỡ các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ xác định các phương án kinh doanh, tiếp cận các nguồn vốn.
Thành lập các câu lạc bộ của các nhà doanh nghiệp trẻ theo địa phương, khu vực hoặc theo ngành nghề kinh doanh để vừa trao đổi kinh nghiệm, vừa hỗ trợ, tư vấn, bổ sung kiến thức cần thiết cho các nhà kinh daonh trẻ. Đội ngũ chủ doanh nghiệp được đào tạo một cách cơ bản, hệ thống sẽ là nhân tố quan trọng làm thay đổi các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội để mở rộng sản xuất, thu hút thêm lao động.
Đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức ngoại ngữ, quan hệ giao tiếp … nhằm thay đổi tư duy kinh tế cho người sử dụng lao động cũng như người lao động tìm được tiếng nói chung và cùng nhau hợp tác mang lại hiệu quả kinh tế xã hội.