Trên thế giới

Một phần của tài liệu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh trà vinh thời kì công nghiệp hóa hiện đại hóa (Trang 32 - 34)

7. Cấu trúc của đề tài

1.3.1.Trên thế giới

1.3.1.1. Trung Quốc

Trung Quốc là nước nằm kề và có những nét tương đồng về lịch sử, tự nhiên, KT – XH ,…với nước ta, họ đã có những bước chuyển từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự thành công cũng như thất bại của Trung Quốc là bài học cho nước ta vận dụng vào quá trình nông nghiệp. Năm 1978, Trung Quốc tiến hành thực hiện chính sách khoán hộ trong sản xuất nông nghiệp.

Từng bước đa dạng hóa chủ sở hữu ở nông thôn và tập trung đầu tư cho nông nghiệp với các nội dung chủ yếu là đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ sinh học, tạo giống cây trồng - vật nuôi tốt đưa vào sản xuất.

Nhà nước giảm thuế cho nông dân, đầu tư phát triển hạ tầng và thúc đẩy phát triển công nghiệp ở nông thôn. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm trồng trọt theo hướng xuất khẩu. Điều chỉnh CCKTNN theo hướng hội nhập quốc tế.

Những chính sách cải cách trên đưa Trung Quốc thoát khỏi tình trạng trì trệ kéo dài suốt 30 năm, kể từ khi giành được độc lập, đã cải thiện và nâng cao đời sống cho nông dân và góp phần tích lũy của nông thôn cả nước, là cơ sở KT – XH để chuyển dịch CCKTNN theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển sản xuất hàng hóa và bền vững. Hiện nay Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về sản lượng lương thực, bông, hạt có dầu, rau quả và thịt để cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

1.3.1.2. Nhật Bản

Là một nước có điều kiện tự nhiên không thuận lợi: diện tích lãnh thổ chủ yếu là đồi núi, đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, lại thường có động đất, núi

lửa, bão,… Nhưng không vì thế mà Nhật Bản không phát triển nông nghiệp. Nhật Bản là nước đầu tiên của Châu Á thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Với một nền nông nghiệp thủ công truyền thống Nhật Bản đã xây dựng được một nền nông nghiệp với trình độ khoa học công nghệ cao.

Từ 1947 chính phủ Nhật Bản đã tiến hành hàng loạt những cải cách ruộng đất, xóa bỏ đặc quyền của những địa chủ lớn, buộc phải bán đất vượt hạn điền (lúc đó là 1 ha) cho nông dân đang canh tác, hình thành mô hình kinh tế trang trại, xây dựng hợp tác xã kiểu mới. Qua thập niên 1960, nhà nước đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp ở mức độ cao, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ nông thôn để nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho nông dân. Do tác động tổng hợp của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp Nhật Bản năm 1990 tăng 30 lần so với năm 1960, trong khi chi phí lao động giảm nhiều lần. Những năm 60-70, nông nghiệp Nhật Bản đã đãm bảo được 90% nhu cầu thực phẩm trong nước.

Nhà nước thực hiện các chính sách bảo hộ nông nghiệp như bảo hộ thị trường trong nước, trợ giá cho người sản xuất, trợ cấp và đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.

1.3.1.3. Thái Lan

Thái Lan có nhiều nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới: gạo đứng đầu thế giới với sản lượng xuất khẩu chiếm 30-40% sản lượng xuất khẩu của thế giới; cung cấp 95% nhu cầu sắn trên thị trường thế giới; cao su đứng thứ 3 trên thế giới về sản lượng xuất khẩu; rau quả xuất khẩu đứng thứ 2 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Sự thành công trên của Thái Lan là nhờ tập trung vào:

Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật cho nông nghiệp đạt những thành tựu đáng kể. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp.

Phát huy lợi thế đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản, chính phủ kết hợp giữa đẩy mạnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Các mặt hàng nông sản theo hướng đa dạng hóa, nhằm phát huy thế mạnh sẳn có và giảm rủi ro thị trường.

Hỗ trợ nông dân phát triển sản phẩm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu: Thái Lan chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, xuất khẩu. Bên cạnh đầu tư mạnh cho việc chọn lọc, lai tạo và ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, phát triển các khu công nghiệp chế biến ở nông thôn để hỗ trợ nông nghiệp, góp phần giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của nông sản.

Khuyến khích các tổ chức tham gia xuất khẩu: Thái Lan thực hiện nhiều chính sách khuyến khích các công ty, doanh nghiệp khác nhau tham gia xuất khẩu nông sản thông qua chính sách giảm thuế xuất khẩu, hỗ trợ tín dụng, ưu đãi cho các nhà xuất khẩu nhằm tăng khả năng tiêu thụ, ổn định nông sản và tăng thu nhập cho nông dân.

Xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của một số nước trên là bài học kinh nghiệm cho nước ta thực hiện chuyển dịch CCKTNN theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh trà vinh thời kì công nghiệp hóa hiện đại hóa (Trang 32 - 34)