- Đối với học sinh:
2.1.1. Nội dung dạy học trong dạy học hợp tác
Để tổ chức dạy học hợp tác được thì mỗi nội dung dạy học cần phải được GV thiết kế thành những tình huống học tập hợp tác. Nội dung học tập được thiết kế như vậy được gọi là tình huống dạy học hợp tác. Một tình huống dạy học hợp tác là tình huống dạy học trong đó xác định rõ mục tiêu học tập cho mỗi HS trong một nhóm, phù hợp với nhận thức của HS và tạo nhu cầu hợp tác trong học tập. Thực chất đó là một dạng tình huống gợi vấn đề mà GV đưa ra với dụng ý tạo ra hoạt động học tập hợp tác cho HS.
Đặc điểm khác biệt nhất của tình huống dạy học hợp tác so với các tình huống dạy học khác là: GV phải tạo được cơ hội cho HS thảo luận và từng bước đạt kết quả học tập. Nhiệm vụ học tập được sắp xếp, thiết kế có dụng ý phân bậc để các HS có thể bàn bạc đạt được mục tiêu học tập.
Tình huống dạy học hợp tác không phụ thuộc vào nội dung dạy học mà phụ thuộc vào đặc điểm của kiến thức. Dấu hiệu của nội dung kiến thức có thể thiết kế tình huống dạy học hợp tác là: Nội dung phức tạp, phong phú, có nhiều cách giải quyết vấn đề, có nhiều cách suy nghĩ khác nhau, khối lượng kiến thức lớn, cần giải quyết trong một thời gian ngắn, HS có thể sẽ mắc nhiều sai lầm trong lúc giải, tạo điều kiện cho HS cùng nhau tiếp cận nhiều vấn đề, nâng cao kỹ năng tư duy phê phán,...
Một tình huống trong dạy học hợp tác cần đảm bảo các tiêu chí sau: • Tình huống phải có tác dụng gợi ra vấn đề.
• HS thấy có nhu cầu hợp tác, trao đổi với nhau và hy vọng sự hợp tác đó sẽ có tác dụng tốt.
• Tạo ra môi trường hợp tác để thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa vai trò cá nhân với vai trò tập thể.