Khái niệm “ thói quen vệ sinh”

Một phần của tài liệu Giáo trình bệnh học trẻ em (dùng cho sinh viên ngành GD mầm non – hệ từ xa) phần 2 (Trang 44 - 46)

4. GIÁO DỤC THÓI QUEN VỆ SINH CHO TRẺ MẦM NON

4.1.Khái niệm “ thói quen vệ sinh”

Thói quen vệ sinh được hình thành từ kĩ xảo. Vì vậy, để xác định khái niệm “ thói quen vệ sinh” và đặc biệt là hiểu được quá trình hình thành thói quen này ở trẻ, cần phải bắt đầu từ việc phân tích khái niệm kĩ xảo.

a. Kĩ xảo vệ sinh

Trên cơ sở nghiên cứu về vận động của chủ định của I.M.Sêchênốp và I.P.Pavlốp, kĩ xảo được coi là kết quả tự động hoá của các hành động trong quan hệ với một hoạt động nào đó. Như vậy kĩ xảo là những hành động tự động hoá, nhưng trong quá trình hình thành nhất thiết phải có sự tham gia của ý thức, kĩ xảo dần dần được củng cố và hoàn thiện. Tuy vậy, trong sự tự động hoá của

kĩ xảo, chỉ có những vận động thứ yếu không cần đến sự tham gia của ý thức, còn những vận động chủ yếu luôn nằm dưới sự điều khiển của ý thức.

Quá trình hình thành kĩ xảo

Kĩ xảo được hình thành qua 3 giai đoạn

- Giai đoạn I: Hiểu biết cách làm. Trẻ cần hiểu mỗi hành động gồm những thao tác nào? Các thao tác đó diễn ra theo trình tự như thế nào? Và cách tiến hành mỗi thao tác cụ thể.

- Giai đoạn II: hình thành kĩ năng: Trẻ cần biết vận dụng các tri thức đã biết để tiến hành một hành động cụ thể nào đó. Việc tiến hành các hành động ở giai đoạn này đồi hỏi sự tập trung chú ý, có nỗ lực về ý chí và biết vượt qua khó khăn.

- Giai đoạn III: Hình thành kĩ xảo: Trẻ cần biết biến các hành động có ý chí thành các hành động tự động hoá bằng cách luyện tập nhiều lần để giảm tới mức tối thiểu sự tham gia của ý thức vào hành động.

Như vậy, có thể thấy kĩ xảo vệ sinh là những kĩ xảo hướng tới việc bảo vệ và củng cố sức khoẻ. Về bản chất, kĩ xảo vệ sinh thuộc nhóm kĩ xảo vận động.

b. Thói quen vệ sinh

Thói quen thường để chỉ những hành vi của cá nhân được diễn ra trong những điều kiện ổn định về thời gian, không gian và quan hệ xã hội nhất định. Thói quen có nội dung tâm lí ổn định và thường gắn với nhu cầu cá nhân. Khi đã trở thành thói quen, mọi hoạt động tâm lí trở nên cố định, cần bằng và khó loại bỏ.

Mọi phẩm chất nhân cách được hình thành, phát triển trong những điều kiện ổn định, trên nền tảng thói quen. Do vậy, cần phải tạo ra các tình huống ổn định để hình thành những phẩm chất nhân cách tốt. Đồng thời, cũng cần phải thay đổi điều kiện sống để củng cố thói quen trong điều kiện mới. Đậy là điều kiện để tạo ra những mẫu người linh hoạt, dễ thích ứng với mọi hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.

Trong cuộc sống, có những hành động vừa là kĩ xảo, vừa là thói quen, nhưng không phải lúc nào cũng trùng hợp như vậy. Trong giáo dục trẻ, cần làm

cho các hành động trong học tập, vui chơi, vệ sinh cá nhân vừa là kĩ xảo, vừa trở thành thói quen.

Do vậy, để các kĩ xảo vệ sinh trở thành thói quen vệ sinh cho trẻ càn đảm bảo các điều kiện như sau: trẻ phải được thực hiện các hành động vệ sinh trong cuộc sống hằng ngày; trong quá trình thực hiện, phải kiểm tra việc thực hiện của trẻ và dạy trẻ tự kiểm tra hanh động của chúng; sự gương mẫu của người lớn có ý nghĩa lớn đối với hiệu quả của việc hình thành thói quen cho trẻ, các biên pháp khen thưởng, trách phạt được sử dụng trong quá trình giáo dục phải phù hợp với đặc điểm nhận thức và tình cảm của trẻ nhỏ, phải tạo ra nhiều tình huống để củng cố thói quen trong điều kiện mới.

Một phần của tài liệu Giáo trình bệnh học trẻ em (dùng cho sinh viên ngành GD mầm non – hệ từ xa) phần 2 (Trang 44 - 46)