Độc thoại nội tâm tái hiện những diễn biến tâm lý phức tạp

Một phần của tài liệu Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật trong tiểu thuyết gia đình của khái hưng (Trang 60 - 67)

8. Bố cục của khóa luận

3.3.2.Độc thoại nội tâm tái hiện những diễn biến tâm lý phức tạp

Trong tiểu thuyết “Gia đình” tất cả quá trình diễn biến trong đời sống tâm lý của nhân vật đều được hiện lên một cách trực tiếp dưới trang viết của nhà văn. Đó là cả một quá trình diễn biến tâm lý không giản đơn mà có nguyên nhân sâu xa, có đấu tranh gay gắt và giải quyết thấu đáo các mâu thuẫn, xung đột. Tất cả được móc xích với nhau bởi một nghệ thuật viết tiểu thuyết tài hoa.

Nhìn chung những nhân vật mang tâm lý hám danh (ông bà án Báo, Nga, Phụng, Viết...) và có tư tưởng cải cách xã hội (Hạc, Bảo) được thể hiện rất sinh động, sắc sảo, thậm chí rất gần với đời sống thường nhật (bà Án, Nga, Phụng, Viết). Nhưng điển hình nhất cho quá trình tâm lý có diễn biến phức tạp trong tiểu thuyết “Gia đình” của Khái Hưng chính là ở nhân vật mang tâm lý lưỡng phân. Loại nhân vật này có đời sống tâm lý rất phức tạp, chứa đựng nhiều mâu thuẫn, đối lập. Người tiêu biểu nhất cho nét tâm lý này chính là nhân vật An. Quá trình diễn biến trong đời sống tâm lý của nhân vật đã được tác giả thể hiện rất thành công qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm.

Có thể nói, quá trình tâm lý phức tạp của nhân vật An được biểu hiện trực tiếp qua những dòng chảy tâm lý sinh động. Có lúc nổi lên trên bề mặt qua những lời đối thoại trực tiếp hướng vào nội tâm, hay gián tiếp hiện lên qua

những lời trần thuật của tác giả ở một điểm nhìn rất gần. Nhưng phải nói rằng thành công nổi bật nhất là phương thức tái hiện đời sống tâm lý phức tạp của nhân vật qua dòng độc thoại nội tâm triền miên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm, giống như những con những con sóng ngầm lặng lẽ mà thật sục sôi và mãnh liệt.

Sự bất đồng trong quan niệm và cách sống của An với người thân đã dẫn đến nhiều cuộc xung đột căng thẳng. Một mình An lẻ loi chống đối với rất nhiều thế lực: vợ, chú, cậu, gia đình nhà vợ… Người tác động đến An nhiều nhất là Nga – vợ chàng. Mỗi người một chí hướng nên An và Nga “hai người ăn ở với nhau mà tâm hồn xa hẳn nhau”. Trước sức ép của vợ, An cũng có những phản ứng khá gay gắt: “chí quả quyết của chàng hình như không một sự gì lay chuyển nổi”. Có lúc “hai mắt chàng nảy tia lửa”, không một chút nhún nhường với vợ: “Mợ im ngay! Sự nhẫn nại cũng phải có giới hạn!”. Thậm chí sự phản kháng của An khiến cho Nga phải lo lắng đến hạnh phúc của hai người như sắp vỡ tan vì hai vợ chồng như ngày càng ác cảm với nhau.

Chỉ tiếc đó lại là cuộc đấu tranh nửa vời nên cuộc đời An đã rơi vào bi kịch. Khái Hưng đã điều hòa xung đột tâm lý bằng sự đầu hàng, bất lực của An. Bản tính An nhu nhược, yếu đuối nên chàng đã nhân nhượng hết chuyện này sang chuyện khác, từ việc lấy vợ, đi học, làm quan… An đều chiều theo ý của mọi người thân trong gia đình. Đó chính là nguyên nhân khiến An luôn dằn vặt, đau đớn, khổ sở. An biết vì sao mình rơi vào bi kịch nhưng không đủ nghị lực, đủ quyết tâm thay đổi cuộc đời mình: “Thế là An quả quyết sống theo quan niệm của vợ” chỉ để gia đình mình được êm ấm. Chàng luôn có sự rằng xé trong nội tâm, tự oán trách bản tính nhu nhược của mình: “Sao mình không phải là lòng hi sinh mà chỉ là tính nhu nhược?”. Vì vậy tác phẩm là một dòng triền miên những trăn trở, băn khoăn, dằn vặt của nhân vật: “Chàng nghĩ thầm: Chỉ tại mình nhu nhược để họ bắt làm theo ý họ. Sao mình không quả quyết ngăn cản đi”, “Vả lại cũng đáng kiếp cho mình lắm! Ai bảo cứ nghe theo đàn bà! Trước kia mình cho thế là chiều họ nhưng nay nghĩ lại thì đó chỉ là sự nhút nhát, sự nhu nhược. Sao mình không chiều mình, mình lại chiều họ. Thế là hi

sinh à? Không, đó chỉ là sự khốn nạn của một tâm hồn yếu đuối” [14, 226]… Nhân vật đã chạy dài theo những vết xe đổ trên con đường không phải do mình lựa chọn. Dù chàng không như Viết “tàn ác lâu ngày trở thành quen”, An “chỉ nhận những thứ người ta lễ” nhưng An đã dần dần tha hóa theo một quy luật tất yếu trên chốn quan trường.

Khái Hưng đã để cho bạn đọc thấy tấn bi kịch thê thảm của cuộc đời An hiện lên một cách chân thật, sống động và đầy thương cảm qua cảm nhận của Nga: “Nghe tiếng ngáy mệt nhọc của An (…), Nga tưởng ngắm thấy cái vẻ mặt cau có, đôi lông mày díu lại, mấy nét chun lõm sâu xuống ở trên sống mũi… Nga nhớ những buổi chiều nhiều việc, hay gặp những sự khó khăn, An thường

vò đầu vò tóc than thân khổ sở. Hừ! Khổ sở! Làm quan mà còn khổ thì làm gì

cho không khổ sở” [14, 182].

Như vậy, miêu tả tâm trạng bế tắc của An, Khái Hưng muốn khắc sâu sự mâu thuẫn của hai tư tưởng trong một con người. Ở đây điều mà Khái Hưng đạt tới thành công là ông đi sâu vào miêu tả cái bi kịch tinh thần trong thế giới nội tâm của nhân vật bằng ngôn ngữ độc thoại nội tâm. Cho dù chưa thể so

sánh với những tác phẩm của văn học hiện thực phê phán sau này như: “Chí

Phèo”, “Đời thừa”,… nhưng Khái Hưng đã đề cập được đến cõi sâu xa và bí

ẩn nhất trong tâm hồn con người – nơi mà ông đã dày công khám phá và đạt được khá nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Cùng với biện pháp đối thoại hướng vào nội tâm, kết hợp với những lời nhận xét, giải thích rất chính xác của tác giả… độc thoại nội tâm đã trở thành thủ pháp tối ưu để mở ra những bí ẩn khó nắm bắt trong chiều sâu tâm lý của nhân vật. Độc thoại nội tâm của Khái Hưng đạt đến độ chuẩn xác cao vì nó xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ và có một sức thuyết phục lớn, mở ra cho tiểu thuyết hiện đại tiệm cận dần sang giọng điệu đa thanh.

Tóm lại, nhân vật của Khái Hưng có tính cá thể hóa cao nhờ những nét riêng biệt trong ngôn ngữ mà nhân vật sử dụng để giao tiếp hướng đến khám phá những mối quan hệ bên ngoài và những ngoắt nghéo trong đời sống nội tâm bên trong. Đối thoại hướng vào nội tâm và độc thoại nội tâm đã trở thành

hai phương thức quan trọng giúp nhà văn thành công trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật.

KẾT LUẬN

Tự lực văn đoàn giống như một vườn ươm nuôi dưỡng những tài năng tinh tú. Trong đó, Khái Hưng nổi bật như một bông hoa đẹp ngát hương thơm. Ông đã nhận được sự yêu quý, mến mộ của đông đảo bạn đọc đương thời bởi sức sáng tạo dồi dào và nghệ thuật viết tiểu thuyết rất tinh tế, tài hoa. Trong khoảng mười năm, Khái Hưng đã khẳng định sự nghiệp văn chương của mình

bằng nhiều tác phẩm có giá trị như: “Nửa chừng xuân”, “Gia đình”, “Thoát

ly”, “Thừa tự”, “Đẹp”… Những tác phẩm ấy đã góp phần không nhỏ làm giàu

thêm di sản trong nước, làm cho tiểu thuyết trở thành bộ phận chính yếu, trung tâm của văn chương Tự lực và đưa văn học nước nhà cập tới bến trên hành trình hiện đại hóa.

Là một nhà văn sinh ra và hiểu rất rõ về cuộc sống của tầng lớp trưởng giả, với năng lực quan sát tinh tế, cùng với quan niệm về cuộc sống và nhân sinh có phần tiến bộ, nhà văn đã bộc lộ mặt mạnh của mình trên lĩnh vực tiểu thuyết. Có thể nói thành công lớn nhất đưa tên tuổi Khái Hưng lên vị trí chủ chốt của Tự lực văn đoàn chính là nhờ nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật rất

sắc sảo, điêu luyện của nhà văn. Trong tiểu thuyết “Gia đình” Khái Hưng đã

rất xuất sắc khi miêu tả những xung đột tâm lý giữa các thế hệ về tư tưởng, tình cảm, nếp sống trong các gia đình quyền quý. Và ông đã để lại những hình tượng nghệ thuật có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Tuy sáng tác của ông chỉ lấy gia đình làm bối cảnh cho câu chuyện, nhân vật ít tham gia vào các xung đột xã hội nhưng ông đã khéo lựa chọn mâu thuẫn, xây dựng hình tượng nhân vật, nên tiểu thuyết của ông mang giá trị phản phong sâu sắc. Ông không những kết án những con người cụ thể (như quan huyện Viết), mà còn làm cho người đọc công phẫn cả một nền đạo đức và lễ giáo phong kiến bảo thủ, lạc hậu. Hơn nữa qua những thành công trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, nhà văn còn khẳng định, quảng bá cho mẫu hình con người mới (Hạc, Bảo) khi

thực hiện con đường cải cách xã hội. “Gia đình” là cuốn tiểu thuyết gần với

hiện thực, dù tư tưởng cải lương khiến tiểu thuyết của Khái Hưng chưa thể đoạn tuyệt với khuynh hướng lãng mạn nhưng lại nổi bật lên giá trị nhân đạo sâu sắc của nhà văn.

Bên cạnh việc tạo dựng thành công những xung đột, Khái Hưng đã rất xuất sắc khi trực tiếp miêu tả quá trình diễn biến của đời sống tâm lý qua rất nhiều những biện pháp nghệ thuật khá đặc sắc như: miêu tả tâm lý nhân vật qua hình ảnh thiên nhiên; qua ngôn ngữ đối thoại hướng vào nội tâm và ngôn ngữ độc thoại; qua phương thức trần thuật ở điểm nhìn gần và có sự chuyển đổi, gia tăng điểm nhìn… Với vốn hiểu biết sâu rộng, sự quan sát tinh tế, một tâm hồn nhạy cảm, và một ngòi bút tiểu thuyết tài hoa, Khái Hưng đã miêu tả rất thành công những biến thái tâm lý, những gấp khúc trong tâm trạng của nhân vật. Ông xứng đáng nhận được sự ưu ái, ngưỡng mộ của công chúng đương thời. Bởi “Khái Hưng là nhà tiểu thuyết có tài, rất thành thạo trong nghề của mình”, ông “có thể diễn đạt được mọi ngoắt ngoéo của tâm lý con người” [4, 45].

Tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn nói chung và của Khái Hưng nói riêng đã mở đầu và đánh dấu son quan trọng về những thành công trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật – tạo bước đà để nền văn học đạt được những thành công rực rỡ trong giai đoạn kế tiếp. Kế thừa và phát triển là quy luật muôn đời để văn học từng bước hoàn thiện và phát triển. Tiếp cận tiểu thuyết “Gia đình” dựa trên tinh thần đổi mới, chúng tôi muốn khẳng định những giá trị nổi bật, những đóng góp quan trọng mà nhà văn đã đạt được trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật của nhà văn Khái Hưng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lại Nguyên Ân (2004), 150 thuật ngữ văn học, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

2. Barkhin. M (1993), Những vấn đề thi pháp Đoxtôiepxki, NXB Giáo dục, Hà Nội.

3. Phan Cự Đệ (1978), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, tập 1, NXB ĐH và

THCN.

4. Phan Cự Đệ (1990), Tự lực văn đoàn – con người và văn chương, NXB Văn học, Hà Nội.

5. Hà Minh Đức (1998), Lời giới thiệu Gia đình, NXB ĐH VÀ GDCN, Hà Nội. 6. Hà Minh Đức (2007), Lý luận văn học, NXB GD, Hà Nội.

7. Hà Minh Đức ( 2007), Tự lực văn đoàn trào lưu – tác giả, NXB Giáo dục, Thừa Thiên Huế.

8. Vu Gia (1993), Khái Hưng – nhà tiểu thuyết, NXB Văn hóa, Hà Nội.

9. Văn Giá (1998), “Khái Hưng – nhà tiểu thuyết” của Vu Gia, NXB Giáo dục, Hà Nội.

10. Nguyễn Hải Hà (1998), Thi pháp tiểu thuyết L.Tôxtôi, NXB Giáo dục, Hà Nội.

11. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1992), Từ điển thuật ngữ văn

học, NXB Giáo dục, Hà Nội.

12. Khái Hưng (1937), Tựa gió đầu mùa của Thạch Lam, Hà Nội.

13. Mai Hương (2001), Khái Hưng tác phẩm chọn lọc, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.

14. Nguyễn Hoành Khung, Phong Hà, Nguyễn Cừ, Trần Hông Nguyên (1989),

Văn xuôi lãng mạn Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

16. Phương Ngân (2000), Khái Hưng – nhà tiểu thuyết xuất sắc của Tự lực văn

đoàn, NXB văn hóa thông tin, Hà Nội.

17. Vũ Ngọc Phan (2005), Nhà văn hiện đại, NXB VH, Thành phố Hồ Chí

Minh.

18. Hoàng Phê (2003), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.

19. Vũ Đức Phúc (1974), Bàn về cuộc đấu tranh tư tưởng trong con người Việt

Nam hiện đại (1930 – 1945), NXB Vàng Son.

20. Pospelov.G.N (1985), Dẫn luận nghiên cứu văn học, NXB Giáo dục, Hà

Nội.

21. Trần Đình Sử (2008), Lý luận văn học, NXB ĐHSP, Hà Nội. 22. Ngô Văn Thư, Bàn về tiểu thuyết của Khái Hưng, NXB Thế giới.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật trong tiểu thuyết gia đình của khái hưng (Trang 60 - 67)