8. Bố cục của khóa luận
2.3. Miêu tả tâm lý qua hình ảnh thiên nhiên
Thiên nhiên trong tiểu thuyết Khái Hưng không đơn giản chỉ là những bức tranh thủy mạc “đó là những nét chấm phá rất thanh, rất nổi về những cảnh đồi chè thoai thoải miền trung châu, hay ruộng đồng tươi mát nơi đồng bằng Bắc bộ” [22, 105 – 106] và quan trọng hơn, đó còn là một biện pháp nghệ thuật đặc sắc được nhà văn sử dụng để miêu tả tâm lý của nhân vật.
Trong tiểu thuyết của Khái Hưng, thiên nhiên đã trở thành một phần cuộc sống của nhân vật. Thiên nhiên là nơi con người có thể hưởng thụ, giãi bày mọi tâm trạng. Khái Hưng là ngươi đã tả về thiên nhiên khá nhiều trong tiểu thuyết của mình. Ông đã cho thiên nhiên hòa nhịp với cuộc sống của con
một cuốn tiểu thuyết gần với hiện thực cuộc sống, vì vậy thiên nhiên không được miêu tả nhiều như trong các tiểu thuyết ái tình nhưng khi đã được tác giả xen vào nghĩa là nó đã chiếm giữ một vai trò nhất định. Nhà nghiên cứu Trương Chính đã từng nhận xét: “Trong những tiểu thuyết của Khái Hưng, càng về sau ta càng ít thấy ông tả đến cảnh vật. Khi cần ông chỉ chọn ít nét chủ yếu và dùng để phản ánh tâm lý nhân vật mà thôi, chứ không điểm xuyết cho tác phẩm như thời kỳ đầu” [8, 44].
Những nhân vật có đời sống nội tâm phong phú, phức tạp thường trải lòng mình với thiên nhiên vạn vật. Qua khung cảnh thiên, Khái Hưng đã để cho nhân vật tự giãi bày mọi trạng thái cảm xúc đồng thời là phương tiện quan trọng giúp nhà văn biểu lộ các trạng thái tâm lý đầy uẩn khúc trong các nhân vật của mình.
Có thể nói An là nhân vật có đời sống nội tâm phức tạp nhất trong tiểu
thuyết “Gia đình”. Sự mâu thuẫn giữa hiện thực và ước mơ khiến cho chàng
luôn có sự rằng xé, vật lộn đau đớn trong đời sống nội tâm. Tất cả chỉ tại con người chàng nhu nhược, yếu đuối nên đã chiều lòng gia đình mà làm những việc không đúng như ý nguyện. Sự phản kháng của An lại quá mong manh, yếu đuối. Chàng nối tiếc quá khứ, nối tiếc những ước mơ. Chàng đau đớn, bất lực trước thực tại. Đó là cả một khối tâm trạng rất lớn, khó có thể sẻ chia, giãi bày với người thân, bè bạn. Vì vậy chàng đã giải tỏa lòng mình bằng cách tìm đến với thiên nhiên như một điều tất yếu. Thiên nhiên dưới cái nhìn của An không mấy tươi vui mà trái lại nó giống như một sự so sánh, liên tưởng với cuộc đời của chàng vậy. Mở đầu tác phẩm, người đọc đã bắt gặp ngay những dòng chảy của cảm xúc đang ẩn náu trong tâm hồn nhân vật: mất niềm tin, trống rỗng, vô vị, chán nản. Vì vậy, thiên nhiên và An dường như có sự đồng cảm, con người khoác lên thiên nhiên tâm hồn héo úa, tàn tạ: “Từng cơn gió thổi lạt xạt trong đám lá rậm um tùm, lay rụng xuống bên chàng những quả đa vàng úa răn reo.
Thẫn thờ chàng nhặt một quả, tẩn mẩn vân vê ngắm nghía. Và buồn rầu chàng so sánh đời chàng với một quả héo, chỉ còn đợi giờ rụng” [14, 9].
Thiên nhiên không chỉ là bức tranh hòa hợp với tâm trạng trạng mà nó còn là cánh cửa mở ra cả những miền ký ức in đậm trong tâm hồn nhân vật. Quá khứ và hiện tại cùng một bức tranh thiên nhiên. Trước bầu trời bát ngát đầy ánh sáng trong của mùa thu, đầy sắc vàng thắm của ngàn lúa đến mùa gặt hái, quá khứ tươi đẹp hiện về đầy ắp trong An khiến chàng sung sướng nhớ đến “ngày còn nhỏ, gặp lễ Các thánh được nghỉ học về quê thăm nhà, chàng nô đùa chạy nhảy trong ruộng khô bên những người thợ hái vui cười, bên những đống lúa nếp vừa cắt tỏa hương thơm phức”. Vậy mà vẫn “cảnh cũ người xưa”, giờ đây tâm trạng An lại có sự biến đổi rõ nét: “Hôm nay cảnh ấy cũng nhắc tới thời thơ ấu, song những ngày xa lắc kia chỉ cùng một ý nghĩ buồn tẻ trở lại trong tâm hồn chàng” [14, 9]. Hiện thực đã chi phối tâm trạng của nhân vật. An trăn trở, khổ đau, bế tắc chỉ vì hai chữ gia đình. Mà tất cả chỉ tại chàng quá nhu nhược và yếu đuối.
Theo từng bước đi của nhân vật, chúng ta còn thấy một sự tăng cấp của những khổ đau, dằn vặt, bế tắc khi mà đứng trước thiên nhiên con người chỉ trôi theo những dòng suy nghĩ. Đôi khi An đứng ngoài lề trước thiên nhiên, bị tâm trạng chi phối khiến An quên đi cả thói quen của mình: “Tới chùa, An lại quên bẵng rằng mình đến chùa tìm chim để bắn, chàng không để ý cả tiếng gáy đều đều trong lá muỗm xanh đen, um tùm và xào xạc. Vì chàng đang mải theo một ý nghĩ khó chịu, ý nghĩ độc nhất nó vương vấn trong óc chàng hơn nửa tháng nay” [14, 75].
Như vậy, Khái Hưng đã rất tinh tế khi miêu tả thiên nhiên có sự tương đồng với tâm trạng của nhân vật. Dưới cái nhìn của An, thiên nhiên chỉ là sự nhạt nhẽo, buồn tẻ, vô vị: “Gió hây hây thổi. Sự tĩnh mịch ban đêm sẽ hoàn toàn nếu thỉnh thoảng không điểm mấy tiếng trống, tiếng mõ cầm canh rời rạc, buồn tẻ”.
Tác phẩm “Gia đình” còn mở ra một khung cảnh thiên nhiên khác: tươi mới, trẻ trung, tràn đầy sức sống: “một buổi sáng mùa xuân, xen lẫn vào tiếng ri sẻ ríu rít, tiếng cối xay ầm ì, từng hồi tiếng hót của con chim chích chòe luôn luôn bay truyền từ nóc nhà sang rặng xoan tím nhạt”. Đó là khung cảnh thiên nhiên trong khu đồn điền của Hạc và Bảo. Thiên nhiên trong cái nhìn của Bảo căng đầy nhựa sống, ngập tràn sắc xuân giống như con người đang tràn ngập niềm vui, niềm hạnh phúc, tin tưởng và hi vọng vào tương lai: “Hai người yên lặng dừng tay quay xa, và cùng ngước nhìn con chim chích chòe đương phưỡn ngực cất đuôi hót từng nhịp dài. Bảo so sánh cái sung sướng hồn nhiên của mình với tiếng hót vui vẻ của con chim một buổi sáng xuân êm mát. Đời nàng, đời chồng nàng, đời con nàng cứ thế này mãi mãi, ngày nay như ngày mai, tựa tiếng hót mỗi sáng của con chim chích chòe” [14, 201].
Sự cộng hưởng giữa bức tranh thiên nhiên và tâm trạng của con người đã giúp Khái Hưng thể hiện sâu sắc, đậm nét tâm lý của nhân vật, và đó chính là một nét duyên, hấp dẫn trong tiểu thuyết “Gia đình”. Tác giả đã quan sát và miêu tả thiên nhiên rất ý vị, chỉ chọn “những nét chủ yếu” để biểu hiện tâm lý nhân vật chứ không trải rộng như những tác phẩm trong thời kỳ đầu. Đây chính là một thành công và sự đóng góp không nhỏ của nhà văn Khái Hưng trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật.
Chương 3: MIÊU TẢ TÂM LÝ NHÂN VẬT QUA NGÔN NGỮ
M.Gorki đã từng viết: “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó và – cùng với các sự kiện, các hiện tượng của cuộc sống – là chất liệu của văn học” [6, 148]. Thông qua lăng kính chủ quan của mình, mỗi nhà văn lại gửi vào nhân vật do mình sáng tạo một loại ngôn ngữ riêng để cá tính hóa và qua đó đời sống tâm lý của nhân vật được biểu hiện cụ thể. Nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ nhận xét: “Khái Hưng chính là nhà văn biết sử dụng
mẫu mực ngôn ngữ của nhân vật, ngôn ngữ của tác phẩm, ngôn ngữ của tác giả” [16, 145].
3.1. Ngôn ngữ nhân vật mang tính tính cá thể hóa cao
Khi tìm hiểu ngôn ngữ của nhân vật để thể hiện đời sống tâm lý, chúng tôi thấy ngôn ngữ nhân vật của Khái Hưng mang tính cá thể hóa cao. Trong
tiểu thuyết “Gia đình”, thông qua chất liệu ngôn ngữ mà nhà văn sử dụng,
Khái Hưng đã đi vào diễn tả rất nhiều loại người, nhiều cung bậc khác nhau trong đời sống nội tâm của nhân vật.
Sử dụng ngôn ngữ của nhân vật dưới lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ bằng nhiều hình thức như: ngôn ngữ đối thoại hướng vào nội tâm, ngôn ngữ độc thoại, cùng với nghệ thuật kể chuyện ở ngôi thứ ba nhưng vẫn có sự chuyển đổi và gia tăng điểm nhìn trần thuật… nhân vật của Khái Hưng đã để
lại một ấn tượng đậm nét khi gấp lại trang cuối của cuốn tiểu thuyết “Gia
đình”.
3.1.1.Ngôn ngữ nhân vật mang tâm lý hám danh
Những nhân vật mang tâm lý hám danh như: ông vạn Điều, ông bà án Báo, Nga, Phụng… để lại ấn tượng khá sâu sắc. Ngôn ngữ của họ đều nhằm hướng tới một động cơ: bằng mọi cách duy trì truyền thống “cao quý” của gia đình, dòng họ. Về bản chất họ là những người rất hám danh, rất coi trọng địa vị và quyền lực.
Ông điều Vạn – chú của An – đại diện cho một lớp nhà Nho cổ hủ, câu nệ và nghiêm khắc. Ngôn ngữ của ông sử dụng đặc tính sách vở, thích phô trương, khoe mẽ: “Đừng nói đâu xa, chị Tú ạ, (…). Chị tính thân danh mình là một ông Tú, mà lại ông Tú tây, thế mà ai lại người ta không thèm nghĩ đến giữ thể diện cho mình”[14, 27]. Ông tổ chức tiệc ăn khao với tấm thiếp mời làng in đè lên một chữ Hán: “Vâng lệnh thúc phụ”. Hơn thế ông còn dạy bảo An cách cư xử: “Vậy chào thế này này: Tôi nhờ tổ ấm đã thi đỗ tri huyện, nói đỗ tri
huyện, chứ đừng nói đại học, đại hiệc, người ta chẳng biết gì đâu nghe chưa?” [14, 132].
Còn ông bà án Báo thì “vẫn bình tĩnh, hồn nhiên đối với sự chia rẽ, hiềm khích của các con”. Không những bình tĩnh, hồn nhiên mà còn kích bác, châm chọc bằng thứ ngôn ngữ “rót” đầy cá tính. Ông án nói không nhiều, thứ ngôn ngữ mà ông sử dụng rất ngắn gọn, chỉ là những lời rất xã giao nhưng cũng đầy ẩn ý: “Ông Án quay lại đáp: “Phải”, “Chỉ còn thiếu anh chị thôi”, “Ông Án cười nói tiếp: Cho nó ra tam quốc giao tranh”[14, 167]. Nếu ngôn ngữ của ông Án là một nốt nhạc trầm thì ngôn ngữ của bà án Báo lại bổng lên như một thứ thanh âm sắc cạnh:
“Bà án giọng kéo dài: – Thì cô bảo cậu ấy học đi rồi cũng đỗ tri huyện chứ sao! Việc gì mà phải ghen với ghét ?”
Khi thì nói bâng quơ: – “Ở đời có lắm đứa sợ vợ đến thế. Vợ bắt sao phải theo vậy. Vợ không cho phép thì là không dám thi … Mà lạ nữa. Sợ là sợ thôi, chứ chẳng phải người vợ có xinh đẹp hay là con ông cháu cha gì cho cam”.
Khi thì cười mát quay ra bảo Viết: – “Anh nhanh chóng thăng tri phủ rồi xin đổi lên phủ Lạng Giang mà trông nom bênh vực cho em” [14, 172]. Qua đó, chúng ta thấy bà Án quả là người phụ nữ điển hình của giai cấp phong kiến. Điển hình của thói hám danh với những hành động rất nhỏ nhen, thủ đoạn. Một người đàn bà chuyên sử dụng thứ ngôn ngữ đầy mỉa mai, châm chọc để kích bác, gây hiềm khích cho con cái. Phụng và Nga cũng là những người phụ nữ tiêu biểu cho tầng lớp trên: họ nhỏ nhen, giả dối, hay ganh tị, chèn ép nhau, làm cho nhau đau khổ một cách vô lý. Họ gây ra trong gia đình nhiều bi kịch, nhưng họ lại làm cho người khác thấy họ là hiền lành, phúc hậu. Họ là những kẻ đóng kịch tài. Những nhân vật nữ đại diện cho tâm lý hám danh của nhà văn để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất về sự rất sắc sảo, nanh nọc, ghê ghớm.
Nhân vật điển hình cho xã hội quan trường thời ấy chính là Viết. Qua ngôn ngữ của nhân vật này, Khái Hưng tái hiện được trước mắt bạn đọc một ông quan lọc lõi trong nghề “ăn tiền”, lại vô cùng dâm ô, đê tiện và xảo quyệt. Với tình nhân là những lời ngọt ngào và tình tứ: “Thoa! Em Thoa (…) Đây anh đền”. Với vợ, hắn lại rất cục cằn, tính toán: “Viết ngắt lời: Thì đừng ăn tiêu như phá có hơn không? (...) Thôi, tôi không biết, mặc mợ làm sao đủ thì thôi, tôi không giết ai ra tiền được” [14, 66]. Và qua dòng độc thoại nội tâm: “Chà! Lễ mình thì mình lấy… nào mình có bóp hầu mổ bụng ai” khiến con người thật của nhân vật hiện lên một cách rõ nét: một ông quan dâm đãng, đểu giả, tham lam, tàn ác nhưng luôn khoác bên ngoài cái vẻ thật thà, tốt bụng, lịch lãm giả tạo.
Qua ngôn ngữ của nhân vật mang tâm lý hám danh, con người thật của nhân vật được bộc lộ đầy đủ và quan trọng hơn nhà văn đã tạo dựng được những cá tính rất riêng như nhân vật bà án Báo, Phụng, Nga, quan huyện Viết... Không những xây dựng thành công cá tính của nhân vật, tiểu thuyết của Khái Hưng cho thấy sự lỗi thời của chế độ đại gia đình và phanh phui chế độ quan trường thối nát.
3.1.2. Ngôn ngữ của nhân vật mang tâm lý lưỡng phân
Qua ngôn ngữ của những nhân vật này, chúng ta thấy đời sống nội tâm của loại nhân vật này rất phức tạp. Khái Hưng miêu tả tâm lý khá chi tiết và sâu sắc bằng ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật, bằng cách để cho nhân vật tự độc thoại nội tâm và bằng cả những lời đánh giá, phân tích, nhận định của chính tác giả.
Ngay từ đầu tác phẩm, Khái Hưng đã nhận xét về An: “An bản tính nhu nhược, hay nói cho đúng hơn, đối với chàng việc gì chàng cũng muốn nháo nhào cho xong”. An nhu nhược, yếu đuối để cho đời mình rơi vào bi kịch. Mâu thuẫn giữa ước mơ và thực tại đã khiến chàng luôn dằn vặt, suy tư, trăn trở, đớn đau. Vì vậy, Khái Hưng để cho nhân vật độc thoại nội tâm rất nhiều. “Và lại
cũng đáng kiếp cho mình lắm! Ai bảo cứ nghe theo đàn bà… Sao mình không chiều mình mình lại chiều họ?”, “Bây giờ mình về làm ruộng, liệu đời mình có khỏi trống rỗng không?”… Để rồi An hiện lên như một cái Tôi cô đơn, bế tắc trước thực tại.
Nhìn chung, ngôn ngữ các nhân vật lưỡng phân được xây dựng khá sinh động, lại rất gần gũi với đời thường. Tất cả được tạo bởi nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, cùng cách trần thuật ở điểm nhìn gần rất uyển chuyển, linh hoạt của nhà văn.
3.1.3. Ngôn ngữ của nhân vật mang tư tưởng cải cách xã hội
Hạc và Bảo là mẫu nhân vật lý tưởng, thể hiện quan niệm mới của nhà văn về xã hội và nhân sinh (cá nhân, tự do, âu hóa). Ngôn ngữ của nhân vật đã thể hiện quan niệm và hành động sống rất tích cực: thực hiện chương trình cải cách xã hội đem lại hạnh phúc cho người dân quê.
Hạc đã thầm nghĩ: “Ta sẽ sống giữa đám người mà ta yêu, giúp đỡ họ, làm cho họ đỡ khổ” [14, 125]. Không chỉ nghĩ, Hạc đã làm được rất nhiều việc giúp người dân ở đồn điền bớt khốn khổ, qua lời thoại của Bảo và mẹ chồng bạn đọc sẽ thấy rất rõ: “Khu nghỉ mát nhà con dựng lên ở đồi Nam… Còn gì sung sướng bằng trông thấy ở trước mắt những người dân quê mặt mũi sạch sẽ…”. Bảo cũng có cùng một quan niệm, một chí hướng với chồng “Bổn phận mình là làm cho người ta sung sướng như mình”.
Nhìn chung, ngôn ngữ cuả các nhân vật này luôn tươi trẻ, diễn tả được những mơ ước và việc làm rất trong sáng, thánh thiện, lý tưởng. Đó là thứ ngôn ngữ dùng để ngợi ca, tin tưởng. Tuy nhiên vẫn phải nhận thấy điểm phi thực tế khi xây dựng những nhân vật mang tư tưởng cải cách xã hội của tác giả. Đây là một hạn chế của tư tưởng cải lương đương thời nhưng chúng ta không thể phủ nhận ý tốt của Khái Hưng khi muốn xã hội có những con người tốt như Hạc và Bảo.
Tóm lại, ngôn ngữ nhân vật là một chất liệu được nhà văn sử dụng rất thành công khi miêu tả thế giới tâm lý đầy phức tạp của con người. Đặc biệt