8. Bố cục của khóa luận
2.2.1. Miêu tả tâm lý qua ngoại hình
Ngoại hình là dáng vẻ bề ngoài của nhân vật bao gồm: y phục, cử chỉ, tác phong, diện mạo… Khái Hưng không đi sâu vào miêu tả ngoại hình nhân vật nhưng những chi tiết mà ông miêu tả lại là điểm nhấn rất đắt cho ý đồ tư tưởng trong tác phẩm. Việc miêu tả ngoại hình bao giờ cũng nằm trong một dụng ý nhất định của nhà văn. Tất cả sự chú ý của Khái Hưng là hướng vào theo dõi nhân vật, hoạch họa những chân dung để lột trần chân dung tâm lý.
Có thể thấy những nhân vật tiêu cực thường được nhà văn miêu tả chi tiết, cụ thể hơn so với loại nhân vật tích cực. Nếu trong “Nửa chừng xuân” là bà Án, “Thoát ly” là bà Phán… thì trong “Gia đình”, nhân vật được miêu tả chi tiết hơn cả đó là Thoa và Viết.
Thoa hiện lên với tâm lý chơi bời hưởng lạc, nhỏ nhen, ích kỷ được tác giả miêu tả khá tỉ mỉ. Đó là người đàn bà “trạc hai lăm tuổi thân thể nhỏ nhắn, mặt trái xoan, điểm phấn rất khéo. Cách trang sức có vẻ sơ sài nhưng kì thực rất công phu và tỏ ra rằng nàng là một tay ăn chơi thành thạo, cái áo dài màu hồng may thắt và chẽn làm nổi bật bộ ngực nở nang và đôi cách tay tròn trĩnh. Cái vòng huyền rất ăn với màu da trắng và hình búp măng của năm ngón tay mũm mĩm cũng như đôi dép Nhật với bộ quai nhung đen với cái bông đỏ
thắm làm tăng vẻ mịn của đôi bàn chân thoa phấn”. Như vậy có thể thấy nhân vật này rất chú trọng đến vẻ bề ngoài, khéo léo tôn lên vẻ đẹp sẵn có. Thoa còn được nhà văn miêu tả kĩ lưỡng hơn nét hấp dẫn, quyến rũ trên gương mặt “nàng nhiếc một nụ cười để lộ hàm răng nhỏ trắng. Cặp mắt sáng long lanh, quầng bôi chỉ và đôi lông mi vòng bán nguyệt kẻ dài ra tận thái dương cũng hoạt động cười theo”. Với một đoạn văn không dài, Khái Hưng đã sử dụng khá nhiều tính từ, danh từ để miêu tả: “thân thể nhỏ nhắn”, “mặt trái xoan”, “bộ ngực nở nang và đôi cánh tay tròn trĩnh”, lại đan xen những từ ngữ thể hiện sự đánh giá của tác giả như “rất khéo”, “kì thực rất công phu”… giúp cho người đọc nhận thấy sự dâm đãng, lẳng lơ, đĩ thõa của nhân vật này. Vì vậy Thoa sẵn sàng bỏ chồng, chấp nhận cảnh “chồng chung vợ chạ” chỉ vì một cái danh “bà huyện”.
Nhà văn Khái Hưng còn đan xen trong việc miêu tả ngoại hình và hành động để bức chân dung tâm lý, tính cách của nhân vật được bộc lộ một cách sống động, hoàn chỉnh và rõ nét. Là một người đàn bà chẳng yêu chồng, cũng chẳng yêu con, Thoa đã rất hung dữ, độc địa và tàn bạo với chính đứa con của mình. Thoa sẵn sàng gọi đứa con của mình là “Đồ khốn nạn, con chết tiệt!” và “thẳng tay tát đứa bé một cái thật mạnh” chỉ vì nó xuất hiện đúng lúc đang tình tứ với Viết.
Nhà văn Khái Hưng còn thể hiện cái nhìn “biện chứng” khi miêu tả ngoại hình của nhân vật. Quan huyện Viết được nhà văn miêu tả như sau: “Viết hiện ra với một tấm thân vạm vỡ, với hai cánh tay mà người ta đoán biết ôm ghì mạnh lắm, với gương mặt rắn rỏi, quả quyết nhưng không phải không có duyên”. Viết có vẻ đẹp lý tưởng trong con mắt của người tình, nhưng lại mở ra một cách đánh giá khác dưới con mắt của tác giả và bạn đọc – một kẻ dâm ô, khôn ngoan, lọc lõi.
Đối với những nhân vật tích cực, Khái Hưng có những cách miêu tả riêng. Để đảm bảo nhân vật hiện lên chân thực, nhà văn đã có cách miêu tả rất
khách quan. Đó là cách miêu tả nhân vật dưới nhiều góc độ. Vẻ đẹp trong tâm hồn và tính cách của nhân vật Bảo được cảm nhận dưới con mắt của Hạc và Viết. Một cô gái mang vẻ đẹp của sự hồn nhiên, vui vẻ, trẻ trung, tinh nghịch, không có tính đố kị, hám danh… như hai chị gái. Hãy xem tác giả kết hợp miêu tả ngoại hình, phong thái, hành động của Bảo: “Nga chưa kịp trả lời Bảo đã chắp tay nghịch ngợm chào”, “Bảo cũng theo anh và vui mừng nhảy múa, hát nghêu ngao”… Nét đẹp trong tâm hồn của Bảo khiến An phải tự hỏi, tự ao ước: “Sao mà cô ấy vui vẻ, thẳng thắn khác tính vợ mình thế?”, “Giá vợ ta là cô Bảo, thì đời ta sung sướng biết bao” [14, 85]. Đặc biệt hơn, nét đẹp ngời sáng nhất trong con người của Bảo là tình yêu rất cao cả, không phân biệt địa vị sang hèn, dám yêu và tranh đấu cho tình yêu, cho hạnh phúc của chính mình; hơn thế còn đem đến cho những người dân nghèo một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy. Sự hài hòa, thống nhất giữa vẻ đẹp bên ngoài và phẩm chất bên trong của Bảo khiến người đọc có một cái nhìn đầy thiện cảm, trìu mến.
Như vậy, Khái Hưng đã dùng lối miêu tả trực tiếp, đặt các nhân vật vào các tình huống, các góc độ khác nhau, kết hợp khéo léo miêu tả ngoại hình và hành động, đan xen những lời miêu tả gián tiếp để thể hiện tâm lý, tính cách của nhân vật được sinh động, toàn diện.
2.2.2. Miêu tả tâm lý nhân vật qua hành động
“Hành động hiểu theo nghĩa rộng, ngoài hành vi ra, hoạt động còn bao gồm cả cử chỉ, suy nghĩ, ngôn ngữ và quá trình sống” [21, 118]. Hành động của nhân vật có ý nghĩa rất quan trọng. Nó gắn với tư tưởng, động cơ, tâm lý, phẩm chất cho nên hành động có khả năng nói rất nhiều về con người. Điểm đáng chú ý là Khái Hưng đã tạo dựng được những tình huống để nhân vật của mình tự ứng xử, từ đó bộc lộ ra phần bên trong của con người. Khi tìm hiểu
tiểu thuyết “Gia đình”, chúng tôi nhận thấy, Khái Hưng đã thể hiện hành
động của nhân vật qua các biểu hiện đặc thù sau:
Hành động nhất quán nghĩa là trong mọi tình huống, nhân vật đều có những hành động nhất quán với những suy nghĩ, hoài bão bên trong.
Có thể nhận thấy rất rõ điều này ở một số nhân vật có tâm lý hám danh và nhân vật có tư tưởng mới – tư tưởng cải cách xã hội. Nhân vật có những hành động thống nhất với suy nghĩ để đạt được động cơ tâm lý đã trở nên kiên cố, vững bền.
Những nhân vật có những hành động này có thể kể đến: ông bà án Báo, Phụng… Tâm lý hám danh ăn sâu vào bản chất của rất nhiều nhân vật trong
tiểu thuyết “Gia đình”. Ông bà án Báo bằng những hành động cụ thể của
mình muốn duy trì bằng được vòng quay của xã hội cũ: học hành – đỗ đạt – làm quan. Họ vẫn mang trong mình những đặc tính cố hữu không gì lay chuyển nổi và không ngừng nhen nhóm ngọn lửa háo danh đó cho thế hệ nối tiếp (Phương, Phụng, An, Minh…). Nhưng điều cần nhấn mạnh là các nhân vật này luôn có những hành động nhất quán với suy nghĩ bên trong. Chính vì vậy mà ông bà án Báo tỏ rõ thái độ, hành động của mình tương ứng với địa vị của con cái, nếu làm quan thì trọng vọng, ân cần; nếu không thì coi thường, mỉa mai, kích bác. Bà án giọng kéo dài: “Thì cô bảo cậu ấy học đi rồi cũng đỗ tri huyện chứ sao! Việc gì mà phải ghen với ghét?”, bà án nói bâng quơ nhằm mỉa mai, châm chọc Phương: “Ở đời có lắm đứa sợ vợ đến thế. Vợ bắt sao phải theo vậy. Vợ không cho phép thì là không dám thi … Mà lạ nữa. Sợ là sợ thôi, chứ chẳng phải người vợ có xinh đẹp hay là con ông cháu cha gì cho cam”. Hay khi bà án cười mát quay ra bảo Viết để kích bác Hạc: “Anh nhanh chóng thăng tri phủ rồi xin đổi lên phủ Lạng Giang mà trông nom bênh vực cho em” [14, 172]. Ông Án cũng vậy, bên trọng bên khinh ra mặt trong cách cư xử với Viết và An. Tâm lý hám danh của nhân vật này không chỉ bộc lộ qua hành động “chỉ quay sang nói chuyện với Viết,… để mặc An ngồi nghĩ liên miên”, mà trở thành một tín ngưỡng khi Viết nói bất cứ câu gì, “ông nhạc
cũng chịu là phải”, còn An thì trái lại “không bao giờ được ông tin là đúng” [14, 36 – 55].
Phụng cũng vậy, một người phụ nữ nóng nảy, uy quyền, ghê ghớm, hách dịch nhưng luôn hành động tương ứng với tính cách của mình, luôn biểu lộ tất cả ra bên ngoài chứ không ngấm ngầm, phức tạp như Nga. Với chồng: “Phụng ném mạnh con dao lên bàn thét: người đâu mà ngủ dễ thế”; với em gái: Phụng vứt con dao xuống thớt đáp: “Thuyết lý gì? Ai thèm thuyết lý với các người. Nhà có việc mà bây giờ mới dẫn thần xác về. Có ngồi thái mực đi không?”. Với người nhà nàng hách dịch thét mắng: “Thằng chết tiệt kia!”… Phụng sẵn sàng đấu đá, kình địch với em gái một cách thẳng thắn, không hề giấu diếm, che đậy hay úp mở, và có lần đã mắng “như tát nước vào mặt” cô em gái của mình.
Hành động của vợ chồng Hạc Bảo là hành động của những người mang trong mình tư tưởng về một lối sống mới – thực hiện chương trình cải cách xã hội và kiên quyết đi theo con đường đã chọn. Hạnh phúc của họ không đơn giản là hạnh phúc cá nhân mà còn là hạnh phúc mang tính chất cộng đồng: “người ta chỉ có thể là sung sướng khi ngắm thấy chung quanh mình mọi người đều sung sướng”. Chính vì quan niệm mới ấy mà Bảo đồng tình với hành động Hạc từ bỏ đốc tờ về quê lập đồn điền cưu mang, giúp đỡ những người dân quê nghèo khổ, nhọc nhằn: Hạc bỏ tiền xây dựng quán bên đường, trại nghỉ mát, xây những gian nhà mới cao ráo, phá bỏ những túp lều lụp sụp… cho dân. Với vợ chồng Hạc, “sống để làm việc, để giúp ích”. Từ đầu đến cuối tác phẩm, họ hành động theo những gì đã hoạch định sẵn. Hạc và Bảo là những nhân vật lý tưởng giúp nhà văn thể hiện chủ đề của tác phẩm.
2.2.2.2. Nhân vật có hành động không nhất quán với động cơ tâm lý lý
Những nhân vật này có các hành động biểu hiện rất đa dạng, hoặc họ có những hành động khác biệt với động cơ tâm lý để che đậy những toan tính bên trong, hoặc hành động đó được thực hiện bởi sự chi phối của tính cách.
Trường hợp thứ nhất: hành động của nhân vật chịu sự chi phối của tâm lý hám danh hoặc do sự tác động của hoàn cảnh. Các nhân vật như: Nga, ông Vạn Điều, Phương, Viết… thường có những hành động thuộc dạng này.
Nga là nhân vật tiêu biểu nhất. Một người phụ nữ xinh đẹp thông minh, rất hám danh và tìm mọi cách để được làm bà huyện. Mọi hành động của nàng đều được tính toán, vạch định rất kĩ lưỡng, cẩn trọng: “Và nàng tưởng ngay đến phương pháp để bắt An làm theo ý muốn của mình. Phương pháp ấy phải dùng cho khôn khéo lắm mới được, vì già néo thì đứt dây, có thể nguy kịch!” [14, 30]. Tâm lý háo danh khiến Nga có những hành động trái hẳn ngày mới lấy An “ngoan ngoãn chiều chồng”. Luôn tìm cơ hội đưa An vào tròng – nàng tìm mọi cách để được làm bà huyện. Nàng hết sức khéo léo đánh trúng vào tâm lý của bà án khi tán tụng em chỉ để lấy lòng mẹ: “Bẩm mẹ, năm nay em con thi ra thì thế nào cũng đỗ” [14, 36]. Hành động của Nga đem lại hiệu quả tức thì, bà án thay đổi hẳn thái độ quay sang ân cần với An. Đúng là cái khéo của vợ hình như đã đỡ đần được cho chồng một vài phần. Thậm chí sự háo danh đã biến Nga trở thành một con người đầy mưu mô, xảo trá, hẹp hòi, đố kị khi ủng hộ cuộc hôn nhân của Bảo với mục đích: “để sau này khỏi há miệng mỉa mai rằng nhà chồng nàng không phải một nhà quý phái” [14, 91].
Ông vạn Điều là một nhà Nho cổ, câu nệ và nghiêm khắc. Ông đã khuyên An đi học, ra làm quan để làm vẻ vang cho dòng họ. Thực ra hành động của ông không xuất phát từ thiện chí lo lắng cho tương lai của cháu mà cũng chỉ vì một chữ hám danh. Ông vẫn ghen ghét anh cả ông, vì thấy con anh học thành tài. Ông hậm hực về nỗi những phần thủ bị những họ khác đoạt mất. Lòng ghen ghét, đố kị luôn thường trực trong ông. Vì vậy hỏng con, nay ông
đành vớt vát lấy cháu. Ông chỉ mong cho An ra làm quan bởi nếu An làm tri huyện thì ở trong làng chẳng còn ai to hơn nữa, và chức tiên chỉ sẽ chắc chắn thuộc về họ ông. Thế nên ngày An quyết định đi học “người hí hửng vui sướng nhất là ông điều Vạn” [14, 133].
Do hoàn cảnh chi phối, Phương cũng có những hành động không nhất quán với động cơ tâm lý. Bị bố mẹ khuyên nhủ ra thi làm quan không được, Vân – cô con dâu lại là người bị đổ mọi tội lỗi. Vì vậy Phương lại có hành động tỏ ra không yêu vợ để bà án thấy thương mà bênh vực cho con dâu vốn không được bố mẹ chồng ủng hộ. Hay Viết cũng có những hành động tương tự. Nhưng những hành động đó không phải do sự chi phối của hoàn cảnh mà là để che đậy bản chất bất lương, xấu xa, đểu giả. Như việc Viết tỏ ra là người con có hiếu vâng lời mẹ cho người chú mở cổng qua vườn “nhưng trong lòng vẫn giữ mối hiềm khích, và chờ cho chú một bài học nữa”. Viết nói với vợ về người chú xấu bụng, ích kỷ, hay thù hằn, rồi để che giấu sự nhỏ nhen, hẹp hòi của mình bằng cách tỏ ra quan tâm tới chú “Tôi đã bảo chú có tiền thì để mà tậu thêm ruộng còn hơn là đem ra lo lý trưởng cho con”. Bề ngoài thì “xơn xớt nói cười” nhưng Viết lại có hành động thật bỉ ổi khi nhân cơ hội chú cần tiền để mua rẻ ruộng của chú, mắng như tát nước vào mặt khi người con của chú đến van lạy, xin tha thứ vì hiềm khích khi xưa.
Trường hợp thứ hai: hành động của nhân vật được thực hiện chịu sự phối của tính cách
Trường hợp này nhân vật có hành động không nhất quán với con người bên trong của mình. Điều này xuất phát từ chính tính cách của nhân vật. Tiêu biểu nhất cho trường hợp này phải nói đến nhân vật An.
Mọi hành động của An đều bị chi phối bởi tính cách nhu nhược, yếu hèn: “tính nhu nhược đưa An từ sự nhượng bộ nọ đến nhượng bộ kia”. An không dám quả quyết thực hiện những ấp ủ, những dự định của đời mình. Cuộc đời chàng như một con rối chạy theo sự giật dây của người khác. An lấy
vợ vì tình yêu? Không phải. Chàng lấy vợ không phải vì chàng mà vì gia đình, vì tổ tiên, vì những người đã chết. Chàng đi học, ra làm quan vì đó là ước mơ đã ấp ủ từ lâu? Chắc chắn là không, bởi chàng rất thích làm ruộng và nuôi xúc vật mà chàng yêu ngay từ khi còn nhỏ. Chàng đã chiều lòng vợ chỉ muốn cho gia đình êm ấm: “gượng chiều nhau để khỏi làm rầy nhau, để khỏi bỏ nhau… vì có lẽ bỏ nhau còn khó chịu hơn là miễn cưỡng với nhau”. Chàng muốn làm một ông quan thanh liêm nhưng đôi khi vẫn phạm vào lời thề nhất định “không ăn tiền”. Tất cả những việc làm của An đều chiều theo ý của người thân, chính vì thế trong tâm hồn chàng luôn có sự đấu tranh, rằng xé. An hối hận vì “cái lòng do dự, rụt rè, lười biếng của chàng”, “sao mình không chiều mình, mình lại chiều họ?”. Nhưng chàng lại không đủ bản lĩnh và sự kiên quyết để khẳng định chính mình. An buông xuôi phó mặc mọi chuyện,