Nhân vật có hành động không nhất quán với động cơ tâm lý

Một phần của tài liệu Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật trong tiểu thuyết gia đình của khái hưng (Trang 38 - 41)

8. Bố cục của khóa luận

2.2.2.2. Nhân vật có hành động không nhất quán với động cơ tâm lý

các người. Nhà có việc mà bây giờ mới dẫn thần xác về. Có ngồi thái mực đi không?”. Với người nhà nàng hách dịch thét mắng: “Thằng chết tiệt kia!”… Phụng sẵn sàng đấu đá, kình địch với em gái một cách thẳng thắn, không hề giấu diếm, che đậy hay úp mở, và có lần đã mắng “như tát nước vào mặt” cô em gái của mình.

Hành động của vợ chồng Hạc Bảo là hành động của những người mang trong mình tư tưởng về một lối sống mới – thực hiện chương trình cải cách xã hội và kiên quyết đi theo con đường đã chọn. Hạnh phúc của họ không đơn giản là hạnh phúc cá nhân mà còn là hạnh phúc mang tính chất cộng đồng: “người ta chỉ có thể là sung sướng khi ngắm thấy chung quanh mình mọi người đều sung sướng”. Chính vì quan niệm mới ấy mà Bảo đồng tình với hành động Hạc từ bỏ đốc tờ về quê lập đồn điền cưu mang, giúp đỡ những người dân quê nghèo khổ, nhọc nhằn: Hạc bỏ tiền xây dựng quán bên đường, trại nghỉ mát, xây những gian nhà mới cao ráo, phá bỏ những túp lều lụp sụp… cho dân. Với vợ chồng Hạc, “sống để làm việc, để giúp ích”. Từ đầu đến cuối tác phẩm, họ hành động theo những gì đã hoạch định sẵn. Hạc và Bảo là những nhân vật lý tưởng giúp nhà văn thể hiện chủ đề của tác phẩm.

2.2.2.2. Nhân vật có hành động không nhất quán với động cơ tâm lý

Những nhân vật này có các hành động biểu hiện rất đa dạng, hoặc họ có những hành động khác biệt với động cơ tâm lý để che đậy những toan tính bên trong, hoặc hành động đó được thực hiện bởi sự chi phối của tính cách.

Trường hợp thứ nhất: hành động của nhân vật chịu sự chi phối của tâm lý hám danh hoặc do sự tác động của hoàn cảnh. Các nhân vật như: Nga, ông Vạn Điều, Phương, Viết… thường có những hành động thuộc dạng này.

Nga là nhân vật tiêu biểu nhất. Một người phụ nữ xinh đẹp thông minh, rất hám danh và tìm mọi cách để được làm bà huyện. Mọi hành động của nàng đều được tính toán, vạch định rất kĩ lưỡng, cẩn trọng: “Và nàng tưởng ngay đến phương pháp để bắt An làm theo ý muốn của mình. Phương pháp ấy phải dùng cho khôn khéo lắm mới được, vì già néo thì đứt dây, có thể nguy kịch!” [14, 30]. Tâm lý háo danh khiến Nga có những hành động trái hẳn ngày mới lấy An “ngoan ngoãn chiều chồng”. Luôn tìm cơ hội đưa An vào tròng – nàng tìm mọi cách để được làm bà huyện. Nàng hết sức khéo léo đánh trúng vào tâm lý của bà án khi tán tụng em chỉ để lấy lòng mẹ: “Bẩm mẹ, năm nay em con thi ra thì thế nào cũng đỗ” [14, 36]. Hành động của Nga đem lại hiệu quả tức thì, bà án thay đổi hẳn thái độ quay sang ân cần với An. Đúng là cái khéo của vợ hình như đã đỡ đần được cho chồng một vài phần. Thậm chí sự háo danh đã biến Nga trở thành một con người đầy mưu mô, xảo trá, hẹp hòi, đố kị khi ủng hộ cuộc hôn nhân của Bảo với mục đích: “để sau này khỏi há miệng mỉa mai rằng nhà chồng nàng không phải một nhà quý phái” [14, 91].

Ông vạn Điều là một nhà Nho cổ, câu nệ và nghiêm khắc. Ông đã khuyên An đi học, ra làm quan để làm vẻ vang cho dòng họ. Thực ra hành động của ông không xuất phát từ thiện chí lo lắng cho tương lai của cháu mà cũng chỉ vì một chữ hám danh. Ông vẫn ghen ghét anh cả ông, vì thấy con anh học thành tài. Ông hậm hực về nỗi những phần thủ bị những họ khác đoạt mất. Lòng ghen ghét, đố kị luôn thường trực trong ông. Vì vậy hỏng con, nay ông

đành vớt vát lấy cháu. Ông chỉ mong cho An ra làm quan bởi nếu An làm tri huyện thì ở trong làng chẳng còn ai to hơn nữa, và chức tiên chỉ sẽ chắc chắn thuộc về họ ông. Thế nên ngày An quyết định đi học “người hí hửng vui sướng nhất là ông điều Vạn” [14, 133].

Do hoàn cảnh chi phối, Phương cũng có những hành động không nhất quán với động cơ tâm lý. Bị bố mẹ khuyên nhủ ra thi làm quan không được, Vân – cô con dâu lại là người bị đổ mọi tội lỗi. Vì vậy Phương lại có hành động tỏ ra không yêu vợ để bà án thấy thương mà bênh vực cho con dâu vốn không được bố mẹ chồng ủng hộ. Hay Viết cũng có những hành động tương tự. Nhưng những hành động đó không phải do sự chi phối của hoàn cảnh mà là để che đậy bản chất bất lương, xấu xa, đểu giả. Như việc Viết tỏ ra là người con có hiếu vâng lời mẹ cho người chú mở cổng qua vườn “nhưng trong lòng vẫn giữ mối hiềm khích, và chờ cho chú một bài học nữa”. Viết nói với vợ về người chú xấu bụng, ích kỷ, hay thù hằn, rồi để che giấu sự nhỏ nhen, hẹp hòi của mình bằng cách tỏ ra quan tâm tới chú “Tôi đã bảo chú có tiền thì để mà tậu thêm ruộng còn hơn là đem ra lo lý trưởng cho con”. Bề ngoài thì “xơn xớt nói cười” nhưng Viết lại có hành động thật bỉ ổi khi nhân cơ hội chú cần tiền để mua rẻ ruộng của chú, mắng như tát nước vào mặt khi người con của chú đến van lạy, xin tha thứ vì hiềm khích khi xưa.

Trường hợp thứ hai: hành động của nhân vật được thực hiện chịu sự phối của tính cách

Trường hợp này nhân vật có hành động không nhất quán với con người bên trong của mình. Điều này xuất phát từ chính tính cách của nhân vật. Tiêu biểu nhất cho trường hợp này phải nói đến nhân vật An.

Mọi hành động của An đều bị chi phối bởi tính cách nhu nhược, yếu hèn: “tính nhu nhược đưa An từ sự nhượng bộ nọ đến nhượng bộ kia”. An không dám quả quyết thực hiện những ấp ủ, những dự định của đời mình. Cuộc đời chàng như một con rối chạy theo sự giật dây của người khác. An lấy

vợ vì tình yêu? Không phải. Chàng lấy vợ không phải vì chàng mà vì gia đình, vì tổ tiên, vì những người đã chết. Chàng đi học, ra làm quan vì đó là ước mơ đã ấp ủ từ lâu? Chắc chắn là không, bởi chàng rất thích làm ruộng và nuôi xúc vật mà chàng yêu ngay từ khi còn nhỏ. Chàng đã chiều lòng vợ chỉ muốn cho gia đình êm ấm: “gượng chiều nhau để khỏi làm rầy nhau, để khỏi bỏ nhau… vì có lẽ bỏ nhau còn khó chịu hơn là miễn cưỡng với nhau”. Chàng muốn làm một ông quan thanh liêm nhưng đôi khi vẫn phạm vào lời thề nhất định “không ăn tiền”. Tất cả những việc làm của An đều chiều theo ý của người thân, chính vì thế trong tâm hồn chàng luôn có sự đấu tranh, rằng xé. An hối hận vì “cái lòng do dự, rụt rè, lười biếng của chàng”, “sao mình không chiều mình, mình lại chiều họ?”. Nhưng chàng lại không đủ bản lĩnh và sự kiên quyết để khẳng định chính mình. An buông xuôi phó mặc mọi chuyện, lãnh đạm với công việc làm ruộng cũng chẳng khác gì chàng tẻ nhạt với công việc làm quan. Mọi hành động của An đều chứng minh cho lời nhận xét rất chính xác của tác giả: “An bản tính nhu nhược, hay nói cho đúng hơn, đối với chàng việc gì chàng cũng muốn thế nào cho xong thôi cho êm chuyện” [14, 12].

Một phần của tài liệu Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật trong tiểu thuyết gia đình của khái hưng (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(67 trang)