Chương 4 BÀN LUẬN
4.1. Đặc điểm của bệnh nhân 1 Tuổi bệnh nhân
4.1.1. Tuổi bệnh nhân
Theo biểu đồ 3.1, chúng tôi nhận thấy lứa tuổi bệnh nhân mắc bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất là từ 70-90 tuổi, sau đó là từ 50-59 và 60-69 tuổi. Lứa tuổi 40-49, 30-39 và trên 79 lần lượt là 6,25%, 9,82% và 12,50%. Không có trường hợp nào nằm ở độ tuổi 16-29 tuổi. Chúng tôi gặp 1 bệnh nhân 31 tuổi và 1 bệnh nhân 90 tuổi. Nếu nhìn đại thể, chúng tôi thấy số bệnh nhân tăng lên từ tuổi 50.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với kết quả nghiên cứu của Đỗ Trọng Hải (1995) [10] và Trần Gia Khánh (1990) [29]. Theo các tác giả này bệnh nhân mắc bệnh từ trên 50 tuổi chiếm tỷ lệ lần lượt là 54% và 53%.
Một số tác giả khác như Lê Trung Hải (1993) [13] lại khác bệnh nhân mắc bệnh tuổi trên 60 là 36,79%, Trần Bảo Long (2004) [34] là 23,45%.
Theo Trần Bảo Long (2004) [34] nhóm tuổi 16-29 chiếm tỷ lệ thấp 11,42%. Một số kết quả nghiên cứu trong nước cũng cho thấy bệnh sỏi đường mật gặp ở trẻ em rất ít, thường gặp là giun đường mật [21], [27].
Theo chúng tôi bệnh nhân mổ sỏi gan-đường mật lại thường trên 50 tuổi có thể liên quan đến cơ chế tạo sỏi. Theo Trần Bảo Long [34], người châu Âu, Mỹ cơ chế tạo sỏi mật là do rối loạn chuyển hoá Cholesterol. Tỷ lệ bệnh cao liên quan với tình trạng rối loạn chuyển hoá Cholesterol gặp nhiều ở tuổi này. Còn ở Việt Nam theo Tôn Thất Tùng [trích 34] sỏi mật trong gan do sắc tố mật tạo nên và trên 1/3 số sỏi có trứng giun đũa, bệnh thường gặp ở
bệnh nhân có tiền sử giun chui ống mật khi còn nhỏ tuổi. Vì để tạo sỏi phải có thời gian nên ở độ tuổi này khi sỏi đủ lớn nên mới biểu hiện bệnh. Hơn nữa nhóm bệnh nhân của chúng tôi là bệnh nhân sỏi gan-đường mật mổ lại, khoảng cách giữa các lần mổ lại cũng phải 2-4 năm do vậy bệnh nhân thường có tuổi cao khi vào mổ những lần sau.
4.1.2. Giới
Biểu đồ 3.2 thể hiện phân bố bệnh nhân của chúng tôi theo giới. Theo kết quả này có 67,86% bệnh nhân là nữ và 32,14% bệnh nhân là nam. Tỷ lệ nữ/nam là 76/36 tương đương với 2,11. Như vậy trong nghiên cứu này có sự ưu thế lớn về nữ.
Nhận xét của chúng tôi phù hợp với một số nghiên cứu khác. Theo Đỗ Trọng Hải (1995) [10] tỷ lệ nữ là 66,7% và nam 33.3%. Theo Hoàng Tuấn Anh (2009) tỷ lệ nữ 72,6%, nam 27,40% [3]. Theo Đỗ Kim Sơn, Trần Gia Khánh (2000) [50] tỷ lệ tỷ lệ nữ 55% và tỷ lệ nam 45%.
Ưu thế nữ mắc bệnh nhiều hơn nam được Trần Bảo Long [34] giải thích là do sự khác nhau về cơ chế tạo sỏi mật. Sỏi mật hình thành là do rối loạn chuyển hoá hormon Oestrogen làm tăng Cholesterol trong dịch mật và Progesterol làm giảm khả năng co bóp của túi mật gây ứ trệ dịch mật trong túi mật, từ đó làm tăng nguy cơ tạo sỏi. Ở nữ có thể còn liên quan đến tình trạng ít vận động thể lực làm tăng rối loạn chuyển hoá các hormon đề cập ở trên dẫn đến sỏi mật.