6. Bố cục của luận văn
3.2.2. Đền Nậm Sơn Thượng tướng (xã Vân Diên, huyện Nam Đàn)
Đền Nậm Sơn Thượng tướng hay còn gọi là đền Đức Ông. Đây là nơi thờ Đông dực Đại tướng quân Nguyễn Huynh - một trong bốn vị tướng của vua Mai và là người có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan. Ngoài ra, tại đền còn thờ vọng Bá Lâm thống lĩnh đại vương cũng là 1 trong 12 danh tướng của Mai Hắc Đế được nhân dân lập đền thờ tại rú Đai (xã Vân Diên), năm 1968 do chiến tranh đã phá hỏng đền, nhân dân đã rước long ngai, bài vị của Ngài về thờ tại đền Nậm Sơn. Đền Đức Ông nằm ngay vị trí đồn Nậm Sơn xưa kia (nay là xóm Bắc Sơn, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn). Đền được bố trí kiến trúc theo kiểu chữ đinh gồm 2 toà: bái đường và hậu cung. Hệ thống các câu đối bằng chữ Hán tại đền đều tập trung ghi danh công ơn Đức Ông và cuộc khởi nghĩa Hoan Châu. Câu đối tại hai mặt đối diện cột nanh:
Mai triều Thạc phụ sinh danh tướng Nậm Linh anh linh uyên phúc thần.
Dịch nghĩa: Giúp đỡ triều vua Mai sinh ra vị danh tướng Núi Nậm anh linh nức tiếng đấng phúc thần.
Câu đôí mặt trong cột nanh:
Đông tây công ngưỡng thần công phổ Nam bắc trường lưu thánh trạch tôn.
Dịch nghĩa: Bốn phương đông, tây, nam, bắc đều trông chờ công đức thần linh. Và vườn thiêng của thánh được lưu giữ mãi [37, 12- 13].
Hiện nay ở đền vẫn còn lưu truyền bài chầu văn ca ngợi công đức của Nậm Sơn đại tướng như sau:
Non Hùng Lĩnh cao sanh thiên cổ. Nước Lam Giang lố số ngàn thu. Vốn dòng Khanh tướng công hầu. Giúp vua mở Việt từ đầu Đường quân.
Tài năng kiêm võ, kiêm văn
Ngôi sao thập nhị triều đình ban quan. Cột giường chống, giữ Vạn An
Ra tay cứu vớt giang sơn cõi trần. Rồng mây gặp hội quần thần
Trời Nam trấn trị thôn dân thái bình. Năng anh rồi lại năng linh
Sông Lam danh tướng, thác sinh danh thần....
Đền Nậm Sơn được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hoá Quốc gia năm 1997.
Hiện nay, tại đền còn lưu giữ được năm đạo sắc phong của các triều đại phong kiến. Cụ thể đó là các đạo “Phong sắc cho Nậm Sơn” của đời Cảnh Thịnh năm thứ 4, ngày 21 tháng 5, Tự Đức thứ 6 ngày 5 tháng 11, Tự Đức năm thứ 33 ngày 24 tháng 11, Đồng Khánh năm thứ 2 ngày 1 tháng 7, Duy Tân năm thứ 3 ngày 1 tháng 8.
Đền Nậm Sơn là một quần thể còn lưu giữ được những nét kiến trúc cổ, hài hòa giữa các mảng xây dựng với khung cảnh thiên nhiên, vườn cây cảnh tạo nên sự thoáng đãng nhưng rất thâm nghiêm. Điều đáng ghi nhớ chính là đất Nam Đàn xưa có nhiều đền thờ các danh tướng của triều Vạn An nhưng đến hôm nay đền Đức Ông là điểm duy nhất còn lại thờ một vị tướng vua Mai ở vùng căn cứ Vạn An xưa.
Bên cạnh đền Nậm Sơn có đình Nậm Sơn và cách đình Nậm Sơn khoảng 500m có đền Thánh Mẫu, chùa Đức Sơn và nhiều công trình kiến trúc độc đáo khác.... Theo lời kể của dân gốc vùng này nói rằng: Những địa danh như cồn Cứt Sắt, Cây đa Cứt Sắt (gọi theo tên tục), nằm sau khu vực đền Đức Ông vẫn tồn tại cho đến hôm nay tại khu vực này là dấu tích của Thành Vạn An cũ với lò rèn vũ khí của nghĩa quân Mai Thúc Loan…
3.2.3. Đình Khả Lãm (xã Nam Thượng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An)
Làng Khả Lãm thuộc xóm 4 xã Nam Thượng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tương truyền, trước kia nhân dân đã xây dựng một đền thờ vua Mai ở làng Khả Lãm cách khu miếu mộ vua Mai khoảng 2 km về phía Tây. Nay đền Khả Lãm không còn nhưng cũng tại vùng này vẫn còn một ngôi đình Khả Lãm. Nhân vật chính được thờ tại đình là Mai Hắc Đế. Ngoài ra, trải qua nhiều biến cố của lịch sử nên đình Khả Lãm hiện nay còn phối thờ Mai Thúc Huy, Phật Thích Ca, Chủ tịch Hồ chí Minh và Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Có hiện tượng hợp tự này do trước đây tại thôn Khả Lãm, nhân dân lập chùa Kim Ngọc thờ Phật và Mẫu Liễu Hạnh. Chùa tọa lạc cạnh đình Khả Lãm. Chùa đã bị tàn phá bởi bom Mỹ trong chiến tranh. Năm 1978, trong quá trình tu sửa lại đình nhân dân địa phương đã rước các pho tượng Phật và một số đồ thờ còn lại của ngôi chùa này vào phối thờ tại đình.
Bài vị trên long ngai Mai Hắc Đế được thờ ở trong đình Khả Lãm có phiên âm như sau: “Bản cảnh Thành hoàng pha luyện thông minh, chính trực tề diệu. Kim tặng: Linh phù đại vương; gia tặng: Dực Bảo Trung Hưng tôn thần”.
Tạm dịch: Đại Vương Mai Hắc Đế được phong làm thành hoàng. Tư chất: Pha luyện, thông minh, chính trực, tề diệu. Tặng: linh phù Đại Vương. Gia tặng: Dực Bảo Trung Hưng tôn thần.
Đình làng là nơi sinh hoạt cộng đồng nhưng cũng kiêm cả đền và kiêm luôn cả chùa. Có thể nói, đình Khả Lãm hiện đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng với cách bài trí bên trong chúng ta có thể nhận ra đây là một sự phối thờ độc đáo. Điều này rất giống với đình Khánh Sơn vừa là đình vừa thờ Phật. Ngoài ra, nhân dân Nam Đàn còn lập các đền thờ khác có long ngai bài vị của Mai Hắc Đế để thờ vọng ngài như: đền Chỉ Thiện (xã Nam Cát), ở xã
Đồng Văn (Tân Kỳ) - những người dân Nam Đàn di cư lên làm kinh tế mới cũng xây dựng đền thờ vọng Vua Mai nơi đây.
Trong nhiều nguồn tài liệu có nói đến việc đền Độc Lôi tại xã Nam Giang thờ vọng Mai Hắc Đế nhưng trong quá trình thu thập tài liệu chúng tôi đã gặp Ông Nguyễn Hữu Minh hiện tại là người trông coi nhang đèn, quản lý tại đền Độc Lôi thì điểm thờ tự này không phải là nơi thờ vọng vua Mai. Trong quá trình điền dã tại đây, chúng tôi cũng không tìm thấy bất kỳ một tượng thờ, bài vị vua Mai hay các thân sĩ của Ngài như một số tài liệu đã đề cập. Với đền Chí Thiện tại xã Nam Cát, ông Nguyễn Xuân Điền là thủ từ tại đây đã xác minh thông tin khoảng 6- 7 năm trước, phòng văn hóa huyện Nam Đàn có tổ chức rước một tượng gỗ vua Mai Hắc Đế từ đền Chí Thiện về thờ tại đền Vua Mai. Trong ngày kị vua Mai tại đền Chí Thiện có tổ chức làm lễ cúng vọng vua Mai như một số điểm thờ vọng Ngài trên cả nước [87].