Nguyên nhân nổ ra cuộc khởi nghĩa

Một phần của tài liệu Mai Thúc Loan và cuộc khỡi nghĩa Hoan Châu (Trang 60 - 64)

6. Bố cục của luận văn

2.1.2. Nguyên nhân nổ ra cuộc khởi nghĩa

Có rất nhiều ý kiến, giả thuyết về nguyên nhân nổ ra cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo. Tuy nhiên, giới nghiên cứu những năm gần đây, đặc biệt qua các bài viết qua hai hội thảo năm 2008 và 2013 cùng các bài viết đăng rải rác trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước đều có chung nhận định về nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khởi nghĩa khởi nghĩa Hoan Châu đầu thế kỷ VIII. Đó chính là chính sách cai trị tàn bạo, bóc lột thậm tệ của triều Đường đối với An Nam Đô hộ phủ, điều này được thể hiện qua chính sách tô thuế nặng nề. Tác giả Lê Tung trong Việt giám thông khảo tổng luận đã đánh giá Mai Hắc Đế: “...nổi lên từ Châu Hoan, căm giận chính lệnh tàn ngược của Sở Khách, cất quân tiến đánh, phía nam giữ đất Hải Lĩnh, phía bắc chống lại nhà Đường, có thể gọi là bậc vua hào kiệt” [21,120]. Điều này còn thể hiện qua câu nói của nghĩa sĩ Phục Trương Thủ: “Người Đường nghênh ngang tung hoành, ngày càng quá lắm, thuế má nhiều, hình phạt nặng, người dân không sống nổi” [86, 54].

Tuy triều đình trung ương Trung Quốc đã ban hành các chính sách, nhất là đối với các vùng biên viễn, các châu ki mi (ràng buộc lỏng lẻo) nhằm mục đích để phủ dụ, trấn an các dân tộc tại đây, nhưng những chính sách triều Đường đưa ra để các viên trưởng quan thực hiện tại các địa phương đều có tính chất bóc lột kinh tế nặng nề. Đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa, căn bản khiến cho đời sống dân chúng tại Đô hộ phủ An Nam ngày càng khổ cực. Ngoài thuế tô, dung, điệu như đã nêu ở trên, các châu, huyện nào của An Nam

có đặc sản đều phải chịu thêm những thuế đánh riêng. Vì những mối lợi kinh tế và do vị trí giao thương đặc biệt của An Nam trên con đường dẫn vào khu vực Đông Nam Á nên triều Đường nói riêng, các triều đại phong kiến Trung Quốc nói chung trong nghìn năm Bắc thuộc đều sử dụng vũ lực, quân sự đàn áp dã man các cuộc nổi dậy, khởi nghĩa nổ ra tại đây, nhằm duy trì ách thống trị đã được thiết lập.

Ngoài ra, trong hơn nửa thế kỷ nay, nhiều cuốn sử và sách giáo khoa lịch sử hiện đại đã đưa chế độ cống quả vải vào nội dung của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu và coi đây như là một nguyên nhân trực tiếp nổ ra cuộc khởi nghĩa. Thần tích xã Diên Lãm chép: “Năm Nhâm Tuất, Đường Huyền Tông thứ 10 (722), cho quan đô hộ là Nguyên Sở Khách đến bắt nhân dân nộp dâng quả vải, công việc đài tải làm cho trăm họ thật là khổ sở, ông (tức Mai Thúc Loan) bảo người nhà rằng: “Ta nghe xa ngàn dặm thì không sợ người, mà nước ta thì xa hàng vạn dặm, sao lại chịu ngồi mà nhìn”. Bèn tập hợp phường săn khoảng mấy trăm người, bên ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, khoảng 30 vạn người, mở phủ thành đặt các vệ quân ở nơi hiểm yếu, chia đồn để chống lại quân Đường” [32, 332].

Truyền thuyết dân gian vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, đặc biệt tại vùng Nam Đàn nói về nạn cống quả vải là nguyên nhân dẫn đến khởi nghĩa Hoan Châu. Các bài hát, thơ, hát chầu văn kể tội chính quyền đô hộ nhà Đường, bắt dân nộp cống quả vải như:

Nhớ khi nội thuộc triều Đường,

Giang sơn cố quốc nhiều điều ghê gai. Sâu quả vải vì ai vạch lá,

Ngựa hồng trần kể đã héo hon...

Hay như truyền thuyết: “Cứ mùa hè, vải gần chín tới, bứt xong, được đặt nhẹ nhàng vào những chiếc sọt, rồi trẩy lên mình ngựa. Hàng trăm phu đài

tải đi không kể ngày đêm, băng núi, vượt đèo, làm sao vải đến Tràng An vẫn còn tươi, để thỏa mãn thú thích cho các cung phi ngồi trên lầu son gác tía. Phản ánh việc cống vải này của nhân dân Hoan Châu, Đỗ Mục, một nhà thơ đời Đường, trong bài “Quá Hoa thanh cung” có hai câu:

Nhất kỵ hồng trần phi tử tiếu, Vô nhân tri thị lệ chi lai. Tương Như dịch là:

Bụi hồng, ngựa ruổi, phi cười nụ

Vải tiến mang về, ai biết đâu [32, 335].

“Quận Giao Chỉ lúc này là dưới sự đô hộ của Tàu vừa bạo ngược vừa tàn ác. Tên Thái thú Sở Khách được vua Đường cử đến do lòng tham lam đã làm toàn thể dân chúng bất bình.

Một trong những lao dịch kinh khủng nhất là việc triều cống Vua Đường quả vải. Quả ngon này vinh dự được gọi là “Con trời”. Quan Thái thú Tàu mỗi năm gửi về Tàu nhiều gánh nặng (vải) được vận chuyển trên vai người và lưng ngựa. Và khi đến nơi, vải phải tươi tốt trước khi bị héo và khô vỏ. Đến đây hãy xét đoán xem biết bao khốn khổ đã trải qua và biết bao mạng người hàng năm phải trả giá” [43].

Cách sử dụng truyền thuyết dân gian làm nguồn cứ liệu lịch sử để đưa ra những lý giải về nguyên nhân nổ ra cuộc khởi nghĩa Hoan Châu như vậy vô hình trung đã khiến cho người đọc và nhất là các thế hệ học sinh hiểu không đúng về cuộc khởi nghĩa. Có thể nói đó là cách lý giải lịch sử rất ấu trĩ, đơn giản. Hệ lụy của điều đó còn là sự “ngộ nhận về tính chất tự phát nhiều hơn là tính tự giác, có tổ chức của cuộc khởi nghĩa này” [50, 140].

Giáo sư Phan Huy Lê trong bài “Tổng kết hội thảo “Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu” năm 2008 đã phê phán sai lầm khi sử dụng truyền thuyết dân gian trong nghiên cứu lịch sử: “...Nhưng coi truyền thuyết như lịch

sử là sai lầm về nhận thức và phương pháp luận sử học. Một số tác giả khi biên soạn sách giáo khoa hay lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc, không nghiên cứu, đối chiếu với các sử liệu đáng tin cậy, đem các truyền thuyết Mai Thúc Loan đi phu cống vải vào lịch sử là sai lầm” [52, 226]. Từ nguồn thư tịch cổ Trung Quốc, Giáo sư Phan Huy Lê đã phân tích và khẳng định: “Như vậy, vào thời nhà Đường, chế độ cống vải không còn thi hành ở nước ta nữa và dĩ nhiên, không thể dựa vào truyền thuyết để cho rằng Mai Thúc Loan đã từng đi phu cống vải và cũng không thể coi chế độ lao dịch cống vải là nguyên nhân, dù là nguyên nhân trực tiếp của cuộc khởi nghĩa. Truyền thuyết này có thể phản ánh chế độ lao dịch hà khắc của thời Bắc thuộc nói chung. Cứ liệu có giá trị khoa học để xác minh việc này là những sử liệu được ghi chép trong các thư tịch đáng tin cậy. Còn bản đồ cây vải thời Đường cũng như thời Tây Hán, không thể suy đoán hay áp đặt từ bản đồ phân bố cây vải hiện nay hay thời gian gần đây. Việc bảo quản và vận chuyển quả vải trên đường dài cần đặt ra để nghiên cứu, chứ chưa thể coi là cứ liệu sử học có đủ giá trị khoa học để khẳng định hay phủ nhận chế độ cống vải từ nước ta đến kinh thành nhà Đuờng hay nhà Tiền Hán (đều ở Trường An)” [52, 227].

Một trong những nguyên nhân của cuộc khởi nghĩa còn bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, kiên cường của người dân xứ Nghệ trong phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc. Với cuộc khởi nghĩa Hoan Châu cũng như “trong hơn 10 thế kỷ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, nhân dân Nghệ An đã hòa mình vào dòng chảy chung của các cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc của nhân dân cả nước” [58, 158].

Như vậy, cuộc khởi nghĩa Hoan Châu nổ ra nhằm chống lại sự bóc lột tàn bạo, chế độ thuế khóa nặng nề của Nhà Đường đồng thời là sự “tiếp lửa” cho truyền thống yêu nước, kiên cường trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân An - Tĩnh cùng nhân dân cả nước giành lại độc lập cho dân tộc.

Một phần của tài liệu Mai Thúc Loan và cuộc khỡi nghĩa Hoan Châu (Trang 60 - 64)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(139 trang)
w