Kết quả, ý nghĩa lịch sử

Một phần của tài liệu Mai Thúc Loan và cuộc khỡi nghĩa Hoan Châu (Trang 76 - 80)

6. Bố cục của luận văn

2.3.2. Kết quả, ý nghĩa lịch sử

Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu dưới sự lãnh đạo của Mai Thúc Loan là một cuộc khởi nghĩa dân tộc có quy mô rộng lớn. Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ năm 713, từ địa bàn vùng Hoan Châu, rồi nhanh chóng phát triển ra toàn

quốc. Quân khởi nghĩa đã tiến hành vây hãm và tấn công phủ thành Tống Bình- trung tâm đầu não của giặc ở An Nam, khiến cho Đô hộ là Quang Sở Khách phải bỏ thành tháo chạy về nước.

Quốc sử Trung Quốc đều thừa nhận “Cầm đầu giặc An Nam là bọn Mai Thúc Loan tiến công vây châu huyện” [88, tờ 10b] hay “cầm đầu giặc An Nam là bọn Mai Thúc Yên tấn công bao vây châu huyện” [89, q. 212, Đường kỷ 28], hoặc “Thủ lĩnh An Nam là Mai Huyền Thành làm phản, tự xưng là (Mai) Hắc Đế, cùng thông mưu với các nước Lâm Ấp và Chân Lạp vây hãm phủ (Đô hộ) An Nam” [80, q.184, tờ 2a] “thủ lĩnh man An Nam là Mai Thúc Loan làm phản, xưng là Hắc Đế tập hợp dân chúng 32 châu, bên ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân chiếm cứ vùng Hải Nam, số lượng đông tới 40 vạn người” [88, tờ 7a].

Thư tịch Trung Quốc và Việt Nam đều thống nhất chép: Mai Thúc Loan (Mai Huyền Thành, Mai Thúc Yên) đã xây dựng được một vương triều, tôn xưng Hoàng đế “Khai Nguyên năm đầu, thủ lĩnh An Nam Mai Thúc Loan làm phản, xưng hiệu Hắc Đế” [52, 39], “bấy giờ người Hoan Châu là Mai Thúc Loan chiếm cứ Hoan Châu tự xưng là Hắc Đế, bên ngoài liên kết với người Lâm Ấp, Chân Lạp, quân số có tới 30 vạn (Cương mục chép 40 vạn)” [20, 119] “… ở Hoan Châu, Mai Thúc Loan giữ lấy châu, tự xưng đế” [70, 187].

Việc Mai Thúc Loan xây dựng vương triều, tự xưng Hoàng đế biểu thị tinh thần độc lập, ý thức tự tôn dân tộc, tỏ ra mình không thua kém thiên triều phương Bắc “bất tốn Trung Hoa”.

Ngoài ra, căn cứ theo thư tịch Việt Nam, Mai Thúc Loan đã kiến lập quốc đô tại Vạn An. Mai triều được tồn tại trong vòng gần 10 năm.

Cuộc khởi nghĩa đã làm rung động mạnh mẽ vùng đất đô hộ phía nam của triều Đường, vua quan nhà Đường lo sợ sự phát triển mạnh mẽ của cuộc khởi nghĩa đã phải tập hợp lực lượng, lựa chọn những viên tướng

tài giỏi, nhưng tàn bạo và một đạo quân hơn 10 vạn sang trực tiếp đàn áp cuộc khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan vào đầu thế kỉ VIII, đã chứng tỏ tinh thần quật cường, không chịu sự áp bức ngoại bang của nhân dân ta, liên tiếp đứng lên phản kháng, mặt khác cũng minh chứng một sự phủ định thực quyền thống trị của đế chế Đường [52, 68].

Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu tuy cuối cùng cũng bị đàn áp và thất bại, nhưng đây là màn mở đầu cho các cuộc khởi nghĩa tiếp theo do thủ lĩnh người Việt lãnh đạo như Phùng Hưng (766 - 779), Dương Thanh (819 - 820), và Cha con Khúc Thừa Dụ - Khúc Thừa Hạo (905 - 917). Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu đã góp phần tạo nên một cao trào phản kháng mạnh mẽ của dân tộc trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc trường kỳ, dẻo dai để đi đến trận chung kết lịch sử giành lại độc lập tự chủ hoàn toàn vào thế kỉ X bằng chiến thắng Bạch Đằng vang dội của Ngô Quyền năm 938.

Tiểu kết chương 2

Mai Thúc Loan đã tiến hành tổ chức cuộc khởi nghĩa, giải phóng Hoan Châu, ồ ạt tấn công ra Tống Bình, khiến cho quân Đường phải bỏ chạy về nước. Trên đà thắng lợi đó, ông đã lên ngôi vua, xưng đế, lập quốc, xây dựng kinh đô Vạn An, thành lập vương triều, ổn định nội trị. Sự nghiệp lẫy lừng đó của Mai Hắc Đế cùng với quần thần kéo dài trong 10 năm (713- 722) đã khẳng định quyền tự chủ thiêng liêng của dân tộc Việt trong thời kỳ Bắc thuộc.

Trong khởi nghĩa Hoan Châu, Mai Thúc Loan là vị thủ lĩnh tối cao. Đồng thời góp sức cho chiến thắng có sự ghi danh của những người thân là vợ, các con trai, gái, những thân sỹ và nhân dân của nước ta và bạn bè của các nước lân bang cùng đứng dậy chống lại ách đô hộ của triều Đường.

Vì nhiều lý do chủ quan, khách quan, khởi nghĩa Hoan Châu cuối cùng đã bị đàn áp như bao cuộc khởi nghĩa khác trong thời Bắc thuộc. Nhưng vai trò, vị thế vua Mai và quốc đô Vạn An cùng với cuộc khởi nghĩa vẫn giữ vị trí quan trọng trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, góp phần viết nên truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Chương 3

ĐỀN THỜ MAI THÚC LOAN TRÊN QUÊ HƯƠNG NAM ĐÀN - NGHỆ AN

Một phần của tài liệu Mai Thúc Loan và cuộc khỡi nghĩa Hoan Châu (Trang 76 - 80)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(139 trang)
w