dụ, tượng trưng. Theo M. B. Khrapchenô, hệ thống hình ảnh tượng trưng trong thể loại trữ tình dân gian Nga thường là: cây táo trổ hoa (sắc đẹp tuổi thanh xuân), chim ưng (lòng dũng cảm và sức mạnh), chim họa mi (hạnh phúc, tình yêu, niềm vui). Tượng trưng cho nỗi đau khổ của người đàn bà có chồng là cây liễu22. Trong thơ cổ Trung Quốc: Cánh chim là biểu trưng về cái vô tận: Thiên Sơn điểu phi tuyệt, Vạn kính nhân tông diệt (Liễu Tông Nguyên),Chúng điểu cao phi tận, Cô vân độc khứ nhàn (Lí Bạch), con người nhìn theo cánh chim bay mất hút và như cảm nghe cái mênh mông vô tận, vô cùng của trời đất. Mây trắng giữa bầu không: biểu trưng mang ý vị triết học về thần thái và dáng dấp một tâm hồn phiêu diêu, nhàn tản, đi một mình bên trên cuộc đời, về sự tồn tại mơ hồ của con người trước hư không, về nỗi khắc khoải siêu hình. Gõ cửa: động tác có tính chất hình tượng cho thấy cả một sự tìm kiếm, truy tầm, một mối mâu thuẫn lớn lao trên con đường đi tới chân lí của một thời kì triết học. Bụi hồng: sự vật thế gian, tính hư ảo của danh vị. Gió xuân: sự thành công, thỏa mãn. Ngỗng trời bay về phía Tây: xa cách, nuối tiếc. Trăng đầy: sum họp...
Khi nghiên cứu thơ trữ tình dân gian Việt Nam, Vũ Ngọc Phan lưu tâm đến hình ảnh con cò, con bống; còn Nguyễn Xuân Kính tìm hiểu thêm cây trúc, cây mai, hoa nhài. Phan Ngọc chú ý hình ảnh thiên nhiên trong truyện Kiều với ba biểu tượng chính: cỏ, trăng, liễu. Đấy là những biểu trưng có tính chất đại diện cho đặc thù thẩm mĩ của một số thể loại, một số tác phẩm.
3.3.1.1 Một số nội dung với những biểu trưng quen thuộc của thơ ca sử thi biến mất
Lòng nhiệt tình say sưa lí tưởng với các biểu trưng: lửa, cháy sáng, nóng ấm, đỏ, trái tim đỏ, nắng chói, chói chang:Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi (Nguyễn Mỹ), Tim ta đỏ vẫn nguyên lành Hà Nội (Bằng Việt),Nếp rêu con cũng chói lòa ánh sáng (Chế Lan Viên), Mà nói vậy trái tim anh đó, Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ (Tố Hữu).
Đội ngũ với trùng điệp, đoàn quân, ra trận, cuộc hành quân, những bàn chân, mít tinh, quảng trường, ngày hội:Những đoàn quân từ lòng đất xông lên (Dương Hương Ly), Hà Nội đứng lên lẫm liệt những binh đoàn (Trinh Đường), Bốn mươi thế kỉ cùng ra trận (Tố Hữu), Cả nước lên đường (Chính Hữu).
Lí tưởng độc lập tự do với cờ đỏ: Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ (Tố Hữu), Đỏ trời Việt Nam rực đỏ những tin mừng; Tìm nhau trên những ngọn cờ (Chế Lan Viên).
Chủ nghĩa xã hội tươi đẹp với ngói đỏ, hợp tác, đoàn xe đỏ bụi, đoàn thuyền đánh cá, tàu đến tàu đi, rộn rã trăm miền: Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói (Chế Lan Viên), Chào những ngôi nhà ngói đỏ bình yên (Chính Hữu), Mái trường tươi roi rói ngói son ( Tố Hữu), Tôi đi khắp nơi, một màu, ngói mới (Xuân Diệu).
Dàn đồng ca và trạng thái hát ca:Dòng sông rộn tiếng ca,Những con đường ca hát,Sóng biển vẫn dập dìu ca hát, Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát,Đèo Lũng Lô anh hò chị hát (Tố Hữu), Chim hãy hát những trời xanh khát vọng, Tiếng hát con tầu,Tôi đứng reo giữa nghìn tinh thể (Chế Lan Viên).
Các tư thế và vị trí trữ tình mở rộng, kiêu hãnh:Không ai có thể ngủ yên trong đời chật, Buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng, Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy (Chế Lan Viên), Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng (Tố Hữu).