Hảo), Ngày hội của rạng đông (Võ Văn Trực), Con đường của những vì sao (Nguyễn Trọng Tạo)..., sự thành công của một số trường ca trong đó có trường ca được giải thưởng Hội nhà văn năm 1980: Đường tới thành phố (Hữu Thỉnh) đã khiến nhiều nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà thơ kì vọng về một tương lai rực rỡ của “thời đại trường ca”. Nhưng sau năm 1985, trường ca gần như biến mất, để lại không ít sự ngạc nhiên, hụt hẫng cho những người đặt niềm tin và hi vọng vào nó (lịch sử văn học nhân loại cũng từng chứng kiến thể loại trường ca cổ đại đã “một đi không bao giờ trở lại” đó sao) như sự trình bày và đặt dấu chấm hết cho một giai đoạn thơ ca sử thi hùng tráng để bước sang một trang mới.
Trường ca Việt Nam thời cổ là một hình thức tự sự có vần, dung lượng phản ánh rộng lớn, tổng hợp hiện thực khách quan làm nên tính đồ sộ của tác phẩm. Cái anh hùng (thời đại anh hùng, tinh thần anh hùng, nhân vật anh hùng) được tập trung chú ý. Phong cách trang trọng, phóng khoáng, nhiều yếu tố kì vĩ. Xung đột chiến tranh làm trung tâm tác phẩm. Do vậy, trường ca không dung nạp mọi loại đề tài, mọi loại tính cách, chỉ chấp nhận một số kiểu loại sự kiện, con người, gắn với cái đẹp và cái cao cả.
Trường ca hiện đại vẫn giữ các đặc trưng cơ bản trên tuy được phát triển theo hướng trữ tình hóa, yếu tố tự sự-cốt truyện giảm, các xúc cảm cá nhân thường gắn với những chấn động lịch sử lớn lao. Sự thay đổi quan hệ trữ tình-tự sự là một xu hướng chung của trường ca hiện đại thế giới với V. Maiacôpxki, A. Blôc, P. Patxtenac, A. Tvarđôpxki.
Sự phát triển trường ca Việt Nam hiện đại chứng tỏ xu hướng thơ muốn vươn tới bao quát nhiều nội dung của đời sống hiện tại và quá khứ của đất nước và con người sau một thời kì biến động lớn của lịch sử dân tộc, như những bản tổng kết mang hình thức trữ tình lịch sử cỡ lớn để vừa ôn lại lịch sử, truyền thống, vừa kêu gọi, động viên, khẳng định dân tộc trong quá khứ và hướng tới tương lai.
Trong quan hệ với cái tôi trữ tình, trường ca sau 1975 (chủ yếu viết về chiến tranh và cách mạng) là một góc nhìn rộng, toàn diện. Toàn diện ở đây không chỉ là sự tổng hợp, khái quát mà là một bề rộng, bề sâu, bề cao của việc chiếm lĩnh con người và sự kiện. Kiến trúc đồ sộ của trường ca cho phép xuất hiện nhiều nhân vật, nhiều tư thế trữ tình, nhiều chủ đề, nhiều giọng điệu với nhiều điểm nhìn chiến tranh: từ xa đến gần, từ cảm xúc nồng nhiệt đến lí trí tỉnh táo, từ lãng mạn hóa đến hiện thực hóa, từ khái quát đến cụ thể, từ tính hoành tráng của sự kiện đến chiều sâu tâm lí, từ những khái niệm cao xa tới số phận cụ thể.
Với một khoảng cách giãn cách với thời gian lịch sử được miêu tả, không bị thúc ép bởi những điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh, cái tôi trữ tình có một chiều sâu thời gian và tầm cao lịch sử để suy ngẫm, nhìn nhận các vấn đề và con người một cách tỉnh táo, dày dặn, cụ thể hơn, vươn tới được cả những góc khuất, những miền kiêng kị trước đây chưa thể đề cập tới: nỗi cô đơn của người vợ, phút xao xuyến trước giờ ra trận, hạnh phúc riêng tư, sự thiệt thòi, ý thức về bản thân, sự trả giá. Nhân vật sử thi không chỉ được lí giải ở bình diện nghĩa vụ, ý chí mà còn được chú ý trên cấp độ tồn tại trước các vấn đề về sống, chết, trường tồn, lựa chọn, hạnh phúc, hi sinh... Con người sử thi không bị bó hẹp trong những giá trị về lòng yêu nước mà còn mở rộng sang sự tự khẳng định những giá trị bản thân (nghị lực, khả năng, việc lựa chọn nhiệm vụ lịch sử) đặc biệt ở những giây phút khắc nghiệt, gay cấn nhất, ở khoảnh khắc khẳng định con người.
Bên những câu thơ dựng hình ảnh khái quát:Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người, Mồ hôi vã một trời sao trên đất, Trời sao lặn hóa thành muôn mạch nước, chảy âm thầm chảy dọc
thời gian, là những câu thơ khẳng định một hiện thực khắc nghiệt: những năm, một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời (Thanh Thảo). Dõi theo suy nghĩ và diễn biến cảm xúc của nhân vật, trường ca có khả năng diễn tả được chiều sâu số phận bằng cách dựng lại con người trong bề dày thăm thẳm của sự chịu đựng, nỗi khổ và niềm đau. Trần Mạnh Hảo đã diễn tả lời tâm sự của người mẹ với đứa con mới sinh đã mất cha trong lòng địa đạo: Con hãy bú cả giấc mơ của mẹ, Cả lời ru, chưa được hóa cánh cò, Trong sữa mẹ có một thời gian khổ, Có một thời hạnh phúc đã đi qua. Trong lời ru có nỗi cay đắng, có cái hụt hẫng chơi vơi của người vợ mất chồng. Đó chính là ý thức về số phận cá nhân.
Hành trình lịch sử của con người sử thi còn được lý giải trong sự dầy dặn của nhiều phương diện. Tên của các chương đoạn trường caMặt trời trong lòng đất đã nói lên điều ấy: Hạnh phúc, Nhập cuộc, Khát vọng, Hi sinh và Chiến thắng. Tái hiện trong nhiều quan hệ: quá khứ, hiện tại và tương lai, bình yên và khốc liệt, tình yêu và niềm khao khát sự sống, có nỗi niềm gắn bó máu thịt với quê hương, có con trẻ và vợ hiền, lí tưởng chung và hạnh phúc riêng, nhân vật sử thi có một cuộc sống nội tâm không giản dị đến mức giản đơn, sơ lược mà khá sâu sắc. Vì vậy, họ đi đến nhiệm vụ, tới hi sinh và chiến thắng không thanh thản và vô tư (kiểuVui vẻ chết như cày xong thửa ruộng) mà luôn xao động trong những thử thách thường trực của nhân cách cá nhân: Anh thương em rồi đơn độc, Chỉ mình em hờn giận buồn vui, Ngôi sao kia còn tìm đôi để mọc, Một vầng trăng góa bụa ở ven trời; Con thương má chẳng thể về với má, Để đẵn cây dựng tạm một căn lều, Nỗi đau lớn má không cần hóa đá, Trái tim người bầm nát một tình yêu (Trần Mạnh Hảo). Trong thử thách đó, con người sử thi tồn tại như một nhân cách cá nhân đã chiến thắng trong việc thực hiện trách nhiệm của mình trước lịch sử. Chiến thắng cá nhân là chiến thắng của trách nhiệm cá nhân trong tương quan với tính chất vô danh của tập thể.
Cái nhìn toàn diện đã bao quát được từ ý thức về dân tộc, tổ quốc, nhân dân đến ý thức về thế hệ và hướng về ý thức cá nhân. Cái ý thức về thế hệ trong trường ca5, chính là nốt đệm của bước chuyển từ ý thức cộng đồng sang ý thức cá nhân. Ý thức về cá nhân, về số phận đã làm cho cái nhìn sử thi đượm màu thế sự. Sự không thuần khiết sử thi là kết quả của cái nhìn đầy đủ, hiện thực và tỉnh táo đối với chiến tranh. Do đó, nếu gọi trường ca là sự tổng kết thì đó là sự tổng kết những cái được mất của lịch sử đã diễn ra qua số phận con người, số phận nhân dân. Trường ca là bước chuyển từ cái nhìn sử thi sang thế sự vì lẽ đó.
Là một thử nghiệm về cái nhìn toàn diện, trường ca kết hợp được nhiều hình thức phát ngôn do nhập nhiều vai nhân vật trữ tình (con của mẹ, em của chị, người chiến sĩ, cỏ cây, sắt thép, đất đai, trời xanh, núi đá, biển...), nhiều giọng (tâm sự, độc thoại, kể, bình luận, khái quát, miêu tả, biểu hiện), nhiều cảm hứng (hào hùng, bi thương, lãng mạn, hiện thực), nhiều chủ đề (tổ quốc, nhân dân, hạnh phúc, chiến tranh, hủy diệt, sự sống...), sử dụng nhiều dáng câu thơ (tự do, lục bát, văn xuôi) tạo điều kiện cho cảm xúc tuôn chảy ào ạt, mãnh liệt.
Tóm lại, trường ca sau 1975 là một hình thức thể hiện mà trong đó cái tôi trữ tình sử thi đã nhìn lại mình, nhìn lại lịch sử dân tộc bằng con mắt cao cả hơn và cũng hiện thực hơn, đau đớn hơn, toàn diện hơn và cũng phức tạp hơn, bởi trường ca là sản phẩm tinh thần của những con người đã dập tắt lửa chiến tranh bằng máu của đời mình (Thu Bồn).