Phương pháp nghiên cứu cụ thể

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CHUYỂN CƠ SỞ SẢN XUẤT NGÀNH NGHỀTỪ KHU DÂN CƯ ĐẾN NƠI SẢN XUẤT TẬP TRUNG Ở THỊ XÃ TỪ SƠN, TỈNH BẮC NINH (Trang 68 - 72)

3. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU

3.2.2 Phương pháp nghiên cứu cụ thể

3.2.2.1 Phương pháp thu thập số liệu

* Số liệu thứ cấp: Những số liệu này đã được công bố trên các sách, báo, tạp chí, các văn kiện, nghị quyết, các báo cáo,.... Những số liệu này được thu thập bằng cách sao chép, đọc, trích dẫn như trích dẫn tài liệu tham khảo.

* Số liệu sơ cấp: Số liệu sơ cấp là những số liệu phục vụ cho việc tính toán các chỉ tiêu phân tích để thực hiện nội dung nghiên cứu của đề tài. Số liệu sơ cấp được thu thập thông qua các cuộc điều tra, phỏng vấn trực tiếp trên cơ sở xác định các mẫu điều tra có tính chất đại diện cho tổng thể các đơn vị nghiên cứu.

- Chọn mẫu điều tra:

Trên cơ sở xác định tổng số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các làng nghề truyền thống ở Từ Sơn là 5.185 đơn vị. Trong đó, hiện nay 6 khu SXTT ở Từ Sơn mới chỉ thu hút được 2.212 cơ sở sản xuất nhưng vậy một số lượng rất lớn khoảng 2.973 (chiếm 57,34%) các cơ sở sản xuất vẫn còn phân tán trong các khu dân cư, điều này đang gây ra những vấn đề xã hội rất nghiêm trọng, đặc biệt là sự ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.

Trong số 2.973 các cơ sở đang sản xuất phân tán trong khu dân cư, theo khảo sát sơ bộ cán bộ lãnh đạo địa phương, một số doanh nghiệp và cán bộ BQL các cụm công nghiệp chúng tôi nhận thấy, bên cạnh việc diện tích các khu SXTT chưa đáp ứng được nhu cầu của các cơ sở sản xuất thì hiện nay vẫn còn khoảng trên 300 cơ sở sản xuất đã đăng ký nhưng chưa chuyển ra khu sản xuất tập trung, hoặc sử dụng diện tích được giao vào mục đích khác (xây nhà, cho thuê lại,...) mà chính quyền địa phương chưa có giải pháp khắc phục. Tỷ lệ đăng ký chuyển nhưng không chuyển, hoặc chuyển ra không đúng mục đích chiếm khoảng 30% so với số tổng số đơn vị đăng ký.

Từ những nhận định trên, để có thể đề xuất được những giải pháp cụ thể, thiết thực để các ngành nghề sản xuất phân tán trong khu dân cư chuyển ra khu SXTT (đối tượng chính đề tài nhắm vào là những hộ đã đăng ký nhưng chưa chuyển, hoặc sử dụng diện tích được giao sai mục đích) chúng tôi tiến hành khảo sát với các đối tượng cụ thể như sau:

- 60 cơ sở sản xuất đã đăng ký nhưng chưa chuyển (đại diện cho 30% số cơ sở đã đăng ký nhưng không chuyển), trong đó ở Đồng Kỵ là 30 và Châu Khê là 30 cơ sở, để xem những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định không chuyển của họ. Bên cạnh đó, để tìm hiểu các vấn đề liên quan, thông tin được thu thập thống qua mẫu phiếu số 1 (xem phần phụ lục).

- 120 cơ sở sản xuất đã chuyển (đại diện cho 70% số cơ sở đăng ký đã chuyển), trong đó Đồng Kỵ là 60 và Châu Khê cũng là 60 cơ sở, để thu thập các thông tin so sánh trước và sau khi chuyển xem sự thay đổi về hiệu quả sản xuất, hiệu quả môi trường,... đồng thời tìm hiểu yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chuyển. Trong số 120 cơ sở đã chuyển có bao gồm những có sở chuyển toàn bộ, chuyển nhiều và chuyển ít, thông tin được thu thập thống qua mẫu phiếu số 2 (xem phần phụ lục).

+ Nhóm 1: chuyển toàn bộ là cơ sở chuyển toàn bộ các công đoạn sản xuất kinh doanh trong khu dân cư ra khu sản xuất tập trung. Bao gồm diện tích nhà xưởng, kho bãi, bán hàng đều được các cơ sở sử dụng đúng mục đích sản xuất, kinh doanh của ngành nghề. Nhóm này thấy rõ nhất và nhiều nhất ở ngành sản suất sắt thép.

+ Nhóm 2: chuyển nhiều là cơ sở sản xuất chuyển phần lớn các công đoạn sản xuất kinh doanh ra khu sản xuất tập trung. Nhóm này chủ yếu chuyển các khâu trong công đoạn hoàn thiện và đặc biệt là khâu quảng cáo và tiêu thụ sản phẩm ra khu sản xuất tập trung. Nhóm này chủ yếu là các cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ với quy mô sản xuất nhỏ.

+ Nhóm 3: chuyển ít là cơ sở chỉ mang một phần rất nhỏ các công đoạn sản xuất kinh doanh ra khu tập trung. Khu tập trung chỉ là nơi để một số sản phẩm mang ra để làm kho bày bán. Hiện tượng trên ta thấy rõ nét ở làng nghề gỗ mỹ nghệ.

- 20 cán bộ địa phương (trong đó có 5 cán bộ y tế) nhằm thu thập những ý kiến về tác động của phát triển ngành nghề phân tán trong khu dân cư đến sức khỏe người dân và nắm bắt các vấn đề môi trường, sức khoẻ của người dân địa phương, đồng thời thu thập các ý kiến chuyên gia. Thông tin được thu thập thống qua mẫu phiếu số 3 (xem phần phụ lục).

Chọn điểm điều tra:

- Hiện nay trên địa bàn thị xã có 5 ngành nghề nông thôn, trong đó có 9 làng nghề truyền thống gồm 1 làng nghề sản xuất sắt thép, 2 làng nghề dệt và 6 làng nghề mộc mỹ nghệ. Từ đó chúng tôi chọn ra 2 làng nghề tiêu biểu, đại diện cho 2 nhóm ngành nghề truyền thống đã có dự án di chuyển cơ sở từ khu dân cư ra khu sản xuất tập trung trên địa bàn thị xã để chọn điểm điều tra là làng nghề sắt thép Đa Hội-phường Châu Khê, làng nghề mộc mỹ nghệ Đồng Kỵ-phường Đồng Quang. Đây là những làng nghề truyền thống phát triển mạnh với số cơ sở sản xuất chiếm trên 65% tổng số cơ sở sản xuất ngành nghề truyền thống ở Từ Sơn, đã và đang thực hiện việc chuyển sản xuất phân tán trong khu dân cư ra khu sản xuất tập trung.

* Nội dung thu thập số liệu mới

Việc thu nhập số liệu mới tiến hành thông qua nội dung phiếu khảo sát các đối tượng bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp chủ hộ, chủ cơ sở, cán bộ địa phương, người lao động tại các cơ sở, các hộ.

Mẫu phiếu điều tra được thiết kế phù hợp cho từng đối tượng được khảo sát. Sau khi tiến hành khảo sát thử thì các mẫu phiếu được bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với thực tế và mục tiêu cần đạt được sau đó tiến hành khảo sát thực tế.

Nội dung mẫu phiếu điều tra bao gồm các phần:

- Các thông tin chung về chủ hộ, cơ sở; họ và tên, tuổi, giới tính, trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn kỹ thuật, địa chỉ..

- Năm cơ sở, hộ chuyển ra, diện tích sản xuất kinh doanh trong khu dân cư, nhu cầu về mặt bằng khi đăng ký chuyển, diện tích mặt bằng sản xuất kinh doanh của cơ sở, hộ sau khi chuyển ra khu sản xuất tập trung ở cụm CNLN. Thuận lợi khó khăn trong quá trình chuyển

sở, trong đó lao động nam, nữ(độ tuổi, trình độ văn hóa, chuyên môn.

- Tình hình đầu tư của hộ, cơ sở; về cơ sở vật chất trang thiết bị, công cụ, về vốn, lao động.

- Kết quả sản xuất kinh doanh của hộ trước và sau khi chuyển.

- Tình hình cơ sở hạ tầng trong cụm CNLN đó đáp ứng cho việc sản xuất kinh doanh hay chưa?

- Tình hình tiêu thụ sản phẩm của hộ, cơ sở; địa chỉ tiêu thụ, tình trạng tiêu thụ sản phẩm, những thuận lợi, khó khăn, khả năng nắm bắt thị trường ...

- Các kiến nghị và nguyện vọng của hộ, cơ sở; kiến nghị với nhà nước, kiến nghị với các cấp quản lý ở địa phương (về công tác quy hoạch đất đai, chính sách thuế, vốn, môi trường, tiêu thụ sản phẩm, và các mặt khác), nguyện vọng cần đề đạt.

Mỗi phần đều có các câu hỏi mở để đối tượng trả lời, đồng thời phỏng vấn trực tiếp nhằm thu thập những thông tin cần thiết khác ngoài các chỉ tiêu trong phiếu.

Các nội dung điều tra khảo sát thể hiện một cách toàn diện về đặc điểm sản xuất, cung ứng và sử dụng các yếu tố đầu vào, lựa chọn đầu ra, các mối quan hệ liên kết kinh tế, kết quả và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của các đơn vị sản xuất kinh doanh, các vấn đề liên quan tới phát triển sản xuất nông nghiệp, các vấn đề xã hội, môi trường, nguyên nhân ảnh hưởng và xu thế phát triển.

Bằng việc phỏng vấn trực tiếp các hộ, các cơ sở để thu thập số liệu. Số liệu thu thập được chúng tôi tiến hành phân loại, xử lý và tổng hợp để có được các chỉ tiêu phục vụ cho mục đích nghiên cứu của đề tài.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CHUYỂN CƠ SỞ SẢN XUẤT NGÀNH NGHỀTỪ KHU DÂN CƯ ĐẾN NƠI SẢN XUẤT TẬP TRUNG Ở THỊ XÃ TỪ SƠN, TỈNH BẮC NINH (Trang 68 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(163 trang)
w