Bàn luận về hiệu quả phong bế vận động

Một phần của tài liệu Nghiên cứu liều lượng bupivacain tỷ trọng cao theo chiều cao, cân nặng trong gây tê tủy sống để mổ lấy thai chủ động (Trang 65 - 66)

4.4.3.1. Bàn luận về mức ức chế vận động cao nhất sau GTTS 10 phút

Theo dõi liên tục mức phong bế vận động chi dưới theo Bromage khó thực hiện trong mổ lấy thai. Chúng tôi dựa vào cách đánh giá của Aya - sau GTTS 10 phút là thời điểm ức chế vận động cao nhất.

Mức ức chế vận động cao nhất sau GTTS 10 phút của nhóm II đa số là Bromage 3 chiếm 84,6%, trong khi mức này ở nhóm 1 là 53,8%. Sự khác biệt rất có ý nghĩa thống kê với p < 0,001 vì nhóm II dùng liều cao hơn nhóm I. Theo nghiên cứu của Nguyễn Đức Lam có 58,33% bệnh nhân đạt mức ức chế vận động Bromage 3.

4.4.3.2. Bàn luận về thời gian hồi phục vận động sau mổ ở mức Bromage 1

Thời gian này ở nhóm I là 115,4 ± 24,2 phút; nhóm II là 135,4 ± 41,9 phút. Sự khác biệt về thời gian hồi phục vận động sau mổ ở mức Bromage 1 của 2 nhóm có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Bệnh nhân ở nhóm I chống chân, nhấc chân, vận động sớm hơn ở nhóm II.

Kết quả của chúng tôi ngắn hơn kết quả của Nguyễn Hoàng Ngọc (165,75 ± 20,15 phút) và Nguyễn Đức Lam (155,65 ± 20,15 phút).

4.4.3.3. Bàn luận về hiệu quả giảm đau sau mổ

Thời gian giảm đau sau mổ ở 2 nhóm là: nhóm I 245,4 ± 32,7 phút, nhóm II 253,8 ± 47,3 phút. Thời gian giảm đau sau mổ của nhóm II dài hơn nhóm I cũng cùng lý do dùng liều cao hơn nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

Kết quả của chúng tôi ngắn hơn kết quả của Nguyễn Hoàng Ngọc (24,8 ± 1,1 giờ) và Nguyễn Đức Lam (2,45 ± 2,16 giờ) vì các tác giả này phối hợp 100 µg morphin để kéo dài thời gian giảm đau sau mổ cho bệnh nhân [30], [34].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu liều lượng bupivacain tỷ trọng cao theo chiều cao, cân nặng trong gây tê tủy sống để mổ lấy thai chủ động (Trang 65 - 66)