Bàn luận về các chỉ số nhân trắc

Một phần của tài liệu Nghiên cứu liều lượng bupivacain tỷ trọng cao theo chiều cao, cân nặng trong gây tê tủy sống để mổ lấy thai chủ động (Trang 56 - 57)

* Tuổi:

Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân trong nghiên cứu này là 26,92 ± 3,75 ở nhóm I; 27,88 ± 4,85 ở nhóm II, trẻ nhất 19 tuổi, lớn tuổi nhất 42 tuổi, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Kết quả của chúng tôi tương tự như kết quả của Nguyễn Hoàng Ngọc và Trần Văn Cường [30], [33].

* Chiều cao:

Chiều cao trung bình của sản phụ là như nhau ở nhóm I (157,00 ± 5,40 cm) và nhóm II (154,35 ± 3,87 cm). Đây là chiều cao trung bình của phụ nữ Việt Nam, tương đương với chiều cao của phụ nữ Thái Lan trong nghiên cứu của Visalyaputra (155 ± 5cm), cao hơn chiều cao của phụ nữ Nepal trong nghiên cứu của Subedi A (152,2 ± 5,1 cm), thấp hơn chiều cao của phụ nữ Anh trong nghiên cứu của Harten (162,3 ± 3,2 cm) [6], [8], [36].

Trong nhiều nghiên cứu từ trước, liều thuốc có liên quan đến chiều cao cơ thể nên tại Việt Nam, nơi có chiều cao trung bình thấp hơn, liều GTTS cho mổ lấy thai thấp hơn so với các tác giả phương Tây. Chúng tôi sử dụng cụm liều 7mg, 8mg, 9mg dựa vào các nghiên cứu đã có và là các liều đang sử dụng trên thực tế lâm sàng [30], [31], [32], [33]. Điều này vẫn rất thấp so với liều theo chiều cao của Danelli và cộng sự [4]. Theo tác giả, liều tối thiểu là 0,06mg/cm chiều cao  nếu cao 150cm, liều tối thiểu của tác giả là 9mg trong khi đó chúng tôi chỉ dùng liều 7mg.

* Cân nặng:

Cân nặng khi mổ của sản phụ ở cả 2 nhóm cũng không có sự khác biệt, ở nhóm I là 63,77 ± 7,32 kg; nhóm II là 63,35 ± 6,76. Số liệu thu được tương ứng với các tác giả khác ở Việt Nam [30], [31]. Trong kết quả này, cân nặng sản phụ Việt Nam khi mổ cao hơn cân nặng sản phụ Nepal trong nghiên cứu của Subedi A (59,3 ± 7,2), thấp hơn cân nặng sản phụ Hàn Quốc trong nghiên cứu của Sung Hee Chung (68,4 ± 8,8), thấp hơn rất nhiều so với sản phụ Anh trong nghiên cứu của Harten (81,3 ± 11,9) [6], [7], [8].

Hartwell và cộng sự nghiên cứu về chiều dài cột sống và sự lan tỏa của bupivacain trong gây tê tủy sống cho sản phụ. Tác giả đã kết luận khi GTTS với bupivacain tỷ trọng cao 0,75%, chiều cao cơ thể và mức phong bế không có mối liên quan, nhưng có sự liên quan giữa chiều dài cột sống và mức phong bế. Cũng theo tác giả này trong những nguyên nhân gây phong bế cao trong GTTS để mổ lấy thai, ngoài chiều cao cân nặng, sự tăng đáng kể thể tích buồng tử cung và tư thế quá ưỡn khi mang thai là yếu tố quan trọng [37].

* Chỉ số BMI của 2 nhóm là như nhau với BMI từ 22 - 32.

Kết quả nghiên cứu cho thấy bệnh nhân ở 2 nhóm khá tương đồng về tuổi, chiều cao, cân nặng và chỉ số BMI.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu liều lượng bupivacain tỷ trọng cao theo chiều cao, cân nặng trong gây tê tủy sống để mổ lấy thai chủ động (Trang 56 - 57)