Dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức sản xuất của lợn nái xuyên suốt tất cả các giai đoạn từ nuôi hậu bị đến thời điểm cai sữa lợn con. Trong giai đoạn hậu bị dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp cho lợn nái hoàn thiện về tính dục và thể vóc.
Giai đoạn lợn chửa, dinh dưỡng có ảnh hưởng tới năng suất sinh sản của lợn nái cũng được nhiều tác giả nghiên cứu. Gordon (1997) [46] cho biết năng lượng ăn vào cao trong suốt thời gian chửa sẽ làm giảm lượng ăn vào của lợn mẹ trong suốt giai đoạn nuôi con và làm cản trở sự phát triển của tuyến vú. Lợn béo quá thì chân sẽ yếu dẫn đến đè lên con trong giai đoạn nuôi con và lượng sữa tiết ra kém và làm cho lợn khó đẻ hoặc đẻ kéo dài. Nếu cho lợn nái chửa ăn thiếu so với nhu cầu dẫn đến thể chất kém, giảm sức đề kháng đối với bệnh tật, không đủ dự trữ cho kỳ tiết sữa, làm năng suất sữa thấp dẫn tới lợn con còi cọc. Tỷ lệ nuôi sống thấp và thời gian khai thác không được lâu do đó lợn động dục sau cai sữa muộn, suy kiệt nên dễ loại thải sớm.
Ở giai đoạn nuôi con, thức ăn là một trong những yếu tố tác động mạnh đến năng suất sinh sản và quá trình sinh trưởng của lợn mẹ và lợn con. Knezo và cộng sự (1998) [49] khi nghiên cứu trên 3 nhóm lợn nái (từ giai đoạn chửa cuối đến giai đoạn nuôi con) với mức năng lượng ăn vào là: 12,16; 13,22 và 13,69 MJ ME/kg cho thấy tỷ lệ nuôi sống đến khi cai sữa là 80,77; 88,67 và 87,56%, khối lượng cai sữa trung bình là 7,05; 7,43 và 7,24 kg/con; khối lượng hao hụt lợn mẹ trong thời gian nuôi con là 17,23; 11,75 và 10,43 kg. Gordon (1997) [46] cho rằng thức ăn bị thiếu trong giai đoạn nuôi con sẽ làm
Trường Đại học Nông Nghiệp Hà Nội – Luận văn thạc sĩ khoa học nông nghiệp……… 20
hao hụt lợn mẹ, thời gian động dục sau cai sữa dài, tỷ lệ rụng trứng giảm và giảm tỷ lệ chửa, tuy nhiên tăng mức thức ăn trong giai đoạn đầu có chửa sẽ làm tăng tỷ lệ phôi chết ở lợn.
Lợn nái sau cai sữa không động dục hay động dục chậm là do dinh dưỡng trong thời kỳ nuôi con không đầy đủ. Phùng Thị Vân và cộng sự (1999) [36] cho rằng lợn nái hậu bị giống ngoại chuyển sang chế độ nuôi ăn hạn chế từ 65kg đến 90kg khối lượng và có chế độ ăn tăng 10 ngày trước khi dự kiến phối giống thì có xu hướng tăng số con đẻ sống. Thức ăn tinh cho lợn trong giai đoạn nái nuôi con và lợn con theo mẹ của tổ hợp lai (MC x Bản) là 2,21 kg/ngày, thức ăn thô xanh 3,14 kg/ngày, protein có trong thức ăn của lợn nái nuôi con và lợn con theo mẹ là 181,24 g/ngày.
Như vậy khẩu phần thiếu dinh dưỡng trong giai đoạn nuôi con sẽ làm cho lợn mẹ mất sữa hoặc ít sữa điều đó sẽ dẫn đến khối lượng cai sữa thấp, tỷ lệ chết cao, ngoài ra còn làm cho lợn nái hao mòn nhiều và thời gian động dục trở lại sau cai sữa kéo dài và từ đó khoảng cách lứa đẻ tăng lên điều đó ảnh hưởng đến số con/nái/năm giảm xuống dẫn đến hậu quả kinh tế trong chăn nuôi giảm.