KHÁI QUÁT VỀ CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA Ở HÀ NỘI

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở hà nội luận văn ths kinh doanh (Trang 41 - 44)

Hòa nhịp cùng với sự phát triển chung của cả nước, các DNNVV của Hà Nội đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế chính trị của đất nước. Phần này sau khi giới thiệu chung về một số đặc điểm của các DNNVV tại Hà Nội sẽ trình bày số lượng và cơ cấu của các DN này.

3.1.1. Đặc điểm của DNNVV tại Hà Nội

DNNVV Hà Nội có những đặc điểm cơ bản sau đây:

- Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa hàng đầu của đất nước, Hà Nội tập trung số lượng lớn các DN. Các DNNVV Hà Nội tập trung chủ yếu vào một số ngành như bán buôn bán lẻ (53,5%); Công nghiệp (15,7%); Xây dựng (10%); Hoạt động khoa học công nghệ (9,0%); Hoạt động hành chính hỗ trợ (4,1%); Thông tin truyền thông (3,1%)( Nguồn: Niên giám thống kê Hà Nội năm 2012);

- Số lao động bình quân trên một doanh nghiệp của Hà Nội (30 lao động/1 doanh nghiệp) thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (40 lao động).

- Hà Nội thiếu nhóm doanh nghiệp có quy mô trung bình. Hiện Hà Nội có tới 81% doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng, và 92% doanh nghiệp sử dụng ít hơn 50 nhân công.

- Doanh nghiệp của Hà Nội có mức doanh thu bình quân trên một lao động cao hơn mức của cả nước. Tuy nhiên, khả năng tài chính của khu vực tư nhân còn hạn chế, xét về khả năng sinh lời, lợi nhuận trên vốn, lợi nhuận trên tài sản…

- DNNVV tại Hà Nội là khu vực doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong tạo việc làm (chiếm 51% lao động trong các doanh nghiệp), tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Thu nhập trung bình của người lao động trong khu vực DNNVV tại Hà Nội tương đối ổn định và tăng đều qua các năm. Nếu năm 2005, lương trung bình của người lao động làm việc tại các DNNVV đạt khoảng 20 triệu đồng/năm thì đến năm 2008 con số này vào khoảng 34 triệu đồng/năm, năm 2009 đạt 41 triệu đồng/năm, năm 2010 là 54 triệu đồng/năm và năm 2011 là 59 triệu đồng/năm.

- Các DNNVV ở Hà Nội thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh: Số lượng lớn DNNVV mới ra đời làm gia tăng nhu cầu đối với đất cho mục đích công nghiệp và thương mại để xây dựng nhà xưởng, văn phòng, các điểm bán lẻ v.v… Hiện ở Hà Nội có tới 33% số doanh nghiệp phải sử dụng nhà ở làm địa điểm kinh doanh, chỉ có 0,8% số doanh nghiệp có địa điểm kinh doanh tại khu/cụm công nghiệp (KCN/CCN). Các khu vực chợ đáp ứng được nhu cầu địa điểm kinh doanh của 17% số hộ. Đáng lưu ý là chỉ có 0,2% số hộ kinh doanh cá thể có địa điểm kinh doanh tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Nguyên nhân do việc tiếp cận đất với giá cả minh bạch, thủ tục đơn giản là tương đối khó khăn đối với khối DNNVV Hà Nội hiện nay. Bên cạnh đó, với quỹ đất công rất hạn chế, các DNNVV khó tận dụng được kênh giao đất hay thuê đất trực tiếp từ chính quyền Thành phố để đảm bảo mảnh đất được sử dụng đã "nằm trong quy hoạch”, không bị đòi lại trước thời hạn và có thể yên tâm đầu tư xây dựng nhà xưởng, đặc biệt khi Hà Nội chính thức mở rộng địa giới hành chính từ năm 2008 nhưng tới tháng 7/2011 Chính phủ mới chính thức phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Một nguyên nhân quan trọng khác ảnh hưởng đến sự tiếp cận đất đai của doanh nghiệp Hà Nội đó là vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng do thủ tục GPMB rườm rà, không thỏa thuận được giá đền bù, chậm triển khai xây dựng khu tái định cư, hệ thống pháp lý còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản và không phù hợp với thực tiễn.

- Các DNNVV ở Hà Nội thiếu kinh phí đầu tư đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm, nghiên cứu và phát triển. Hiện nay, chỉ có 30% các DNNVV tiếp cận được vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác (trong số này có nhiều DN vẫn phải chịu vay ở mức lãi suất cao 15 – 18%). Mặc dù Chính phủ đã triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ vốn cho các DNNVV như bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ tín dụng, nhưng trên thực tế mới có một số lượng nhỏ các DN đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ này do điều kiện vay vốn hiện nay chưa phù hợp với DNNVV, rất ít các DN đáp ứng được điều kiện không được nợ thuế quá hạn, không nợ lãi suất quá hạn cũng như điều kiện về tài sản đảm bảo và thủ tục, quy trình vay vốn, giải ngân, thanh toán. Cuộc khảo sát 100 doanh nghiệp tại Hà Nội cho thấy, có tới 94% doanh nghiệp trả lời là không vay được vốn, 32% doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng thủ tục vay vốn là rất phiền hà, 54% doanh nghiệp cho rằng thủ tục vay ở mức độ phiền hà, 14% còn lại là không đồng ý

với quan điểm này. (Nguồn: Kết quả khảo sát 100 doanh nghiệp – Trung tâm Hỗ

trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội)

- Trình độ kỹ thuật công nghệ lạc hậu của các DNNVV của Hà Nội còn hạn chế. Số lượng các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ còn rất ít. Số lượng nhà khoa học, chuyên gia làm việc trong các DNNVV chỉ chiếm 0,025% trong tổng số lao động làm việc trong khu vực DN. Khoảng 80 – 90% máy móc và công nghệ trong các DNNVV Hà Nội là nhập khẩu, có nguồn gốc từ nhiều nước khác nhau như: Trung Quốc, Liên xô cũ, Đông Âu, Hàn Quốc, Đài Loan…thuộc các thế hệ khác nhau; 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao, lạc hậu so với thế giới 10-20 năm làm cho hao phí nguyên, nhiên, vật liệu tăng 1,5 lần so với thế giới, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thấp đã hạn chế năng lực cạnh tranh của DNNVV.

- Liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp Hà Nội yếu. Mặc dù là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước với vị trí là thủ đô với nhiều điều kiện phát triển song có thể nói liên kết giữa các doanh nghiệp tại Hà Nội, đặc biệt là mối liên kết giữa các DNNVV và các doanh nghiệp lớn cũng như giữa các DNNVV với

nhau ở Hà Nội, giữa các DNNVV Hà Nội và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các tập đoàn kinh tế. Tuy Chính phủ và các bộ ngành có liên quan cũng như nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ để phát triển các mối liên kết này song mức độ liên kết, hợp tác của các DNNVV Hà Nội vẫn hạn chế, không chỉ so với các nước trong khu vực mà còn đối với các địa phương khác trong nước. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2010), khoảng 60-70% DNNVV trong các ngành điện tử, linh kiện điện tử; sản xuất phụ tùng (linh kiện mô tô, xe máy) và dệt may có đối tác cung cấp chính nguyên vật liệu đầu vào là các DNNVV cùng trên địa bàn hoặc các nhà cung ứng nội địa. Tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa lựa chọn nhà cung cấp là các doanh nghiệp lớn là nhà cung cấp chính của Hà Nội chỉ gần 26% - thấp hơn so với một số tỉnh thành khác trong nước.

Bảng 3.1. So sánh sự hợp tác, liên kết của DNNVV Hà Nội với các địa phương

DNNVV trên cùng địa bàn DN lớn trên cùng địa bàn Các nhà cung cấp nội địa khác Hải Phòng 55,6% 11,8% 48,6% Hà Nội 60,0% 25,7% 68,6% TP Hồ Chí Minh 68,4% 36,8% 50,0% Đồng Nai 62,5% 60,0% 81,0% Đà Nẵng 85,0% 91,7% 100,0% Chung 63,5% 36,0% 63,1%

Nguồn: Điều tra của Viện nghiên cứu & quản lý kinh tế Trung ương (2013)

Việc nhiều DNNVV của Hà Nội không có các nhà cung cấp là các doanh nghiệp lớn có nghĩa rằng mối quan hệ liên kết hợp tác chủ yếu là qua các hợp tác giản đơn mà dường như chưa phải là trong các chuỗi giá trị hoặc mạng sản xuất chặt chẽ, không có được vị trí quan trọng đối với các đối tác và mối quan hệ, hợp tác này dễ dàng bị phá vỡ.

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở hà nội luận văn ths kinh doanh (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)