+ Khí hậu: Yên Hưng là huyện có khí hậu khá ôn hoà, từng được thực dân Pháp chọn là điểm du lịch điều dưỡng của chúng tại Bắc kỳ trong thời kỳ Pháp thuộc, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2016 mm, nhiệt độ trung bình khoảng 20,50C – 28,30C. Nhìn chung, khí hậu nơi đây thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và thích hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
+ Tài nguyên đất: với vai trò là tư liệu sản xuất của nông – lâm – ngư nghiệp – 1 tư liệu đặc biệt không thể thay thế được và là thành phần quan trọng bậc nhất của môi trường sống của con người, đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá.
Huyện Yên Hưng có khoảng 14.978,6 ha đất dành cho nông nghiệp, chủ yếu là đất chua mặn do phù sa bồi đắp đã được cải tạo qua nhiều thế hệ và đất phù sa không được bồi đắp thường xuyên tạo nên nhiều dải đồng bằng nhỏ hẹp, vùng đất bằng phẳng, trũng nước thuận lợi cho gieo trồng và phát triển nhiều loại cây lương thực.
Bên cạnh đó, huyện Yên Hưng còn có diện tích đất feralit phân bố ở vùng đồi thấp, dốc núi thích hợp phát triển lâm nghiệp.
Mặt khác, đất còn được dùng để sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, ngói, đá hoa và đồ sành sứ. Do đó, đất đai còn là nguyên liệu quan trọng, là tiềm năng phát triển ngành công nghiệp tại huyện.
+ Tài nguyên nước: Huyện Yên Hưng có hệ thống sông ngòi, ao đầm trải khắp huyện, là nguồn tài nguyên quý giá phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, thuỷ lợi và phát triển thuỷ sản của huyện. Trong đó phải kể đến một số nguồn nước quan trọng như:
• Hồ Yên Lập được thiết kế với quy mô lớn, có dung tích thường xuyên là 127,5 triệu m3, dung tích hữu ích là 113,2 m3. Hồ có hệ thống kênh chính dài 28,37 km và 45 tuyến kênh cấp I dài 107,1 km, nhiều tuyến kênh cấp II đảm bảo đủ nước tưới cho 10.000 ha đất canh tác. Đây là nguồn tài nguyên nước mặt dồi dào, có khả năng thoả mãn nhu cầu nước cho sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân trong huyện.
• Sông Bạch Đằng chạy theo hướng Bắc – Nam, nằm ở phía Tây của huyện. Tuy chỉ dài 20km nhưng sông Bạch Đằng là một con sông rộng nối liền với sông Lục Nam và sông Thái Bình là những con sông lớn của đồng
bằng Bắc bộ. Vượt qua núi Tràng Kênh, sông Bạch Đằng chia nước cho 2 chi lưu là sông Chanh và sông Rút (chảy ra Vịnh Hạ Long). [5]
• Nguồn nước ngầm của Yên Hưng trữ lượng nhỏ, nước ngọt ở một số xã vùng Hà Bắc chỉ đủ để sử dụng phục vụ sinh hoạt của nhân dân.
• Chất lượng nước: Nhìn chung nước trong sạch, ngọt, pH trung tính, chất lượng nước đạt yêu cầu đảm bảo cho sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp và công nghiệp. Nước hồ Yên Lập qua xử lý sẽ đảm bảo chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân.
+ Tài nguyên biển: Có thể nói, biển và tài nguyên biển là ưu thế nổi trội của huyện Yên Hưng với bờ biển dài trên 30km, nhiều ngư trường lớn. Đặc biệt huyện có 12.000 ha bãi triều nằm trong vùng cửa sông Bạch Đằng, có các sông lớn chảy qua như sông Chanh, sông Nam, sông Bến Giang…tạo cho bãi triều có môi trường sinh thái sạch. Bãi triều được chắn sóng, chắn gió của hàng ngàn đảo lớn nhỏ của vịnh Hạ Long tạo sự lắng đọng phù sa hình thành nên các vùng nông sâu, vịnh kín thuộc bờ biển Yên Hưng. Đây là nơi sinh sống, sinh sản của nhiều loài hải sản quý có giá trị như: tôm he, tôm sú, tôm rảo, cá song, bào ngư, hải sâm, cua bể, sò huyết, hầu hà….Vùng bãi triều của huyện có địa thế tự nhiên thuận lợi, có nhiều vùng sinh thái khác nhau tạo nên một hệ sinh vật biển phong phú, đa dạng, một tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển.
Với những ưu thế về biển, chắc chắn trong tương lai không xa Yên Hưng sẽ phát triển mạnh mẽ ngành thuỷ sản đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản, đưa ngành thuỷ sản thành ngành kinh tế mũi nhọn.
+ Tài nguyên rừng: Rừng Yên Hưng thuộc loại rừng thứ sinh, đại bộ phận rừng thưa và nghèo kiệt. Kết cấu của rừng dễ bị phá vỡ sẽ thay đổi môi trường sinh thái. Do đó, nếu để mất rừng thì việc khôi phục lại rất khó khăn vì
vậy cần bảo vệ vốn rừng sẵn có. Hiện tại rừng Yên Hưng có 4.804,4 ha chiếm 15,3% diện tích tự nhiên của huyện. Rừng được chia thành 2 loại:
•Rừng tự nhiên: có 2.110,8 ha thuộc rừng phòng hộ. •Rừng trồng: có 2.693,6 ha.
+ Tài nguyên khoáng sản: Theo tài liệu Địa chất thì nguồn tài nguyên khoáng sản của Yên Hưng bao gồm than đá, đá vôi, đất sét, cát sỏi… được thể hiện như sau:
• Than đá: có một vỉa than nhỏ phân bố ở khu vực Đá Chồng xã Minh Thành, trữ lượng khoảng 20 – 30 vạn tấn. Thời Pháp thuộc đã khai thác nhưng quy mô nhỏ. Hiện nay nhân dân đang tận dụng khai thác làm chất đốt.
• Đá vôi: phân bố chủ yếu trên đảo Hoàng Tân với trữ lượng trên 1 triệu m3, trong đó 50% là CaO2 hàm lượng cao thích hợp cho sản xuất vật liệu xây dựng, 50% là Dolomit. Trong đó có một số dải đá vôi là những thắng cảnh cần được bảo vệ để giữ lại cảnh quan và môi trường tự nhiên.
• Đất sét: là nguồn tài nguyên dùng để sản xuất gạch ngói, vật liệu xây dựng có chất lượng cao với trữ lượng khoảng 1 triệu m3.
• Cát sỏi: tập trung ở Minh Thành, Đông Mai, Tiền An với trữ lượng lớn, chất lượng tốt, chịu lực cao có thể dùng phục vụ các công trình xây dựng cơ bản.
+ Tài nguyên du lịch: Thiên nhiên ưu đãi cho Yên Hưng nhiều cảnh quan sông, hồ, trời biển đẹp. Có thác Mơ, có rừng thông di tích lịch sử nơi Bác dừng chân, có hang động Hoàng Tân, đầm nhà Mạc, hồ Yên Lập với không gian rộng rãi, thoáng mát, yên tĩnh là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.
Tài nguyên du lịch Yên Hưng bao gồm cả các di tích lịch sử, văn hoá, các lễ hội truyền thống (Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Bạch Đằng) có sức thu hút nhiều khách tham quan du lịch trong nuớc và quốc tế.
Tài nguyên du lịch Yên Hưng phân bố tương đối tập trung, thuận lợi cho việc khai thác, hình thành các tuyến điểm và cụm du lịch. Những di tích và danh lam thắng cảnh của Yên Hưng cùng với Vịnh Hạ Long, Yên Tử, Đồ Sơn, Cát Bà sẽ là điều kiện thuận lợi để Yên Hưng phát triển ngành du lịch.
2.1.2. Điều kiện kinh tế – xã hội
- Dân số:
Dân số là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước nói chung và kinh tế huyện Yên Hưng nói riêng. Dân số là lực lượng sản xuất xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp luôn cần nhiều lao động. Mặt khác, dân số cũng là thị trường tiêu thụ rộng lớn, kích thích sản xuất.
Năm 2006, dân số huyện Yên Hưng là 136.150 người, chiếm 12,5% dân số toàn tỉnh. Trong đó, đại bộ phận người dân sống ở nông thôn. Dân thành thị chỉ khoảng 14.323 người, chiếm 10,52% dân số toàn huyện, sống ở thị trấn Quảng Yên trong khi tốc độ đô thị hoá toàn tỉnh là trên 40%.
Những năm gần đây, nhờ thực hiện tốt công tác kế hoạch hoá gia đình, tốc độ tăng dân số tự nhiên của huyện đã giảm từ 1,67% năm 1997 xuống còn 0,99% năm 2006, tỷ suất sinh là 14‰?, tỷ lệ sinh con thứ 3 còn 6,3%. Tuy nhiên, mật độ dân số của huyện vẫn còn khá cao (khoảng 434người/ km2) so với nhiều địa phương trong tỉnh.
Năm 2006, toàn huyện có khoảng 71.725 lao động, chiếm khoảng 52,7% tổng dân số. Đây là lực lượng lao động dồi dào tham gia vào nhiều lĩnh vực sản xuất kinh tế của huyện.