Ngành thuỷ sản

Một phần của tài liệu Chuyểndịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh, thực trạng và giải pháp (Trang 92 - 94)

Trong tương lai, thuỷ sản sẽ trở thành ngành xuất khẩu lớn nhất trong ngành nông nghiệp của Việt Nam. Đây cũng là ngành có thị trường tiêu thụ rộng lớn cả trong và ngoài nước.

Đối với Yên Hưng, tiềm năng phát triển thuỷ sản còn rất lớn với diện tích mặt nước ngọt trên sông, ao đầm, ruộng lúa, trong đó còn đến 8.362,7 ha diện tích mặt nước chưa sử dụng có thể phát triển nuôi trồng thuỷ sản.

Ngành thuỷ sản của huyện sẽ được đầu tư phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng cao nhất trong cơ cấu nông – lâm – thuỷ sản, giá trị sản xuất

ngành thuỷ sản tăng 11%/ năm, để từng bước trở thành ngành sản xuất quan trọng của huyện. Định hướng phát triển thuỷ sản đến năm 2010 của huyện Yên Hưng:

+ Đối với lĩnh vực nuôi trồng: phải được đầu tư mở rộng để tăng trưởng nhanh và nâng dần tỷ trọng trong cơ cấu ngành thuỷ sản. Phát triển thuỷ sản theo hướng nuôi đa dạng giống loài với nhiều hình thức nuôi đảm bảo hiệu quả và bền vững, phát triển diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh tạo thành các vùng nuôi tập trung một cách hợp lý. Yên Hưng có diện tích đất bãi triều khoảng 12.000 ha, thuận lợi cho nuôi trồng thuỷ sản có đê cống. Ngoài ra, còn có thể tận dụng diện tích nước sâu, trũng có đủ điều kiện ở các cửa sông như Sông Hốt, Đầu đá, Sông Rút để nuôi cá lồng bè (dự kiến toàn huyện có từ 4 – 6 lồng bè ở xã Liên Vị và Hiệp Hoà). Cần tận dụng diện tích bãi triều ven sông, ven đê, ven đầm để nuôi trồng thuỷ sản không đê cống (khoảng 200 ha) gồm các loài nhuyễn thể như sò huyết, hầu hà ở các xã Hoàng Tân, Hà An, Liên Hoà, Yên Hưng.

Ưu tiên đầu tư nuôi trồng các loại thuỷ sản đặc sản có giá trị cao như sò huyết, cá vược, tôm he chân trắng, mực, cua bể, rau câu… ở một số xã vùng Hà Nam, Hà An… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Công tác nuôi trồng thuỷ sản phải được xây dựng thành một hệ thống đồng bộ, hợp lý ở các khâu: giống – kỹ thuật – thức ăn – phòng trị bệnh để giúp người dân an tâm nuôi trồng có hiệu quả và tránh được rủi ro trong sản xuất. Trong đó, chú trọng phát triển đồng bộ các cơ sở sản xuất giống để đáp ứng yêu cầu phát triển của người dân và công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và xây dựng mô hình thí điểm.

Dự kiến đến năm 2010, diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện là 8.807 ha, trong đó, nuôi nước ngọt là 700 ha; nuôi nước lợ: 7.907 ha; nuôi bè bãi: 200 ha. Sản lượng đạt 6.000 tấn.

+ Đối với lĩnh vực khai thác: Từ nay đến năm 2010, huyện tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả các phương tiện đánh bắt hải sản tuyến khơi, cải hoán phương tiện khai thác tuyến nửa lộng, nửa khơi phù hợp với khả năng của ngư dân…

Đồng thời, huyện cần quản lý và xử lý nghiêm theo pháp luật những trường hợp dùng hoá chất độc, xung điện để đánh bắt thuỷ sản mang tính huỷ diệt, kết hợp với việc tiến hành tốt các biện pháp đảm bảo cho sự tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, khai thác hợp lý nhằm cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường.

Dự kiến sản lượng khai thác thuỷ sản đến năm 2010 đạt 11.000 tấn. Huyện cũng đầu tư phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá và nâng cao năng lực chế biến, tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản. Phát triển mạnh xuất khẩu thuỷ sản đồng thời mở rộng tiêu thụ nội địa sản phẩm thuỷ sản qua chế biến.

Tóm lại, từ nay đến năm 2010, ngành thuỷ sản huyện Yên Hưng sẽ tiếp tục phát triển và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản – trong nuôi trồng, tăng tỷ trọng nuôi cá và tôm, kết hợp với việc bảo vệ tốt và khai thác hợp lý nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên.

Một phần của tài liệu Chuyểndịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh, thực trạng và giải pháp (Trang 92 - 94)