THÔNG CÁO CHUNG

Một phần của tài liệu đảng lãnh đạo liên minh chiến đấu việt nam với lào chống đế quốc mỹ xâm lược từ năm 1954 1965 (Trang 131 - 137)

III. NHIỆM VỤ CHUNG

THÔNG CÁO CHUNG

Giữa đoàn đại biểu chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn đại biểu Chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời Vương quốc Lào

Nhận lời mời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một đoàn đại biểu Chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời Vương quốc Lào do Tướng Phu-mi Nô-xa-vẳn, phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ tài chính dẫn đầu đã đến thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 12 năm 1962. Trong thời gian đi thăm, Đoàn đại biểu Chính phủ Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm tiếp kiến. Đoàn đã tiếp xúc thân mật với đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng đầu là phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh.

Tham gia cuộc Hội đàm,

Về phía Việt Nam có: ông Nguyễn Duy Trinh, phó Thủ tướng, Trưởng đoàn; ông Nguyễn Khánh Toàn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài; ông nguyễn Cơ Thạch, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Hoàng Văn Diệm, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương; ông Hồng Xích Tâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Đỗ Thanh Quý, Cục trưởng Cục Ngoại thương; ông Nguyễn Xuân, phó Vụ trưởng Vụ Châu Á Bộ Ngoại giao; ông Bùi Bình, phó Vụ trưởng Văn phòng Phủ Thủ tướng; ông Hoàng Nguyên, Tham tán Đại sứ quan Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Vương quốc Lào.

Về phía Lào có: Tướng Phu-mi Nô-xa-vẳn, phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính; Hoàng thân Xi-xu-măng Xi-xa-lơm-xắc, Bộ trưởng Bộ bưu điện và viễn thông; ông Khăm-phướn Tu-na-lom, Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Kế hoạch; Đại sứ Khăm-phan Pa-nhi-a; ông Thao-phèng, đại diện kinh tế và văn hóa Chính phủ Vương quốc Lào tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Tướng Khăm-không Bu- đa-vông; ông Xi-xa-vát Xu-va-la-xi, Tổng Giám đốc Bộ Tài chính; ông Un In-tha- vông, Giám đốc Ngoại thương Bộ Kinh tế và Kế hoạch; ông Lan Pát-tham-ma- vông, Giám đốc hành chính Bộ Ngoại giao.

Hai bên nhất trí nhận định rằng hiệp nghị Giơnevơ năm 1962 về Lào là kết quả của những cố gắng của nhân dân Lào và của tất cả các dân tộc hữu quan, để giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng ở Lào và duy trì hòa bình ở Đông Nam Á. Hai bên cho rằng hiệp nghị này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của một nước Lào hòa bình, độc lập, có chủ quyền và trung lập, cần phải được tất cả các bên hữu quan triệt để tôn trọng. Đoàn đại biểu Việt Nam tuyên bố rằng, về phần mình, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã và sẽ tiếp tục nghiêm chỉnh thi hành hiệp nghị Giơnevơ năm 1962 và đã rút hết khỏi Lào theo thời hạn hiệp nghị Giơnevơ quy định, tất cả nhân viên quân sự được phái sang Lào theo yêu cầu của Chính phủ Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đòi hỏi các bên ký kết khác cũng phải làm như vậy.

Bên phía Việt Nam tin tưởng sâu sắc và nhiệt liệt chúc nhân dân Lào dưới sự lãnh đạo của Chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời do Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma làm Thủ tướng, sẽ hoàn toàn thực hiện được chính sách hòa bình, trung lập, hòa hợp dân tộc và cải thiện đời sống nhân dân. Bên phía Việt Nam đã xác nhận lại lập trường của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với Vương quốc Lào là thi hành một chính sách dựa trên năm nguyên tắc chung sống hòa bình và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Bên phía Lào đánh giá cao sự cống hiến của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với việc giải quyết hòa bình vấn đề Lào. Bên phía Lào tỏ ý hài lòng và tin tưởng vào chính sách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với Lào theo như bên phía Việt Nam trình bày.

Đoàn đại biểu Việt Nam tuyên bố rằng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng theo khả năng của mình viện trợ trực tiếp, không kèm theo điều kiện và không có kiểm soát, cho Chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời Vương quốc Lào nhằm làm cho Chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời Vương quốc Lào dễ dàng thực hiện được nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế quốc dân độc lập và tự chủ. Bên phía Lào hoan nghênh lời tuyên bố đó.

Đoàn đại biểu Chính phủ Lào xác nhận rằng những hiệp nghị và nghị định thư ký kết giữa Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ của Hoàng thần Xu-va-na Phu-ma trước khi thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời là phù hợp với tinh thần hiệp nghị Giơnevơ năm 1962. Hai bên đồng ý sẽ thành lập những Ủy ban liên hiệp để sửa đổi và bổ sung những văn kiện đó cho thích hợp với tình hình mới ở Lào. Những văn kiện đó là:

1- Hiệp định về việc trao đổi và hợp tác kinh tế và văn hóa, ký ngày 28- 4/1961.

2- Hiệp định về việc Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giúp Chính phủ Vương quốc Lào thiết kế quy hoạch thành phố Khang Khay và xây dựng, sửa chữa một số nhà ở Khang khay, ký ngày 13-9-1961.

3- Hiệp định về việc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa viện trợ cho Vương quốc Lào trong năm 1962, ký ngày 15-12-1961.

4- Nghị định thư về việc trao đổi phóng viên thường trú, tin và ảnh giữa Việt Nam thông tấn xã và Thông tấn xã Vương quốc Lào, ký ngày 7-6-1961.

5- Nghị định thư về việc hợp tác truyền thanh giữa Cục truyền thanh Viêt Nam và Cơ quan truyền thanh Vương quốc Lào, ký ngày 7-6-1961.

6- Nghị đinh thư về việc trao đổi chuyên gia và thực tâp sinh, ký ngày 13-7-1961. 7- Nghị định thư về thương mại, ký ngày 13-7-1961.

8- Nghị định thư về thanh toán, ký ngày 13-7-1961.

9- Nghị định thư về điều kiện chung về chế độ học sinh và thực tập sinh Lào sang học tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ký ngày 10-3-1962.

10- Nghị định thư về điều kiện chung về việc gửi chuyên gia Việt Nam sang vương quốc Lào thực hiện viện trợ kỹ thuật, ký ngày 10-3-1962.

11- Nghị định thư về vận tải ô tô trên lãnh thổ Vương quốc Lào, ký ngày 10- 3-1962.

12- Nghị định thư về việc Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giúp Chính phủ Vương quốc Lào khảo sát, thiết kế và sửa chữa một số đường giao thông, ký ngày 10-5-1962.

13- Nghị định thư về điều kiện chung giao hàng, ký ngày 10-3-1962.

14- Nghị định thư về viện trợ y tế của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho Vương quốc Lào, ký ngày 9-6-1962.

Hai bên đã thỏa thuận tiếp tục thi hành những hiệp nghị và nghị định thư này và phát triển hơn nữa, trên mọi lĩnh vực, những mối quan hệ sẵn có giữa hai nước trên cơ sở bản hiệp nghị trao đổi và hợp tác kinh tế và văn hóa giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Vương quốc Lào do Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma và Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 28-1-1961. Hai đoàn đại biểu còn thỏa thuận rằng hai Chính phủ sẽ tiến hành sớm những cuộc thương lượng nhằm đi đến ký kết những nghị định thư về chương trình trao đổi thương mại và chương trình trao đổi về văn hóa cho năm 1963 cùng việc thiết lập đường hàng không giữa hai nước để tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước, ngay từ bây giờ, hai bên đồng ý trong thời gian gần đây sẽ trao đổi những đoàn thể dục thể thao và những đoàn văn công.

Hai đoàn đại biểu nhất trí nhận định rằng cuộc đi thăm này của Đoàn đại biểu Chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời Vương quốc Lào đánh dấu một bước tiến trong quan hệ giữa hai nước. Hai Đoàn đại biểu cho rằng tình hữu nghị và những quan hệ tốt đẹp sẵn có giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Vương quốc Lào không những có lợi cho nhân dân hai nước mà còn là một yếu tố tích cực để duy trì hòa bình và ổn định tình hình ở Đông Dương và Đông Nam Á. Hai Đoàn đại biểu tuyên bố Chính phủ mình cam kết sẽ không ngừng để phát triển những mối quan hệ có truyền thống lâu đời đó giữa hai nước.

Hà Nội, ngày 6 tháng 12 năm 1962

Trưởng Đoàn đại biểu Phó Thủ tướng Chính phủ nước

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Trưởng Đoàn đại biểu Phó Thủ tướng Chính phủ liên

hợp dân tộc lâm thời Vương quốc Lào

NGUYỄN DUY TRINH Tƣớng PHU-MI NÔ-XA-VẲN (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Phụ lục 3

THÔNG CÁO CHUNG

Giữa Đoàn đại biểu Chính phủ nƣớc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đại biểu Chính phủ liên hiệp dân tộc Vƣơng quốc Lào

Nhận lời mời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đoàn đại biểu Chính phủ liên hiệp dân tộc Lào do Hoàng thân Thủ tướng Xu-va-na Phu-ma dẫn đầu đã đến thăm chính thức nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 4 năm 1964.

Trong thời gian ở thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hoàng thân Thủ tướng Xu-va-na Phu-ma và các vị cùng đi đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp kiến.

Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đại biểu Chính phủ liên hiệp dân tộc Lào đã trao đổi ý kiến với nhau một cách thân mật và thẳng thắn về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.

Tham dự cuộc Hội đàm, Về phía Việt Nam có các vị: - Thủ tướng Phạm Văn Đồng

- Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Xuân Thủy - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám

- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Vương quốc Lào Lê Văn Hiến

Về phía Lào có các vị:

- Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Cựu chiến binh và Công tác nông thôn, Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma.

- Bộ trưởng Bộ quốc gia Giáo dục, mỹ thuật và thể thao, thanh niên Lượm In-xi-xiêng-mạy.

- Thứ trưởng phụ trách mỹ thuật và thể thao, thanh niên Bun-thông Vô-ra- vông,

- Thứ trưởng Bộ công chính và vận tải Chao Xúc-xông-vắc.

- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Lào tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Thao Phèng.

Hai bên đã cùng nhau xem xét tình hình từ khi ký Hiệp nghị Giơnevơ năm 1962 về Lào đến nay. Hai bên nhất trí cho rằng biện pháp duy nhất để cải thiện tình hình Lào là triệt để thi hành hiệp nghị Giơnevơ năm 1962 về Lào và khôi phục sự hoạt động bình thường của Chính phủ liên hiệp dân tộc Lào. Phía Việt Nam tuyên bố rằng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo đuổi chính sách trước sau như một đối với Lào là: tôn trọng chủ quyền, độc lập, trung lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Lào, không can thiệp vào công việc nội trị của Lào, thi hành nghiêm chỉnh hiệp nghị Giơnevơ năm 1962 về Lào, và cùng Vương quốc Lào kiến lập và phát triển quan hệ về mọi mặt trên cơ sở năm nguyên tắc chúng sống hòa bình và tinh thần của Hội nghị Băng đung. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn luôn ủng hộ chính sách hòa bình trung lập, hòa hợp dân tộc của Chính phủ liên hiệp dân tộc Lào do Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma làm Thủ tướng. Phía Lào tuyên bố kiên quyết thi hành đầy đủ hiệp nghị Giơnevơ năm 1962 về Lào, thực hiện hòa hợp dân tộc, đưa Vương quốc Lào vào con đường hòa bình trung lập thực sự, phát triển quan hệ thân thiện với các nước láng giềng và các nước khác trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau. Hai bên tin tưởng rằng việc khôi phục sự hoạt động bình thường của Chính phủ liên hiệp dân tộc Lào sẽ tạo điều kiện cho Vương quốc Lào xúc tiến việc xây dựng kinh tế và văn hóa, với sự giúp đỡ không kèm theo điều kiện chính trị và quân sự của các nước bạn, trong đó có nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các nước khác đã ký kết hiệp nghị Giơnevơ năm 1962 về Lào.

Hai bên trân trọng nhắc lại lời tuyên bố chung giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Vua Xri Xa-vang Vát-tha-na ngày 12 tháng 3 năm 1963 là hai bên “sẽ cố gắng hết sức để củng cố và phát triển quan hê hữu nghị và hợp tác anh em về mọi mặt, nhằm đẩy mạnh công cuộc kiến thiết hòa bình ở hai nước”. Hai bên cam kết bảo đảm sự hoạt động bình thường của các cơ quan đạ diện, bảo đảm lợi ích chính đáng và hợp

pháp của kiều dân hai nước này trên lãnh thổ nước kia. Hai bên cho rằng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Vương quốc Lào không những phù hợp với lợi ích của hai nước, mà còn là một sự đóng góp quan trọng cho nền hòa bình trong khu vực Đông Nam Á.

Hai bên cho rằng cần phải đảm bảo việc thi hành nghiêm chỉnh hiệp nghị Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam: nước Việt Nam phải được hòa bình thống nhất theo tinh thần hiệp nghị đó.

Hai bên rất quan tâm đến tình hình đang căng thẳng ở Đông Dương và nhiều nơi khác tại Đông Nam Á. Hai bên nhất trí cho rằng các dân tộc Đông Dương và Đông Nam Á có quyền định đoạt vận mệnh của mình, nước ngoài không được can thiệp vào. Hai bên cho rằng cần phải triệu tập càng sớm càng tốt hội nghị Giơnevơ theo đề nghị của Thái tử Quốc trưởng Nô-rô-đôm Xi-ha-núc, và hai bên tuyên bố sẵn sàng tham dự hội nghị đó.

Hai bên nhiệt kiệt hoan nghênh sáng kiến của nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a về việc họp Hội nghị Á-Phi lần thứ hai để phát huy hơn nữa những kết quả to lớn của Hội nghị Băng đung.

Hai bên hài lòng nhận thấy rằng cuộc trao đổi ý kiến lần này đã góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên, có lợi cho việc thi hành hiệp nghị Giơnevơ năm 1962 về Lào, phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Vương quốc Lào, và góp phần giữ gìn hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á.

Hà Nội, ngày 4 tháng 4 năm 1964

Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ liên hiệp dân tộc Vương quốc Lào

Hoàng thân

PHẠM VĂN ĐỒNG XU-VA-NA PHU-MA

Một phần của tài liệu đảng lãnh đạo liên minh chiến đấu việt nam với lào chống đế quốc mỹ xâm lược từ năm 1954 1965 (Trang 131 - 137)