1 Hai tỉnh Sầm Nưa, Phong Xa Lỳ và một dãy hành lang nối liền hai tỉnh, xuyên qua phía đông tỉnh Luông Phra Băng, gọi là “Đàn Pẹt” (tiểu khu 8) một vùng rừng núi hiểm trở với diện tích khoảng 32.770 km2, nơ
1.3.1. Củng cố liên minh chiến đấu Việt – Lào, đoàn kết đấu tranh thực hiện Hiệp định Giơnevơ
Hiệp định Giơnevơ
Trước âm mưu thủ đoạn mới của Mỹ, Trung ương Mặt trận Lào Ítxalạ và Chính phủ kháng chiến Lào đề ra nhiệm vụ của cách mạng Lào trong giai đoạn mới là “đoàn kết toàn dân đấu tranh thực hiện hiệp định đình chiến, xây dựng hai tỉnh tập kết thành căn cứ đấu tranh của cả nước,…thương lượng hợp tác với Chỉnh phủ Vương quốc, tiến hành tổng tuyển cử tự do và thành lập Chính phủ Liên hiệp thống nhất, tiến tới xây dựng một nước Lào dân chủ và hoàn toàn độc lập [8, tr.12]. Trung ương Mặt trận Lào Ítxalạ và Chính phủ kháng chiến Lào cũng nhấn mạnh việc “bảo vệ và xây dựng hai tỉnh thành căn cứ cách mạng cả nước và xây dựng, phát triển các lực lượng vũ trang vững mạnh… là công tác trung tâm mấu chốt trong giai đoạn này” [8, tr.12].Thi hành Hiệp định Giơnevơ và Hiệp định đình chiến ở Lào, ngày 23/7/1954, Bộ Quốc phòng và Chính phủ kháng chiến Lào ra lệnh thực hiện Hiệp định đình chiến trên toàn chiến trường Lào. Theo tinh thần đó, các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang Lào Ítxalạ khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt, chuyển trọng tâm hoạt động phù hợp với tình hình cách mạng trong giai đoạn mới. Theo yêu cầu của Lào, Ban cán sự và Ban chỉ huy quân tình nguyện các khu, tỉnh của Việt Nam đã giúp Lào và cùng với Lào tuyên truyền về thắng lợi của Hiệp nghị đình chiến; đồng thời quán triệt tình hình nhiệm vụ mới cho cán bộ Việt-Lào cấp tỉnh, huyện.
Nhận định“việc thi hành hiệp định đình chiến là việc mới, là một cuộc đấu tranh gay go với địch”, ngày 23/7/1954, Việt Nam cử một số cán bộ tham gia Uỷ ban Liên hiệp đình chiến ở Lào. Cùng với cán bộ Lào, cán bộ Việt Nam giải thích về thắng lợi Hiệp nghị Giơnevơ và nội dung Hiệp định đình chiến trên chiến trường Đông Dương và Lào; đồng thời phổ biến tình hình nhiệm vụ mới, động viên bộ đội tình nguyện, bộ đội Lào Ítxalạ cùng nhân dân đoàn kết đấu tranh đòi đối phương thi hành nghiêm chỉnh những điều đã ký kết.
Nhằm phát huy thắng lợi của Hiệp định Geneve, Ban Bí thư Trung ương ĐLĐVN ra Chỉ thị “Tuyên truyền về những Hiệp định của Hội nghị Giơnevơ" (27/7/1953), nêu rõ: Hội nghị Giơnevơ kết thúc ngày 21/7/1954 đã đi đến những hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Lào, Khơme và nước Pháp phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của ba dân tộc ở Đông Dương. Đó là thắng lợi của nhân dân Việt Nam, Lào, Khơme và là một thất bại của đế quốc Mỹ.
Thực hiện Chỉ thị, đầu tháng 8/1954, Đoàn 83 quân Tình nguyện Việt Nam tổ chức tuyên truyền về thắng lợi của Hiệp nghị Giơnevơ, động viên và tổ chức lực lượng Pa thét Lào tập kết ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Xa lỳ. Thời điểm này, nhân dân các bộ tộc Lào chưa có đài để nghe, tin tức chủ yếu vẫn do truyền miệng. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy Đoàn 83 tổ chức các lớp ngắn ngày (1 hoặc 2 ngày) cho cán bộ Lào - Việt cấp tỉnh. Sau đó, cử nhiều cán bộ, chiến sĩ cùng với phía Lào toả xuống các địa phương tập hợp các đơn vị và nhân dân trong từng làng bản, tuyên truyền: thực dân Pháp đã thua phải rút quân về nước. Ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia được quốc tế công nhận về nền độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Lực lượng Lào Ítxalạ có hai tỉnh tập kết và Pa thét Lào đại diện đàm phán với Chính phủ vương quốc Lào về một giải pháp chính trị, tiến tới thống nhất đất nước bằng tổng tuyển cử tự do. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh đòi đối phương nghiêm chỉnh thi hành Hiệp nghị Giơnevơ để thực hiện hoà hợp dân tộc, thống nhất đất nước là rất phức tạp, gay gắt, quyết liệt, bởi đế quốc Mỹ không ký Hiệp nghị Giơnevơ và đang cùng bọn tay sai tìm mọi cách phá hoại Hiệp nghị. Ở các vùng căn cứ kháng chiến Lào, khí thế cách mạng của quần chúng rất cao. Nhân dân làng xã tham gia các cuộc mít tinh, liên hoan ca múa lăm vông, nghe cán bộ Lào và bộ đội Việt Nam nói chuyện. Ở các vùng đồng bằng, sát đồn địch, cán bộ, chiến sĩ Việt Nam cùng với bộ đội Lào đến tuyên truyền cho nhân dân biết. Tại các huyện Tu la Khôm, Phôn Hùng, Văng Viêng, bộ đội Việt Nam liên hệ thẳng với tri huyện chao Mường tổ chức các cuộc nói chuyện, yêu cầu đối phương cam kết, tuyên bố ngừng
các cuộc hành quân, tuần tiễu vào vùng căn cứ kháng chiến, chấm dứt các hành động khủng bố, bắt bớ, cướp bóc nhân dân.
Nhằm tăng cường sức mạnh cho cách mạng Lào, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, Đoàn cán bộ của ĐLĐVN đã giúp Lào lựa chọn các đại biểu xuất sắc để tham Đại hội thành lập Đảng, biên soạn các văn kiện của Đại hội. Từ ngày 22/3 đến ngày 6/4/1955, Đại hội thành lập ĐND Lào được tiến hành tại Hủa phăn. Sau khi thông qua Báo cáo chính trị, Chính sách cơ bản, Cương lĩnh hành động, Điều lệ Đảng, Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 10 đồng chí trong đó có 5 đồng chí ở Ban thường trực gồm: ông Cayxỏn Phômvihản – Tổng Bí thư; ông Xuphanuvông, ông Phumi Vôngvichit; ông Nủhắc Phumxavẳn; ông Khămtày Xivănđon. Đại hội cũng thông qua Cương lĩnh 12 điểm của ĐND Lào đề ra nhiệm vụ cụ thể trước hết là xây dựng khối đoàn kết của nhân dân các bộ tộc Lào, chống đế quốc Mỹ, thực dân Pháp phá hoại Hiệp định đình chiến, đấu tranh đòi Chính phủ nhà vua phải thật thà hợp tác với lực lượng Pa thét Lào thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, bảo vệ hòa bình, xây dựng nước Lào độc lập, thống nhất, dân chủ và thịnh vượng. Như vậy, Lào đã thành lập được chính đảng cách mạng của mình nên trong phương thức hợp tác giúp đỡ của Đảng và Nhà nước ta đối với Lào có sự thay đổi cho phù hợp đặc điểm của tình hình.
Theo yêu cầu của Chính phủ kháng chiến Lào, ĐLĐVN và Nhà nước VNDCCH quyết định để lại một bộ phận chuyên gia tiếp tục giúp đỡ cách mạng Lào, chuyển từ chế độ quân tình nguyện sang chế độ cố vấn quân sự (từ năm 1959 được gọi là chuyên gia quân sự) bên cạnh các cấp ủy và các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Lào từ Trung ương đến khu. Tổng số chuyên gia gồm 964 người, trong đó có 314 người thuộc đoàn chuyên gia quân sự, 650 cán bộ các ngành dân, chính, đảng. Đây là lực lượng rất quan trọng đối với cách mạng Lào sau ngày đình chiến. Triển khai nhiệm vụ giúp cách mạng Lào, được sự phối hợp của Ban cán sự miền Tây, Đoàn 100 (Đoàn cố vấn quân sự do đồng chí Chu Huy Mân làm Trưởng đoàn kiêm Bí thư Đảng ủy) đã nghiên cứu, đề xuất phương án với quân đội Pa thét Lào kế hoạch tác chiến và tổ chức chiến đấu bảo vệ hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Xa Lỳ, tổ chức hai tỉnh thành các khu chiến đấu liên hoàn.
Trước đó, ngày 22/1/1955, Bộ Chính trị Trung ương ĐLĐVN thông qua “Đề án đấu tranh về vấn đề hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Xa Lỳ” ở Lào. Đề án đã xác định “âm mưu của địch là dùng mọi thủ đoạn để thủ tiêu căn cứ hai tỉnh của cách mạng Lào nhất là từ khi Kà Tay lên cầm quyền thì âm mưu đó càng rõ rệt”, từ đó đề ra “Chủ trương của ta là kiên trì đấu tranh, củng cố hai tỉnh, làm cơ sở lâu dài cho cách mạng Lào và dựa vào đó mà đưa phong trào nhân dân trong toàn quốc để đấu tranh trong hội nghị hiệp thương, đòi thực hiện các quyền tự do dân chủ trong toàn quốc, đi đến tổng tuyển cử”. Đề án cũng đã xác định một số chủ trương đấu tranh cụ thể: cần phải nêu cao vai trò của Pa thét Lào, giúp Pa thét Lào chấn chỉnh sự chỉ đạo đấu tranh thi hành Hiệp định, phối hợp chặt chẽ với đồng chí Cayxỏn Phômvihản trong đấu tranh và thống nhất lãnh đạo toàn quốc với ông Xuphanuvông; lập trường cụ thể là giữ vững hai tỉnh, nhân nhượng đúng mức,…Về phần biên giới với Việt Nam, cần củng cố Tây Bắc và miền Thượng du Thanh - Nghệ - Tĩnh; tăng cường binh lực một cách kín đáo lên biên giới, tăng cường vận động nhân dân và công tác tiễu phỉ…
Ngày 1/8/1955, Nhà vua Lào và Mỹ đã chủ trương tìm mọi cách để tiến đánh chiếm hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Xa Lỳ; tiêu diệt lực lượng Pa thét Lào, phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Trước âm mưu đó, ngày 10/8/1955, Trung ương ĐLĐVN quyết định thành lập Ban cán sự Lào – Miên gồm 5 người do Lê Đức Thọ làm Trưởng ban. Nhiệm vụ của Ban cán sự Lào – Miên là giúp cho Trung ương ĐLĐVN nghiên cứu diễn biến ở Lào, từ đó đề xuất và xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương trong công tác giúp Lào. Tháng 8/1955, Trung ương Đảng Lào cũng họp nhận định tình hình và đề ra nhiệm vụ mới cho cách mạng Lào: lãnh đạo nhân dân cả nước đấu tranh làm thất bại âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai; đòi chúng phải tiếp tục thi hành Hiệp định Giơnevơ, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Lào. Bộ Tổng tham mưu của ta cũng ra chỉ thị về hoạt động quân sự ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phông Xa Lỳ nhằm đối phó với mọi âm mưu mới của địch “Chủ trương của Nhà vua Lào và đế quốc Mỹ là tìm mọi cách để đánh chiếm hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Xa Lỳ, tiêu diệt lực lượng Pa thét Lào, phá hoại Hiệp định Giơnevơ”, “Chủ trương của ta là
kiên trì giữ vững hai tỉnh, củng cố bộ đội Pa thét Lào, nhất là về mặt chất lượng, đẩy mạnh hoạt động chính trị trong toàn quốc, chủ động nắm vững pháp lý của Hiệp định Giơnevơ đòi tổng tuyển cử có Pa thét Lào”.
Ngày 15/12/1955, Ban Bí thư Trung ương ĐLĐVN chỉ thị cho Ban cán sự ở Lào giúp Lào ở các tỉnh kiên quyết phá cuộc tổng tuyển cử riêng rẽ trái với Hiệp nghị Giơnevơ của nhà cầm quyền Vương quốc. Ngày 25/12/1955, Chính phủ Vương quốc đã tiến hành tổng tuyển cử riêng rẽ bất hợp pháp, ngang nhiên không thừa nhận bốn đại biểu của Sầm Nưa và Phong Xa Lỳ do Chính phủ Vương quốc chỉ định. Tháng 1/1956, Mặt trận Lào yêu nước được thành lập và ra tuyên bố chung về đường lối hòa bình trung lập của Lào. Trước lời kêu gọi của Hoàng thân Xuphanuvông về việc nối lại các cuộc hiệp thương chính trị giữa Chính phủ kháng chiến và Chủ tịch Neo Lào Hắc Xạt, tháng 12/1956, Hội nghị hiệp thương chính trị giữa Neo Lào Hắc Xạt và Chính phủ Vương quốc Lào đã họp tại Viêng Chăn thảo luận những vấn đề về hòa hợp dân tộc. Khi Mỹ đang tìm cách phá hoại nền hòa bình trung lập ở Lào, Hoàng thân Xuphanuvông và Hoàng thân Xuvana Phuma ký tuyên bố quy định thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc Lào có Neo Lào Hắc Xạt tham gia và tăng số nghị sỹ quốc hội từ 39 lên 60 người.
Còn ở Việt Nam, Mỹ - Diệm vẫn đang phá hoại Hiệp nghị Giơnevơ, phá hoại thống nhất Việt Nam với sự đồng tình phối hợp của Anh, Pháp nên ở Việt Nam chưa thể thực hiện tổng tuyển cử như Hiệp nghị đã quy định. Ban Bí thư đã nhận định về tình hình đấu tranh trên mặt trận ngoại giao trong tình hình mới: Cuộc đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất của nhân dân ta là một bộ phận của cuộc đấu tranh hòa bình thế giới. Do đó, cần phải có sự phố hợp chặt chẽ với các nước anh em trong phe ta, và tranh thủ sự đồng tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, làm cho Mỹ-Diệm ngày càng bị cô lập. “Chính sách ngoại giao của ta là nhằm tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc và phục vụ cuộc đấu tranh thống nhất. Hoạt động ngoại giao phải bao gồm công tác ngoại giao của Chính phủ, hoạt động ngoại giao của nhân dân và công tác tuyên truyền đối ngoại. Cần phải có kế hoạch cụ thể đẩy mạnh công tác ngoại giao, trước hết nhằm các nước Đông Nam Á,
nước Pháp và hai nước láng giềng Miên và Lào” [51, tr.593]. “Ngoài việc tăng cường đoàn kết với các nước anh em là việc ta phải thường xuyên chú trọng, chúng ta cần hết sức phấn đấu để đặt quan hệ tốt với hai nước láng giềng Lào, Miên, tăng cường và phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á, với nước Pháp” [51, tr.593].
Để tăng cường giúp Lào thực hiện Hiệp định, ngày 11/6/1957, Tổng Quân ủy ra Quyết định số 110/TQU về tổ chức và xác định thêm nhiệm vụ mới của Đoàn 100 ở Lào do Đinh Văn Tuy làm Trưởng đoàn, với những nội dung chủ yếu:
1. Đoàn 100 vẫn là một đơn vị trực thuộc Tổng Quân ủy, các đồng chí Tổng cục có trách nhiệm chỉ đạo Đoàn 100 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giúp bạn.
2. Tổng Quân ủy giao cho Bộ Tổng tham mưu chịu trách nhiệm theo dõi chung, từng thời kỳ nghe báo cáo tình hình và giải quyết các công việc cho Đoàn 100, khi cần có thể triệu tập các đồng chí Tổng cục dự họp.
Trên cơ sở chủ trương, kế hoạch đã thống nhất giữa Việt Nam và Lào, Đoàn 100 tiếp tục giúp đỡ các đơn vị bộ đội Pa thét Lào đẩy mạnh các hoạt động xây dựng lực lượng, huấn luyện quân sự, sẵn sàng đối phó với âm mưu, thủ đoạn mới của địch, góp phần thúc đẩy cách mạng Lào phát triển.
Ngày 13/1/1957 Trung ương ĐND Lào ra Nghị quyết về đấu tranh đòi thực hiện chính sách hòa bình trung lập, thành lập Chính phủ liên hiệp. Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và trong nước, âm mưu của Mỹ, Nghị quyết Trung ương xác định nhiệm vụ của cách mạng Lào như sau: Đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các dân tộc kiên trì đấu tranh giữ vững lực lượng, chống âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ; ủng hộ, thúc đẩy Chính phủ Phuma thi hành Hiệp nghị Giơnevơ và những điều đã ký kết giữa hai bên, thành lập Chính phủ liên hiệp để làm cơ sở đưa nước Lào đi theo con đường hòa bình trung lập, tiến tới xây dựng một nước Lào hòa bình, dân chủ, thống nhất, độc lập và thịnh vượng,...
Tháng 11/1957 cuộc đàm phán giữa Hoàng thân Xuphanuvông và Hoàng thân Phuma đã quyết định công bố những văn kiện cụ thể về giải quyết vấn đề hòa hợp dân tộc. Cùng thời gian này, Hội nghị liên hiệp quân sự giữa Neo Lào Hắc Xạt và Chính phủ Vương quốc Lào ký hiệp định giải quyết lực lượng vũ trang của Neo
Lào Hắc Xạt. Theo Hiệp định, Chính phủ Vương quốc Lào bảo đảm sáp nhập tất cả quân đội, vũ khí của Neo Lào Hắc Xạt vào quân đội quốc gia; những người tình nguyện ở lại quân đội sẽ được đưa vào quân thường trực của Vương quốc Lào. Các đơn vị quân đội của Neo Lào Hắc Xạt sáp nhập quân đội quốc gia sẽ được hưởng quyền lợi bình đẳng về mọi mặt. Sau khi sáp nhập quân đội quốc gia, các đơn vị quân đội của Neo Lào Hắc Xạt sẽ đóng tại quân khu cũ của mình. Thời hạn sáp nhập các đơn vị vũ trang của Neo Lào Hắc Xạt vào quân đội quốc gia là 60 ngày kể từ ngày thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc.
Thực hiện Nghị quyết tháng 11/1957, Đoàn cố vấn quân sự 100 đã có kế hoạch đưa các lực lượng Pa thét Lào về hòa hợp dân tộc, giúp làm các công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, quán triệt lập trường chính trị và quyết tâm của ĐND Lào và Mặt trận Lào yêu nước. Ngày 18/1/1958, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 Pa thét Lào hoàn thành thủ tục sáp nhập quân đội Vương