Sau 7 năm theo đuổi chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp liên tục bị thất bại, ngày càng lún sâu vào thế phòng ngự. Mâu thuẫn nội tại của cuộc chiến tranh xâm lược mà thực dân Pháp không thể gỡ nổi giữa phân tán lực lượng để giữ vững vùng chiếm đóng, với tập trung quân cơ động đối phó với những hoạt động mạnh của quân và dân ta trên các chiến trường.
Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và quyết định chủ trương tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954, giữ vững quyền chủ
động đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, phối hợp trên phạm vi cả nước và trên toàn Đông Dương.
Cuối tháng 12/1953, Hội nghị Khu ủy họp kiểm điểm sự thi hành nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 4, sau đó, Hội nghị đã phân tích tình hình, âm mưu địch trong thời gian tới và đề ra phương hướng hoạt động Đông Xuân 1953 - 1954 cho toàn khu. Khu ủy đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ là: Đoàn kết quân dân, đẩy mạnh đấu tranh về mọi mặt, chủ yếu là đấu tranh vũ trang để phá âm mưu mới của giặc. Đồng thời chú ý tiếp tục thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng để bồi dưỡng lực lượng nông dân, đẩy mạnh du kích chiến tranh.
Khu ủy đề ra 7 nhiệm vụ, trong nhiệm vụ thứ ba, Khu ủy nêu rõ: Vùng du kích mạnh và căn cứ du kích phải tích cực thực hiện chính sách ruộng đất, đẩy mạnh sản xuất, củng cố nông hội, tổ đổi công, công đoàn và các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi.
Để thực hiện nhiệm vụ Đông Xuân 1953 - 1954 của Khu ủy giao cho, Tỉnh ủy Kiến An họp và đề ra nghị quyết chỉ đạo cho toàn tỉnh, nhanh chóng phối hợp với các chiến trường toàn quốc. Tỉnh ủy chủ trương đưa bộ đội về cơ sở để vừa xây dựng, học tập, vừa dìu dắt giúp đỡ nâng cao chất lượng của dân quân du kích, chú ý tăng cường lực lượng dân quân du kích ở ven đường giao thông, thị xã, các cứ điểm quan trọng, phải dựa vào các tổ chức cơ sở xem xét từng người để kết nạp vào du kích hoặc loại ra những người không đủ tiêu chuẩn làm cho hàng ngũ du kích được trong sạch vững mạnh.
Từ đầu năm 1954, nhiệm vụ xây dựng du kích bí mật trong vùng địch chiếm và củng cố ban chỉ huy xã đội, thôn đội được các cấp ủy Đảng quan tâm. Lúc này, chiến trường phát triển rất sôi động, các lực lượng vũ trang của ta ở các nơi hoạt động mạnh, phong trào đấu tranh của nhân dân trong vùng tạm bị địch chiếm lên cao. Ở các huyện An Dương, Kiến Thụy, An Lão đã có tới 400 du kích mật, lực lượng này vừa làm nhiệm vụ nắm địch, cung cấp
nhiều tin tức quan trọng cho ta, đồng thời sẵn sàng phục vụ bộ đội vào hoạt động, khi cần lập tức cầm vũ khí đánh giặc bảo vệ cơ sở, làng xóm.
Cũng trong đầu năm 1954, hoạt động do thám của địch ở vùng Tả ngạn đã có những dấu hiệu đáng chú ý, Ban chấp hành Thành Đảng bộ Hải Phòng đã nhận định trong thời gian qua, địch đã và đang “tìm mọi cách để phá du kích chiến tranh của ta như chia rẽ giữa du kích với nhân dân, làm mất ảnh hưởng của du kích bộ đội, reo rắc hoang mang, lấy trộm súng của anh em” [11, tr.1]. Trước tình hình đó, Đảng bộ chỉ đạo: “Tăng cường công tác phòng gian bảo mật trong cơ quan, góp ý kiến với địa phương trong việc canh gác chỗ chủ đạo, kết hợp với xã để nắm vững những phần tử tình nghi để đề phòng” [11, tr.1].
Ngày 13/3/1954, sau một loạt các cuộc tiến công địch ở Lai Châu, Trung - Hạ Lào, Tây Nguyên, Thượng Lào trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, chiến dịch tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của ta bắt đầu mở màn. Các đại đoàn 308, 312, 316, 304 bộ binh và đại đoàn 351 pháo binh đã vào trận chiến thắng mở đầu diệt các cứ điểm Him Lam, Độc Lập làm nức lòng quân và dân ta. Cả nước hướng lên Điện Biên Phủ, chi viện sức người sức của cho Điện Biên Phủ. Các đơn vị đều nô nức thi đua giết giặc lập công để đươc nhận lá cờ: “Quyết chiến quyết thắng” của Bác Hồ trao tặng.
Thắng lợi vang dội của chiến dịch Điện Biên Phủ đã cổ vũ khí thế lập công của quân dân Hải Phòng. Để chặn viện binh của địch theo đường bộ, dân quân du kích Vĩnh Bảo đã phá nát đường 10, đào nhiều hố sâu ngăn không cho xe cơ giới địch đi lại. Thi đua với Vĩnh Bảo, du kích An Dương đã đẩy mạnh hoạt động trên đường số 5. Ngày 2/4/1954, ta đánh địa lôi lật đổ một đầu tầu hoả và 22 toa xe, gần 200 tên địch bị chết và bị thương tại đoạn đường Do Nha. Ngày 14/5, ta lại đánh đổ một đầu tàu và 4 toa xe, diệt 20 tên địch
trên đoạn Nhà máy gạch. Nhân dân An Dương còn vận động binh lính đồn Cam Lộ mang theo toàn bộ vũ khí sang hàng ngũ ta.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Xuất phát từ đường lối chiến tranh nhân dân, nhận thức rõ vai trò của chiến tranh du kích - một bộ phận quan trọng của chiến tranh cách mạng, Đảng bộ Hải Phòng đã vận dụng thành công đường lối chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích của Đảng vào thực tế cuộc kháng chiến chống Pháp ở Hải Phòng.. Với sự vận dụng phương thức tiến hành chiến tranh đúng đắn đó, cuộc chiến tranh du kích ở Hải Phòng đã từng bước phát triển từ thấp đến cao. Từ đánh ngăn chặn, quấy rối, tiêu hao, vũ khí gì cũng đánh, một người cũng tiến công, đã tiến tới đối tượng địch nào cũng đánh, đánh địch trong công sự, ở dã ngoại, gọi địch ra ngoài mà đánh, đánh thọc sâu vào sào huyệt, hậu cứ, tiêu diệt nhiều sinh lực của chúng. Tư tưởng tích cực tiến công địch được quán triệt trong mọi trận đánh lớn nhỏ. Một kết luận được khẳng định là: Tiến công thì phát triển, giành thắng lợi; không tiến công là dừng lại, là tạo điều kiện cho quân địch tiến công, đánh phá cơ sở, đẩy ta vào thế bị động.
Chương 3
NHỮNG ƯU ĐIỂM, HẠN CHẾ VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM LỊCH SỬ