11/1946)
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, ngay từ ngày đầu đã nằm trong vòng vây của kẻ thù. Quân Anh, Pháp, Tưởng và bọn phản động trong nước thi nhau xâu xé. Do đó, cùng với nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất cứu đói, xóa nạn mù chữ, củng cố chính quyền cách mạng, nhân dân ta không thể buông lỏng vũ khí để bảo vệ chủ quyền đất nước. Ngày 23/9/1945, sau khởi nghĩa một tháng, quân Pháp đã nổ súng đánh chiếm Sài Gòn và Nam Bộ. Cả nước hướng ra tiền tuyến. Phong trào quần chúng ủng hộ Nam bộ kháng chiến ngày càng lan rộng. Ở Hải Phòng, tổ chức dân quân, tự vệ được mở rộng ở khắp các làng xã. Thành ủy chỉ đạo các huyện mở các lớp huấn luyện quân sự, chính trị để bồi dưỡng cho Ủy viên quân sự các xã. Phong trào luyện tập quân sự diễn ra khá sôi nổi. Thanh niên nam nữ, phụ lão đều hăng hái tham gia. Bài học chủ yếu là sử dụng vũ khí, kỹ thuật chiến đấu. Lực lượng dân quân các làng xã dần trưởng thành. Về cơ bản, phong trào toàn dân luyện tập quân sự phát triển rầm rộ, rộng khắp, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. “Giáo viên” dạy quân sự ngoài một số cán bộ cách mạng có chút ít kiến thức quân sự được học từ ngày còn ở chiến khu còn phần lớn là các cựu binh sĩ trong quân đội Pháp, Nhật đã đầu hàng tự nguyện tham gia cách mạng. Nhiều làng mời thầy dạy võ về dạy cho thanh niên, dân quân. Đường làng, sân đình, bờ đê… trở thành nơi luyện tập. Các nhà máy, xí nghiệp, các khu phố, thôn xã… đều tổ chức lực lượng tự vệ chiến đấu không thoát ly sản xuất. Số lượng dân quân tự vệ ở mỗi làng xã phát triển rất nhanh. Nhiệm vụ của lực lượng này là canh gác, tuần tra, áp chế các phần tử phá hoại, giữ vững an ninh, bảo
vệ chính quyền. Lực lượng dân quân tự vệ hình thành và phát triển rộng khắp ở các địa phương tạo nên thế và lực vững chắc cho chính quyền dân chủ nhân dân, là nguồn bổ sung cho bộ đội chủ lực. Nhiều xã ở các huyện Thủy Nguyên, An Hải… dân quân du kích đông tới trên trăm người, gồm thanh niên từ 18 đến 45 tuổi. Mỗi xóm có một tiểu đội, mỗi thôn có một trung đội, gồm cả nam, nữ. Các chi bộ Đảng cử đảng viên vào du kích, công tác phát triển đảng viên mới trong lực lượng vũ trang được chú trọng; các đoàn thể quần chúng động viên đoàn viên, hội viên vào du kích.
Lực lượng vũ trang nhân dân phát triển mạnh, vũ khí trang bị trở thành vấn đề thời sự, là một trong những yêu cầu cấp thiết. Phong trào tự mua sắm vũ khí tiếp tục được phát động rộng rãi trong nhân dân. Bằng sự nỗ lực, cố gắng cao, các công binh xưởng đã sản xuất được nhiều vũ khí tự tạo như mìn, lựu đạn, đao, kiếm… Tuy nhiên, về súng đạn, ta chưa thể sản xuất được, cho nên, quân và dân thành phố tìm mọi cách đổi chác, mua của lính Tưởng và lính Nhật. Quân Nhật và quân Tưởng sẵn lòng tham, muốn có nhiều tiền và vàng để mua sắm, nên chúng tìm mọi cách ăn cắp vũ khí bán cho ta. Tại khu vực nội thành Hải Phòng, súng đạn được quân Tưởng, quân Nhật bày bán công khai trên các hè phố Máy Chai, Lạc Viên, Ngõ Cấm. Kẻ bán người mua tấp nập. Nhờ có “chợ trời súng đạn” này mà ta đã thu mua được khá nhiều súng đạn để trang bị cho bộ đội và dân quân tự vệ. Mặt khác, để có vũ khí, ta chủ trương cướp súng đạn của quân Tưởng. Nắm biết được đội “Hoa quân nhập Việt” phần đông không phải là lính chính quy, vốn ốm yếu và tham lam đủ thứ, nên nhiều nơi đồng bào cho chúng ăn no, uống say rồi tổ chức cướp súng. Cũng có nơi ta tổ chức phục đón các ngõ ngách, lừa lúc kẻ địch sơ hở cướp súng chạy… Tại Hải Phòng, ta giáo dục, giác ngộ một số tay anh chị vốn là những người chuyên sống bằng nghề trộm cắp ở thành phố Cảng trước Cách mạng Tháng Tám, thành lập một đội cảm tử chuyên đột nhập váo các nhà kho, doanh trại của quân Tưởng, quân Nhật lấy súng về cho cách mạng. Các thành viên của đội
cảm tử nói trên hoạt động rất hiệu quả, lấy được cả pháo 75 ly của địch, một số sau này tham gia giải phóng quân, lập nhiều thành tích.
Mặc dù còn thiếu súng đạn, trang bị chủ yếu là vũ khí thô sơ, nhưng do có tổ chức khá chặt chẽ, quyết tâm chiến đấu cao, lực lượng du kích đã trở thành nòng cốt cho phong trào toàn dân luyện tập quân sự, toàn dân tham gia kháng chiến. Du kích ở từng thôn được tổ chức huấn luyện tập trung dài ngày, học cách bắn súng, ném lựu đạn, cài mìn, đào công sự, làm hầm bí mật và luyện tập triển khai chiến đấu. Bên cạnh đó, nhằm giúp cho các gia đình du kích có ruộng cấy, trâu cày, nhân dân các xã triệt để thực hiện khẩu hiệu “Ruộng vườn du kích”. “Hội bảo trợ du kích” được thành lập ở các thôn, các tổ chức quần chúng tích cực quyên góp kim loại, rèn vũ khí cho du kích, vận động phong trào “trồng ba cây du kích”. Phong trào luyện tập quân sự được toàn thể nhân dân thành phố hưởng ứng, ủng hộ. Mọi người góp gạo, quần áo, thuốc men, tiền giúp dân quân ăn uống và mua sắm vũ khí. Các cuộc vận động “Hũ gạo tiết kiệm”, “Hũ gạo Nam Bộ kháng chiến”, “Hũ gạo nuôi quân”, “rèn sắm vũ khí”, mua công phiếu kháng chiến… được nhân dân các quận huyện tích cực hưởng ứng. Ở huyện Thủy Nguyên, nhân dân trong huyện đã góp được hàng chục tấn gạo, quần áo và nhiều vũ khí giúp cho bộ đội và dân quân. Các gia đình đều động viên con em vào dân quân du kích. Cùng với bộ đội địa phương, tự vệ, lực lượng dân quân du kích đã trở thành lực lượng nòng cốt cho phong trào vũ trang toàn dân.
Ý thức được vai trò của làng xã trong kháng chiến, Thành ủy Hải Phòng đã chú trọng ngay từ buổi đầu vấn đề xây dựng làng xã chiến đấu. bởi vì từ làng xã chiến đấu, nhân dân hoàn toàn có khả năng tiến lên xây dựng những khu du kích và căn cứ du kích để chống lại quân thù.