Chủ trương mới của Đảng và Đảng bộ

Một phần của tài liệu Đảng bộ thành phố hải phòng lãnh đạo chiến tranh du kích trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp 1945 1954 (Trang 55 - 61)

Từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được triệu tập. Đại hội xác định nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng

Việt Nam lúc này là: tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành độc lập và thống nhất hoàn toàn, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới. Về tổ chức lãnh đạo của Đảng, Đại hội chủ trương, trong điều kiện lịch sử mới, Đảng phải ra hoạt động công khai và đã đến lúc phải xây dựng ở mỗi nước Việt Nam, Lào và Campuchia một đảng cách mạng thích hợp với hoàn cảnh cụ thể để lãnh đạo cuộc kháng chiến của từng nước đến thắng lợi hoàn toàn. Ở Việt Nam, Đại hội quyết định xây dựng Đảng Lao động Việt Nam và thông qua Chính cương, Điều lệ mới của Đảng.

Về mặt quân sự, Đại hội chỉ ra nhiệm vụ phải tích cực xây dựng bộ đội chính quy, củng cố bộ đội địa phương và dân quân du kích; coi trọng giáo dục bản chất cách mạng đi đôi với chấn chỉnh về tổ chức biên chế, tăng cường kỷ luật, không ngừng rèn luyện về kỹ thuật, chiến thuật. Phương châm tác chiến vẫn là lấy du kích chiến làm chính, vận động chiến làm phụ. Đặc biệt, ngay sau chiến thắng Biên giới, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh chủ trương: nhanh chóng chấn chỉnh bộ đội, tranh thủ mở tiếp các chiến dịch tiến công mà hướng chính là miền trung du và đồng bằng Bắc Bộ nhằm tiêu diệt sinh lực địch, phát triển chiến tranh du kích, phá kế hoạch củng cố lực lượng và bình định đồng bằng của địch, giữ vững quyền chủ động chiến lược của ta trên chiến trường Bắc Bộ. “Riêng Khu III, phải đặc biệt chú trọng phát triển chiến tranh du kích đến cao độ”. Về xây dựng phải “củng cố và gia cường quân đội chủ lực, củng cố bộ đội địa phương và dân quân du kích” [33].

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Liên khu III mở Hội nghị cán bộ đề ra nhiệm vụ trung tâm cho toàn Liên khu là phát động chiến tranh du kích đến cao độ, mở rộng và mở thêm các khu du kích trong lòng địch.

Căn cứ vào tình hình địch và ta, để đẩy mạnh cuộc kháng chiến trong giai đoạn mới, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp từ ngày 27/9 đến 5/10/1951 đã đề ra 3 nhiệm vụ chính, trong đó, về quân sự,

Trung ương nhấn mạnh vấn đề giữ vững và phát triển chiến tranh du kích, theo đó, công tác vùng bị tạm chiếm và vùng du kích là những công tác rất quan trọng của Đảng. Hội nghị chỉ rõ rằng: “Chiến tranh du kích là hình thức đấu tranh chính trong vùng du kích. Phải phát động được chiến tranh du kích rộng rãi và mạnh mẽ thì mới thu được thắng lợi đầy đủ cho các hình thức đấu tranh khác ở trong vùng du kích. Vì vậy, ở vùng du kích phải giữ vững và đẩy mạnh chiến tranh du kích rộng khắp” [18, tr.294].

Thực hiện nhiệm vụ Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra, Tổng Quân ủy quyết định sử dụng một số đại đoàn luân phiên hoạt động phân tán ở trung du và hữu ngạn Liên khu III để thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích sau lưng địch phát triển.

Sau thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình (11/1951 đến 2/1952), cuộc kháng chiến trên địa bàn Liên khu III ngày càng phát triển. Địch từ chủ động tiến công phải chuyển sang phòng ngự, phạm vi chiếm đóng của chúng bị thu hẹp. Khu du kích và căn cứ du kích của ta được mở rộng, chiếm gần 2/3 tổng diện tích vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Ngày 20/1/1952, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra chỉ thị “Đẩy mạnh du kích chiến tranh trên chiến trường Bắc Bộ”. Bản chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ của Đoàn thể, chính quyền, quân đội và toàn thể nhân dân trong địch hậu lúc này là phải: “Nắm vững cơ hội thuận lợi tranh thủ thời gian, đẩy mạnh phong trào đấu tranh về mọi phương diện, mục đích nhằm tăng cường lực lượng và tiêu diệt một bộ phận sinh lực quân địch, phá kế hoạch dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh của chúng” [28, tr.5-6]. Như vậy, nhiệm vụ cụ thể được đề ra cho quân dân ở vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ là phải tích cực phát triển củng cố cơ sở, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, mở rộng và củng cố căn cứ địa.

Ngày 26/1/1952, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị gửi các Liên khu ủy, Tỉnh ủy và Thành ủy về “Phát triển và củng cố các vùng du kích và

căn cứ du kích, tích cực chuẩn bị chống giặc càn quét”. Trung ương khẳng định: “…Giặc Pháp đang lúng túng to. Nhưng sức địch còn mạnh, chúng vẫn có thể mở càn quét lớn vào vùng du kích và căn cứ du kích của ta. Cho nên không được chủ quan khinh địch, phải luôn luôn tỉnh táo và tranh thủ thời gian tích cực thực hiện kế hoạch phát triển và củng cố vùng du kích và căn cứ du kích, sẵn sàng chống lại tất cả mọi cuộc càn quét lớn nhỏ của địch mà bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra” [28, tr.23].

Thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, tháng 2/1952, Liên khu III tổ chức Hội nghị chuyên đề về việc xây dựng, củng cố các khu du kích và căn cứ du kích sau lưng địch. Hội nghị chủ trương tăng cường cán bộ của Liên khu và các tỉnh xuống các cơ sở, kiện toàn các cấp ủy đảng và chính quyền ở huyện, xã, xây dựng và củng cố các đoàn thể, phát triển dân quân du kích, đồng thời, tích cực giành, giải phóng và bảo vệ nhân dân, chống chính sách cướp của, bắt lính, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của địch, chú trọng công tác tuyên truyền vận động đồng bào theo đạo, phá chính sách chia rẽ giáo - lương của địch, củng cố khối đoàn kết toàn dân.

Nhằm giữ vững, mở rộng các khu du kích và căn cứ du kích liên hoàn liên xã, liên huyện, liên tỉnh, Hội nghị quyết định mỗi căn cứ tổ chức một ban chỉ đạo thống nhất, do cấp ủy cấp trên làm trưởng ban và các đồng chí cán bộ chủ trì cấp trực tiếp làm ủy viên. Ban chỉ đạo thống nhất có nhiệm vụ lãnh đạo mọi hoạt động trong khu du kích và căn cứ du kích. Tại các căn cứ liên xã, liên huyện phải căn cứ vào chủ trương chung do ban chỉ đạo thống nhất vạch ra mà tổ chức thực hiện trong phạm vi địa phương mình. Các căn cứ lớn liên huyện hoặc liên tỉnh đặt mật danh theo quy định của Liên khu. Trong xây dựng các khu du kích và căn cứ du kích, Hội nghị nhấn mạnh phải đẩy mạnh xây dựng làng xã chiến đấu, xây dựng lực lượng và thế trận toàn dân đánh giặc ở cơ sở, phát triển lực lượng vũ trang tại chỗ, phát triển chiến tranh du kích, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy.

Từ cuối tháng 2/1952, các Tỉnh ủy, Thành ủy và cấp ủy các địa phương thuộc Liên khu tổ chức Hội nghị quán triệt tình hình nhiệm vụ và bàn biện pháp đẩy mạnh củng cố, xây dựng các khu du kích và căn cứ du kích, phát triển lực lượng, sẵn sàng đánh bại các cuộc càn quét dưới bất kỳ hình thức, quy mô nào của địch.

Sau thất bại nặng nề ở Hòa Bình, Bộ Chỉ huy Pháp tập trung các binh đoàn cơ động chiến lược về trung du và đồng bằng Liên khu III mở hàng loạt cuộc càn quét quy mô lớn, hòng đẩy chủ lực ta ra khỏi vùng đồng bằng Bắc Bộ, tiêu diệt bộ đội địa phương, dân quân du kích, phá tan các khu du kích và căn cứ du kích của ta, thiết lập bộ máy ngụy quân, ngụy quyền của chúng.

Trước âm mưu và thủ đoạn mới của địch, ngày 21/2/1952, Bộ Tổng Tư lệnh ra chỉ thị về nhiệm vụ phá âm mưu mới của địch ở vùng địch hậu Liên khu III. Chỉ thị nêu rõ: phải tranh thủ phá kế hoạch càn quét của địch một cách chủ động, phát triển cơ sở rộng rãi làm phân tán lực lượng địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích, mở những cuộc tiến công vào những nơi sơ hở của địch, buộc chúng phải đối phó, ta phải chuẩn bị mọi mặt chống càn quét thắng lợi.

Ngày 28/2/1952, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ thị cho các Liên khu ủy và các Tỉnh ủy trong vùng địch hậu tích cực chống địch càn quét. Ban Bí thư nhận định: sau những thất bại và trước phát triển chiến tranh du kích lớn mạnh của ta ở địch hậu, địch có thể dồn về trung du và đồng bằng Liên khu III để mở những trận càn lớn hòng khôi phục lại những vị trí và cơ sở cũ của chúng. “Trước tình hình mới này, các địa phương du kích và căn cứ du kích phải tích cực thực hiện phương châm công tác địch hậu và kế hoạch chống giặc càn quét đã nói rõ trong Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ hai và Chỉ thị “Phát triển và củng cố vùng du kích và căn cứ du kích của Trung ương” [28, tr.43-44], kiên quyết giữ vững và phát triển chiến tranh du kích ở vùng địch hậu.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân Liên khu III luôn cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của địch. Trong khi tập trung xây dựng, phát triển lực lượng, củng cố các khu du kích và căn cứ du kích, Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu xây dựng phương án tác chiến, khẩn trương chuẩn bị hầm hào chiến đấu, hầm bí mật giấu thương binh, hầm cất giấu lương thực, đạn dược; đồng thời chuẩn bị phá hoại đường sá, cầu cống nhằm hạn chế việc cơ động của địch.

Chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng, Thành Đảng bộ Hải Phòng chỉ đạo việc động viên mọi lực lượng tranh thủ thời cơ bám đất, bám dân, phục hồi cơ sở, xây dựng và mở rộng căn cứ du kich ngay trong lòng địch. Về mặt quân sự, Đảng bộ chỉ đạo: “Trong 3 tháng đầu, việc phát triển dân quân du kích chiến tranh đến cực độ, phải chú ý tiến hành ngay: quấy rối đánh mạnh các đường giao thông vận tải đánh các cứ điểm nhỏ, phục kích và phản phục kích. Chú ý phá càn quét địch nhất là ở Thủy Nguyên, đánh du kích trong nội thành, Hải An và Thủy Nguyên thì tiến tới đánh tiêu diệt những bộ phận lớn của địch” [8, tr.1].

Để lãnh đạo phục hồi củng cố cơ sở các huyện và đẩy mạnh chiến tranh du kích ở những nơi có điều kiện, nhất là ở trong thành phố, Thành Đảng bộ chủ trương: “Phải làm một đề án đánh du kích trong thành phố và huấn luyện cho địa phương quân và du kích nội thành biết đánh du kích trong thành phố... thành lập các khu du kích ở nội thành, Hải An, các xã Thủy Nguyên sát nội thành” [8, tr.2]. Bên cạnh đó, Thành ủy cũng chủ trương nhanh chóng củng cố các lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và phân tán các đơn vị về các huyện, xã hoạt động hỗ trợ cho công tác phục hồi phát triển cơ sở chính trị và đẩy mạnh chiến tranh du kích ở địa phương: “Việc phát triển dân quân phải chú ý kiện toàn ngay đội du kích bán tập trung ở xa (Thủy Nguyên) và tiến tới ở Hải An. Ở Thủy Nguyên chú ý phát triển du kích ở dọc đường quốc lộ và các thôn

quanh vị trí Công giáo. Ở Hải An phải phát triển du kích ở các thôn xóm, chú ý thôn Công giáo, trường bay Cát bi và đường đi Đồ Sơn, Kiến An” [8, tr.1].

Một phần của tài liệu Đảng bộ thành phố hải phòng lãnh đạo chiến tranh du kích trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp 1945 1954 (Trang 55 - 61)