Phát động chiến tranh du kích từ 12/1946 đến Thu Đông

Một phần của tài liệu Đảng bộ thành phố hải phòng lãnh đạo chiến tranh du kích trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp 1945 1954 (Trang 30 - 36)

Cuối năm 1946, sau rất nhiều sự cố gắng của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chi Minh về vấn đề duy trì một nền hòa bình thực sự ở Đông Dương

thông qua những sách lược ngoại giao mềm dẻo, để kéo dài thời gian hòa hoãn, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp và đã ký Tạm ước với Chính phủ Pháp ngày 14 - 9 - 1946 nhằm tranh thủ thời gian chuẩn bị kháng chiến. Chữ ký chưa ráo mực, thực dân Pháp đã xé bỏ Hiệp định. Ngày 20/11/1946, chúng nổ súng đánh chiếm Hải Phòng, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên quy mô lớn. Để thống nhất lãnh đạo và chỉ huy cuộc kháng chiến ở địa phương, ngày 26/11/1946, thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An tổ chức hợp nhất thành Liên tỉnh Hải - Kiến. Ủy ban kháng chiến - hành chính Liên tỉnh Hải Kiến được thành lập, lãnh đạo cuộc kháng chiến. Mặt trận Việt Minh mở cuộc vận toàn dân hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến - hành chính Liên tỉnh. Ngày 19/12/1946, thực dân Pháp đánh chiếm thủ đô Hà Nội. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ở Hải Phòng, Đảng bộ và nhân dân thành phố thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”, tích cực đào hầm, hào, đắp ụ, ngăn sông, lập chướng ngại vật để ngăn cản bước tiến của địch. Nhiều đình chùa, nhà ngói to bị tháo dỡ hoặc phá hủy, với ý tưởng đơn giản làm “vườn không nhà trống” để kẻ thù không có nơi đóng quân. Ở các huyện đều có Ủy ban kháng chiến từ huyện xuống xã, huy động các ngành, các giới đóng góp hàng vạn ngày công, đào hàng ngàn km giao thông hào, như ở huyện Thủy Nguyên, nhân dân đã đào giao thông hào ở núi Đèo, bến Kiền, bến Bính, chợ Si, trộn bùn rơm rải trên các trục đường lớn. Nhân dân ở đây còn góp hàng vạn cây tre, rọ đất, đá để rào ngăn sông Giá, sông Cấm. Các tổ dân quân canh gác ven sông thì dùng súng bắn uy hiếp canô địch, đêm đêm thả hàng trăm quả bưởi xuôi dòng làm nghi binh.

Trước tình hình mới của cục diện kháng chiến chung, tháng 4/1947, Trung ương Đảng đã mở Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ hai đẻ xác định những vấn đề cơ bản của cuộc kháng chiến toàn quốc. Hội nghị đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể cho kháng chiến, nhấn mạnh: về chính trị, phải thực hiện

“Toàn dân đoàn kết, kháng chiến lâu dài”; về quân sự, phải “Phát triển chiến tranh du kích ngay trong vùng địch kiểm soát và ngay trong các thành phố

địch tạm thời làm chủ, vừa tiêu hao, vừa tiêu diệt địch” [1, tr.28-29].

Hội nghị dân quân toàn quốc lần thứ nhất (5/1947) họp về công tác tổ chức dân quân, xác định: “Dân quân du kích là đội quân cách mạng, và đã là đội quân cách mạng thì phải có công tác chính trị để giữ vững đường lối chính trị, để nâng cao trình độ giác ngộ và tinh thần chiến đấu cho các đội viên… Đội dân quân du kích thường hay phân tán, sinh sống tản mạn trong làng, và khi chiến đấu cũng thường nhiều khi hoặc cá nhân tác chiến, hoặc từng tốp nhỏ tác chiến. Cho nên muốn cho đội du kích có tinh thần tích cực hoạt động, tự mình đi tìm địch đề đánh, vấn đề công tác chính trị phải được đặc biệt chú trọng hơn cả về quân sự”. “Mỗi người dân quân du kích phải có một thứ vũ khí… chú trọng chế tạo vũ khí thô sơ (súng kíp, lựu đạn, tên nỏ, dao kiếm)”. “Sự phối hợp tác chiến giữa bộ đội chính quy và dân quân du kích là một trong những điều kiện quyết định thắng lợi cuối cùng của chúng ta” [4, tr.12-16].

Hội nghị dân quân toàn quốc lần thứ nhất đã sơ bộ tổng kết kinh nghiệm xây dựng làng kháng chiến, xem đó là một hình thức chiến đấu rất hiệu nghiệm ở đồng bằng, được đông đảo quần chúng tham gia. Hội nghị quyết định: Phải đặc biệt ra sức tổ chức làng chiến đấu ở khắp các nơi, củng cố và hoàn bị các làng chiến đấu đã được tổ chức.

Ở Hải Phòng, sau khi đánh chiếm thị xã Kiến An, tháng 7/1947, địch mở cuộc tiến công chiếm hoàn toàn huyện An Lão và huyện An Dương. Ngày 2/10, chúng lại tập trung hàng nghìn quân đánh chiếm toàn bộ huyện Kiến Thụy. Địch xây dựng thêm nhiều vị trí kéo dài phòng tuyến tả ngạn sông Văn Úc suốt từ bến Cựu đến Đồ Sơn, nhằm đẩy lực lượng ta sang bên kia sông - huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, tạo thành một hàng rào bảo vệ khu trọng điểm Kiến An - Hải Phòng

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Hội nghị dân quân toàn quốc lần thứ nhất, trước những cuộc tiến công đánh chiếm ào ạt của địch, cuộc kháng chiến của quân dân Hải - Kiến vẫn không ngừng phát triển. Liên Tỉnh ủy Hải - Kiến chủ trương tổ chức cho nhân dân hồi cư để nắm chắc nhân dân, xây dựng cơ sở, phát triển chiến tranh du kích ngay trong lòng địch.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và thông tư của Bộ quốc phòng, việc xây dựng lực lượng dân quân du kích được đẩy mạnh đều khắp các thôn xã. Ai có tinh thần hăng hái chống giặc giữ làng, không phân biệt già trẻ, trai gái, đều được tổ chức vào dân quân. Tổ chức du kích chặt chẽ hơn, lựa chọn những người ưu tú, dũng cảm, khoẻ mạnh và cán bộ phụ trách đều do đoàn thể cử sang. Từng địa phương đều chăm lo cung cấp mọi thứ từ ăn uống đến mua sắm trang bị, rèn luyện vũ khí cho đội du kích của mình.

Du kích được huấn luyện cách sử dụng vũ khí, động tác chiến đấu cá nhân, có nơi còn mời thầy dạy võ, đánh kiếm. Một số đội được đưa ra mặt trận Cầu Rào, Cầu Niệm, An Dương để thử lửa, làm quen với tiếng súng. Khí thế toàn dân tham gia kháng chiến rất cao, đặc biệt là kết hợp sức mạnh chiến đấu giữa bộ đội địa phương và dân quân du kích. Tiêu biểu như Đại đội Đặng Cương của huyện An Dương phối hợp cùng du kích xã bốn lần tập kích vào vị trí Rế, diệt 15 tên lính Âu Phi, phá hủy 2 trung liên và thu được một số tài liệu quan trọng. Các đội du kích xã Hồng Hưng, Đại Bản, Lê Thiện cùng với bộ đội huyện, đội công binh Hải - Kiến liên tiếp tổ chức phá hoại tuyến đường sắt và đường 5, gài mìn phá một xe vận tải ở Hỗ (2/1947), hai lần giật mìn lật đổ 10 toa tàu hỏa gần ga Dụ Nghĩa, diệt 250 lính Âu Phi (tháng 3 và 6/1947). Đó là những trận đánh mìn đầu tiên trên đường 5 của lực lượng vũ trang Hải - Kiến.

Tháng 5/1947, du kích Kiến An cùng với đại đội 4 lại đột nhập đánh địch trong thị xã Kiến An, tập kích địch ở Thiên Văn. Đại đội cảnh vệ cùng du kích Kiến Thụy tập kích địch ở Đức Phong, Quý Kim, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Dựa vào làng chiến đấu, trong vòng một ngày, một tiểu đội du kích xã Quang Trung (An Lão) đã chặn đánh một tiểu đoàn địch, một tiểu đội du kích Minh Tân (Kiến Thụy ) cũng ngăn được một tiểu đoàn địch, bảo vệ được xóm làng. Nổi bật nhất là đội du kích núi Voi, dân quân du kích ở đây đã bám trụ kiên cường, lập vọng gác trên đỉnh núi, dùng mõ, kẻng báo động cho dân tránh giặc mỗi khi chúng đến càn quét, thường xuyên hoạt động quấy rối, đánh mìn và phục kích, diệt những tên địch đi lẻ. Có những trận địch tập trung quân đóng, vây quét dài ngày các thôn xung quanh để triệt đường tiếp tế rồi tiến công vào hang núi, chất rơm rạ hun ở các cửa hang định tiêu diệt bằng được đội du kích. Nhưng đội du kích núi Voi vẫn kiên cường đứng vững, xứng đáng với câu ca: “Đứng trên đỉnh núi ta thề, không giết hết giặc không về núi Voi” [36, tr.187]. Chỉ trong thời gian đầu chống giặc, riêng du kích huyện An Lão - du kích núi Voi đã đánh địch 163 trận, diệt trên 300 tên địch.

Ở Thủy Nguyên, chấp hành Nghị quyết của Huyện ủy, đại đội Lê Lợi cìng lực lượng công an huyện dựa vào khu núi đá và các xã phía bắc xây dựng căn cứ và đẩy mạnh hoạt động, đánh hơn 10 trận, diệt 37 tên địch. Địch đặt pháo ở Thanh Lãng ngày ngày bắn phá khu du kích nhưng không xoá bỏ được căn cứ của ta.

Cuối năm 1947, địch mở rộng thêm địa bàn chiếm đóng, tuy nhiên, chúng không thể khống chế nổi phong trào chiến tranh du kích đã hình thành và phát triển. Theo chủ trương của Trung ương Đảng, Liên Tỉnh ủy chỉ đạo chặt chẽ việc phát triển lực lượng dân quân du kích và xây dựng làng xã chiến đấu. Theo sáng kiến của Ban cán sự phụ nữ, Liên Tỉnh ủy chấp nhận cho xây dựng đội nữ binh sau đó lấy tên là đội du kích Minh Khai do Liên Tỉnh đội trực tiếp chỉ huy. Các đơn vị tập trung của Liên tỉnh, của huyện và các đội du kích xã đều dựa vào làng chiến đấu, bám đất, bám dân, bám địch và cơ động đánh địch ở nhiều nơi.

Kinh nghiệm của bộ đội và du kích Kiến An dựa vào làng chiến đấu, ngăn chặn được nhiều cuộc tiến công của địch đã được Hội nghị cán bộ kháng chiến toàn quốc đầu năm 1947 biểu dương. Tháng 9/1947, trong Báo cáo tổng kết phong trào chiến tranh du kích, Ban chấp hành Thành Đảng bộ Hải Phòng đã nhận định: “dân quân đã phát triển tốt đội viên, đã gây được nhiều tiểu tổ trong dân quân nhất là Kiến Thụy; phât huy ưu điểm đã làm thí dụ ở xã Minh Tân Kiến Thụy, cán bộ đã huy động dân làng làm thành làng kháng chiến, chiến đấu oanh liệt… việc kháng chiến và Việt Minh công sự rào làng đã làm được: Hùng Thắng (Tiên Lãng), Minh Tân (Kiến Thụy) và An Lão có vài làng” [3, tr.1].

Một phần của tài liệu Đảng bộ thành phố hải phòng lãnh đạo chiến tranh du kích trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp 1945 1954 (Trang 30 - 36)