KIẾN NGHỊ VỀ NHỮNG NGHIÊN CỨU TIẾP THEO

Một phần của tài liệu Nghiên cứu xác định tạp chất trong một số vật liệu zirconi sạch hạt nhân bằng phương pháp phân tích ICPMS. (Trang 137 - 138)

NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ KỸ THUẬT THỰC NGHIỆM

KIẾN NGHỊ VỀ NHỮNG NGHIÊN CỨU TIẾP THEO

Những nghiên cứu của luận án đã góp phần giải quyết một vấn đề khó và thời sự trong hóa học, đó là vấn đề phân tích lượng vết các nguyên tố tạp chất trong lượng lớn nền Zr của các vật liệu hạt nhân (vật liệu Zr độ sạch cao). Các nghiên cứu của luận án đã đề xuất quy trình phân tích tạp chất áp dụng cho các vật liệu Zr độ sạch cao. Quy trình phân tích này hoàn toàn áp dụng được trong kiểm tra, đánh giá chất lượng cũng như trong quá trình sản xuất các vật liệu hạt nhân trong thực tế bằng việc phân tích tạp chất trong các vật liệu đó bằng phương pháp ICP-MS.

Mặc dù vậy, khi sử dụng các dung môi D2EHPA/toluen, PC88A/kerosen và hỗn hợp MIX/toluen qua 1 lần chiết và 1 - 2 lần rửa chiết, có thể tách được trên 95% hàm lượng của đa số các tạp chất khỏi nền Zr trong môi trường HNO3. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy để thực hiện từ 2 - 3 lần chiết và rửa chiết, cần tiêu tốn khá nhiều thời gian và hóa chất để thực hiện quá trình tách các tạp chất ra khỏi nền Zr. Vì vậy, mong muốn của chúng tôi trong thời gian tới là tiếp tục nghiên cứu tìm được các điều kiện tối ưu hơn nữa nhằm giảm số lần chiết xuống còn khoảng từ 1 - 2 lần để có thể tiết kiệm được thời gian nghiên cứu và hóa chất tiêu hao.

Mặt khác, chúng tôi cũng nhận thấy khả năng xác định một số nguyên tố như Hf, Ti, Fe sau khi tách nền Zr được thể hiện chưa rõ nét trong các hệ chiết đã nghiên cứu. Để đạt được mong muốn này cần quan tâm nghiên cứu sâu hơn khi chọn lựa một số tác nhân chiết mới hơn có tính chọn lọc chiết cao hơn, tính chất cường chiết của dung môi chứa hơn hai tác nhân… để có thể tách nền Zr và các tạp chất khác ra khỏi nhau triệt để hơn.

Ngoài ra, cần quan tâm đến việc lựa chọn các máy móc phân tích hiện đại có độ phân giải cao hơn chẳng hạn như HR-ICP-MS, các kỹ thuật ghép nối khối phổ với sắc ký như LC-MS, HPLC-MS…để có thể hạn chế ảnh hưởng của nền mẫu, gia tăng độ nhạy và độ chính xác của phép phân tích các tạp chất.

Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến việc mở rộng phân tích các cấp độ hàm lượng tạp chất khác nhau và áp dụng vào việc phân tích tạp chất của các vật liệu độ sạch cao trong lĩnh vực hạt nhân, môi trường, địa chất và một số lĩnh vực khác.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu xác định tạp chất trong một số vật liệu zirconi sạch hạt nhân bằng phương pháp phân tích ICPMS. (Trang 137 - 138)