B. NỘI DUNG
2.1.6. Yêu cầu dạy toán tỉ số phần trăm ở lớp 5
a) Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình dạy học tỉ số phần trăm ở lớp 5
Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS trong quá trình dạy học là một trong những trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học toán ở Tiểu học. Đây là việc làm đòi hỏi GV phải có quyết tâm cao và kiên trì trong nhiều năm.
Trong dạy học tỉ số trăm lớp 5 có thể phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS như sau:
Khi dạy bài học mới GV nên:
- Tổ chức, hướng dẫn HS tự phát hiện và tự giải quyết vấn đề của bài học bằng cách: + Hạn chế truyền đạt các kiến thức có sẵn.
+ Hướng dẫn HS tự phát hiện vấn đề của bài học rồi tổ chức cho HS huy động những hiểu biết của bản thân (hoặc của một nhóm HS) để lập mối liên hệ giữa vấn đề mới phát hiện với các kiến thức thích hợp đã biết, từ đó tự tìm cách giải quyết vấn đề.
+ Trân trọng, khuyến khích mọi cách giải quyết vấn đề của HS và giúp HS lựa chọn cách giải quyết hợp lí nhất.
- Tổ chức cho HS thực hành, trò chơi toán học, vận dụng kiến thức mới học ngay trong tiết dạy học bài mới để HS “học qua làm” góp phần giúp HS tự chiếm lĩnh kiến thức mới ngay trong quá trình học bài mới.
- Giúp HS tự phát hiện ra mối liên hệ giữa bài tập và các kiến thức đã học, từ đó HS biết lựa chọn sử dụng những kiến thức thích hợp để giải bài tập.
- Giúp HS tự luyện tập, thực hành theo khả năng của từng HS, tránh cách dạy học “đồng loạt”, “bình quân”. GV cần quan tâm đúng mức đến từng đối tượng HS khi tổ chức cho HS làm bài, chữa bài.
- Khuyến khích sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các đối tượng HS bằng cách phối hợp giữa các bài làm của từng cá nhân với trao đổi ý kiến trong nhóm về cách giải của bạn để rút kinh nghiệm và hoàn chỉnh cách giải của bản thân. Không khuyến khích hiện tượng làm hộ, thiếu tự lực hoặc thiếu trung thực khi làm bài.
- Tập cho HS thói quen tìm hiểu cách giải quyết một bài tập (nếu có thể) và lựa chọn cách giải hợp lí nhất, không thỏa mãn kết quả đã đạt được.
- Vận dụng trò chơi vào các tiết ôn tập, luyện tập, thực hành, giúp trẻ giảm bớt căng thẳng, vừa học, vừa chơi, tinh thần thoải mái, khắc sâu kiến thức Toán học và quá trình dạy học đạt hiểu quả cao hơn.
b) Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học tỉ số phần trăm lớp 5
Để đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học tỉ số phần trăm Toán 5, GV cần nắm chắc và hiểu các nội dung dạy học dạng toán tỉ số phần trăm của sách giáo khoa toán 5, kế thừa và phát huy các kết quả đổi mới phương pháp dạy học đã đạt được ở các lớp 1,2,3,4. Đặc biệt cần cố gắng thực hiện nghiêm túc một số hướng dẫn sau:
Phải chuẩn bị tốt bài dạy. Cụ thể là:
- Nên tìm hiểu kĩ SGK Toán 5, tham khảo sách giáo viên Toán 5 và một số tài liệu liên quan khác để tự xác định được:
+ Mục tiêu dạy học từng bài học (từng tiết học).
+ Nội dung trọng tâm và mức độ dạy học nội dung trọng tâm của tiết học (theo chuẩn kiến thức và kĩ năng của toán 5).
+ Các hoạt động chủ yếu của HS và các phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức dạy học để giúp HS đạt được mục tiêu của bài học theo từng năng lực từng đối tượng HS.
- Tự lập được kế hoạch dạy học môn toán trong cả năm học, trong từng tuần lễ, từng tiết học.
- Khi soạn bài, nên viết “giáo án” dưới dạng một kế hoạch, bài học (gọi tắt của kế hoạch dạy học từng bài học) sao cho:
+ Kế hoạch bài học phải ngắn gọn, thuận tiện khi sử dụng ở trên lớp.
+ Kế hoạch bài học phải bao gồm mục tiêu cần đạt của HS, các hoạt động dạy học và cách triển khai các hoạt động đó để các đối tượng HS điều đạt được mục tiêu cảu bài học theo năng lực của mình.
Dạy học trên cơ sở tổ chức và hướng dẫn các hoạt động học tập, trò chơi học tập tích cực, chủ động, sáng tạo của HS (đã xác định trong kế hoạch bài học). Khuyến
khích HS tự phát hiện, giải quyết vấn đề của bài học để tự chiếm lĩnh kiến thức mới; dành thời lượng thích đáng cho thực hành, luyện tập, ôn tập hoặc kiểm tra kiến thức có liên quan, phát triển năng lực tự học của từng đối tượng HS.
Trong quá trình dạy học GV nên:
- Linh hoạt áp dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học hấp dẫn, thu hút HS tham gia học tập tích cực. Ở lớp 5 nên khuyến khích HS phối hợp giữa học cá nhân, học theo nhóm nhỏ, học theo lớp,... Và cố gắng độc lập trong học và làm bài.
- Chỉ sử dụng thiết bị dạy học khi thật cần thiết; tạo điều kiện cho HS tự huy động các kiến thức và kinh nghiệm đã có để phát hiện và giải quyết vấn đề của bài học, bài tập; hướng dẫn HS tập nêu nhận xét hoặc kết luận ở tầm khái quát cao hơn (so với lớp 4).
Xây dựng môi trường học tập thân thiện, có tính sư phạm cao.
- Trang trí phòng học để có môi trường học tập hấp dẫn, tạo tâm thế sẵn sàng học tập cho HS.
- Luôn tạo bầu không khí thân thiện, hợp tác giữa GV và HS, giúp HS tự tin và có niềm vui trong học tập, thể hiện thông qua nét mặt, cử chỉ của GV, qua hình thức tổ chức học tập (như trò chơi học tập, đố vui để học,...) và môi trường học tập.
- Trân trọng, khuyến khích sự tham gia tích cực của mọi đối tượng HS trong các hoạt động học tập toán. Động viên và hướng dẫn HS tự đánh giá kết quả học tập của bản thân, của bạn một cách khách quan, trung thực, khiêm tốn.