Một số đánh giá chung dưới góc độ nhân khẩu học

Một phần của tài liệu LUẬN văn nâng cao đời sống kinh tế người có công ở tỉnh quảng nam (Trang 36 - 37)

Các đối tượng có công có một số đặc điểm như sau: [30, tr.21-25]

- Về tuổi đời: Người có công có một số nhóm tuổi khác nhau nhưng đa trong số họ tuổi đã cao, không còn trong độ tuổi lao động. Nhất là, đối với các cán bộ lão thành cách mạng và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng hầu hết ở trên độ tuổi 70 trở lên.

Về trình độ văn hoá và chuyên môn nghiệp vụ: trong số người có công, số đối tượng là thương binh, bệnh binh, người có công giúp đỡ cách mạng chiếm tỷ trọng khá lớn và do điều kiện chiến tranh nên đa số có trình độ văn hoá và chuyên môn nghiệp vụ rất thấp. Nhất là ở nông thôn, miền núi, số thương binh không biết đọc, biết viết và văn hoá cấp I chiếm tỷ

lệ khá cao (từ 40-50%). Điều này tạo ra nhiều bất lợi cho thương bệnh binh trong quá trình tìm kiếm việc làm, hoà nhập với cộng đồng.

- Về sức khoẻ và thương tật của người có công: Những người có công, đặc biệt là thương binh, các cán bộ lão thành các mạng, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người bị địch bắt tù đày hoặc là do thương tật, bệnh tật, hoặc là tuổi cao sức yếu nên sức khoẻ của họ bị suy giảm rất lớn. Qua các cuộc khảo sát cho thấy, đại đa số các thương bệnh binh sức khoẻ trung bình hoặc kém chiếm trên gần 90%. Đối với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng tình trạng sức khoẻ cũng tương tự, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do tuổi cao, hoặc hoàn cảnh không thuận lợi; sống trong hoàn cảnh thiếu thốn về tình cảm. Gần như toàn bộ số Bà mẹ Việt Nam anh hùng sức khoẻ yếu kém. Do sức khoẻ yếu cộng với thương tật hành hạ nên người có công thường hay bị đau ốm, nhu cầu chăm sóc y tế ngày càng cao.

- Về hoàn cảnh sống: các đối tượng người có công hoàn cảnh khá khó khăn. Đối với thương binh, bệnh binh quy mô gia đình trên 5 nhân khẩu (bằng hoặc cao hơn so với các hộ dân cư ở cộng đồng) nhưng cơ cấu nhân khẩu lại có sự bất hợp lý. Nhân khẩu nhiều nhưng lao động ít. Trong số các đối tượng người có công, một số người già phải sống độc thân, cô đơn là hết sức đáng quan tâm, đặc biệt là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ Lão thành cách mạng, theo thống kê toàn tỉnh có trên 2 ngàn người sống cô đơn. Đây là những người có hoàn cảnh hết sức đặc biệt, họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống vật chất, sức khoẻ và tinh thần. Do đó họ là những người cần phải có chính sách ưu đãi một cách đặc biệt.

- Vai trò của người có công trong gia đình: người có công hoặc bị thương tật hoặc tuổi cao, sức khoẻ yếu nhưng với truyền thống phương Đông họ vẫn giữ vị trí rất quan trọng và có trách nhiệm lớn trong gia đình. Ngoài việc nuôi sống bản thân họ, họ còn trách nhiệm nuôi dưỡng mẹ già, chăm sóc con nhỏ và các người thân khác. Đây vừa là trách nhiệm nhưng cũng vừa là “gánh nặng” đối với những người ít nhiều suy giảm khả năng lao động. Tính bình quân một thương bệnh binh phải nuôi dưỡng từ 2-3 con. Như vậy, nếu không có chính sách hỗ trợ để trợ giúp thì các gia đình thương bệnh binh nói riêng và gia đình có công cách mạng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu LUẬN văn nâng cao đời sống kinh tế người có công ở tỉnh quảng nam (Trang 36 - 37)