Về kinh tế, văn hóa xã hội và con người Quảng Nam

Một phần của tài liệu LUẬN văn nâng cao đời sống kinh tế người có công ở tỉnh quảng nam (Trang 32 - 34)

Quảng Nam là một tỉnh có nhiều tiềm năng để có thể phát triển kinh tế, cho đến nay tuy đã có những khởi động bước đầu và có những kết quả nhất định nhưng nhìn chung còn chưa được khai thác có hiệu quả. Cơ cấu kinh tế tuy đã có sự chuyển dịch nhưng còn chậm. Sản xuất nông nghiệp còn tập trung phần lớn vào trồng trọt và chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống với công cụ lao động chủ yếu là thủ công nên năng xuất lao động thấp, tích luỹ ít. Sản xuất công nghiệp bước đầu đã hình thành những khu công nghiệp, cụm Công nghiệp, tuy nhiên quy mô sản xuất, hiệu quả đầu tư chưa cao. Công nghiệp ở Quảng Nam mới chỉ bước đầu tập trung phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm thuỷ sản và sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Đặc biệt, sự ra đời Khu kinh tế mở Chu Lai, mô hình khu kinh tế mở đầu tiên trên phạm vi cả nước bước đầu tạo được sự quan tâm của các Doanh nghiệp trong và ngoài nước, tuy nhiên tiến độ đầu tư, phát triển sản xuất còn chậm.

Kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được phát huy so với tiềm năng, rừng bị chặt phá do khai thác trái phép. Việc khai thác tiềm năng thuỷ sản còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Quảng Nam, năng lực đánh bắt còn hạn chế, thiếu những đội tàu đánh bắt xa bờ, dài ngày, và hiệu quả. Kỹ thuật khai thác, chế biến thuỷ hải sản còn lạc hậu.

Nhìn chung kinh tế ở Quảng Nam tuy có những chuyển động ban đầu nhưng còn yếu. Kinh tế hàng hoá kém phát triển, chưa tạo được mũi nhọn kinh tế. Với tình hình kinh tế như vậy thì việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ bức thiết đặt ra hàng đầu. Bởi vì Quảng Nam hiện nay vẫn là tỉnh nghèo, đời sống nhân dân còn khó khăn.

Nhân dân Quảng Nam dũng cảm trong đấu tranh chống thiên tai, địch hoạ để bảo vệ sản xuất, họ là những người cần cù trong lao động, tiết kiệm trong chi tiêu. Nhưng người dân Quảng Nam trong tiến trình đấu tranh giữ nước luôn chứng kiến và chịu nhiều hy sinh

mất mác nên hơn đâu hết họ mong đất nước hoà bình, cuộc sống được bình yên, khát khao cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nông thôn Quảng Nam phần lớn được cấu trúc theo dòng họ, thân tộc, đây là cơ sở vững chắc cho tinh thần đoàn kết, gắn bó trong đấu tranh chống thiên tai, chống kẻ thù xâm lược. Tuy nhiên nó dễ trở thành “thành luỹ” khép kín, cục bộ. Con người Quảng Nam không dễ dàng từ bỏ những gì đã gắn bó với mình, mặc dù cái đó trở nên lỗi thời lạc hậu. Vì vậy, có tinh thần tương thân tượng trợ hỗ trợ giúp đỡ nhau, nhưng gặp khó khăn trong việc tiếp thu cái mới để cải tạo sản xuất nâng cao đời sống nếu không tìm ra khâu đột phá, điểm đột phá.

Quảng Nam là địa danh có nhiều dấu ấn văn hoá, là nơi có hai di sản văn hoá thế giới (Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp cổ Mỹ Sơn). Quảng Nam là đất học, là quê hương của nhiều danh nhân, chiến sỹ cách mạng, chí sỹ yêu nước...Đây là vùng có bản sắc văn hoá độc đáo, tính cộng đồng được đề cao. Truyền thống hiếu học, vượt khó đã sinh ra nhiều nhân tài. Tuy nhiên, ngày nay nhìn chung mới chỉ thấy người con Quảng Nam ra đi thành đạt, cống hiến tài năng ở nơi nầy nơi khác trong và ngoài nước thì nhiều nhưng trong số họ quay về để lập nghiệp góp phần phát triển quê hương, góp phần nâng cao đời sống nhân dân còn rất ít.

Mặt khác, trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược Quảng Nam luôn là cửa ngõ đầu tiên “đón giặc”, là “phên dậu phía trước” của Tổ quốc nên luôn là vùng chiến tranh ác liệt. Đặc biệt trong chiến tranh chống Pháp và Mỹ, Quảng Nam đã chịu nhiều hy sinh mất mát về sức người và sức của. Tuy chiến tranh đã đi qua hơn 31 năm song hậu quả để lại của nó hết sức nặng nề: gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và những người ảnh hưởng bởi chiến tranh chiếm tỷ lệ khá cao (trên 40%, trong đó người có công cách mạng chiếm trên 16%). Thu nhập của người lao động còn thấp, nhất là vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt đối với người có công, nhiều người trong số họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống cần có sự hỗ trợ giúp đỡ của Nhà nước, cộng đồng và xã hội.

Qua việc phân tích các điều kiện kinh tế, văn hoá xã hội và con người có thể thấy ở Quảng Nam điều kiện để nâng cao đời sống cho nhân dân nói chung trong đó có người có công cách mạng còn nhiều hạn chế. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc xây dựng các chiến lược, chương trình trung hạn, dài hạn và có những giải pháp khả thi để phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống của dân cư trên địa bàn tỉnh,

theo kịp đà tăng trưởng chung của cả nước, đảm bảo đời sống người có công cách mạng đạt mục tiêu bằng hoặc cao hơn mức sống của dân cư cùng địa bàn cư trú trong thời gian năm tới.

Một phần của tài liệu LUẬN văn nâng cao đời sống kinh tế người có công ở tỉnh quảng nam (Trang 32 - 34)