Hoàn thiện hệ thống chính sách đối với người có công

Một phần của tài liệu LUẬN văn nâng cao đời sống kinh tế người có công ở tỉnh quảng nam (Trang 53 - 57)

Như trên đã nêu, dù chế độ chính trị có khác nhau nhưng ở bất cứ quốc gia nào cũng có một bộ phận dân cư là những người có công với Tổ quốc của họ. Chính vì vậy, ở tất cả các nước đều có thực hiện chính sách đối với người có công. Tuy nhiên tuỳ theo từng điều kiện chính trị kinh tế- xã hội của mỗi nước mà có các loại chế độ, chính sách, các loại trợ cấp và các mức trợ cấp khác nhau. Đồng thời, ở các nước đều có cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện chính sách này (như Bộ chiến tranh, Bộ Xã hội, Bộ Phúc lợi xã hội, Bộ Lao động, v.v...). Ngay ở nước ta, chế độ nguỵ quyền Sài Gòn cũ cũng thực hiện chính sách đối với thương phế binh, tử sỹ và gia đình liệt sỹ. Trong các chính sách chế độ này quy định rất rõ về tiêu chuẩn xác nhận đối tượng có công, các quyền lợi người có công được hưởng và các thủ tục để giải quyết chế độ chính sách đối với họ.

Thực hiện chính sách đối với người có công là nhiệm vụ chính trị, phục vụ các mục tiêu chính trị của nhà nước cầm quyền; Phản ánh bản chất giai cấp của giai cấp thống trị và chính sách ưu đãi người có công do Nhà nước thực hiện là chính; người có công được nhà nước đảm bảo về mặt trợ cấp, chăm sóc sức khoẻ, đảm bảo về việc làm,v.v... Thực hiện chính sách đối với người có công sẽ là điều kiện tiên quyết góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người có công. Muốn thực hiện tốt chính sách đối với người có công, trước hết, phải hoàn thiện hệ thống chính sách, nhất là trong điều kiện hiện nay khi nền kinh tế của đất nước đã chuyển sang cơ chế thị trường, hàng lọat các chính sách kinh tế và chính sách xã hội, trong đó có chính sách đối với người có công phải thay đổi cho phù hợp.

Hoàn thiện hệ thống chính sách có công, trước hết phải quán triệt quan điểm: đây là một chính sách lớn, mang tính chính trị, kinh tế xã hội và nhân văn sâu sắc. Người có công là bộ phận đặc biệt của xã hội. Họ là những người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập tự do của đất nước, hoặc đã chịu hy sinh mất mát một phần thân thể cho sự nghiệp chung. Tuy nhiên, đến nay một phần không nhỏ trong số người có công, đời sống kinh tế khó khăn, bản thân và gia đình họ chịu nhiều thiệt thòi. Vì vậy, chính sách có công phải khẳng định cho được vừa mang tính chính trị và nhân văn sâu sắc; vừa thể hiện đạo lý truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”.

Mặt khác, phải kết hợp hài hoà chính sách kinh tế với chính sách xã hội trong chính sách ưu đãi người có công. Chính sách người có công vốn là chính sách mang tính nhạy cảm chính trị- xã hội vì vậy phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa chính sách kinh tế đối với người có công. Việc nâng cao đời sống người có công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, là mục tiêu cuối cùng của mọi chính sách đối với người có công. Chính sách đối với người có công phải chú trọng đến giải quyết các vấn đề về đời sống vật chất, tinh thần về việc làm, về phục hồi các chức năng sinh hoạt, lao động, chăm sóc sức khoẻ, v.v...

Cuộc kháng chiến của dân tộc ta rất rộng về không gian và thời gian, sự tham gia cống hiến của đối tượng ở những mức độ rất khác nhau và để xác minh được đối tượng cũng rất phức tạp. Tuy nhiên, với quan điểm ai có công đều được ghi công và có chính sách hợp lý. Vì vậy, cần phải tiếp tục hoàn chỉnh chính sách đối với người có công làm cơ sở thực hiện chế độ đãi ngộ đối với người có công.

Trước hết, cần phải có hệ thống chính sách có công hoàn chỉnh, thống nhất, có kế thừa, đảm bảo tính khả thi. Chính sách đối với người có công được đảng và Nhà nước ta thực hiện đã trải qua gần 60 năm, trong quãng thời gian dài ấy do điều kiện phát triển của đất nước, nhiều chính sách được thực hiện dưới những văn bản dưới luật như: Công văn, Thông tư của các Bộ, ngành; Nghị định của Chính phủ... Chỉ đến năm 1995, lần đầu tiên mới có Pháp lệnh ưu đãi người có công tương đối hoàn chỉnh, song việc hướng dẫn thực hiện có nhiều điểm chưa thống nhất, như quy định về thủ tục điều kiện xác nhận thương binh, liệt sỹ (trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ), về công nhận Lão thành cách mạng, cán bộ thuộc diện “Tiền khởi nghĩa” đã hy sinh từ trần, về tặng thưởng huân chương tổng kết thành tích kháng chiến trước và sau thời điểm 31/12/1994 v.v, tạo nên những bất hợp lý, mâu thuẫn và gây những thắc mắc trong quá trình thực hiện.

Trong điều kiện ngày nay, tình hình kinh tế xã hội có sự biến đổi nhanh, nhiều chính sách ban hành đã lâu, không còn phù hợp nhất là khi nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường, thực hiện cơ chế tiền tệ hoá tiền lương, trợ cấp...

Để thực hiện tốt chính sách góp phần nâng cao đời sống người có công, yêu cầu hoàn thiện hệ thống chính sách đối với người có công là việc làm khẩn trương và cần thiết, trong đó, trước hết:

Một là, cùng với việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công, Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương, tổ chức rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản về chế độ chính sách đối với người có công tuy đã cũ nhưng còn hiệu lực thi hành đưa vào hướng dẫn trong một văn bản thống nhất. Thực tế, đối với chính sách người có công trong những năm qua, nhiều văn bản ban hành, ra đời sau là sự tiếp nối, không phủ định văn bản trước, (nhiều văn bản ban hành từ những năm 60 của thế kỷ trước vẫn còn hiệu lực) làm cho việc tổ chức thực hiện khó khăn, trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác nầy ở cơ sở, huyện thị, thường xuyên thay đổi, không ổn định nên không nắm vững chính sách nên thực hiện không đầy đủ. Kịp thời ban hành quy định về xác nhận đối với những người là cán bộ Lão thành cách mạng, Tiền khởi nghĩa đã hy sinh, từ trần chưa được xác nhận, bởi lẽ, họ là những người thật sự có công lao, được lịch sử ghi công, nhưng do họ chưa được xác nhận về mặt pháp lý nên thân nhân của họ chưa được hưởng các chế độ ưu đãi của nhà nước đãi ngộ đối với những người như họ hoặc công lao ít hơn họ nhưng đã được xác nhận, trong tổ chức thực hiện ngày nay ở cơ sở đây là vấn đề có tính thời sự và vướng mắc.

Hai là, hoàn chỉnh hệ thống trợ cấp đối với người có công theo quan điểm phải cải thiện, nâng cao đời sống người có công. Trước hết, là cơ sở để tính trợ cấp, người có công là đối tượng năng lực lao động, khả năng lao động tăng thu nhập hiện nay và những năm đến là rất thấp, nguồn sống chủ yếu là khoản trợ cấp, trong khi đó, cơ sở trợ cấp, tính trên mức nhu cầu tối thiểu là không có điều kiện để nâng cao đời sống và do đó không thể thực hiện được mục tiêu đảm bảo người có công có mức sống trung bình, hoặc cao hơn mức sống của dân cư trên địa bàn trong những năm tới. Từng bước, thực hiện tiền tệ hoá các chính sách ưu đãi vào chế độ trợ cấp, tạo điều kiện để người có công sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn trợ cấp ưu đãi chi cho trang cấp, cải thiện đời sống, tiếp cận hoặc sử dụng các dịch vụ, kỹ thuật tiên tiến.

Ba là, Tiếp tục xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách, vấn đề cốt lõi của mọi vấn đề là cán bộ, cán bộ nào thì phong trào ấy. Thực trạng hiện nay, đội ngũ

cán bộ làm công tác chính sách có công, vừa thừa lại vừa thiếu; tuy có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình công tác, tận tuỵ với công việc nhưng vừa thiếu vừa yếu, nhất là đối với cấp xã, thị trấn, đa số cán bộ Lao động- Thương binh & Xã hội chưa được qua trường lớp đào tạo cơ bản, thường xuyên thay đổi, theo thống kê trong nhiệm kỳ 2004- 2009, sau bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp có đến 40% cán bộ làm công tác chính sách cấp huyện, thị và có từ 70-80%, có nơi đến 90% cán bộ làm công tác Lao động- Thương binh và Xã hội ở cấp xã thay đổi điều chuyển công tác, làm cho công tác quản lý kém, theo dõi không thường xuyên liên tục, không nắm được chủ trương chính sách đối với người có công dẫn đến hiệu quả thực hiện công tác này không cao. Để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác chính sách trong tình hình mới, phải đánh giá bố trí sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt của phòng Nội vụ- Lao động- Thương binh & Xã hội ở huyện, thị phải có tâm huyết, có năng lực công tác, uy tín đối với người có công, kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ nghiệp vụ, thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; không bố trí những người có lai lịch chính trị không rõ ràng, không yêu nghề làm công tác chính sách; Nhà nước nên nghiên cứu bố trí có định biên chức danh cán bộ làm công tác Lao động- Thương binh & Xã hội ở cấp xã, ở Quảng Nam, người có công nhiều, vì vậy nhiệm vụ trong lĩnh vực này rất nặng nề, kiêm nhiệm nhiều việc khác sẽ không làm tròn trách nhiệm và do đó chất lượng công tác nầy không cao.

Tỉnh Quảng Nam có đối tượng người có công đông nhất nước, điều kiện kinh tế xã hội còn rất khó khăn, để đảm bảo tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công trong thời gian tới, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với ngươì có công, một mặt, phải quán triệt và triển khai đầy đủ và kịp thời các chủ trương chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công. Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu ban hành kịp thời các quy định, hoàn chỉnh chính sách ưu đãi cuả tỉnh đối với Người có công, trong đó, chú ý các nội dung:

+ Hoàn thiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở, đất ở đối với người có công, quy định chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở phải xuất phát từ thực trạng, điều kiện kinh tế xã hội, mức sống của dân cư, chế độ hỗ trợ phải căn cứ vào từng loại đối tượng, (mức hỗ trợ tương ứng với đối tượng), đảm bảo tính thực thi. Chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở phải huy động được sự quan tâm và trách nhiệm đóng góp của các tổ chức kinh tế xã hội của cộng đồng và toàn xã hội.

+ Xây dựng chương trình đào tạo nghề và các giải pháp giải quyết việc làm cho người có công ở khu vực nông thôn, miền núi; vùng căn cứ cách mạng. Đại bộ phận người có công ở tỉnh Quảng Nam sinh sống ở nông thôn, cùng với thực hiện công nghiệp hoá, đô thị hoá thì một bộ phận nhân dân, trong đó có người có công mất đất sản xuất. Vì vậy kết hợp với thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, dồn điền đổi thửa, bố trí lại đất sản xuất có điều kiện thuận lợi đối với hộ có công có nhu cầu để sản xuất. Phát triển các làng nghề truyền thống ở nông thôn thu hút lao động, đào tạo nghề tại chỗ, tạo điều kiện để con thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ tham gia làm việc, tạo thu nhập.

+ Cùng với chủ trương giao đất rừng, khuyến khích và tạo điều kiện để những người có khả năng, có điều kiện nhận đất, nhận rừng để trồng rừng, làm lâm nghiệp...

+ Quỹ giải quyết việc làm các cấp dành nguồn ngân sách hỗ trợ cho người có công được vay vốn để tạo việc làm, mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Một phần của tài liệu LUẬN văn nâng cao đời sống kinh tế người có công ở tỉnh quảng nam (Trang 53 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)