Tình hình thực hiện các chính sách nâng cao đời sống kinh tế người có công

Một phần của tài liệu LUẬN văn nâng cao đời sống kinh tế người có công ở tỉnh quảng nam (Trang 43 - 49)

Như đã trình bày trên đây, Quảng Nam là địa bàn ác liệt trong các cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ, số người chịu hậu quả của chiến tranh rất lớn. Toàn tỉnh, hiện nay có trên gần 9 vạn gia đình với trên 294 ngàn người có công. Vì vậy, cùng với việc tổ chức thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, việc thực hiện chính sách đối với người có công được xác định là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội. Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách đối với người có công tuy còn có những khó khăn, hạn chế nhất định nhưng cũng đã đạt được những kết quả khá tốt, góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh - chính trị trên địa bàn tỉnh:

- Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công: Cùng với việc giải quyết tồn đọng sau chiến tranh về công tác xác nhận người có công được tổ chức tốt đã cơ bản hoàn thành công tác xác nhận đối với người tham gia kháng chiến, hoạt động cách mạng hy sinh, bị thương, bị địch bắt tù, cán bộ thuộc diện “Tiền khởi

nghĩa”; việc triển khai thực hiện các chế độ chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công được quan tâm chỉ đạo thực hiện đúng đối tượng, đúng chế độ, đảm bảo kịp thời, tận tay người hưởng, hàng năm nguồn trợ cấp rất lớn và không ngừng tăng cả quy mô đối tượng, cả về tổng nguồn, chỉ tính riêng từ 10 năm trở lại đây, nguồn chi trợ cấp ưu đãi đã tăng gấp 4 lần, nếu từ năm 1996, tổng số người thụ hưởng (trợ cấp hàng tháng) là hơn 3 vạn người, tổng kinh phí chi trả là 92 tỷ đông thì đến cuối năm 2005 là 56 ngàn người hưởng thụ (trợ cấp hàng tháng) với tổng nguồn chi trợ cấp là 366 tỷ đồng. [ 21, tr.6 ]

Người có công đa phần sức khoẻ yếu, kém vì vậy việc thực hiện chế độ độ bảo hiểm y tế, điều trị, điều dưỡng, chăm sóc nâng cao sức khoẻ người có công được quan tâm; cùng với trợ cấp của ngân sách nhà nước, đã huy động được sự tham gia của các tổ chức kinh tế xã hội vào việc chăm sóc sức khoẻ người có công, góp phần cải thiện đời sống tinh thần những năm tháng cuối đời, hàng năm đã chi trên 5 tỷ đồng cho công tác điều trị điều dưỡng, phục hồi chức năng đối với người có công.

Thực hiện ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, con liệt sỹ, con thương bệnh binh, người có công trong việc học tập ở các trường trong và ngoài công lập tạo điều kiện để thương bệnh binh và con em của họ nâng cao trình độ học vấn và chuyên môn có điều kiện, cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống.

- Tổ chức thực hiện các chương trình chăm sóc người có công: cùng với việc thực hiện các chế độ ưu đãi của nhà nước, các chương trình chăm sóc thương bệnh, binh được quan tâm thích đáng và từng bước được xã hội hoá với nhiều phong trào sâu rộng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, như “áo lụa tặng bà’ “Đi tìm địa chỉ đỏ”, “áo ấm tặng bà”v.v..., nhất là trong hưởng ứng phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc bố mẹ liệt sỹ, già yếu nêo đơn, nhận đỡ đầu con thương binh, bệnh binh, đã có những tác động sâu sắc đến tâm tư tình cảm người có công, góp phần cùng với nhà nước chăm sóc người có công thể hiện sâu sắc đạo lý truyền thống của dân tộc “Uống ước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”.

- Huy động sự đóng góp tự nguyện theo trách nhiệm và tình cảm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước để cùng nhà nước chăm sóc người có công, đã thành lập và vận động ủng hộ xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở các cấp huy động nguồn để tu bổ, xây dựng các công trình đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với gia đình có công, thăm hỏi, hỗ trợ người có công, hoặc thân nhân của họ khi khó khăn,

ốm đau, hỗ trợ các địa phương có nhiều đối tượng chính sách... Chỉ tính riêng trong 10 năm trở lại đây (1997 đến 2006) cả tỉnh đã vận động được gần 26 tỷ đồng để góp phần tổ chức thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực thực hiện chính sách đối với người có công. Đồng thời với việc vận đông xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, việc vận động tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cũng được các ngành, địa phương hưởng ứng và thu được nhiều kết quả, đến nay toàn tỉnh đã huy động và tặng trên 10 ngàn sổ tiết kiệm tình nghĩa, bình quân mỗi sổ trị giá 300 ngàn đồng với số tiền trên 3 tỷ đồng, tặng những gia đình chính sách tiêu biểu hoặc khó khăn trong cuộc sống [20, tr.2].

- Tổ chức tốt phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc bố mẹ liệt sỹ, đỡ đầu con liệt sỹ, thương binh, bệnh binh.

Là tỉnh có số lượng Bà mẹ Việt nam anh hùng nhiều nhất nước (có gần 7000 mẹ, chiếm hơn 1/7 cả nước). Tỉnh đã cụ thể hoá cuộc vận động phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng của Nhà nước, phát động đến các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các lực lượng vũ trang trong và ngoài tỉnh. Với tinh thần trách nhiệm, thể hiện tình cảm sâu sắc đối với các anh hùng liệt sỹ, đến những bà mẹ đã hy sinh cống hiến những người con thân yêu của mình cho sự nghiệp của dân tộc, hưởng ứng cuộc vận động phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, đến nay đã có trên 700 đơn vị trong và ngoài tỉnh, trên phạm vi cả nước nhận phụng dưỡng 100% các mẹ còn sống đến cuối đời (hiện còn sống trên 800 mẹ, mức phụng dưỡng thấp nhất là 200 ngàn đồng, cao nhất là 500 ngàn đồng/tháng). Các đơn vị phụng dưỡng, không chỉ phụng dưỡng qua hỗ trợ kinh phí, mà còn thường xuyên quan tâm chăm sóc, động viên kịp thời về mặt tinh thần, lúc ốm đau, khi lễ tết...

Cùng với phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, việc chăm sóc bố mẹ liệt sỹ, đỡ đầu con thương binh, bệnh binh, cũng được các địa phương, các ngành, đoàn thể quan tâm, đặc biệt, có hàng ngàn hội viên Hội liên hiệp phụ nữ, đoàn viên thanh niên đã nhận làm “Người dâu hiếu thảo” “Dâu hiền- Rể thảo” thường xuyên chăm sóc, nhận phụ giúp công việc hàng ngày cho các mẹ; nhiều tổ chức, doanh nghiệp nhận đỡ đầu, cấp học bổng cho con thương binh theo học tại các trường đại học, các cơ sở dạy nghề...

- Thực hiện đưa thương binh về sống và chăm sóc ở gia đình, hoà nhập với cộng đồng, tỉnh Quảng Nam đã đưa trên 600 thương binh nặng đang chăm sóc ở các Trung tâm an dưỡng, điều dưỡng, điều trị tập trung về sống và an dưỡng tại gia đình (chiếm trên 97%). Hầu hết, thương binh, bệnh binh về gia đình được chính quyền, cộng đồng và gia đình chăm sóc, giúp đỡ tận tình, tạo điều kiện về đất ở, nhà ở, đất sản xuất và điều kiện làm dịch vụ

nhờ vậy cuộc sống của hầu hết thương binh, bệnh binh thuộc đối tượng nầy đã có cải thiện đáng kể và ổn định, nhiều gia đình thương bệnh binh có thu nhập cao (từ 50 đến 100 triệu đồng/năm)

- Chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở người có công được nhà nước và cộng đồng xã hội quan tâm và thu được nhiều kết quả, góp phần ổn định cuộc sống người có công trên địa bàn tỉnh. Là một tỉnh điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiên tai luôn gây ra những thiệt hại nặng nề làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân cư nói chung, người có công nói riêng, trong đó, nhà ở của người có công bị ảnh hưởng rất lớn Theo khảo sát tại thời điểm 1997, hầu hết đối tượng có công của tỉnh có khó khăn về nhà ở, trong đó có trên 23 ngàn hộ thương binh, bệnh binh, người có công cách mạng có khó khăn đặc biệt về nhà ở. Vì vậy, hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vừa bức thiết trước mắt vừa lâu dài, cần có sự đầu tư chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể và của toàn xã hội.

Thực hiện phương châm, nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, người có công và gia đình đóng góp, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng thành một chương trình hành động cụ thể huy động sự đóng góp của các tổ chức kinh tế, các đơn vị trong và ngoài tỉnh, con em Quảng Nam sinh sống trên mọi miền của đất nước, sự đóng góp của tộc họ gia đình và bản thân đối tượng, đến nay đã hỗ trợ cho gần 16 ngàn hộ người có công cải thiện nhà ở (trong đó, xây mới trên 11 ngàn nhà, sưả chữa trên 4 ngàn nhà). Tuy nhiên, do số lượng rất lớn, nguồn kinh phí có hạn và thường xuyên bị ảnh hưởng xấu của thiên tai, tác động của thời gian, cải thiện nhà ở cho người có công cách mạng đã và đang đặt ra nhiều nội dung mới và tổ chức thực hiện chương trình nầy còn tiếp tục trong nhiều năm tới.

- Tổ chức sản xuất, tạo việc làm, thu nhập góp phần nâng cao đời sống người có công. Theo thống kê hơn 70% người có công sống ở nông thôn, tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp, thực hiện chính sách, người có công được quan tâm giao đất, nhận đất ở những nơi vị trí thuận lợi, đất có độ phì tốt, dễ sản xuất để sản xuất nông nghiệp; đối với hộ tham gia dịch vụ được tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm, mặt bằng. Thương binh, bệnh binh có điều kiện tập hợp lại thành tổ chức kinh tế, nhà nước hỗ trợ về cơ chế, chính sách, thực hiện miễn giảm thuế để tham gia sản xuất... Nhờ vậy, tuy còn nhiều khó khăn, song với tinh thần, tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên hầu hết thương binh, gia đình liệt sỹ đã từng bước khắc phục những khó khăn dần dần ổn định cuộc sống.

- Thực hiện tốt công tác mộ - nghĩa trang liệt sỹ: cùng với việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công còn sống; việc chăm lo phần mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ được xác định là nhiệm vụ đặc biệt, thể hiện sự tri ân đối với nhũng người đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của đất nước. Với trách nhiệm đó, trong hơn 31 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức tìm kiếm quy tập vào trong 129 nghĩa trang liệt sỹ trên 60 ngàn mộ liệt sỹ là con em của Quảng Nam và những người con ưu tú của gần 50 tỉnh thành đến chiến đấu trên mảnh đất Quảng Nam kiên cường này, ngoài ra còn trên 14 ngàn mộ liệt sỹ đã được gia đình tự nguyện nhận bảo quản ở nghĩa trang gia tộc. Với phương châm nhà nước nhân dân cùng làm, xã hội hoá công tác mộ nghiã trang liệt sỹ, đến nay đã huy động trên hàng trăm tỷ đồng để đầu tư xây dựng hàng trăm nhà bia ghi tên liệt sỹ, tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, nâng cấp tôn tạo để nghĩa trang liệt sỹ thể hiện là công trình lịch sử - chính trị - văn hoá, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách đối với người có công vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Tuy đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác xác nhận đối tượng người có công trong các cuộc kháng chiến còn tồn sót nhưng vẫn còn có những trường hợp chưa được giải quyết (trong khi Chính phủ kết thúc công tác xác nhận), việc giải quyết chế độ đối với người có công, nhất là các chế độ trợ cấp một lần đối với người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân chương, huy chương còn chậm. Công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ, mới thực hiện được yêu cầu xuống cấp, chưa đảm bảo được yêu cầu bền, đẹp; nhiều xã, huyện mới được chia tách không có nghĩa trang liệt sỹ nhưng chưa xây dựng được nhà bia ghi tên liệt sỹ để làm nơi tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ; đối tượng chính sách khó khăn đặc biệt về nhà ở chưa được hỗ trợ còn lớn (còn trên 5000 trường hợp). Đời sống của một bộ phận không nhỏ người có công còn nhiều khó khăn, người có công thuộc hộ nghèo vẫn còn cao (trên 3,31% theo chuẩn nghèo mới của Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội quy định); công tác quản lý đối tượng, quản lý tài chính ưu đãi có nơi chưa chặt chẽ... Thực trạng tình hình đó đã và đang đặt nhiều yêu cầu bức thiết đối với các cấp uỷ, chính quyền trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, nhằm góp phần nâng cao đời sống kinh tế đối với người có công trong thời gian tới .

Chương 3

Phương hướng và giải pháp chủ yếu

nhằm nâng cao đời sống kinh tế đối với người có công ở tỉnh quảng nam

Một phần của tài liệu LUẬN văn nâng cao đời sống kinh tế người có công ở tỉnh quảng nam (Trang 43 - 49)