Đảm bảo nguồn kinh phí để trả lương cho đội ngũ giảng viên đại học

Một phần của tài liệu LUẬN văn tiền lương của đội ngũ giảng viên đại học ở nước ta hiện nay (Trang 63 - 66)

Để có nguồn tài chính trả lương đủ đảm bảo tái sản xuất sức lao động của đội ngũ

cán bộ, công chức, viên chức nhà nước ở nước ta hiện nay, phải thực hiện các biện pháp sau đây:

Một là, điều chỉnh cơ cấu đầu tư từ ngân sách nhà nước. Nhà nước trheo hướng rút bớt các công trình “ trọng điểm tràn lan” hiện nay của Trung ương và địa phương, giành kinh phí để trả lương. Ngay cả một số công trình thuộc kết cấu hạ tầng như: điện, đường, cầu, trường, khu đô thị...ở đâu thu được phí thì để cho tư nhân đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư khai thác chuyển giao). Một thời gian khá dài NSNN đã quá chú ý vào đầu tư xây dựng doanh nghiệp và coi đó là công trình trọng điểm. Chính vì thế mà mỗi lần dự định điều chỉnh lương tối thiểu thì Bộ tài chính đặt câu hỏi nguồn đâu. Không còn nguồn trả lương cho nên tình trạng tiền lương quá thấp ở nước ta kéo dài.

Hai là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn tình trạng lãng phí, thất thoát tham nhũng các khoản chi NSNN.

Con số lãng phí, thất thoát, tham nhũng từ các khoản chi NSNN hàng năm là bao nhiêu thì chưa có tài liệu nào công bố. Nhưng theo Bộ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư trả lời

chất vấn trước đại biểu Quốc hội năm 2005. Số thất thoát không quá 20% tổng số chi. Nếu vậy thì năm 2005 theo con số dự toán sẽ lãng phí thất thoát là (229.750tỷ x 20%) = 45950 tỷ bằng xấp xỉ 45% tổng số chi thường xuyên (45950: 101280 tỷ). Năm 2006 là 58.880 tỷ (294.400 tỷ x 20%) bằng 45% tổng số chi thường xuyên (58.880: 131.473 tỷ).

Những con số này cho thấy, nếu như cộng 45% thất thoát của tổng số chi vào NSNN để tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức thì sẽ nâng cao được mức lương cho họ, giúp đội ngũ cán bộ này yên tâm công tác và tận tâm với nghề. Trong khi đó, năm 2004, khi thực hiện chế độ tiền lương tối thiểu tăng từ 210.000 đồng / tháng lên 290.000 đồng/ tháng, quỹ tiền lương tăng thêm 7.000 tỷ đồng. Năm 2005, quỹ lương tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng. Nếu tháng 10 năm 2006, dự tính tăng tiền lương tối thiểu từ 350.000đ/ tháng lên 450.000đ/ tháng thì cả năm 2007 Nhà nước cũng chỉ tăng thêm 27.000 tỷ để trả lương. Như vậy, nếu Nhà nước chống được thất thoát, lãng phí và tham nhũng thì năm 2006 nguồn này cũng đủ để đưa lương tối thiểu lên 600.000 đồng/ tháng.

Ba là, thực hiện xã hội hoá giáo dục.

Hiện nay, để tạo nguồn kinh phí chi trả lương cho đội ngũ cán bộ giảng dạy, các nhà nghiên cứu thường nói đến vấn đề xã hội hoá giáo dục. Xã hội hoá giáo dục, là một xu hướng phát triển hiện nay ở nước ta. Bản chất của xã hội hoá giáo dục là sự tham gia của xã hội vào giáo dục trên cả hai mặt tiếp nhận giáo dục và đóng góp vào sự phát triển giáo dục. Xã hội hoá giáo dục chính là công cụ để tăng cơ hội tiếp cận với giáo dục cho mọi người, đóng góp cùng với chi ngân sách nhà nước để đầu tư mạnh vào giáo dục và thúc đẩy tiến trình tiến tới một xã hội học tập.

Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá VIII) đã chỉ rõ: Xã hội hoá công tác giáo dục là: “huy động toàn xã hội làm giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân góp sức xây dựng nền giáo dục quốc dân dưới sự quản lý của nhà nước” [11].

Xã hội hoá giáo dục gắn với sự đóng góp của toàn xã hội cùng với chi ngân sách nhà nước nhằm phát triển giáo dục. ở các trường đại học công lập hiện nay, xã hội hoá giáo dục mới chỉ được hiểu là các sinh viên học đại học phải đóng học phí. Thu học phí giúp thực hiện trả lương cho các nhà giáo theo khả năng thu của từng trường. Điều này đã làm cho các trường tìm cách mở rộng các hệ đào tạo, loại hình đào tạo và quy mô đào tạo.

Việc thu học phí của sinh viên trong các trường công lập là cần thiết, song huy động ở mức độ nào là tuỳ thuộc vào khả năng cân đối NSNN và khả năng đóng góp của các tầng lớp nhân dân.

Để khắc phục tình trạng tự phát tăng số lượng sinh viên ở các trường và chạy theo số lượng giờ giảng của giảng viên, đảm bảo cân đối trong việc thực hiện nhiệm vụ của người giảng viên: giảng dạy, học tập bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Nhà nước phải tính đúng giá trị sức lao động của đội ngũ giảng viên giảng dạy ở các cấp bậc khác nhau, các loại phụ cấp phù hợp, từ đó xác định tổng quỹ lương cho đội ngũ giảng viên ở các trường đại học công lập. Đối chiếu với khả năng chi trả lương của NSNN được bao nhiêu, thiếu bao nhiêu thì huy động qua học phí. Số thu học phí của các trường phải nộp vào NSNN qua kho bạc nhà nước, chấm dứt tình trạng trường nào thu được nhiều thì chi nhiều như hiện nay.

Về quan hệ giữa nhà nước và nhân dân đóng góp cho giáo dục. Theo ông Vũ Quốc Việt -Tiến sĩ kinh tế, chuyên viên cao cấp về thống kê của Liên Hợp Quốc đã từng làm cố vấn kỹ thuật về tài khoản quốc gia ở Việt Nam trong nhiều năm, đã đưa ra các con số phân tích về chi tiêu cho giáo dục ở Việt Nam [46].

Theo ông Việt, chi tiêu cho giáo dục ở Việt Nam năm 2005 chiếm 8,3% GDP trong khi đó ở Mỹchiếm 7,2%GDP. Người dân của các nước tư bản phát triển cao phải chi trả 20% cho giáo dục, người dân Việt Nam phải trả tới 40% cho giáo dục, phần còn lại Nhà nước chi trả. Do quản lý giáo dục bất hợp lý, trường phải dạy thêm, trò phải học thêm nên so với lương chính thức năm 2004 của giáo viên tính bình quân chỉ có 14 triệu đồng; thu nhập thật gồm lương chính thức và phụ thu bình quân một giáo viên có thể đạt ít nhất là 31 triệu đồng, tức gấp hơn 2 lần lương chính thức [46]. Vấn đề là giáo viên không nhận được thu nhập như thế, mặc dù thu nhập nhận được cao hơn lương chính thức. Vậy phần nầy rơi vãi nơi đâu? Phải chăng nếu quản lý giáo dục tốt, giảm bớt đi những bộ phận quản lý không cần thiết, chống lãng phí, sẽ giúp cho đời sống của các giáo viên được cải thiện hơn nhiều.

Qua ý kiến trên, chúng tôi thấy nổi lên hai vấn đề cần quan tâm đó là:

Thứ nhất, cùng với đà tăng trưởng kinh tế, tăng thu NSNN, nhà nước cần tăng tỷ trọng chi NSNN cho giáo dục đào tạo ở nước ta.

Thứ hai, tăng cường quản lý nhà nước ngành giáo dục đào tạo, trong đó cần quan tâm kiểm tra, giám sát việc thu nộp các khoản đóng góp của dân để sử dụng đúng mục đích và trả lương đúng cho đội ngũ giảng viên, đảm bảo sự bình đẳng về thu nhập giữa đội ngũ giảng viên ở các trường có thu học phí với giảng viên ở các truờng không thu học phí.

Một phần của tài liệu LUẬN văn tiền lương của đội ngũ giảng viên đại học ở nước ta hiện nay (Trang 63 - 66)