Tính đúng tính đủ giá trị sức lao động cho đội ngũ giảng viên đại học

Một phần của tài liệu LUẬN văn tiền lương của đội ngũ giảng viên đại học ở nước ta hiện nay (Trang 61 - 63)

Muốn thực hiện được giải pháp này, trước hết cần thừa nhận sự tồn tại khách quan của phạm trù hàng hoá sức lao động trong đánh giá và trả công lao động cho đội ngũ giảng viên đại học. Sức lao động của đội ngũ giảng viên đại học cũng là hàng hoá do đó tiền lương là hình thức biểu hiện bằng tiền của giá trị sức lao động. Tiền lương phải đảm bảo tái sản xuất sức lao động của đội ngũ giảng viên có trình độ khác nhau. Tiền lương phải là khoản thu nhập chính của người giáo viên giảng dạy đại học, vì vậy tiền lương phải gắn với chất lượng và số lượng lao động, gắn với những cống hiến mà người giảng viên đã đóng góp cho giáo dục.

Tính đúng, tính đủ giá trị sức lao động của đội ngũ giảng viên đại học có nghĩa là tiền lương mà đội ngũ giảng viên đại học được hưởng phải đảm bảo tái sản xuất sức lao động, đảm bảo cho người giảng viên đủ sống, nâng cao trình độ chuyên môn, tiền lương phải thực sự là bộ phận thu nhập chủ yếu của người giảng viên, phải gắn tiền lương với công việc, trách nhiệm và kết quả lao động của họ. Ngoài ra, tiền lương cần phải được tiền tệ hoá một cách triệt để, phải tính đúng, đủ giá trị về nhà cửa, điện, nước…, xoá bỏ hẳn các khoản bao cấp trong phân phối. Việc xác định tiền lương của đội ngũ giảng viên theo giá trị sức lao động cần đảm bảo yêu cầu:

Tiền lương phải đảm bảo tái sản xuất sức lao động của đội ngũ giảng viên đại học. Tiền lương trả theo giá trị sức lao động phải thể hiện ở trình độ học vấn, tính chất lao động phức tạp của đội ngũ giảng viên. Tiền lương mà đội ngũ giáo viên đại học được hưởng phải đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về ăn, ở, mặc, đi lại, chữa bệnh, học hành, sinh hoạt văn hoá, giao tiếp xã hội và một phần nuôi con. Đặc biệt, đối với những lao động phức tạp đặc thù như lao động của đội ngũ giảng viên đại học thì chi phí cho việc học tập để nâng cao trình độ là vô cùng cần thiết. Những chi phí loại này bao gồm:

+ Chi phí học tập nâng cao trình độ chuyên môn để tiến kịp với sự phát triển khoa học công nghệ hiện đại của thế giới.

+ Chi phí phương tiện thu thập thông tin - các loại sách, báo, tạp chí phục vụ chuyên môn, máy vi tính, phương tiện thí nghiệm thực nghiệm trong nghiên cứu.

+ Chi phí thời gian xử lý thông tin phục vụ nghiên cứu khoa học và giảng dạy.

+ Chi phí học tập bồi dưỡng nâng cao phương pháp, kỹ năng kỹ xảo trong giảng dạy. Do đó khi tính giá sức lao động cho đội ngũ giảng viên cần quan tâm đến đặc thù này.

Để tiền lương của đội ngũ giảng viên đảm bảo tái sản xuất sức lao động, trước hết phải tính đúng và trả đủ mức tiền lương tối thiểu chung trong nền kinh tế. Hiện nay, theo chúng tôi cần nâng cao hơn nữa mức tiền lương tối thiểu chung. Mức lương tối thiểu chung của đề án cải cách tiền lương ở nước ta được xác định dựa trên cách tiếp cận từ điều tra tiền công, tiền lương trên thị trường là chủ yếu chứ chưa đưa ra được cách tiép cận từ mức sống tối thiểu theo nhu cầu của con người. Do vậy, việc xác định mức lương tối thiểu thường không chính xác vì ở nước ta hiện nay, mức cung về sức lao động giản đơn luôn luôn lớn hơn mức cầu về sức lao động giản đơn tạo ra xu hướng hạ thấp tiền lương của người lao động dưới giá trị sức lao động, và như vậy người lao động sẽ bị thiệt thòi khi mức lương tối thiểu quá thấp. Việc xác định lương cho đội ngũ giảng viên đại học cũng xuất phát từ mức lương tối thiểu chung nên nhìn chung còn thấp. Ta biết, lao động của đội ngũ giảng viên là lao động phức tạp, mà lao động phức tạp là bội số của lao động giản đơn., cho nên giá trị sức lao động của đội ngũ giảng viên được trả cao hơn nhiều lần giá trị sức lao động của lao động giản đơn, trình độ của lực lượng sản xuất càng cao thì bội số này càng phải lớn. Nếu ở mức lương tối thiểu là 350.000 đồng/ tháng năm 2005 thì một giảng viên cao cấp - Giáo sư ở bậc lương cao nhất (bậc 6) của ngạch này cũng chỉ được trả lương 2.800.000 đồng/ tháng, trong khi một lao động có trình độ đại học làm việc tại một công ty liên doanh hiện nay đã có mức lương 4 tới 5 triệu đồng/ tháng.Tiền lương không đảm bảo yêu cầu tối thiểu thì chính sách tiền lương sẽ là nguyên nhân làm nảy sinh hàng loạt các vấn đề khác nhau ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học; dẫn đến các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục.Hiện nay, thu nhập từ lương của đội ngũ giảng viên chỉ chiếm dưới 50% tổng thu nhập của họ [33, tr.5-7], như vậy tiền lương chưa là phần thu nhập chủ yếu của đội ngũ giảng viên. Giáo sư Hoàng Tụy nhận xét:

Tình hình thực tế như mọi người đều biết là ai cũng kêu lương thấp, nhưng ai cũng sống đàng hoàng. Vậy mục tiêu cần đặt ra đâu phải là nâng lương để ai cũng sống bằng lương, mà lẽ ra phải giải quyết theo hướng tích cực cái nghịch lý trên, bằng cách điều chỉnh sự phân phối để cho tiền lương là nguồn thu nhập chủ yếu. Vì đặt sai mục tiêu nên vấp ngay khó khăn là không đủ ngân sách để thực hiện. Mục tiêu đúng đắn của cải cách tiền lương là phải quy hết mọi thu nhập, bổng lộc vào lương và lập lại trật tự kỷ cương trong việc sử dụng công quỹ [43, tr. 43-44].

Xác định đúng giá trị sức lao động tối thiểu(hiện nay theo chúng tôi phải trả trên 600.000 đ/ tháng) và tìm mọi cách khả thi để giải quyết. Nếu không thì hàng chục năm nữa chưa nâng được tiền lương phù hợp với giá trị sức lao động và ngày càng xa rời mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 6 khoá IX đề ra: “Thực hiện cải cách cơ bản chế độ tiền lương là chính sách đầu tư cho con người, phát triển kinh tế- xã hội và là một giải pháp hạn chế cơ bản những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ” [12, tr.60].

Một phần của tài liệu LUẬN văn tiền lương của đội ngũ giảng viên đại học ở nước ta hiện nay (Trang 61 - 63)