Chính sách tiềnlương đối với đội ngũ giảng viên đại học

Một phần của tài liệu LUẬN văn tiền lương của đội ngũ giảng viên đại học ở nước ta hiện nay (Trang 45 - 49)

Theo Pháp lệnh cán bộ, công chức: nhà giáo trong đó có đội ngũ giảng viên đại học

nói riêng cũng là cán bộ công chức thuộc khối hành chính sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại Nghị định 25/CP ngày23/ 05/ 1993 của Chính phủ. Do vậy, tiền lương của đội ngũ giảng viên đại học cũng chịu ảnh hưởng chung trực tiếp của chính sách tiền lương nhà nước như đã nêu trên. Ngoài ra, riêng đối với ngành Giáo dục - Đào tạo và giảng viên đại học được chi tiết và cụ thể hoá thêm ở một số điểm sau:

Trước hết phải khẳng định tiền lương đặc biệt là phụ cấp của giáo viên trong những năm gần đây được Đảng và Chính phủ quan tâm ban hành những chính sách tạo thuận lợi cho giáo viên, thể hiện ở những điểm sau đây:

Một là, việc chuyển xếp lương mới theo Nghị định 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ đã có ưu tiên đối với ngành Giáo dục- Đào tạo. Đó là: Thông tư số 26/LĐTBXH-TT ngày 13/9/1993 của Bộ lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn sửa đổi bổ sung để giáo viên nói chung và giáo viên đại học nói riêng về cơ bản được xếp cao hơn một bậc lương so với công chức ngành kỹ thuật có cùng trình độ đào tạo, nhằm đảm bảo tương quan tiền lương vốn có của giáo viên tại Nghị định 235/HĐBT ngày 18/4/1985 của Hội đồng Bộ trưởng.

Hai là, Chính phủ đã có những chế độ phụ cấp thể hiện rõ sự quan tâm ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với giáo viên nói chung và giáo viên công tác ở những nơi khó khăn nói riêng. Đó là: Quyết định 779/TTg ngày 1/12/1995 qui định phụ cấp ưu đãi 20% lương cho giáo viên và nay được thay thế bằng Quyết định 973/1997/QĐ - TTg ngày 17/11/1997 với mức phụ cấp từ 30% đến 70% tuỳ theo cấp học và vùng miền khác nhau.

Mức phụ cấp 30%lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và trợ cấp chức vụ (nếu có) áp dụng đối với các giảng viên giảng dạy đại học học (trừ giảng viên thuộc các trường sư phạm).

Mức phụ cấp 50% lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp chức vụ (nếu có) áp dụng đối với giảng viên giảng dạy tại các trường sư phạm. Nhưng theo quy định mới thì tất cả các giảng viên của trường sư phạm hiện nay, mức phụ cấp mà họ được hưởng là 40%. Riêng với các giảng viên giảng dạy Mác- Lênin và tư tưởng Hồ CHí Minh tại các trường đại học trước đây ngoài mức phụ cấp được hưởng như các giảng viên giảng dạy đại học khác, họ còn được hưởng thêm khoản phụ cấp cho giảng viên Mác-Lênin là 25%. Đến nay khoản phụ cấp này đã bỏ nhưng các giảng viên giảng dạy Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn được hưởng mức phụ cấp cao hơn các giảng viên giảng dạy khác 5% tức mức phụ cấp của các giảng viên Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là 45%(nếu họ giảng dạy tại các trường sư phạm) Như vậy, với các mức phụ cấp khác nhau, tuỳ thuộc vào các điều kiện lao động khác nhau đã phần nào cho thấy sự công bằng trong quá trình phân phối và do đó sẽ tạo động lực để khuyến khích người giáo viên hăng say với nghề và cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”nhiều hơn.

Ba là, năm 2001, Chính phủ lại có Nghị định số 35/2001/NĐ-CP ngày 9/7/2001 qui định về chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đang công tác ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo Nghị định 35/2001/NĐ-CP, giáo viên có đủ điều kiện, tiêu chuẩn được hưởng 11 chính sách ưu đãi như: (1)Trợ cấp tham quan học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ,(2) Phụ cấp ưu đãi từ 50%-70% lương, (3) Phụ cấp trách nhiệm, (4)Phụ cấp thu hút bằng 70%lương trong 5 năm đầu, (5) Trợ cấp về luân chuyển, chuyển vùng; (6) Trợ cấp lần đầu khi đến vùng khó khăn, (7) Phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; (8) Phụ cấp lưu động, (9) Phụ cấp dạy tiếng và chữ viết dân tộc ít người, (10)Chế độ trợ cấp tự học tiếng dân tộc ít người; (11) Chế độ khen thưởng.

Bốn là, lương của các giảng viên giảng dạy ở đại học (gọi chung là viên chức) được chia ra thành các ngạch riêng biệt ứng với một nội dung chuyên môn và trình độ nhất định. Cụ thể, lương của các giảng viên đại học được chia làm 3 loại ngạch khác nhau: giảng viên, giảng viên chính và giảng viên cao cấp. Trong mỗi ngạch có một hệ số mức lương khởi điểm (bậc1) thể hiện mức độ phức tạp, điều kiện lao động của ngạch đó. Chẳng hạn, với ngạch giảng viên theo Nghị định 25/CP ngày 23/5/1993, hệ số lương khởi điểm là 1,92; ngạch giảng viên chính hệ số lương khởi điểm là 3,35; ngạch giảng viên cao cấp lương

khởi điểm là 4,92. Sau bậc khởi điểm là các bậc lương thâm niên. Ngạch trình độ thấp có số bậc nhiều hơn ngạch yêu cầu trình độ cao. Ví dụ, ngạch giảng viên là có 9 bậc và 1 bậc phụ cấp thâm niên vượt khung 5%(mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch); ngạch giảng viên chính có 8 bậc và 1 bậc phụ cấp thâm niên VK5%; ngạch giảng viên cao cấp có 6 bậc và 1 bậc phụ cấp thâm niên VK 5%. Đối với đội ngũ giảng viên đại học nói chung (từ giảng viên đến giảng viên cao cấp), thời gian tính nâng bậc lương là 36 tháng. Những người mới được tuyển dụng phải trải qua thời gian tập sự, trong thời gian tập sự hưởng 85% mức lương, và hết thời gian tập sự mới được tính làm thời điểm để nâng lương cho lần sau. Với những giảng viên vừa giảng dạy vừa giữ chức vụ lãnh đạo đơn vị thì được hưởng lương chuyên môn cộng với phụ cấp chức vụ.

Thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với ngành Giáo dục- Đào tạo, ngày 15/6/2004. Ban Bí thư có chỉ thị số 4 - CT/TW về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, trong đó cũng xác định đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là đội ngũ cán bộ đông đảo nhất, có vai trò quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp nâng cao dân trí, xây dựng con người mới, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Nhà nước ta tôn vinh nhà giáo, coi trọng nghề dạy học. Chỉ thị cũng yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng chỉ đạo thực hiện tốt 6 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ" xây dựng và hoàn thiện một số chính sách, chế độ đối với đội ngũ nhà giáo", với nội dung cơ bản sau:

- Có chế độ phụ cấp ưu đãi thích hợp với nhà giáo...

- Có chính sách và quy định cụ thể thu hút các trí thức, cán bộ khoa học có trình độ cao của các cơ sở nghiên cứu khoa học trong nước và các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học quốc tế tham gia giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng.

Ngày 14/12/2004, Nghị định của Chính phủ số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, và lực lượng vũ trang. Theo Nghị định này, chế độ nâng bậc lương cho cán bộ công chức, viên chức nói chung và các giảng viên đại học nói riêng đã thể hiện rõ. Cụ thể: hệ số lương khởi điểm của ngạch giảng viên trước đây là 1,92 thì theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP là 2,34; hệ số lương khởi điểm của ngạch giảng viên chính trước đây là 3,35 thì nay là 4,40; hệ số lương khởi điểm của ngạch giảng viên cao cấp trước đây là 4,92 thì nay được điều chỉnh nâng bậc lương lên 6,20. Như vậy, Nghị định số 204/ 2004/NĐ-CP qui định bậc lương của các giảng viên đại học được nâng cao

hơn cùng với việc tăng mức tiền lương tối thiểu từ 290.000 đồng/ tháng (tháng 1/2003), tăng lên 350.000 đồng/ tháng (tháng 10/2005) đã phần nào giảm bớt khó khăn cho đời sống của đội ngũ giảng viên đại học.

Nhờ sự quan tâm và ưu tiên, ưu đãi như trên mà tiền lương của đội ngũ giáo viên nói chung đã tăng lên lớn hơn so với mặt bằng chung của khối hành chính sự nghiệp vào khoảng 1,5 lần.

Tuy nhiên, chỉ với chính sách tiền lương như hiện nay, thì không thể nói rằng các giảng viên đại học yên tâm hoàn toàn với nghề dạy học mà không cần kiếm việc làm thêm. Lương khởi điểm của đội ngũ giảng viên đại học được tính bằng 2,34 lần mức lương tối thiểu chung của xã hội. Do ngân sách nhà nước hạn hẹp và do số người hưởng lương từ ngân sách quá lớn lên lương khởi điểm của đội ngũ giảng viên lâm vào tình trạng chung là không được nâng lên kịp thời đáp ứng sự tăng lên của nhu cầu tối thiểu trong xã hội.

Lương tối thiểu thấp kéo theo tiền lương thực lĩnh thấp và tiền lương không đảm bảo tái sản xuất sức lao động. Theo điều tra của trường Đại học Kinh tế quốc dân năm 2003, nhu cầu và mức sống tối thiểu cho một lao động là 657.000 đồng/ tháng [41, tr.12-13, 17].

Với mức lương tối thiểu 350.000 đồng/ tháng như hiện nay đạt được 1/2 mức sống tối thiểu. Còn theo tính toán của Bộ lao động - Thương binh và xã hội năm 2003 thì nhu cầu tối thiểu là 400.000 tới 420.000 đồng/ tháng thì mức lương tối thiểu hiện nay vẫn chưa theo kịp. Nếu một sinh viên mới ra trường được vào ngạch giảng viên xếp hệ số lương 2,34 thì mỗi tháng chỉ nhận được 819.000 đồng; nếu trừ 3% bảo hiểm y tế và 5% bảo hiểm xã hội và một vài khoản đóng góp khác theo lương thì chỉ còn xấp xỉ 700.000 đồng/ tháng, đó là chưa tính người này chỉ được hưởng 85% lương trong thời gian tập sự 1 năm. Trong khi đó, trung bình một sinh viên phải trang trải từ 700.000 - 900.000 đồng/ tháng cho tiền ăn học trong 4 đến 5 năm. Đó là còn chưa nói tới đặc điểm đặc biệt của sức lao động của đội ngũ giảng viên đại học, việc tái sản xuất sức lao động của đội ngũ này phải lớn hơn so với tái sản xuất sức lao động ở các ngành nghề khác.

Với thực tế đó, chúng ta thấy mặc dù đã có sự điều chỉnh nhưng khoảng cách giữa chính sách lương hiện hành và nhu cầu tối thiểu của người lao động (trong đó có các thầy cô đang giảng dạy tại các giảng đường đại học trong cả nước) hiện nay còn chênh lệch khá xa, đây là vấn đề bức bách cần được giải quyết.

Thực trạng tiền lương nêu trên cùng với việc giao quyền tự chủ về quản lý tiền lương, thu nhập trong cho trường đại học như hiện nay, đã làm cho các trường đại học, các đơn vị đều cố gắng tạo nên những khoản thu nhập ngoài lương cho giáo viên của mình, bằng cách mở nhiều loại hình đào tạo khác nhau ở các tỉnh khác nhau, liên kết mở lớp đào tạo với các trường đại học khác..., thậm chí bố trí giảng viên làm trái nghề, trái chuyên môn như: quản lý các lớp tại chức, quản lý trung tâm đào tạo từ xa... Với những công việc làm thêm để có thêm thu nhập ngoài lương đã làm cho đội ngũ giảng viên hầu như không còn thời gian để tập trung chuyên môn giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Rất nhiều giảng viên thừa nhận rằng, họ tổ chức cuộc sống và sinh hoạt gia đình không phải nguồn thu nhập chính từ lương, mà bằng nhiều nguồn bổ sung khác.Trong bối cảnh hiện nay dù thu nhập từ nguồn bổ sung nào, trong đó chiếm một tỷ lệ không nhỏ chứa đựng các mặt trái tiêu cực mà tạo ra. Trong đó hành vi thấp nhất là tham ô giờ chế độ nhà nước để làm việc riêng, để đi dạy ở những nơi trả tiền giảng dạy cao hơn, thu nhập nhiều hơn; hoặc là thiếu nhiệt tình trong giảng dạy làm cho hiệu suất giảng dạy và chất lượng giảng dạy thấp, thậm trí còn gây nhũng nhiều với các sinh viên…Với các khoản thu nhập ngoài lương này Nhà nước không quản nổi, các trường đại học cũng không thể quản lý được nên điều dễ nhận thấy là nó gây bất công, bất hợp lý ngay trong chính đội ngũ giảng viên đại học này với nhau; giữa đội ngũ giảng viên đại học với các ngành nghề khác cùng trong khu vực hành chính sự nghiệp, cản trở việc thực hiện các bước tiếp theo của chính sách tiền lương, nhằm hướng tới việc người giảng viên sống bằng chính nghề nghiệp và công việc của mình.

Một phần của tài liệu LUẬN văn tiền lương của đội ngũ giảng viên đại học ở nước ta hiện nay (Trang 45 - 49)