5. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN
1.1.5. SỰ VẬN ĐỘNG CỦA CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ TẾ
Chặng đường sáng tác khá dài trên 60 năm và trên dưới 20 tập thơ, Tế Hanh đã thể hiện cuộc hành trình của cái tôi khá trung thực.
Mười bảy tuổi, Tế Hanh gia nhập phong trào Thơ mới, lúc này nhà thơ còn rất trẻ. Ông háo hức bước vào cuộc đời và vào làng thơ với trọn vẹn nhiệt tình của một chàng thanh niên mới lớn. Với bản chất giàu xúc cảm và cách nhìn đời trong trẻo đằm thắm, Tế Hanh đã cho ra đời tập thơ đầu tay Nghẹn ngào sau được bổ sung và đổi tên là Hoa niên, tập thơ được giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn cùng với Bức tranh quê của Anh Thơ. Trong những vần thơ đầu tay này, Tế Hanh viết về những gì gần gũi với cuộc sống của nhà thơ thuở hoa niên ấy: dòng sông, cánh buồm, con đường quê, cái sân ga và những rung động của một mối tình đầu chưa rõ nét. Nhiều sáng tác khá thành công của ông giai đoạn này: Quê hương, Lời con đường quê, Chiếc rổ may… trở thành những thi phẩm nổi bật của phong trào thơ Mới. Người đọc cảm nhận ở
Phong cách thơ Tế Hanh 40
Hoa niên một cái tôi cảm thông và yêu mến chân thành. Tế Hanh rất mực yêu cái làng quê chài lưới “Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”, ông thương mến những con người quê hương “làn da ngăm rám nắng – Cả thân hình nồng thở vị xa xăm”. Ông san sẻ lòng mình cùng muôn vàn nỗi ấm lạnh và khát khao được sống gắn bó chan hoà
“Tôi sống miên man tránh tẻ buồn Miệt mài hể hả đắm say luôn Tôi thâu tê tái trong da thịt
Hương đất hương đồng chẳng ngớt tuôn” (Lời con đường quê)
Thơ Tế Hanh phảng phất buồn, cái buồn bao trùm thơ ca thời đó nhưng dẫu có buồn thì cũng là một nét buồn thanh sạch đầy trang trải mến thương: “Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau: Có chi vương víu trong hơi máy Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau.”
(Những ngày nghỉ học)
Có thể nói, trong nguồn không thống nhất của thơ Tế Hanh trước Cách mạng, đây là mạch thơ trong trẻo, đằm thắm, biểu hiện một phần cái tôi của nhà thơ ở những bước khởi đầu thủa Hoa niên
Tuy nhiên trong chế độ cũ, chàng thi sĩ trẻ Tế Hanh cũng như một số thanh niên thành thị lúc đó cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, đi trong cuộc đời mà không thấy mình dính dáng gì đến cuộc đời. Thêm vào đó, khi Tế Hanh nhập làng thơ thì phong trào thơ Mới đã đi vào giai đoạn cuối và có xu thế thoái trào, Tế Hanh không khỏi chịu ảnh hưởng của xu thế chung đó. Những luồng gió tư sản phương Tây từ lãng mạn qua tượng trưng siêu thực thổi vào tâm hồn Tế Hanh khiến thơ ông càng sầu muộn bế tắc
Phong cách thơ Tế Hanh 41
Những năm 1942 -1944 trong thơ Tế Hanh đã xuất hiện mạch thơ khác, không còn chất hồn nhiên đằm thắm, gắn bó hiện thực như thuở Hoa niên. Những bài thơ của ông giai đoạn này mang nỗi buồn khá nặng nề, biểu hiện một cái tôi nhà thơ nhỏ nhoi, cô đơn và có phần bế tắc trước cuộc đời. Có thể thấy cách nhìn đời của Tế Hanh trong bài Trăng tàn tiêu biểu cho thế giới quan của tác giả
“Tàn tạ tâm hồn, hao gầy thân thể Sông buồn ta trôi vào bể cô đơn Và sau hết ta chỉ là ngấn lệ
Nằm rưng rưng trong mắt của đêm hờn”
Trăng lúc này chỉ còn làm bạn với “bãi tha ma” và rồi than thở cõi đời dâu bể “núi lở, sông mòn, hoa rơi, lá chết” và tâm trạng thì hoài nghi, buồn bã, chán chường
“Gió lãng mạn thổi qua buồn thế hệ Sóng thị thành tan rã cả lòng tin
Thuyết hoài nghi mờ xoá những kinh nguyền Buồn số kiếp đưa về cơn gió lạnh”
(Chùa)
Sau này, Tế Hanh đã có dịp nhìn lại cái tôi trong quãng đời cũ của mình: “Pho sách bịt bùng, cái tôi kín mít
Bầy chim yến sớm chiều thút thít
Giăng qua đời mờ mịt bóng hoàng hôn”
Cái tôi ấy đã phủ một sắc màu buồn đau bi quan trong thơ Tế Hanh những năm 1942 - 1945. May mắn cho Tế Hanh, khi nhà thơ mới chớm bắt vào những suy nghĩ có tính chất hư vô, siêu hình thì Cách mạng tháng Tám đến, kịp thời chỉ hướng cho ông cũng như cho nhiều nhà thơ khác. Tế Hanh đã có những chuyển đổi sâu sắc, căn bản trong thế giới cái tôi của mình.
Phong cách thơ Tế Hanh 42
Đối với Tế Hanh, quả là “cách mạng đã sinh thành ra hai số kiếp: một kiếp người và một kiếp thơ”. Từ đây, cái tôi cá nhân của nhà thơ đã có sự hoà nhập trong cái ta chung rộng lớn của cả cộng đồng. Cái tôi trữ tình trong thơ Tế Hanh có sự chuyển biến về chất, đó không còn là một cái tôi cô đơn kín mít mà là cái tôi công dân trong sự hoà nhập với cộng đồng. Đó là cái tôi hiện thực hướng vào dân tộc, hướng vào đại chúng, hướng vào những vấn đề của đời sống kháng chiến. Tuy nhiên bước chuyển biến ấy không diễn ra một cách trôi chảy nhẹ nhàng mà thực sự là một cuộc đấu tranh để đẩy lùi con người cũ
“Sang bờ tư tưởng ta lìa ta Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà”
Những năm đầu Cách mạng, thơ Tế Hanh chưa có những bài thật hay, hiệu quả nghệ thuật chưa cao. Nhưng những sáng tác ấy có ý nghĩa đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt của cái tôi trữ tình trong thơ Tế Hanh. Ta bắt gặp ở Hoa mùa thi và Nhân dân một lòng, cái tôi công dân được biểu hiện thông qua cái tôi hành động. Chủ thể nhà thơ xuất hiện trực tiếp thông qua phẩm chất cái tôi hành động. Chủ thể nhà thơ hầu như không xuất hiện trong trạng thái trầm tĩnh, trầm tư trữ tình mà như một người trong cuộc đang trực tiếp tham gia vào hoạt động kháng chiến. Gắn liền với cái tôi hành động là cái tôi cảm quan hiện thực mới. Nếu như ở thơ Tế Hanh trước Cách mạng và một phần Hoa mùa thi, tâm thế hướng nội tự biểu hiện là tâm thế chủ đạo thì ở tập Nhân dân một lòng, tâm thế hướng ngoại và cái nhìn hướng ngoại đã trở thành phương thức trữ tình chủ yếu. Thơ Tế anh lúc này có sự tăng cường chất liệu hiện thực và hướng về đại chúng. Ở đó đã xuất hiện những nhân vật trữ tình mới mẻ, khoẻ khoắn, những con người bình thường trong lao động, chiến đấu: một em bé liên lạc ở Khánh Hoà, một bà má kháng chiến ở Bình Thuận, một đội võ trang tuyên truyền ở Lâm Đồng và đặc biệt hơn cả là chị phụ nữ ở Ninh Thuận. Bài thơ Người đàn bà Ninh Thuận có thể nói là sáng tác hay hơn cả
Phong cách thơ Tế Hanh 43
của Tế Hanh trong giai đoạn này, ghi lại một bước chuyển biến của Tế Hanh đi về hướng đại chúng, hướng dân tộc.
Tuy nhiên những sáng tác trong kháng chiến chống Pháp của Tế Hanh còn thiên về tính thời sự cập nhật mà ít có giá trị nghệ thuật cao. Đó cũng là một sự ấu trĩ của một quan niệm quần chúng hoá dễ dãi về văn nghệ lúc đó. Từ sau hoà bình lập lại (1954) cho tới đầu những năm 60, Tế Hanh mới viết nhiều, viết khoẻ, thơ ông đạt độ chín và có sự hoà nhập thực sự giữa cái tôi và cái ta. Một chủ đề lớn, xuyên suốt và bao trùm thơ Tế Hanh - chủ đề đấu tranh thống nhất đất nước. Nhiều tập thơ đề cập tới vấn đề này: Gửi miền Bắc, Tiếng sóng, Hai nửa yêu thương, Đi suốt bài ca… trong đó có những thi phẩm đặc sắc đi cùng năm tháng: Chiêm bao, Nhớ con sông quê hương, Vườn xưa, Em chờ anh… ở đây Tế Hanh đã tìm được sự hoà hợp nhuần nhị của hồn thơ mình với chất thơ của đời sống. Hồn thơ ông có bước tiến vượt bậc, cái tôi trữ tình của nhà thơ không còn bó hẹp trong cái riêng tư mà mở rộng hoà nhập với cuộc đời chung, chan chứa hơi ấm tình đời.
Sau cuộc đấu tranh chống đám phá hoại Nhân văn giai phẩm (1957- 1958), Đảng tiến hành giáo dục đường lối cho anh chị em văn nghệ sĩ, một số vướng mắc của văn nghệ sĩ được uốn nắn trong giai đoạn này, nhận thức tư tưởng được nâng cao lên một tầm mới. Trong tình hình ấy, Tế Hanh cho ra đời tập thơ Tiếng sóng, đánh dấu một bước chuyển biến mới nữa trong thơ ông. Tiếng sóng kết hợp được khá nhuần nhị chất tự sự và trữ tình, phần hiện thực của đời sống và hiện thực của tâm trạng. Ở đây Tế Hanh đã thể hiện một cách nhìn mới về hiện thực, hiện thực được phản ánh thông qua tâm trạng và cảm xúc sâu lắng của cái tôi nhà thơ.
Trong Tiếng sóng, Tế Hanh không chỉ viết về mình mà viết nhiều về những con người lao động với tất cả sự trìu mến thương yêu. Đó là những em thiếu nhi thà hy sinh chứ không chịu đầu hàng giặc (Cái chết của em Ái, Em trả lời), những anh thuỷ thủ tự nhận chìm tàu không để tàu sa vào tay giặc
Phong cách thơ Tế Hanh 44
(Người thuỷ thủ và con chim én), là anh Hải, chị Duyên chiến đấu hy sinh bất khuất ở miền Nam, là anh Thuỷ, chị Yên và những người lao động khác đang xây dựng cuộc sống mới trên miền Bắc…và cả những cuộc đời không tên không tuổi. Họ là những con người bình thường mà vĩ đại, họ chấp nhận những mất mát hy sinh trong lao động cũng như trong chiến đấu, họ đã “Đem máu đào giữ miếng đất thiêng liêng” và “chống chọi với thiên nhiên” để giành giật sự sống, giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc. Những con người ấy hiện lên trong tập thơ làm cho tập thơ có sức sống mới mẻ, có màu sắc khác với các tập thơ trước của Tế Hanh.
Ngoài chủ đề đấu tranh thống nhất, trong Tiếng sóng ta cũng thấy có sự mở rộng đề tài: về bạn bè quốc tế, về Đảng, ca ngợi những đổi thay của miền Bắc những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, ở đề tài nào cũng thể hiện tấm lòng chân thành và yêu mến của tác giả. Đặc biệt trong những bài thơ viết về Đảng, Tế Hanh bày tỏ tấm lòng kính yêu và biết ơn sâu sắc. Có thể nói đến
Tiếng sóng, cái tôi trữ tình Tế Hanh đã có sự mở rộng hoà nhập với cuộc đời, đã “hiểu được cả xung quanh” để hoá thân vào nhân vật trữ tình và dạt dào tiếng vọng của hai miền đất nước thương yêu:
“Như chiếc đảo bốn bề chao mặt sóng Hồn tôi vang tiếng vọng cả hai miền”
(Bài thơ tháng 7)
Trên hướng cảm xúc mới mẻ này, Tế Hanh đã nhiệt tình sống, lặng lẽ bồi đắp tâm hồn. Thơ ông do vậy ngày càng có sự mở rộng hơn về đề tài, cuộc sống và con người trong thơ ông ngày một sâu hơn, khoẻ khoắn và sôi động hơn.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, đất nước thống nhất mở ra một chặng đường mới trong thơ Tế Hanh. Sau những năm dài đằng đẵng xa quê, Tế Hanh được trở về Nam - nơi chôn rau cắt rốn của mình mà tác giả “vẫn hằng mong nhớ”. Tập thơ Giữa những ngày xuân ra đời trong
Phong cách thơ Tế Hanh 45
hoàn cảnh ấy. Có thể coi đây như một tập nhật kí bằng thơ ghi lại những cảm nhận về cảnh sắc thiên nhiên, về tâm tình con người trên con đường từ Bắc vào Nam, lúc “mình anh đi giữa núi non” cho tới khi “đến Sài Gòn, phố phường đổi mới” và nhiều nơi khác nữa.
Hồn thơ Tế Hanh nhạy cảm đến mức dễ bắt lấy vẻ đẹp của thiên nhiên, của con người ở mọi nơi, mọi lúc. Và cảm xúc chủ đạo trong Giữa những ngày xuân là niềm vui “Có phải gió đem tin thắng lợi - Nên làm sao động cả không trung”. Ta bắt gặp ở đây một không khí náo nức ít thấy ở một thời kì nào khác
“Xe cộ gánh gồng lớp lớp hồi cư Xóm dưới xóm trên bắt đầu xây dựng …
Lúa tháng ba khắp đồng vàng chín
Cá đầy thuyền biển bạc sáng như gương”
Và dưới con mắt nhà thơ, đất trời giải phóng cái gì cũng xinh đẹp. Tuy nhiên bên cạnh sự hồ hởi dâng trào trong niềm vui chiến thắng là khoảng lặng của nghĩ ngợi tâm tình: Trăng rừng, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, là những thâm trầm trong cảm xúc và giọng điệu
“Chiều nay đứng ngắm tượng Chàm Đời thơ nhớ thuở “Điêu tàn” bạn ơi Nghĩ mình xuôi ngược khắp nơi
Mà trông tượng vẫn nụ cười nghìn năm.”
(Tượng Chàm)
Rõ ràng đã có sự phong phú hơn, đa dạng hơn trong cảm xúc, trong cái tôi trữ tình của nhà thơ
Tế Hanh là một người sáng tác bền bỉ và đều đặn. Sau Giữa những ngày xuân, dòng sông thơ Tế Hanh vẫn tiếp tục tuôn chảy với Con đường và dòng sông (1980), Bài ca sự sống(1985). Điều dễ nhận thấy là ở các tập thơ này, Tế
Phong cách thơ Tế Hanh 46
Hanh cố gắng vươn tới bao quát nhiều mặt, nhiều vấn đề của đời sống xã hội, đồng thời thể hiện cả phần riêng tư cảm động của mình. Tâm hồn nhà thơ hoà nhập với bước đi của nhân dân, đất nước…Ông nhìn sâu vào văn hoá, lịch sử và chiêm ngưỡng những danh nhân văn hoá dân tộc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu và Trần Tế Xương (Tặng sáu nhà thơ lớn của dân tộc), ngưỡng vọng trân trọng những tài năng lớn của nhân loại, thăm nghĩa trang danh nhân ở Mạc Tư Khoa, suy nghĩ về Trường Sơn, về con đường mang tên Bác (Trường Sơn), ca ngợi lòng yêu nước, trí dũng cảm (Chuyện ba thiếu niên), hào hứng với những đổi mới ở quê hương. Nhiều bài thơ hay của Tế Hanh về chủ đề sông biển: Ông lão đánh cá, Cây vối, Biển, Bài thơ mới về con sông xưa. Đặc biệt ở giaiđoạn này thơ Tế Hanh đã đạt đến độ trầm tĩnh ở mảng thơ tự biểu hiện mình. Ông nghĩ nhiều về đời, về thơ, về bản thân mình nhưng không phải trong sự cách biệt như trước Cách mạng tháng Tám. Sự từng trải cộng với xúc cảm đã đưa những suy nghĩ của nhà thơ chìm sâu hơn vào lòng thương mến cuộc đời. Trong thời gian này, Tế Hanh bị bệnh mắt nặng nhưng trái tim ông lại thắm thiết, gắn bó hơn với cuộc đời, bởi thế thơ ông vươn tới được nhiều vấn đề của đời sống xã hội và cả phần riêng tư cảm động của cá nhân mình. Ở giai đoạn này có thể thấy những nét mới được bổ sung hoặc khắc đậm hơn những đặc trưng vốn có trong cái tôi trữ tình của nhà thơ Tế Hanh. Sự hoà nhập thực sự giữa cái tôi và cái ta trong thơ ông cũng phù hợp với xu hướng vận động, phát triển của cái tôi trữ tình hiện đại Việt Nam trong giai đoạn này.
Về cuối đời, tuổi tác cộng với thị lực gần như hỏng hoàn toàn song Tế Hanh vẫn không ngừng sáng tạo với các tập thơ Vườn xưa, Em chờ anh, Tuyển tập thơ Tế Hanh – tập 3…Tế Hanh đã có một mùa thơ mới như mong ước của mình. Sự hoà quyện giữa tư duy triết lý và cảm xúc chân thành đã làm nên vẻ đẹp sâu lắng và sức sống bền bỉ của những bài thơ hay của Tế Hanh.
Phong cách thơ Tế Hanh 47
Con đường sáng tạo nghệ thuật của Tế Hanh là hành trình vận động của cái tôi trữ tình Tế Hanh từ cái tôi cá nhân chủ nghĩa với những tình cảm viển vông xa thực tế đến cái tôi công dân, cái tôi hiện thực hoà nhập thực sự với cái ta của cuộc đời. Tuy nhiên quá trình ấy không diễn ra một cách tự nhiên hay thuận chiều. Nhờ những cố gắng bền bỉ, liên tục trong ý thức sống “gắn liền với thời đại chúng ta”và tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, cái tôi Tế Hanh mới có sự bồi đắp theo thời gian.
Nói tới bước đường vận động thơ Tế Hanh - cái tôi trữ tình Tế Hanh, ta