CÁI TÔI CHÂN THẬT

Một phần của tài liệu Phong cách thơ tế hanh luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 25 - 30)

5. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN

1.2.2.CÁI TÔI CHÂN THẬT

“Người thơ phong vận như thơ vậy” (Hàn Mặc Tử), thơ Tế Hanh hồn hậu chân chất như con người ông, đó cũng là lối đi riêng để những thi phẩm của ông chiến lĩnh và thấm sâu vào trái tim bạn đọc

Sự chân thực của thơ Tế Hanh đã được Hoài Thanh - Hoài Chân khẳng định ngay từ đầu “Sự thành thực của thi nhân không thể ngờ được” [21, tr48]. Chế Lan Viên cũng nhận xét tinh tế “Là nhà thơ ai không sử dụng trái tim mình. Nhưng nếu người này nâng nó lên bằng tưởng tượng, tư duy, người kia chia nó ra làm nghìn mảnh nhỏ để phân tích. Nhưng nhà thơ này hiện đại hoá nó, tăng âm cho nó, Tế Hanh thích để trần…Tế Hanh có kể chuyện, có nói ý, có tả tình, có tưởng tượng, có đào sâu vào tiềm thức, có cấu trúc ngôn từ như tất cả các nhà thơ, nhưng ở anh nhạc trưởng, chỉ huy vẫn là tình cảm. Hay nói đúng hơn là tình cảm đối với ai, đối với cái gì, đối với cuộc đời” [21, tr164- 165]. Tế Hanh luôn chân thực với đời, với mình, chân thực trong cả những niềm vui nỗi buồn của cuộc đời mình. Có lẽ bởi vậy mà đọc thơ ông ta có cảm giác như những lời thủ thỉ tâm tình, thơ ông như tiếng nói của trái tim, có sao nói vậy, không uốn éo lên gân, không gò lặn cũng không hề khoa trương thi vị hoá

Ông nói về làng quê với tiếng nói của con tim, nói về đất nước cũng với tiếng nói xúc động từ con tim. Ta bắt gặp trong những vần thơ thủa hoa niên một tình yêu trong trẻo hồn nhiên Tế Hanh dành trọn cho quê hương xứ xở. Những bài thơ tiêu biểu của thời kỳ này: Lời con đường quê, Quê hương,

Phong cách thơ Tế Hanh 24

Chiếc rổ may…là những nỗi niềm tâm sự, giãi bày nói lên chân thành sự cảm thông và yêu mến của nhà thơ. Tế Hanh không giấu cả nỗi buồn - nỗi buồn thanh sạch đầy trang trải mến thương của lòng mình trước những cảnh chia lìa trên sân ga “Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu - Ngàn đời không đủ sức đi mau - Có chi vương víu trong hơi máy - Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau” (Những ngày nghỉ học)

Giàu trắc ẩn và hết sức chân thành - nét riêng của Tế Hanh từ thủa hoa niên ấy đã lưu lại, đậm dần qua từng tập thơ, từng chặng phát triển của thơ ông để tạo thành một phong cách thơ độc đáo. Vào những năm 40 của thế kỷ XX, xã hội bước vào một thời kỳ đen tối nhất, bản thân nhà thơ cũng rơi vào tình cảnh bi quan, bế tắc. Tế Hanh đã không chối từ mà ngược lại qua thơ nói lên tâm trạng thật của mình, tâm trạng của một người luẩn quẩn không ra được trong những nẻo đường của một cái tôi vừa mêng mông vừa nhỏ hẹp đầy hoài nghi buồn bã chán chường “Gió lãng mạn thổi qua buồn thế hệ - Sóng thị thành tan rã cả lòng tin” (Chùa). Cách mạng đến, Tế Hanh hồ hởi sống, hồ hởi hoà nhập với cuộc đời rộng lớn của nhân dân, nhà thơ thành thật nói lên những thay đổi trong tâm tư của chính mình “Ta là một, ta vừa là tất cả - Nhập vào đời ta sẽ thấy tôi hơn”. Kể từ đây, trái tim ông đã đập một nhịp với quê hương đất nước, tiếng thơ ông thấm đẫm, thao thiết nỗi niềm thương nhớ mênh mang và nhói buốt nỗi đau chia cắt. Những năm xa quê hương, Tế Hanh có những bài thơ cảm động: Vườn xưa, Em ở đâu, Nhớ mẹ … nói lên chân thật tấm lòng của người cán bộ miền Nam. Tình cảm của Tế Hanh thật lắm nên nỗi nhớ cũng thật cụ thể, nhớ quê hương là nhớ về khung cảnh chài lưới, nhớ một con sông, một mảnh vườn, một người mẹ tần tảo…nhớ đến tha thiết nồng nàn. Có những khi lời thơ cất lên da diết nghe như tiếng lòng ta vậy

“Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển Vẫn trở về lưu luyến bên sông”

Phong cách thơ Tế Hanh 25

(Nhớ con sông quê hương)

Một người không thật là xót đau với cảnh chia cắt của nước nhà, đứng trước bờ Hiền Lương khó mà viết được những câu thơ nồng cháy, chân thành, như lòng bị muối xát cho nước mắt trào ra như Tế Hanh:

“Sông Hiền Lương bên ấy bên này Chống cửa giơ tay chừng với tới

Bóng mái nhà ai ngả bên tây Chung một đò qua chung bến đợi

Như thế mà miền Nam miền Bắc Trăm thước vì sao rộng quá chừng Con sóng hay là dao kéo cắt

Đắng căy hạt muối lệ rưng rưng”

(Nước chảy ngang)

Và đây là niềm vui trong không khí xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc

“Bạn ơi! rót nữa cho tôi

Tôi không muốn ngủ - Núi đồi trăng trong” (Nông trường cà phê)

Lấy tình cảm làm nền gốc sáng tạo cho thơ, Tế Hanh làm người đọc rung động bởi sự chân thành đến thật thà của tác giả. Ngay trong chuyện tình yêu lứa đôi với bao tưởng tượng cao xa bay bổng, Tế Hanh vẫn nói một lời chân thật. Từ cảm nhận có phần xót xa cay đắng “Anh là con đường, em là dòng sông - Em khó hiểu như một dòng nước chảy - Anh vừa thấy em vừa không thấy - Anh nhìn em rờm rợp nỗi mênh mông” (Con đường và dòng sông) đến những nỗi buồn thấm thía trước những ngổn ngang dang dở của cuộc đời: “Anh gửi nơi em những mối tình ngày qua mà anh

không còn nữa Anh gửi nơi em những mối tình ngày mai mà anh

Phong cách thơ Tế Hanh 26

không thể có” (Văn xuôi cho em)

Ở đây Tế Hanh đã nói tình thực tiếng nói của một con tim biết xúc động yêu thương, từng yêu tha thiết đến si mê “Anh theo các phố đó đây - Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em” (Hà Nội vắng em), từng khắc khoải đợi chờ mong nhớ “Con chim én đã về nam - Giục anh trở lại cầm bàn tay em” (Nhớ về Hà Nội hôm nay), từng hạnh phúc trong những giờ phút gặp gỡ ngắn ngủi trong Bữa cơm sơ tán và xót xa bởi cái tất yếu của cuộc đời, của tình yêu

“Em không thể mãi là em

Dẫu anh còn mãi cái nhìn ngày xưa” (Cái nhìn)

Quý vô vàn cái tình chân thành nơi Tế Hanh, ta còn bắt gặp trong thơ ông tấm lòng đầy yêu thương của một người con hiếu thảo: Chiếc rổ may, Bên mồ mẹ, Nghe tin cha mất…Con người ấy cũng là một người cha đôn hậu giàu yêu thương. Tế Hanh nhỡ đánh con một thước nhỏ để rồi hối hận trước tình trẻ chân thành: “Sao ba lại đánh em?”. Tế Hanh chăn con trên vườn hoa thống nhất:

“Cha dặn con đừng đi xa quá Đừng băng trên cỏ, đứng bên hồ”

(Chăn con)

Vốn chân thật trong giãi bày tình cảm, Tế Hanh khi đi vào cõi riêng tư nhất của lòng mình cũng không hề giấu diếm phần sâu thẳm nhất của riêng ông

Sự kiện trong đời xảy ra: đôi mắt đẹp và nồng ấm, đôi mắt sáng trong khép lại để lại phía trước một khoảng mờ tối dần. Hồn thơ lắng vào bên trong, Tế Hanh bắt đầu cảm thấy cô đơn. Vốn là một hồn thơ chân thật, lúc này nhà thơ càng chân thật hơn bao giờ hết. Trong bài thơ Tình yêu của sách, ông đã nói lên cái thật của cuộc đời bằng cái thật của lòng mình

Phong cách thơ Tế Hanh 27 (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

“Sách ơi! tình yêu đẹp nhưng không bền nhỉ Ốm đau nhiều đôi lúc bạn bè xa

Chỉ còn sách, một niềm chung thuỷ Sách chẳng bao giờ nỡ bỏ ta”

(Tình yêu của sách)

Con người Tế Hanh sống bằng tình cảm. Nhà thơ không ngại mở lòng cảm thông với tất cả thế giới xung quanh. Dễ đồng cảm, dễ tin yêu nên Tế Hanh cũng mong muốn đáp lại tình cảm đó một cách chân thành. Có lẽ vì vậy mà nhà thơ dễ cảm thấy cô đơn nhất là vào những lúc trống trải khi đau ốm. Ông thổ lộ với người yêu một cách thật thà đến tội nghiệp:

“Anh trong đau ốm gặp em Em ơi! đối xử dịu hiền với anh

Ngày mai, khỏi bệnh. Trời xanh Câu thơ đẹp nhất anh dành tặng em”

(Anh trong đau ốm gặp em)

Chất chân thực, thật thà là một mạch trong thơ Tế Hanh, phẩm chất ấy không cũ đi với thời gian. Chặng đường cuối của cuộc đời và sáng tác, là nhà thơ ai chẳng muốn nhìn lại tổng kết cuộc đời mình. Cái đáng yêu ở Tế Hanh là ông không giấu diếm những lúng túng, bất lực khi phải làm cái việc tổng kết phiền phức ấy

“Đời tôi thực hay mộng Đời tôi buồn hay vui” và nhà thơ đã tránh câu trả lời khi viết rằng:

“Đời tôi là cuộc sống Đời tôi là đời tôi”

(Viết sinh nhật 60)

Cuộc đời là vậy, dù sướng vui hay đau khổ thế nào thì nó đã là vậy, là cuộc sống với vô vàn những thanh âm và màu sắc, là của riêng mỗi người

Phong cách thơ Tế Hanh 28

không hề trộn lẫn, không thể lập lại. Tác giả đã sống, đã yêu, đã trải nghiệm với tất cả lòng mình. Để rồi mỗi khi ngoái lại quá khứ, ngoái lại khoảng thời gian đã qua không khỏi những xao động, bâng khuâng

“Những ngày buồn nghĩ lại thấy vui vui Những ngày vui sao lại thấy ngùi ngùi”

(Bài thơ tình ở Hàng Châu)

Phải nói rằng Tế Hanh đã viết về những gì ông sống và cảm xúc thật lòng. Trên những trang thơ của ông, ta cảm nhận sâu sắc tấm lòng ưu ái chân tình của nhà thơ với cuộc sống, với con người, không ồn ào mãnh liệt mà đôn hậu. Sự thắm thiết của con tim, sự chân thành của tình cảm khiến thơ Tế Hanh gần gũi và dễ đồng cảm. Nét chân thật nổi bật trong thơ ông như một phong cách thơ độc đáo. Điều đó giải thích vì sao có nhiều bài thơ độc đáo, ý thơ suy nghĩ kỳ lạ sâu sắc hơn Tế Hanh nhưng độc giả không nhớ bằng thơ Tế Hanh. Có những bài Tế Hanh ý khá bình thường nhưng đọc xong vẫn thấy cảm động, vì tác giả tả sự thực rung động trong cái bình thường ấy

Ai đó đã nói rằng cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim, mời gọi những tâm hồn đồng điệu. Hơn ai hết, sự chân thành đã, đang và sẽ làm nên sức sống, sức bền của những vần thơ tha thiết của Tế Hanh. Với sự chân thành từ trong bản chất, thơ ông không đi đường vòng mà chọn con đường đi thẳng vào trái tim người đọc

Một phần của tài liệu Phong cách thơ tế hanh luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 25 - 30)