Tài nguyên nhân văn

Một phần của tài liệu Phát triển loại hình du lịch homestay tại đảo bình ba thành phố cam ranh (Trang 44 - 48)

a) Các di tích lịch sử - cách mạng

Hòn Cò: Hòn Cò nằm ở phía đông, bên cạnh là Bãi Chướng, với độ cao 200m so với mặt nước biển, từ đây có thể quan sát toàn bộ tàu thuyền ra vào vịnh từ biển đông vào đảo và từ cảng Cam Ranh ra đảo.

Bởi tính chất và vị trí độc đáo này giữa năm 1939, Pháp thực hiện một số chủ trương nhằm xây dựng Cam Ranh thành căn cứ hải quân lớn trong kế hoạch “phòng thủ chung” ở Đông Dương. Và Hòn Cò được chúng chọn là nơi để thực hiện ý đồ ấy. Năm 1940, phát xít Nhật vào Đông Dương và gửi tối hậu thư cho Pháp đòi kiểm soát các căn cứ hải quân, trong đó có cảng và vịnh Cam Ranh. Đến năm 1942, Nhật thực sự đã độc chiếm cảng và vịnh Cam Ranh. Chúng xây dựng nơi đây thành căn cứ và trở thành một trong những bàn đạp để Nhật đánh chiếm các thuộc địa của Anh, Mỹ ở Thái Bình Dương.

Năm 1944, cùng với việc đưa quân chiếm đóng các tỉnh miền Nam nước ta, đảo Bình Ba ở Cam Ranh trở thành trụ sở Bộ tư lệnh miền Nam Đông Dương của Nhật. Một lần nữa Hòn Cò đã trở thành khu căn cứ quân sự quan trọng để chúng kiểm soát toàn bộ tàu thuyền ra vào cảng.

Từ dưới chân núi, mất khoảng 30 phút đi bộ để lên tới đỉnh Hòn Cò. Ngày nay, công trình đường bộ xuyên đảo đã hoàn thành vì vậy chúng ta có thể đi bằng xe máy lên tới đỉnh chỉ mất khoảng 10 phút.

Đường hầm xuyên núi: là một công trình quân sự được Pháp bố trí bằng

hầm xuyên đảo nối thông 4 hướng Đông Tây Nam Bắc và đầu ra là đỉnh các hướng của ngọn núi, từ đây chúng có thể quan sát toàn bộ vùng lãnh hải quan trọng này.

Càng đi vào sâu bên trong, không khí trở nên mát lạnh. Thông qua đường hầm du khách có thể qua được mặt bên kia đảo do vậy đường hầm cũng chính là sợi dây huyết mạch dẫn đến các trận địa pháo gồm 5 ụ súng khổng lồ quay các hướng, chứng minh sức mạnh và tội ác của địch trong chiến tranh.

Tháp lô cốt của người Pháp: ngoài hệ thống đường hầm xuyên đảo được

đúc kiên cố bằng pê tông là hệ thống các phòng, đồn, bốt đã phủ rêu xanh nhưng hầu như còn nguyên vẹn, được xây dựng thế kỉ 19.

Bệ đỡ súng thần công: Trên đỉnh hòn cò là trận địa pháo với khẩu súng thần

công có bán kính 20mm quay được các hướng để bắn. Theo lời kể lại của các cụ bô lảo khẩu thần công này có thể bắn xa đến tận Phan Rang.

b) Các di tích lịch sử văn hóa - lễ hội

Đình Bình Ba xã Cam Bình: Đình làng Bình Ba có từ thế kỉ 19, ban đầu đặt

tại bãi Vè (phía Tây Bắc đảo) sau đó được dời vào vị trí trung tâm đảo như hiện nay. Đình làng hiện nay được xây dựng trên 200 năm, thờ chư vị tiền hiền, có công lập làng đầu tiên là cụ Nguyễn Phụng cùng hậu hiền là cụ Phan Bạc.Theo dòng lịch sử, Đình làng Bình Ba thuộc thôn Bình Ba, Huyện Vĩnh Xương đã được 4 lần sắc phong ấn vua.

Đình Bình Ba đã trải qua nhiều lần trùng tu, lần gần đây nhất là vào năm 2009. Kiến trúc của đình, cũng như kiến trúc các đình khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đình Bình Ba bao gồm: Nghi môn, Án phong, Võ ca, sân đình, tiền tế Hậu tế, Miếu Thanh minh. Qua đó, có thể thấy Đình làng Bình Ba đã có bề dày lịch sử, ngày 14 tháng 10 năm 2011 UBND Tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định xếp hạng Đình Bình Ba là di tích lịch sử - văn hóa cấp Tỉnh.

Lăng Nam Hải Bình: Lăng được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII, là cơ sở

tính ngưỡng của ngư dân đảo với tục thờ Cá Ông (còn gọi là Cá Voi). Lúc bấy giờ người dân trên đảo sống bằng nghề chài lưới nên sùng bái loài cá voi gọi là “Ông Nam Hải”. Vào khoảng năm 1825, xác một cá voi lớn (Ông Nam Hải) trôi dạt vào

bờ, ngay trước miếu lăng, ngư dân làm lễ rước ông vào miếu và lập lăng để thờ cúng cho đến ngày nay. Năm 1851 nhân dân Bình Ba, cùng với lăng ông Nam Hải được vua Tự Đức sắc phong “Nam Hải cự tộc tướng quân”.

Lăng Nam Hải nay đã trùng tu khang trang, miếu Nam Hải vẫn lưu giữ đầy đủ các hiện vật được người dân thờ cúng từ xưa như gươm, đao, mão, nón và 17 chiếc rương lớn, nhỏ bên trong đựng hài cốt cá voi, ngư dân làm lễ rước ông vào miếu và người dân đã chọn vị trí đất tương đối bằng phẳng ngay trong khu vực dân cư, mặt chính quay ra biển, để thờ “Ông” như thể hiện sự quan sát của vị thần này để bảo hộ dân làng mỗi khi có tàu thuyền ra khơi. Lăng Ông Nam Hải Bình Ba lễ vía Ông vào ngày 20/7 hàng năm.

Hiện tại lăng Ông Nam Hải còn lưu giử 05 sắc phong thời Nguyễn ban tặng. Với những giá trị văn hóa mà ngư dân xã đảo Bình Ba còn lưu giữ, năm 2005 lăng Ông Nam Hải được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận di tích là di tích cấp tỉnh, loại hình di tích lịch sử văn hóa.

Chùa Bình Tịnh là ngôi chùa lâu đời nhất trên đảo Bình Ba, cùng với Tịnh

Thất Ngọc Gia Hương (thường xuyên khóa cửa), Điện Quan Âm, Điện Địa Tạng là nơi linh thiêng của người dân trên đảo và thu hút nhiều khách du lịch đến đây.

Lễ hội cầu ngư trên đảo Bình Ba (hay còn gọi Lể hội Nginh Ông): là hình

thức tín ngưỡng sùng bái, thờ cúng cá Ông rất phổ biến và là hoạt động tín ngưỡng dân gian không thể thiếu của ngư dân sống ven biển. Theo bà con ngư dân, cá Ông là một vị thần biển thường xuất hiện cứu vớt kịp thời những người bị nạn trên biển.

Tại đây “lễ hội cầu ngư” được diễn ra tại Bình Ba với các nghi lễ: hò Bá trạo, cúng mở cửa lăng, cúng Ông nhỏ, cúng Cô nhập... Lễ hội tổ chức trong không khí trang nghiêm, đậm đà bản sắc văn hóa vùng, miền. Đặc biệt hơn, cứ 3 năm lại đáo lễ Hát Bội một lần để phục vụ bà con nhân dân thưởng thức sau những ngày lao động vất vả. Đây cũng là dịp để dân làng gặp gỡ những người con xa quê hương trở về tụ họp, chung vui trong ngày hội làng và để mọi người thắp nén nhang tỏ lòng thành kính "Uống nước nhớ nguồn" đối với Thần Nam Hải, Thành hoàng, Tiền hiền và Hậu hiền - những vị thần hay người có công trạng bảo vệ dân làng, phù hộ ngư

dân làm ăn sinh sống. Đó là nét lưu truyền đã thấu vào máu thịt của con cháu đất này, họ xem “Lễ hội cầu ngư” chính là dịp để cầu cho “Quốc thái dân an”, mưa thuận gió hòa, ra khơi bám biển.

Theo năm theo mùa thường là lễ hội diễn ra ngày 12.7 âm lịch (của năm chẵn). Lễ tế thường diễn ra trong 02 ngày. Ngày đầu, người ta tổ chức bày trí trần thiết trong lăng, đến tối thì tiến hành cúng lễ túc (lễ cáo yết hay lễ tiên thường). Ngày thứ hai, tổ chức lễ nghinh thần (Nghinh Ông).

Sau lễ cầu ngư, ngư dân thường tổ chức các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí như đua thuyền, lắc thúng chai, kéo co,…Mục đích chính của lễ hội cầu ngư và hát bá trạo là nhân lúc trước khi ra khơi, người ta tổ chức cúng ông Nam Hải và chư thần để cầu mong làng xóm bình yên, những người ra khơi được thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều hải sản.

Lễ hội Xuân Kỳ: Hàng năm mỗi độ xuân về, ngư dân trên đảo tổ chức lễ hội

Xuân kỳ vào ngày 23/3 âm lịch với những hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ bà con sau những ngày lao động vất vả. Trong đó hát Bội là một trong những nội dung của phần hội được bà con xã đảo yêu thích và mong đợi.

Qua đó, có thể thấy Đảo Bình Ba hiện nay có nhiều công trình kiến trúc được xếp vào loại hình di tích nghệ thuật, đặc biệt kể đến là lăng Nam Hải Bình Ba và đình Bình Ba. Đây là những di tích có lối kiến trúc phong nhã, mang đậm nét văn hóa thuần Việt, có những họa tiết hoa văn sinh động với "Lưỡng Long", "Rồng chầu - Phượng múa"... Đặc biệt, trên các bờ nóc, bờ dải có những hoa văn đặc thù của lăng Ông - nơi thờ cúng Cá Voi của ngư dân ven biển Miền Trung. Bên cạnh đó, là những lễ hội và các phong tục mang đậm chất nét riêng độc đáo của người dân vùng biển đảo và thu hút đông đảo quần chúng và khách du lịch tích cực tham gia đó là sẽ là những điểm nổi bật và đặc sắc cho sự phát triển của du lịch homestay tại đảo.

c) Các di tích khảo cổ

Theo các nhà khảo cổ học thì hòn đảo này có người ở từ đời Chiêm Thành (di chỉ khảo cổ được phát hiện năm 1990 tại Cam Bình), tùy táng sơ đồ bằng đất nung, di chỉ có niên đại thuộc văn hóa khảo cổ học Sa huỳnh. Và cũng ảnh hưởng

và có liên quan đến Di chỉ khảo cổ học Hòa Diêm (xã Cam Thịnh Đông, Cam Ranh) - cách di chỉ Xóm Cồn khoảng 5km về phía Nam - được khai quật lần đầu tiên vào tháng 4 - 1998, và sau đó lần thứ hai vào tháng 4 - 2002. Hàng chục mộ chum, hàng ngàn tiêu bản gốm cùng nhiều di vật bằng đá, đồng, sắt, thủy tinh, mã não… có niên đại từ 2000 - 2500 năm cách ngày nay đã được tìm thấy. Kết quả thu được tại Hòa Diêm cho thấy đây là một di chỉ cư trú xen lẫn mộ táng. Những đặc điểm về di vật ở đây phản ánh sự tiếp nối văn hóa với một số truyền thống từ Xóm Cồn trong sự phát triển lên giai đoạn Sa Huỳnh sau này ở Khánh Hòa. Nơi đây có rất nhiều di tích khảo cổ khác và di tích khảo cổ Hòa Diêm được công nhận là di tích khảo cổ cấp quốc gia có giá trị đặc biệt về mặt khoa học. Nó chứa đựng những nét đặc trưng về khu cư trú của cư dân thời tiền sơ sử, cũng như hình thức mộ táng của những cư dân này và có nhiều vết tích cũng như những di tích mà các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu trên hòn đảo này (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Một phần của tài liệu Phát triển loại hình du lịch homestay tại đảo bình ba thành phố cam ranh (Trang 44 - 48)