Giai đoạn trước năm 1993

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người nông dân khi nhà nước thu hồi đất để phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế ở việt nam hiện nay (Trang 39 - 40)

Khi Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, chính quyền đã về tay nhân dân nhưng đất nước ta phải trải qua 9 năm kháng chiến. Để phát huy sức mạnh của cả dân tộc, Đảng chủ trương hạn chế sự bóc lột tô thuế nặng nề của địa chủ, phú nông đối với nông dân bằng cách ban hành chủ trương “giảm tô giảm tức”. Đem ruộng đất công chia cho dân nghèo, ruộng đất thu được của Việt gian, phản động đem tạm cấp cho nông dân. Nhờ mang lại ruộng đất cho nông dân và thực hiện chính sách giảm tô đã bước đầu xoá bỏ hình thức bóc lột phong kiến, làm cho người nông dân tin tưởng đi theo cách mạng đưa đến thắng lợi to lớn sau 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Năm 1953, nước ta thực hiện triệt để cải cách ruộng đất với khẩu hiệu “người cày có ruộng” và Luật Cải cách ruộng đất được ban hành với mục tiêu xoá bỏ triệt để chiếm hữu ruộng đất và bóc lột phong kiến, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của người nông dân. Tại văn bản luật này, lần đầu tiên Nhà nước ta quy định về tịch thu, trưng thu, trưng mua ruộng đất cụ thể là: Tịch thu, trưng thu, trưng mua ruộng đất của địa chủ và phản động (có phân biệt đối với địa chủ kháng chiến – trưng mua, địa chủ thường – trưng thu) và vẫn để lại một phần ruộng đất cho địa chủ.

Ngày 14/4/1959, Nghị định 151 được Chính phủ ban hành quy định về thể lệ tạm thời trưng dụng ruộng đất. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên liên quan đến việc đền bù và tái định cư ở Việt Nam. Ngày 6/7/1959, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên bộ số 1424 về việc thi hành Nghị định số 151 của Chính phủ quy định thể lệ tạm thời về trưng dụng ruộng đất để làm địa điểm xây dựng các công trình kiến thiết cơ bản. Trong đó, mức đền bù và cách tính đền bù được quy định như sau: Việc đền bù thiệt hại do lấy đất gây nên phải bồi thường hai khoản: (i) Về đất thì bồi thường 1 – 4 năm sản lượng thường niên của ruộng đất bị trưng thu; (ii) Đối với hoa màu thì được bồi thường đúng mức; (iii) Đối với nhà của, vật kiến trúc và các công trình phục vụ sinh hoạt được giúp đỡ xây dựng cái khác. Ngoài ra, mồ mả thì căn cứ vào tình hình cụ thể về phong tục tập quán của địa phương mà giúp cho họ một số tiền làm phí tổn di chuyển.

Ngày 31/05/1990, Hội đồng bộ trưởng ban hành Quyết định số 186 về việc đền bù thiệt hại đất nông nghiệp, đất có rừng khi bị chuyển sang sử dụng vào mục đích khác. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp, đất rừng để sử dụng vào mục đích khác thì phải bồi thường về đất cho Nhà nước. Khoản tiền này được nộp vào ngân sách nhà nước và được sử dụng vào việc khai hoang, phục hoá, trồng rừng, cải tạo đất nông nghiệp, ổn định cuộc sống định canh, định cư cho vùng bị lấy đất. Trong thời kỳ này, vấn đề thu hồi đất đã được pháp luật quy định nhưng quy định của pháp luật còn mang tính khái quát chưa cụ thể.

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người nông dân khi nhà nước thu hồi đất để phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế ở việt nam hiện nay (Trang 39 - 40)