Ngân hàng liên doanh được thành lập do sự liên doanh, hợp tác giữa Bên Việt Nam (gồm một hoặc nhiều ngân hàng Việt Nam) và Bên nước ngoài (gồm một hoặc nhiều ngân hàng nước ngoài) nên ngân hàng liên doanh phải có một bộ máy quản lý chung theo cơ chế cùng góp vốn, cùng quản lý kinh doanh…Như vậy, mô hình quản trị, điều hành của ngân hàng liên doanh gồm có: Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc.
Hội đồng quản trị là cơ quan lãnh đạo cao nhất, có thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của ngân hàng liên doanh. Hội đồng quản trị có tối thiểu là 3 thành viên gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thành viên. Số lượng thành viên Hội đồng quản trị do các bên tham gia liên doanh quyết định trên cơ sở số vốn góp của Bên nước ngoài và Bên Việt Nam trong ngân hàng liên doanh, và theo nguyên tắc: Nếu liên doanh có 2 bên thì mỗi bên có ít nhất 2 thành viên Hội đồng quản trị; nếu liên doanh có nhiều bên thì mỗi bên có ít nhất một thành viên Hội đồng quản trị; nếu liên doanh có nhiều bên mà chỉ có một bên Việt Nam hoặc một bên nước ngoài thì bên đó ít nhất có 2 thành viên Hội đồng quản trị. Thành viên Hội đồng quản trị là những người có uy tín, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết về hoạt động ngân hàng và không thuộc các đối tượng quy định tại Điều 40 Luật các TCTD. Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị không quá 5 năm.
Đứng đầu Hội đồng quản trị là Chủ tịch Hội đồng quản trị do các bên liên doanh thoả thuận cử ra và phải được Thống đốc Ngân hàng nhà nước chuẩn y. Chủ tịch Hội đồng quản trị không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc) hoặc Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) của ngân hàng liên doanh và không
được phép tham gia quản trị hoặc điều hành tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của ngân hàng liên doanh.
Như vậy, Hội đồng quản trị đại diện cho những chủ sở hữu là các bên ngân hàng tham gia liên doanh, chịu trách nhiệm quản lý tài sản và hoạt động kinh doanh của ngân hàng liên doanh.
Ngân hàng liên doanh được đặt dưới quyền điều hành của Tổng giám đốc (Giám đốc). Tổng giám đốc (Giám đốc) là người đại diện theo pháp luật của ngân hàng liên doanh (trừ trường hợp Điều lệ ngân hàng liên doanh có quy định khác), chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị. Tổng giám đốc (Giám đốc) của ngân hàng liên doanh không kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc (Giám đốc) hoặc chủ tịch Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng khác (trừ trường hợp đó là công ty con của ngân hàng liên doanh)
Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) của ngân hàng liên doanh phải đáp ứng các tiêu chuẩn:
- Phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm; Tổng giám đốc (Giám đốc) ngân hàng liên doanh không bắt buộc phải là công dân Việt Nam, nhưng phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm. Việc quy định Tổng giám đốc (Giám đốc) có thể là người nước ngoài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phía Việt Nam học tập kinh nghiệm quản lý và nghệ thuật kinh doanh tiên tiến.
- Có trình độ chuyên môn, năng lực điều hành một tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong hoạt động kinh doanh, “ người chèo lái” là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành bại. Hơn nữa, hoạt động kinh doanh ngân hàng là một hoạt động kinh doanh phức tạp, chứa đựng nhiều rủi do nên đòi hỏi người quản trị phải có chuyên môn cao. Đây là một điều kiện đảm bảo cho hoạt động của ngân hàng liên doanh an toàn, hiệu quả.
Nhận thức được sâu sắc vai trò của người quản trị, pháp luật quy định những người sau đây không được bầu vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát
hoặc bổ nhiệm là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc):
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Đã bị kết án về các tội phạm nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, các tội nghiêm trọng xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa, sở hữu của công dân, các tội phạm nghiêm trọng về kinh tế;
- Đã bị kết án về các tội phạm khác mà chưa được xoá án;
- Đã từng là thành viên Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc (Giám đốc) của một công ty đã bị phá sản, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật về phá sản;
- Đã từng là đại diện theo pháp luật của một công ty bị đình chỉ hoạt động do vi phạm pháp luật nghiêm trọng (Điều 40 Luật các TCTD)
Ban kiểm soát của ngân hàng liên doanh hoạt động theo quy định của Luật các TCTD, có nhiệm vụ kiểm tra hoạt động tài chính, giám sát việc chấp hành chế độ hạch toán, sự an toàn trong hoạt động của ngân hàng liên doanh, thực hiện kiểm toán nội bộ hoạt động từng thời kỳ, từng lĩnh vực nhằm đánh giá chính xác hoạt động kinh doanh và thực trạng tài chính của ngân hàng liên doanh. Ban kiểm soát của ngân hàng liên doanh có tối thiểu 3 thành viên, trong đó phải có một người là Trưởng ban và ít nhất một nửa số thành viên là chuyên trách. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 3 thành viên thì tối thiểu phải có 1 thành viên chuyên trách. Thành viên Ban kiểm soát phải đáp ứng được các yêu cầu về trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Ban kiểm soát có bộ phận giúp việc và được sử dụng hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ của ngân hàng liên doanh để thực hiện các nhiệm vụ của mình.
Từ những phân tích trên cho thấy, những quy định của pháp luật Việt Nam về mô hình quản trị, điều hành ngân hàng liên doanh vừa đảm bảo nguyên tắc dân chủ, quyết định theo đa số của ngân hàng liên doanh, vừa đảm bảo sự chủ động cần thiết trong quyết định của người quản trị, điều hành. Việc hình thành các cơ quan quản lý của ngân hàng liên doanh do tính chất sở hữu vốn
điều lệ trong ngân hàng liên doanh quy định. Nhân sự trong bộ máy quản lý của ngân hàng liên doanh được pháp luật quy định có những khác biệt so với các loại hình doanh nghiệp khác.