Quy chế pháp lý kiểm soát đặc biệt, phá sản ngân hàng liên doanh

Một phần của tài liệu thực tiễn hoạt động của ngân hàng liên doanh và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động của ngân hàng liên doanh ở Việt Nam (Trang 29 - 30)

Quy chế pháp lý về kiểm soát đặc biệt

Các đặc thù dẫn đến rủi ro trong hoạt động ngân hàng là lý do khách quan để Nhà nước tăng cường điều chỉnh hoạt động ngân hàng thông qua các chế định đặc trưng như kiểm soát đặc biệt…Quy chế kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng được quy định thành một mục tại chương V Luật các TCTD. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của quy chế kiểm soát đặc biệt đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo Điều 92 Luật các TCTD, kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán. Theo đó, ngân hàng liên doanh có thể được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong những trường hợp sau: Có nguy cơ mất khả năng chi trả; Nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ mất khả năng thanh toán; Khi số lỗ luỹ kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% tổng số vốn điều lệ thực có và các quỹ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra quyết định đặt ngân hàng liên doanh vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Ban kiểm soát đặc biệt có nhiệm vụ chỉ đạo Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) ngân hàng liên doanh được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án củng cố tổ chức và hoạt động; chỉ đạo và giám sát việc triển khai các giải pháp nêu trong phương án củng cố ngân hàng liên doanh đã được Ban kiểm soát đặc biệt thông qua; báo cáo Ngân hàng Nhà nước về tình hình hoạt động, kết quả thực hiện phương án củng cố ngân hàng liên doanh. Đồng thời, Luật cũng quy định trách nhiệm của ngân hàng liên doanh được kiểm soát đặc biệt, khoản vay đặc biệt, trường hợp kết thúc kiểm soát đặc biệt.

Mục đích của việc kiểm soát đặc biệt là đưa ra các biện pháp cần thiết đối với ngân hàng liên doanh bị kiểm soát nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền

và giúp ngân hàng liên doanh khôi phục lại các hoạt động thông thường của ngân hàng. Do vậy pháp luật các nước như Trung Quốc, Pháp… đều quan tâm đến vấn đề này nhưng tuỳ thuộc vào những điều kiện cụ thể mà có các quy định khác nhau.

Phá sản

Theo quy định của Luật phá sản năm 2005, doanh nghiệp thuộc mọi hình thức sở hữu được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, khi lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật phá sản. Ngoài ra, Điều 98 Luật các TCTD quy định: “ Sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản về việc không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của tổ chức tín dụng mà tổ chức tín dụng đó vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, thì có thể bị Toà án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.” Tuy nhiên, theo Nghị định 67/2006/NĐ-CP ngày 11/7/2006 hướng dẫn việc áp dụng Luật phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt thì do tính chất đặc thù của ngân hàng liên doanh nên ngân hàng liên doanh không tiến hành phá sản theo thủ tục thông thường tại Nghị định này mà thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ. Nhưng hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về thủ tục phá sản đối với ngân hàng liên doanh. Đây là một vướng mắc cần phải giải quyết nhanh chóng để tạo ra hành lang pháp lý hoàn chỉnh điều chỉnh hoạt động của ngân hàng liên doanh.

Một phần của tài liệu thực tiễn hoạt động của ngân hàng liên doanh và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động của ngân hàng liên doanh ở Việt Nam (Trang 29 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(73 trang)
w